Ngăn chặn “hàng nóng” trôi nổi
Ở địa bàn tỉnh Bình Dương, tội phạm sử dụng “hàng nóng” để giải quyết mâu thuẫn, cướp tài sản, đòi nợ thuê... khá phức tạp trong những năm gần đây. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra hàng chục vụ án liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (VKQD). Trong số này có 2 chuyên án được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Chế súng trong vườn chuối
Hai chuyên án mà thành tích khám phá được Bộ Công an khen thưởng là vụ Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1991, quê Đồng Nai) thuê căn nhà nằm trong khu vườn chuối thuộc huyện Định Quán (Đồng Nai) để chế tạo súng. Căn nhà Hiếu thuê nằm cách đường lớn hơn 20km, chỉ có một tuyến đường độc đạo. Hiếu bố trí người cảnh giới nhiều nơi trên tuyến đường này, khi có người lạ xuất hiện sẽ điện báo cho Hiếu và y sẽ lẩn trốn vào khu vườn chuối bạt ngàn. Sau khi chế tạo hoàn chỉnh một số khẩu súng, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 Hiếu đã sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, chào bán công khai và được một đối tượng ở nhiều tỉnh, thành đặt mua.
Sau thời gian theo dõi, tháng 1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai lực lượng bắt giữ Hiếu cùng đồng bọn, thu giữ 5 khẩu súng, 99 viên đạn và nhiều đồ vật, dụng cụ, linh kiện để chế tạo, lắp ráp súng.
Hiếu là một trong những đối tượng có liên quan đến đường dây tàng trữ, sử dụng, mua bán, trái phép VKQD do Đặng Duy Tân cầm đầu, bị Cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào tháng 9/2023 tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan công an đã bắt giữ tổng cộng 5 đối tượng, thu giữ 8 khẩu súng, 153 viên đạn các loại và nhiều dụng cụ chế tạo súng.
Chuyên án thứ hai cũng do Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương khám phá là đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép VKQD với 3 đối tượng bị bắt gồm: Phạm Hồng Sơn (sinh năm 2004), Nguyễn Văn Mến (sinh năm 1993) và Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 2005) cùng ngụ tỉnh Bình Dương. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 8 khẩu súng, 41 viên đạn cùng nhiều bộ phận, thiết bị, công cụ dùng để chế tạo súng.
Kết quả điều tra được biết, Phạm Hồng Sơn là đối tượng chuyên chế tạo súng, sau đó đăng lên các trang mạng xã hội để rao bán cho các đối tượng khác; Nguyễn Văn Mến có nhiệm vụ làm shipper giao súng cho Sơn, còn Nguyễn Minh Tuấn mua súng về để tàng trữ, sử dụng.
Cùng với Phòng An ninh điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cũng đã nắm bắt tình hình thực tế và trên không gian mạng, thời gian vừa qua đã phát hiện và triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm mua bán súng với quy mô lớn. Nổi cộm trong số nay là chuyên án triệt phá băng nhóm mua bán VKQD tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh do đối tượng Phạm Văn Minh (sinh năm 2004, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.
Trong một lần trinh sát đang đeo bám đối tượng Minh tại nhà của y ở quận Tân Phú thì phát hiện Minh di chuyển từ nhà về hướng tỉnh Bình Dương. Quá trình di chuyển đối tượng nhiều lần đi vào hẻm vắng nhằm “cắt đuôi” những ai theo dõi mình. Khi đến khu vực phường Thuận Giao (TP Thuận An, Bình Dương), do nghi ngờ có người theo dõi nên Minh đang di chuyển với tốc độ cao thì bất ngờ thắng gấp rồi quẹo vào một hẻm cụt trên đường Thuận Giao 9 và ở luôn trong đó để chờ động tĩnh. Thời cơ đến, khoảng 14h45 ngày 24/3/2023, tổ công tác gồm Phòng CSHS, Phòng CSGT và Công an thị xã Tân Uyên đã bắt quả tang Minh đang cất giữ trong người 2 khẩu súng kiểu rulo.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an thu giữ thêm 14 khẩu súng kiểu dáng rulo, 300 viên đạn bằng kim loại màu đồng, đầu đạn bằng kim loại màu đen và nhiều dụng cụ dùng để chế tạo súng. Từ lời khai của Minh, Cơ quan điều tra bắt giữ Lâm Tấn Thịnh (sinh năm 1995, ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh) là đồng bọn của Minh. Khám xét nơi ở của Thịnh, Cơ quan công an thu giữ 1 khẩu súng dài bằng kim loại được chế tạo để bắn loại đạn thể thao, 1 khẩu súng dài bằng kim loại kiểu dáng PCP, 17 khẩu súng ngắn loại rulo ổ xoay và hơn 350 viên đạn thể thao cùng nhiều dụng cụ dùng để chế tạo súng.
Tại cơ quan Công an, Minh khai, sau khi chế tạo súng hoàn chỉnh, Minh rao bán trên mạng xã hội Facebook để tìm người mua. Minh thừa nhận đã nhiều lần giao súng trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho những đối tượng lạ mặt. Còn đối tượng Lâm Tấn Thịnh chuyên nhận thực hiện sơn súng cho Minh để nhận tiền công, đồng thời cũng nhiều lần trao đổi mua bán súng với Minh.
Cũng qua công tác nghiệp vụ cơ bản nắm tình hình địa bàn, đối tượng hoạt động về tội phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Phòng CSHS phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp trên nhiều địa bàn giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Ngày 23/1/2024 trinh sát xác định nhóm đối tượng tụ tập tại căn nhà nằm ở khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao (TP Thuận An, Bình Dương) do đối tượng Trần Duy Thiên (sinh năm 1998, quê Quảng Ngãi) thuê ở. Thiên cũng là đối tượng tổ chức đánh bạc cho các đối tượng giang hồ cộm cán. Nhận định thời điểm này các đối tượng chuẩn bị di chuyển đến nơi khác để tổ chức đánh bạc, nếu để đối tượng mang theo vũ khí nóng sẽ gây khó khăn cho công tác bắt giữ nên Phòng CSHS lên kế hoạch tổ chức kiểm tra nhằm ngăn chặn hoạt động phạm tội của các đối tượng.
Khoảng 20h cùng ngày, tổ công tác kiểm tra căn nhà nói trên thì phát hiện ngoài Thiên ra còn có 4 đối tượng khác có mặt tại đây. Tiến hành kiểm tra hành chính toàn bộ căn nhà, Cơ quan công an phát hiện bên trong chiếc cặp da màu nâu có 1 khẩu súng cùng 7 viên đạn; bên trong chiếc cặp da màu đen cất giấu 3 khẩu súng và 9 viên đạn.
Qua điều tra, đối tượng Trần Duy Thiên khai nhận, y có quen biết với nhiều người chạy xe ôm (không rõ lai lịch) ở Campuchia nên vào khoảng tháng 6/2023, Thiên nhờ những người này mua giùm 4 khẩu súng và nhiều viên đạn mục đích để phòng thân. Vào khoảng 16h ngày 23/1/2024, Thiên mời 4 người bạn đến nhà mình chơi và tổ chức ăn uống. Đến khoảng 20h cùng ngày, khi ăn uống xong thì bị lực lượng Công an vào kiểm tra hành chính...
Cũng tại địa bàn TP Thuận An, các trinh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương còn phát hiện đối tượng tên Bùi Viết Dũng (sinh năm 1999, quê Quảng Bình, tạm trú tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) thường xuyên hoạt động mua bán, tàng trữ VKQD, công cụ hỗ trợ (CCHT) với số lượng lớn và hoạt động liên tỉnh nên các trinh sát được phân công đeo bám ngày đêm. Đến trưa ngày 31/1/2024, ngay sau khi có thông tin đối tượng chính đã tập kết nhiều loại vũ khí tại nơi ở để chuẩn bị mang đi bán lại cho người khác thì lực lượng phá án lên kế hoạch vây bắt.
Khoảng 14h cùng ngày, Phòng CSHS phối hợp Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh lưu trú Lan Phương tại khu phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn thì phát hiện Dũng đang ở nhà trọ số 5; trong phòng có 4 khẩu súng, 29 viên đạn, 1 súng điện, 6 bình xịt hơi cay, 9 vũ khí thô sơ bao gồm đao, kiếm, mã tấu các loại cùng 1 còng số 8. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 9 túi nylon chứa ma túy, nhiều loại giấy tờ giả và 1 chiếc xe gắn máy không có giấy tờ.
Quá trình đấu tranh, đối tượng Bùi Viết Dũng khai nhận các loại vũ khí nêu trên là của Dũng mua trên mạng xã hội về để bán lại cho người khác, khi đang tập kết thì bị lực lượng Công an bắt quả tang. Dũng còn khai nhận, số ma túy trên là ma túy đá do Dũng mua về rồi phân nhỏ ra bán lại cho các con nghiện trên địa bàn.
Nỗ lực chặt đứt nguồn linh kiện
Từ các vụ mua bán trái phép VKQD cho thấy, bên cạnh đặt mua “hàng nóng” từ các tay buôn là người Việt ở Campuchia, các đối tượng còn đặt mua linh kiện qua mạng xã hội và tự lắp ráp. Nguồn gốc của các linh kiện này cũng xuất phát từ các nước lân cận được vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua nhiều phương thức. Ngoài ra, có nhiều linh kiện được mua lại từ các bộ phận của các loại súng cũ mà người dân còn tàng trữ, chưa giao nộp cho cơ quan chức năng. Để chế tạo súng, các đối tượng lên mạng học cách chế tạo, lắp ráp hoàn chỉnh khẩu súng rồi tạo nhiều trang web, hội nhóm kín đăng tải, rao bán.
Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh công tác đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán trái phép VKQD, lực lượng CSHS và công an cấp xã, đồn ở Bình Dương còn tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng, cơ sở kinh doanh có biểu hiện nghi vấn hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và CCHT. Phối hợp với các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ để chủ động phát hiện các loại vũ khí, vật liệu nổ, CCHT giao dịch mua bán, vận chuyển qua không gian mạng. Đồng thời, khuyến cáo các đơn vị dịch vụ vận tải, xe khách, bưu chính cần nâng cao hơn nữa quy trình giám sát, kiểm tra hàng hóa để tránh bị các đối tượng lợi dụng vận chuyển trái phép các loại vũ khí và linh kiện súng quân dụng; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, CCHT...
Cuối tháng 8/2024, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm công tác điều tra các vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép VKQD. Trong thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép VKQD bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 100%, không có vụ án, vụ việc bị tạm đình chỉ hoặc bị đình chỉ.
Qua công tác điều tra, xử lý tội phạm đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép VKQD; đồng thời, rút ra những kinh nghiệm hay trong quá trình điều tra loại án này, cũng như phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa.
Đại tá Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác củng cố hồ sơ ban đầu, tiếp nhận, thụ lý điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến VKQD. Phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, chủ động tiếp nhận, xử lý các vụ án, vụ việc có liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép VKQD theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tích cực về việc điều tra, xử lý đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại súng đạn, nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm cho các tầng lớp nhân dân...