Ngăn chặn hành vi trục lợi từ vaccine
Thông tin về những ca lây nhiễm trong cộng đồng đang bao phủ nỗi lo âu lên toàn xã hội. Nhu cầu được tiêm vaccine để nâng cao sức đề kháng phòng chống sự tấn công của dịch bệnh COVID-19 đã và đang dâng cao hơn bao giờ hết, mở ra cơ hội kiếm ăn trên nỗi sợ hãi cho những kẻ bất lương.
Những ngày qua, nhiều đối tượng trục lợi từ vaccine đã sa lưới pháp luật, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thủ đoạn phạm tội mới trong mùa dịch bệnh. Ý thức cảnh giác của người dân, cùng các kỹ năng xử lý thông tin, được coi là thứ “vaccine” hữu hiệu để giúp mỗi người an toàn trước những cạm bẫy đang giăng đầy trên không gian mạng hiện nay.
Kiếm ăn trên sự lo âu của người khác
Tối 21-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Kim Dung (32 tuổi, ngụ quận 4) để điều tra về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Đó là kết quả cuộc điều tra về nguồn tin đăng tải trên tài khoản Facebook có tên là "Kim Zunf" về "dịch vụ tiêm vaccine ngừa COVID-19" tại TP Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra đã bắt quả tang khi Dung đang tổ chức cho hai người tiêm vaccine tại một trường mầm non ở quận 11.
Tại cơ quan điều tra, Dung khai nhận đã móc nối với một số mối quan hệ của mình để sắp xếp, cung cấp nhiều suất tiêm vaccine COVID-19, với giá từ 2-4 triệu đồng/1 liều. Sau đó, Dung đăng thông tin lên mạng xã hội cho ai có nhu cầu thì nhắn tin cho Dung lập danh sách rồi chuyển tiền thanh toán. Bước đầu cơ quan điều tra xác định Dung đã tổ chức trót lọt cho 21 trường hợp không thuộc diện đối tượng vào danh sách tiêm vaccine trên địa bàn quận 11, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 12-2020, Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh) đã mở phiên tòa xét xử Tiêu Thị Tuyết Sương (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc tiêm vaccine giả cho nhiều người. Theo cáo trạng, Tiêu Thị Tuyết Sương học hết lớp 9 thì nghỉ, sau đó xin giúp việc cho một cơ sở hộ sinh tư nhân ở địa phương. Trong quá trình phụ việc tại phòng hộ sinh, Sương học lỏm được cách tiêm vaccine. Đến đầu tháng 7-2019, do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nhưng các Trung tâm y tế không đủ vaccine để tiêm, nên Sương nảy sinh ý định làm vaccine giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác.
Sương tự xưng là nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, có nhiều loại vaccine nhập từ nước ngoài, chuyên làm dịch vụ tiêm và tư vấn những kiến thức về tiêm chủng tại nhà, tiêm cho trẻ em không gây sốt. Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh, kim tiêm, các dụng cụ y tế khác rồi về nhà pha trộn với nhau bơm sẵn các dung dịch này vào các vỏ lọ vaccine đã sử dụng, đem cất trong thùng nhựa có đá lạnh. Sau đó, Sương đến nhà tiêm cho nhiều người theo lịch đã hẹn trước. Dù tiêm các dung dịch do mình tự pha trộn nhưng người phụ nữ này nói là tiêm vaccine ngừa các bệnh như: Viêm gan A, viêm gan B, viêm màng não, HPV gây ung thư, ngừa đột quỵ, cúm, viêm não Nhật Bản…
Để tạo niềm tin, Sương lấy mẫu “Phiếu chỉ định chủng ngừa” của Nhà xuất bản Y học trên Internet rồi in màu ra thành nhiều bản, điền thông tin vào phiếu rồi đưa lại cho những người đã được tiêm để theo dõi. Đồng thời, Sương lấy mẫu máu của những người tiêm chủng nói mang đi xét nghiệm trước khi tiêm vaccine, nhưng thực chất là làm giả mẫu giấy xét nghiệm để tăng thêm lòng tin. Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 7-2019 đến ngày 10-3-2020, Tiêu Thị Tuyết Sương đã tiêm vaccine giả cho 34 người ở thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, trong đó có 22 trẻ em; chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 người.
Muôn nẻo đường gian
Ngoài các thủ đoạn nêu trên, thời gian qua trên không gian mạng đã xuất hiện những chiêu trò lừa đảo mới nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh và bức xúc trong dư luận. Đó có thể là những lời quảng cáo, mời chào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng mạng xã hội… trên các tài khoản mạng xã hội, qua điện thoại, thư điện tử, tờ rơi quảng cáo…
Trong đó, đáng chú ý là thủ đoạn quảng cáo của một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất, hoặc mua lại của một số nơi dư thừa nên có thể bán lại, hoặc có quan hệ với các đơn vị đang tổ chức tiêm vaccine để mời người có nhu cầu giao dịch. Việc này ẩn chứa nguy cơ người dân có thể bị tiêm vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn, hoặc bị chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Gần đây nổi lên thủ đoạn giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện vệ sinh dịch tễ TW, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gửi thư điện tử cho nhiều người với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19. Cũng có thư điện tử hướng dẫn người dân đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website như honapply.vn và miniboon.vn…, yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP và yêu cầu chuyển trước khoản tiền hơn 1 triệu đồng. Thư còn đề nghị người dân truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công. Khi làm theo những yêu cầu này, ngoài việc mất số tiền 1 triệu đồng, người dân rất có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để chiếm đoạt tiền, hoặc phá hoại máy tính bằng các phần mềm độc hại.
Lợi dụng tâm lý lo sợ lây nhiễm dịch bệnh, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân, cũng như tuyên truyền các phương thuốc, phương pháp chữa bệnh chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, xuất hiện đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó. Bên cạnh đó, thủ đoạn lừa đảo trục lợi trên lòng nhân ái, thiện tâm của người dân cũng đang diễn biến phức tạp. Tranh thủ tâm lý giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kẻ lừa đảo sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo do chúng lập ra, mạo nhận là giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra chúng còn dụ dỗ nạn nhân đóng góp cho hoạt động phát triển vaccine chống lại virus hoặc tặng khẩu trang miễn phí đã được tẩm thuốc mê.
“Vaccine” cảnh giác
Ngày 15-6, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về tăng cường truyền thông cảnh báo lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất, hạn chế thông qua các bên trung gian; trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.
Bộ Y tế khẳng định các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vắc xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.
Để phòng ngừa những hành vi trục lợi từ vaccine, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm phòng lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác; chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Để cập nhật thông tin tin cậy, người dân nên truy cập vào website chính thống của Bộ Y tế tại địa chỉ htttps://moh.gov.vn. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng, hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, báo ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn hoặc báo cho chính quyền, cơ quan Công an, Y tế địa phương.
“Để chung tay góp sức cùng Chính phủ và cộng đồng xã hội thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện những thông tin liên quan đến hành vi làm vaccine giả, mua bán vaccine giả, tiêm phòng “chui” cùng nhiều chiêu trò lừa đảo... để báo cáo cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Việc làm này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm phòng của Nhà nước trên quy mô cả nước”.