Ngăn chặn tín dụng đen lợi dụng giãn cách

Thứ Ba, 24/08/2021, 20:54

Lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên địa bàn, người dân mất việc làm, một số đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen đã cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ”. Khi con nợ không đóng tiền lãi đúng hạn, chúng tìm mọi cách để hành hung, dằn mặt và khủng bố. Các đối tượng đối phó cơ quan công an bằng những chiêu thức vô cùng ti vi, ma mãnh.

Gia tăng tình trạng cho vay nặng lãi mùa dịch

Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp, chiều tối 28-7, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) đã ập vào nhà riêng và bắt quả tang đối tượng Hoàng Thị Hường, năm nay đã 63 tuổi, trú tại xóm Hoa Trường, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương khi đang tổ chức cho nhiều người vay và thanh toán tiền lãi tại nhà riêng.

a1.jpg -0

Khám xét ổ nhóm tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp với số tiền cho vay nặng lãi hơn 500 tỷ đồng.

Khám nhà đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ 1 điện thoại di động, 5 cuốn sổ ghi chép, cùng nhiều vật chứng khác có liên quan đến việc hoạt động tín dụng đen. Tại cơ quan điều tra, ban đầu đối tượng ngoan cố, không chịu khai nhận, khai báo nhỏ giọt, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, trước những chứng cứ cùng lập luận sắc bén của điều tra viên, bà Hường đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bước đầu, Công an huyện Đô Lương đã chứng minh được từ đầu tháng 6-2021 đến thời điểm bị bắt, lợi dụng sự khó khăn về kinh tế của nhiều người dân trên địa bàn khi dịch COVID-19 bủa vây, đối tượng Hoàng Thị Hường đã cho nhiều người dân vay tiền kỳ hạn ngắn ngày (từ 10 - 30 ngày) với lãi suất “cắt cổ” từ 25.000đ/1 triệu/1 ngày đến 50.000đ/1 triệu/1 ngày (tương ứng từ 912,5% đến 1.825%/1 năm). Khi đến hạn thanh toán tiền lãi mà các con nợ không trả, đối tượng thường xuyên sử dụng sim rác để nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới các con nợ nhằm gây sức ép. Nếu các con nợ không còn khả năng chi trả, đối tượng thường yêu cầu cầm cố, chuyển nhượng tài sản để xóa nợ.

a4.jpg -0

Thu lãi 50.000 đồng/triệu/ngày, “bà trùm” Hoàng Thị Hường đã bị bắt.

Thời điểm bị bắt, đối tượng đã cho 10 cá nhân vay tổng số tiền 2,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền hơn  250 triệu đồng. Hoạt động cho vay của người đàn bà này diễn ra hết sức tinh vi, hầu hết các giao dịch đều được thực hiện qua điện thoại. Các con nợ đến vay và đóng tiền lãi phải gọi điện hẹn trước, nếu thấy an toàn thì đối tượng mới tiến hành giao dịch, trong thời gian từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày. Khi giao, nhận tiền, bà Hường thường cho người cảnh giới, mọi giao dịch diễn ra trong nhà và bà ta luôn khóa cửa để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Trước đó, chuyên án lớn nhất trong lĩnh vực này của Công an tỉnh Nghệ An là chuyên án đánh sập đường dây núp bóng doanh nghiệp cho vay nặng lãi với số tiền lên đến 500 tỷ đồng. Đường dây này được phát hiện và đánh sập vào ngày 11-7, với  4 nhóm đối tượng trú tại TP Vinh và huyện Thanh Chương cầm đầu. Tài liệu của cơ quan CSĐT cho thấy, dưới danh nghĩa hỗ trợ tài chính, Công ty TNHH Nhất Tín do Phan Trọng Hưng (SN 1978), trú tại TP Vinh cầm đầu đã lập hàng chục cơ sở, chi nhánh ở nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh khác để cho vay nặng lãi.

Trong đó, riêng tại tỉnh Nghệ An, cơ sở của các nhóm đối tượng trên có mặt tại 11 huyện, thành phố, thị xã. Tại tỉnh Hà Tĩnh có 8 cơ sở và các tỉnh khác như Kon Tum, Quảng Bình, Nha Trang… cũng có chi nhánh, hoạt động trong nhiều năm qua. Phương thức hoạt động của “doanh nghiệp” này là quảng bá hỗ trợ người gặp khó khăn về tài chính, với thủ tục nhanh gọn, dễ vay đã có hàng chục nghìn người trên khắp cả nước thực hiện việc vay tiền của các cơ sở trên, số tiền ước tính lên đến hơn 500 tỷ đồng.

a2.jpg -0

 Cơ quan Công an khởi tố Lê Thị Hiền với 2 tội danh cho vay nặng lãi và cố ý gây thương tích.

Các cơ sở hoạt động dưới hình thức cho cá nhân, doanh nghiệp vay với lãi suất từ 3.000- 8.000/1 triệu/1 ngày và yêu cầu người vay viết giấy bán tài sản thế chấp, hoặc cho người vay cầm cố tài sản (xe máy, ô tô, bìa đất…) với lãi suất 2.000- 4.000/1 triệu/1 ngày. Nếu đến kỳ hạn, người vay không trả lãi hoặc thanh toán, nhóm các đối tượng này sẽ liên tục dùng các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp con nợ.

Ngày 11-7, Công an TP Vinh đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh, các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành thị trên địa bàn, đồng loạt tiến hành khám xét 35 cơ sở là các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ thuộc doanh nghiệp nói trên tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum. Qua đó, tiến hành bắt giữ 44 đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi này. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ được nhiều phương tiện, tài liệu và hiện vật có liên quan. Trong đó, thu giữ tang vật hàng chục chiếc xe máy, ô tô, bìa đất... là tài sản cầm cố của người dân.

Chặt đứt vòi bạch tuộc tín dụng đen

Liên quan đến chi nhánh của Công ty TNHH Nhất Tín, Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, từ năm 2018, qua kiểm tra trên địa bàn, Công an huyện Hương Sơn đã xử phạt đối với sai phạm của Chi nhánh Công ty TNHH Nhất Tín tại thôn Đại Vường, xã Sơn Phú do đối tượng Lê Hồng Trung (SN 1987), trú tại phường Bến Thủy, TP. Vinh (Nghệ An) làm chủ cơ sở.

Mới đây, khi Công an tỉnh Nghệ An đánh sập đường dây cho vay nặng lãi của doanh nghiệp này, Công an huyện Hương Sơn tiếp tục ra quân truy quét, đánh mạnh vào loại tội phạm này. Đến ngày 16-8-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố đối với Lê Thị Hiền (SN 1963), trú tại thôn Đại Vường, xã Sơn Phú, về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và cố ý gây thương tích. Quá trình điều tra trước đó cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Hiền đã nhiều lần thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đối với nhiều người, với phương thức vay do hai bên tự thống nhất thỏa thuận về cách thức vay và trả, mức lãi suất cho vay là 3.000 đồng/1 triệu/ngày.

a3.jpg -0

 43 đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi bị Công an TP Vinh bắt giữ.

Công an huyện Hương Sơn đã xác định được hành vi cho vay nặng lãi của đối tượng Lê Thị Hiền và chứng minh được tổng số tiền mà Hiền đã hưởng lợi bất chính từ hoạt động cho vay là  gần 116 triệu đồng. Trước đó 1 ngày, đối tượng Hiền cũng đã bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 3-8, đối tượng Hiền hẹn anh T.Q.H (SN 1978) trú tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn là người vay tiền của Hiền, qua nhà mình để trả tiền lãi và tiền nợ gốc. Tại đây, anh H. chưa có tiền để trả nên Hiền đã dùng đoạn dây điện đánh liên tiếp vào người anh H khoảng 15 cái. Hậu quả anh H. đã bị nhiều vết bầm tím, tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 5%. Được biết, đối tượng Lê Thị Hiền từng có 2 tiền án về tội Trộm cắp tài sản.

Cũng trong ngày 16-8, Công an huyện Hương Sơn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Thái Đình Bình (SN 1992) trú tại thị trấn Phố Châu và Nguyễn Tiến Tường (SN 1991) trú tại xã Sơn Lâm, cùng huyện Hương Sơn và nhóm 3 đối tượng khác về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Từ năm 2018, Bình mở tiệm cầm đồ cùng với Tường, nhưng thực chất là để cho vay nặng lãi trá hình. Chị Phạm Thị G. (SN 1972) có vay của hai đối tượng này số tiền 40 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ 1 ngày.

Từ tháng 5-2021, do dịch bệnh khó khăn nên chị G. không đóng tiền lãi đúng hạn, để gây sức ép, Tường và Bình đã cùng với Nguyễn Văn Giáo (SN 1996), Cao Ngọc Hà (SN 1990) và Nguyễn Đức Hiếu (SN 2003), đều trú tại huyện Hương Sơn, đến lấy toàn bộ hoa quả của chị G. đang buôn bán tại chợ Phố Châu nhằm gây sức ép về mặt tâm lý.

Mở rộng điều tra, các đối tượng đã thừa nhận, trong thời gian qua có tiến hành hoạt động cho vay lãi nặng, với mức lãi suất cho vay dao động từ 3.000 -5.000 đồng/triệu/ngày, tùy thỏa thuận. Bước đầu, cơ quan Công an chứng minh được khoản tiền mà 2 đối tượng này được hưởng lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng lãi là hàng trăm triệu đồng.

Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, hoạt động tín dụng đen từ trước đến nay vẫn nhức nhối, cho dù cơ quan công an đã quyết liệt truy quét, đánh mạnh vào loại tội phạm này. Trong thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, đánh vào tâm lý của nhiều người không có việc làm hoặc làm ăn thua lỗ, các đối tượng đã cho vay với lãi suất “cắt cổ”, khi con nợ không trả lãi đúng hạn thì tìm mọi cách để khủng bố, đánh đập hoặc siết nợ, kéo theo nhiều hệ lụy khác như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng.

Đặc biệt, để đối phó với cơ quan chức năng, hoạt động tín dụng đen hiện nay diễn ra với các chiêu thức vô cùng tinh vi, khép kín và được giao dịch dưới nhiều vỏ bọc khác nhau như hỗ trợ tài chính, cầm cố tài sản; cá biệt còn có nhiều ổ nhóm núp bóng các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ người khó khăn.

Đa phần các giao dịch vay mượn, cầm cố hiện nay đều diễn ra ở không gian mạng, công nghệ cao nên quá trình đấu tranh, điều tra truy vết cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ với hàng trăm đối tượng liên quan đến tội danh cho vay nặng lãi. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, khởi tố 45 vụ, 53 đối tượng về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Công an Nghệ An tiếp tục phát hiện, khởi tố 33 vụ, 86 bị can về cùng tội danh này, với số tiền thu giữ hàng trăm tỉ đồng.

Thiện Thành
.
.