Ngăn chặn ổ nhóm sản xuất tân dược giả
Thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Trong khi những người mắc bệnh chỉ biết đặt niềm tin vào y bác sĩ, trông chờ vào từng viên thuốc, thì có những đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại với trái tim vô cảm và lòng tham không đáy…
Dùng nguyên liệu chăn nuôi sản xuất thuốc cho người
Sản xuất, buôn bán thuốc giả là vấn nạn nhức nhối, thách thức đối với toàn hệ thống y tế, các công ty dược phẩm và các nhà thuốc. Đối với người dân, thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự sống. Việc xuất hiện nhiều nguồn hàng không chính thống với công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, chi phí chế tạo thấp, làm nhãn hộp, hình ảnh logo thuốc giống hệt với sản phẩm chính hãng khiến người dân rất khó để phân biệt được thật giả trong các loại thuốc.
Ngày 14/1/2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Kim Diệu (41 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Kingpharm), Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, vợ Diệu) cùng 20 người khác để điều tra về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh". Công an xác định vợ chồng Diệu - Hương thành lập, sử dụng pháp nhân 2 công ty trên để làm bình phong che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại.
Trước đó, Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an các quận, các đơn vị nghiệp vụ lập 4 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 4 địa điểm là cơ sở sản xuất, chứa nguyên liệu và thành phẩm thuốc giả. Qua khám xét, công an thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại, trong đó có 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm; 1.600kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc dùng để sản xuất thuốc giả. Công an phải huy động 11 xe tải để vận chuyển số thuốc giả và nguyên liệu rất lớn nêu trên về trụ sở.
Cơ quan điều tra xác định, Diệu và vợ bắt đầu sản xuất thuốc giả từ năm 2018. Bản thân Diệu chỉ học đến lớp 9, không có chuyên môn về ngành dược. Diệu sản xuất thuốc giả bằng cách tìm mua nguyên liệu thuốc đông y và hoạt chất tân dược về trộn lẫn rồi nghiền thành bột, sau đó dùng máy đóng thành viên… Phần lớn nhân viên làm việc cho vợ chồng Diệu đều là người cùng họ hàng, thân quen.
Đối tượng Nguyễn Thị Như Ý và chồng là Ngô Quí Dương (ngụ quận 12) được thuê để sản xuất bao bì, tem nhãn giả. Sau khi đóng gói thành phẩm, đối tượng Đỗ Thành Mỹ (ngụ quận 12), Đỗ Thanh Hải (ngụ huyện Bình Chánh), Nguyễn Mộng Điền (ngụ huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) và các đối tượng khác có nhiệm vụ đưa hàng giả ra thị trường tiêu thụ.
Theo cơ quan điều tra, chỉ riêng năm 2024 vợ chồng Diệu đã sản xuất thuốc giả trị giá hơn 45 tỉ đồng. Riêng Đỗ Thành Mỹ, Đỗ Thanh Hải và Nguyễn Mộng Điền tiếp tay, tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỉ đồng.
Khác với những vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả trước đây, Diệu không làm giả những thương hiệu thuốc đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước, mà tự đặt tên một công ty và lấy trụ sở ở Malaysia và Singapore (không tồn tại trên thực tế) để in trên bao bì nhằm thể hiện sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Các sản phẩm thuốc giả thu giữ trên bao bì ghi công dụng trị xương khớp, trĩ, ngứa… mang 33 thương hiệu khác nhau như: Xương Khớp Khắc Tinh, Tỷ Thống An Khang, Xạ Hương Linh Chi Đơn, Ngứa An Khang, An Trĩ Khang, Khang Vị An, Tọa Cốt Thần Kinh Thống… đều ghi trên vỏ hộp doanh nghiệp xuất xứ từ nước ngoài.
Đối tượng Diệu khai nhận, việc làm giả tên một thương hiệu, công ty không có thật ở nước ngoài là để dễ tiêu thụ trên thị trường, đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và khiến người mua, cơ quan chức năng khó truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, khó phát hiện Diệu và đồng bọn là người sản xuất thuốc giả.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện có sự sơ hở, dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu, kinh doanh các hoạt chất tân dược, chưa quản lý, bán các hoạt chất tân dược này chưa đúng đối tượng, chưa đúng yêu cầu, mục đích khi đăng ký nhập khẩu, tạo sơ hở để Diệu và đồng bọn thu mua các nguyên liệu hoạt chất tân dược này sản xuất thuốc giả. Cá biệt có các hoạt chất tân dược được nhập khẩu, phân phối phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng được bán trôi nổi ra thị trường, rồi Diệu mua sản xuất thuốc uống cho người.
Nguy hại khôn lường từ thuốc giả
Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, không ít vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Trước đó, Công an TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn. Nhóm đối tượng đã sản xuất các loại tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh phổ biến. Theo cơ quan Công an, dưới vỏ bọc là dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, nhóm người thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị trường. Sau đó dùng hóa chất tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin bao gồm: tên, thành phần, hoạt chất…trên vỉ thuốc, tạo thành loại thuốc mới.
Bên cạnh đó, nhóm còn thu mua tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, rồi ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc. Sau đó đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.
Thông qua mạng xã hội, những người này quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của công ty chính hãng tuồn ra tiêu thụ tại đại lý thuốc tây trong cả nước. Bằng thủ đoạn nêu trên, họ đã bán ra ngoài thị trường số lượng lớn thuốc tân dược giả cho người tiêu dùng. Khám xét khẩn cấp năm địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các bị can ở TP Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre, công an thu giữ các sản phẩm tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh gồm: 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg...
Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán giả thực phẩm là thực phẩm chức năng. Sau khi phát hiện, mở rộng điều tra, Công an đã khám xét 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hóa của nghi phạm tại TP Hà Nội. Tại đây, công an thu giữ nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng giả gồm hơn 4.000 hộp an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm.
Làm việc với cơ quan công an, bước đầu các bị can khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả, với trị giá tương đương khoảng 50 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, rất nhiều vụ việc các nhóm tội phạm giả danh bác sĩ để lừa đảo bán thực phẩm chức năng, các loại thuốc chữa bệnh giả. Không ít người bệnh trở thành nạn nhân của những chiêu trò này.
Rất nhiều trường hợp người bệnh bị bệnh nặng hơn khi uống phải thuốc giả hay thực phẩm chức năng kém chất lượng. Mới đây, tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) bệnh nhân N.T.V (65 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhập viện cấp cứu sau khi sử dụng thực phẩm thuốc chữa xương khớp và tiểu đường. Bệnh nhân V. cho biết, bà mua thuốc tại phòng khám, được nhân viên tư vấn mua liệu trình uống và xoa bóp 20 ngày. Khi sử dụng thang thuốc đầu tiên, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa.
Sau khi sử dụng đến thang thứ 7, ngoài rối loạn tiêu hóa, bà V. còn cảm thấy tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng, ngất xỉu phải đi cấp cứu. Tại bệnh viện, người bệnh được chỉ định ngưng sử dụng thuốc để bác sĩ điều trị triệu chứng. Sau một tuần nằm viện và không dùng thuốc tự mua, bệnh nhân đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu miền Nam, người bệnh dùng thuốc kém chất lượng, thuốc giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thuốc giả không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh sẽ làm bệnh nặng hơn.
Trong điều trị, thuốc sản xuất chính hãng vẫn có các tác dụng phụ, huống chi thuốc giả, không thể biết chính xác thành phần hoạt chất. Hơn nữa, nếu tác dụng phụ của thuốc thật là một phần trăm, thì nguy cơ độc hại của thuốc giả gấp 10 lần. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, đặc biệt là sốc phản vệ.
Về tội phạm buôn bán, sản xuất thuốc giả, luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Hầu hết các đối tượng sản xuất thuốc giả không phải để nhằm mục đích giết chết bệnh nhân, họ chỉ đơn giản là quan tâm đến nguồn lợi nhuận khổng lồ, hệ quả là bệnh nhân không được điều trị tốt nhất, thậm chí bệnh nhân chết vì không được cung cấp thuốc cần thiết. Thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Do vậy, những ai kinh doanh, mua bán, tiêu thụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng là một tội ác lớn, cần phải trừng trị thích đáng. Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung mà có thể phải đối mặt mức án từ 2 - 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Trước tình trạng buôn bán, sản xuất thuốc chữa bệnh giả trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng, báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
Ngoài ra, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.