Ngăn chặn ma túy qua biên giới
Từ nhiều vụ các đường dây vận chuyển, mua bán ma túy được phát hiện, triệt phá liên tiếp gần đây, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm kg ma túy các loại, cho thấy phương cách, thủ đoạn vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tinh vi, xảo quyệt...
Những con số kinh hoàng
Lâu nay, nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ vùng Tam Giác Vàng qua Campuchia, Lào thẩm lậu qua các tỉnh giáp biên giới vào Việt Nam qua các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ rồi đưa về TP Hồ Chí Minh. Các đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy này đa phần hoạt động với quy mô lớn, địa bàn rộng, liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia, với sự tham gia của nhiều đối tượng ở trong nước và nước ngoài cùng với đó là tổ chức hoạt động của chúng rất chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các đối tượng.
Sau 9 tháng xác lập chuyên án đấu tranh, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, tạm giam 9 đối tượng để điều tra đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ do đối tượng Chu Bá Chung (sinh năm 1984) cầm đầu, điều hành đường dây từ nước ngoài và cả các “chân rết” trong nước. 9 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Chu Bá Chung, Trương Ngọc Mai, Đỗ Thị Minh Tâm, Trần Kim Loan và Mai Thị Ngân về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”; Nguyễn Vũ Khải Hoàng về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; Diệp Hoàng Linh, Nguyễn Trung Quốc, Nguyễn Tấn Thành về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”... Tang vật thu giữ từ đường dây này tổng cộng gần 95 kg ma túy các loại...
Chu Bá Chung là người Việt, sinh sống ở Campuchia và thường qua lại Việt Nam để cấu kết với nhiều đối tượng trong nước tổ chức và điều hành đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh giao cho các đại lý, sau đó cất giấu và giao lại cho các đầu mối tiêu thụ trên địa bàn thành phố cũng như nhiều địa phương khác.
Qua lời khai của các đối tượng và tài liệu chứng minh, ban chuyên án bắt giữ tổng cộng gần 20 đối tượng, trong đó Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 9 đối tượng kể trên. Ngoài ra, còn chuyển cho công an địa phương lập hồ sơ xử lý các đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước đó, vào tháng 9/2022, qua nhiều nguồn tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh đã xác lập chuyên án trinh sát để đấu tranh với đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy do đối tượng Trần Kim Loan (sinh năm 1972, thường trú phường 13, quận 5) và các đối tượng liên quan thực hiện. Quá trình đeo bám đối tượng, các trinh sát phát hiện khi có khách mua ma túy, Loan thường liên hệ với một đối tượng nam không rõ lai lịch nói được cả tiếng Việt và tiếng Campuchia, sử dụng số điện thoại Campuchia (sau này xác định chính là Chu Bá Chung) đặt số lượng ma túy cần mua (số lượng ma túy Loan mua mỗi lần từ 2-3 bánh heroin hoặc 2-3kg ma túy đá, Ketamine). Sau đó, Loan được một đối tượng nữ tên thường gọi là Su (chính là Trương Ngọc Mai, sinh năm 1997, thường trú tại phường Cầu Kho, quận 1) mang ma túy đến giao, rồi Loan giao lại cho khách...
Chính từ các mắt xích ban đầu này, đặc biệt là đối tượng Trương Ngọc Mai, Cơ quan công an đã triển khai nhiều tổ công tác để thực hiện việc bắt giữ và khám xét nơi ở của hầu hết các đối tượng. Trong đó, Mai bị bắt quả tang khi đang vận chuyển ma túy chuẩn bị giao cho “đầu dưới”. Khám xét khẩn cấp các nơi ở của Mai tại quận 4, cơ quan điều tra thu giữ tổng cộng 13 kg ma túy đá... Mai đã cúi đầu nhận tội và khai ra thông tin của các đồng phạm trong đường dây, đặc biệt là thông tin liên quan phục vụ cho việc bắt giữ đối tượng cầm đầu Chu Bá Chung tại Khánh Hòa...
Báo động ma túy qua đường hàng không
Ngoài vận chuyển, giao hàng ma túy bằng đường bộ thì các đối tượng còn mở rộng phương thức, lợi dụng một bộ phận tiếp viên hàng không, Việt kiều có nhu cầu kiếm thêm để thuê xách hàng về hay lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân và các đơn vị bưu điện, chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy vào trong nước.
Vụ việc điều tra, truy xét toàn bộ đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, phát hiện ngày 16/3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất liên quan đến một số tiếp viên hàng không mới đây được dư luận quan tâm đã cho thấy rõ phương thức, thủ đoạn này.
Để ngụy trang, các đối tượng thường nhét ma túy các loại vào trong tuýp kem đánh răng, hộp sữa bột, hộp thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... rồi thông qua người trung gian (có quen biết với nhiều tiếp viên hàng không, Việt kiều, khách du lịch...) nhờ chuyển vào trong nước với giá thỏa thuận, nhưng không giao đến địa chỉ cụ thể, mà giao ước về đến nơi sẽ có người liên hệ qua điện thoại để nhận hàng. Do tham lợi mà không ít tiếp viên, Việt kiều, khách du lịch gặp rắc rối, không ít trường hợp vướng vòng lao lý dẫn đến tan nát gia đình, sự nghiệp...
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong thời gian 1 tháng gần đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã xác định 6 chuyến hàng chứa ma túy tổng hợp các loại do cùng một đối tượng người Việt Nam lưu trú tại Pháp chuyển về qua sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó, chúng sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh trong nước để đưa số ma túy này giao về cho một đối tượng tại Đồng Nai tách thành từng kiện hàng riêng, vận chuyển bằng đường bộ giao cho các đối tượng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để tiếp tục chia nhỏ, tiêu thụ tại chỗ và một số tỉnh, thành khác.
Đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 27 vụ án, 78 bị can về các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; thu giữ gần 50 kg ma túy tổng hợp các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật liên quan.
Cũng liên quan đến phương thức, thủ đoạn kể trên, các đối tượng tội phạm còn “nâng cấp”, tìm cách vận chuyển ma túy dạng bột gửi qua đường dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam để pha chế, sản xuất ma túy thành phẩm.
Qua công tác nắm tình hình từ cuối năm 2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện trong lõi một số kiện hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không từ Pháp về Việt Nam có cất giấu ma túy tổng hợp dạng bột. Xác định đây là đường dây chuyên tuồn ma túy tinh chất từ nước ngoài vào trong nước để bào chế thành phẩm trước khi giao cho đám bán lẻ tuồn vào quán bar, vũ trường, các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm... nên đơn vị đã cử trinh sát tổ chức theo dõi.
Đến cuối năm 2022, đường dây tội phạm ma túy này hoạt động mạnh lên, nhưng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn. Các đối tượng vẫn giấu ma túy trong các kiện hàng nhưng không gửi trực tiếp như trước, mà đều dùng tên giả gửi đi lòng vòng thông qua nhiều công ty vận chuyển ủy thác rồi yêu cầu chuyển trực tiếp đến người nhận cũng mang tên giả ở TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận. Ngoài ra, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm bào chế, đóng gói ma túy, chỉ mua bán ma túy với các đối tượng “đầu dưới” có mối quan hệ từ trước.
Quá trình điều tra, đến đầu năm 2023, các trinh sát đã phát hiện đối tượng cầm đầu là Nguyễn Minh Trí (biệt danh Trí “cá voi”, ngụ quận 4). Việc bắt Trí nằm trong lòng bàn tay, nhưng để lần ra tất cả các “mắt xích” trong đường dây, trinh sát quyết định tiếp tục bám theo dấu vết.
Những nỗ lực đã được đền đáp khi vào đầu tháng 4/2023, các trinh sát đã có trong tay bản danh sách về nhân thân 20 đối tượng khác là những “mắt xích” quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động từ vận chuyển nguyên liệu đến sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy của Trí. Ngoài ra, còn xác định được các địa điểm mà Trí cùng đồng bọn đặt làm nơi sản xuất, tàng trữ, giao dịch mua bán trái phép chất ma túy ở các quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh).
Sau khi củng cố vững chắc chứng cứ, ngày 20/4/2023, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với công an các quận 4, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và các đơn vị nghiệp vụ chia thành nhiều tổ công tác bất ngờ ập vào các địa điểm là chỗ ở, nơi cất giấu, bào chế, đóng gói thuốc lắc (MDMA), bắt giữ Trí cùng 20 đối tượng quan trọng trong đường dây.
Qua khám xét khẩn cấp, Cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 16.000 viên thuốc lắc thành phẩm, hàng trăm kilogram chất hóa học các loại là nguyên liệu để pha trộn, bào chế thuốc lắc cùng nhiều máy móc, phương tiện và các tang vật khác có liên quan.
Đặc biệt, tại một địa điểm khám xét trên địa bàn quận 4, trinh sát phát hiện một căn phòng bí mật được Trí lắp đặt nhiều máy móc, dụng cụ thí nghiệm hóa học để sử dụng làm nơi nghiên cứu, sản xuất thuốc lắc (MDMA)...
Với tang chứng, vật chứng không thể chối cãi, Nguyễn Minh Trí khai nhận, để có nguồn hàng, Trí đã tìm cách móc nối với một đối tượng quen biết trước đây (từng điều chế ma túy bán cho đám con nghiện, hiện định cư tại Pháp) xin học cách điều chế ma túy dạng bột thành thành phẩm. Sau đó, Trí mua máy móc, thiết bị về lắp đặt, mua sẵn hóa chất các loại rồi thông qua đối tượng người Việt Nam định cư tại Pháp này đặt mua bột thuốc lắc (MDMA) gửi qua đường dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh quốc tế, giao hàng dưới hình thức “door to door” (giao hàng tận nơi) để vận chuyển về TP Hồ Chí Minh cất giấu.
Cho đến thời điểm bị bắt, Trí đã nhập trót lọt 106 kg bột thuốc lắc, sau khi pha trộn với các loại hóa chất khác, cả bọn đã pha chế ra hơn 230 kg thuốc lắc thành phẩm (tương ứng hơn 450.000 viên dạng nén), đem đi tiêu thụ tại nhiều điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác...
Qua kết quả điều tra các vụ án trên cho thấy, sự ma mãnh, tinh vi của tội phạm ma túy ngày càng tăng. Hầu hết các nhóm tội phạm ma túy đều có tổ chức chặt chẽ từng khâu giao nhận “hàng” trong và ngoài nước, chúng thích ứng nhanh với công nghệ mới, liên lạc qua mạng xã hội, đa dạng phương thức, rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao... Một số đối tượng thay đổi phương thức giao dịch bằng các dịch vụ vận chuyển hiện đại... Đây thực sự là những thách thức không nhỏ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.