Ngăn chặn vật liệu nổ qua biên giới
Như một quy luật, cứ vào những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới các huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóc, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An lại trở nên phức tạp.
Xác định ngoài các loại thuốc lá, đường cát, vàng, mỹ phẩm, rượu... cánh đầu nậu sẽ tìm cách tuồn trái phép vật liệu nổ (pháo nổ và pháo hoa) qua biên giới thâm nhập nội địa, ngay từ đầu tháng 10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Long An đã triển khai nhiều phương án phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện biên giới, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình để chủ động ngăn chặn.
Dự báo tình hình
Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Long An cho biết: Trước đây, khu vực biên giới các huyện trong tỉnh tiếp giáp với các tỉnh S vây Ren, S vây Riêng (Vương quốc Campuchia), các đầu nậu chủ yếu tuồn thuốc lá, đường cát, nhu yếu phẩm, mô tô phân khối lớn, vàng, gia súc, rượu giả thì vài năm trở lại đây, họ tuồn vật liệu nổ (pháo nổ, pháo hoa) vào nội địa tiêu thụ. Pháo nổ, pháo hoa nổ có thể gây mất trật tự, an toàn xã hội; gây thương tích, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng; mảnh vỡ của pháo nổ còn có thể gây thương tích cho những người xung quanh nếu kích nổ ở nơi đông người, gây bất an cho đông đảo bà con nhân dân.
Quay ngược lại thời điểm đầu tháng 1/2024, trên khu vực biên giới xảy ra một vụ nổ lớn vào giữa đêm khuya. Ngay lập tức, Công an, Biên phòng đã vào cuộc và phải tốn thời gian điều tra xem vụ nổ xảy ra ở địa bàn nào, đối tượng kích nổ là thành phần nào, liệu có quan hệ với kẻ xấu nhằm cố tình gây rối hay không. Kết quả sau khi xác minh cho thấy đối tượng này là nam thanh niên và mục đích đốt pháo chỉ để thỏa mãn thói nghịch ngợm của mình, nhưng không dám kích nổ vào ban ngày ở gần nhà nên canh lúc nửa đêm mang ra cánh đồng trống vắng đốt.
Ngay thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính, đối tượng đã nhận ra việc làm sai trái của mình và cam kết sẽ không tái phạm. Ngoài ra, qua thực tế truy bắt, còn phát hiện loại pháo hoa có ống to, dài gần sải tay, khi ích hoạt sẽ bay cao lên không trung hàng chục mét, sau đó phát ra tiếng nổ lớn xé lớp vỏ cứng văng xuống đất để lớp thuốc bên trong bung ra có thể gây nguy hiểm cho chính người sử dụng và cả người xem.
Việc đốt pháo bừa bãi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, chúng ta cần phải nhắc đến vụ tai nạn không đáng có mà cho đến nay, người đốt vẫn còn dằn vặt vì đã gây ra thương tích không hề nhỏ cho một cháu bé vô tội. Cụ thể, vào chiều mùng 3 Tết Giáp Thìn vừa qua, cháu bé tên Th, sinh năm 2019, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đang chơi trước sân nhà mình thì hàng xóm mang pháo hoa ra đốt. Những vệt sáng lập lòe của pháo đã kích thích tính hiếu kỳ nên cháu Th chạy đến gần để xem. Nhìn thấy một viên pháo còn chưa nổ rơi xuống sân, cháu Th chạy đến nhặt, nhưng vừa cầm lên thì viên pháo phát nổ khiến cháu bé ngất xỉu tại chỗ.
Phát hiện sự việc, cha mẹ lập tức đưa cháu Th đến Bệnh viện Nhi đồngTP Hồ Chí Minh (cơ sở tại huyện Bình Chánh) cấp cứu. Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, bàn tay trái cháu Th bị tổn thương giập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm, đùi phải bị bỏng cháy đen do mảnh vỡ của pháo văng vào. Các bác sĩ đã cắt lọc vết thương ở vùng bụng trái và đùi phải, nhưng bàn tay trái bị vỡ nát không thể khâu nối nên buộc phải cắt làm mỏm cụt.
Trước đó ít ngày, trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân cũng là từ chơi pháo nổ. Do hiếu kỳ, cháu Đ.H.P, sinh năm 2012, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã lén cha mẹ rủ bạn bè đi mua pháo về cất giấu trong nhà. Đợi lúc cha mẹ đi làm, cháu P mang ra đốt rồi ném ra sân chờ xem quầng sáng giống như đã xem trên mạng. Khi thấy lâu mà pháo không nhúc nhích gì, tưởng là bị xịt nên P chạy đến cầm lên định châm lửa đốt tiếp thì bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra khiến cháu ngã xuống đất.
Phát hiện vụ việc, những người xung quanh chạy đến đưa P đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy đã cứu được tính mạng, nhưng việc bị đa chấn thương nặng, vỡ nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, giập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái, bỏng da toàn thân khiến P phải trải qua rất nhiều công đoạn chữa trị và di chứng để lại là nhiều vết sẹo lồi lõm trên cơ thể.
Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, không chỉ gây mất an ninh, trật tự, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dân, nếu không có những biện pháp quyết liệt, chặt chẽ để kẻ xấu, các đối tượng có tư tưởng cực đoan tuồn vào nội địa thì có thể còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Vài năm trước, đơn vị đã phát hiện tình trạng vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ từ bên kia biên giới vào nội địa, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Tuy nhiên, lại có sự gia tăng đột biến trong dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 mà theo thống kê thì trong 8 tháng đầu năm nay, lực lượng phòng, chống buôn lậu tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 18 vụ/22 đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo nổ, thu giữ trên 5 tấn pháo các loại, trong đó các trinh sát của đơn vị phát hiện, bắt 4 vụ/7 đối tượng, thu giữ gần 2 tấn pháo nổ.
Rút kinh nghiệm từ thực tế trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế xây dựng phương án, kế hoạch để ngay từ đầu tháng 10/2024 phải triển khai cao điểm nhằm ổn định tình hình, không để phát sinh, hình thành điểm nóng, đường dây, tổ chức tội phạm buôn lậu phức tạp, hoạt động công khai, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, các trinh sát của đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ và thường xuyên đi kiểm tra thực tế trên tuyến biên giới để nắm tình hình từ xa, qua đó trao đổi, cung cấp thông tin tội phạm cho toàn lực lượng phòng, chống buôn lậu. Công an các địa phương có đường biên giới đi qua phối hợp với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn và công an các xã siết chặt công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh nhằm phát hiện sớm những đối tượng đang âm mưu thực hiện việc tuồn vật liệu nổ qua biên giới vào nội địa.
Ngoài ra còn tăng cường gọi hỏi, răn đe đối với những đối tượng từng có thời gian tham gia hoặc giúp sức cho buôn lậu, những đối tượng trở về địa phương sau khi thi hành án; đặc biệt, đã xuống từng nhà dân biên giới vận động bà con cam kết không chứa chấp trái phép vật liệu nổ, không tiếp tay cho tội phạm, những chủ tiệm tạp hóa không bán các loại hàng cấm trong đó có pháo nổ...
Qua thực tế triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát của các đơn vị phối hợp đã nắm cơ bản về phương thức, thủ đoạn của cánh đầu nậu. Cụ thể, trong từng thời điểm, từng địa bàn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm vẫn còn diễn ra, mà nguyên nhân là do nhu cầu thị trường và thị hiếu của người dân lớn, cùng với lợi nhuận đem lại cao. Long An lại gần thị trường tiêu thụ lớn nhất phía Nam đó là TP Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông khá thuận lợi nên các đối tượng thường nhắm đến; ngoài ra còn một đặc điểm nữa đó là pháo nổ, pháo hoa nổ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng những năm gần đây họ đã xây hàng rào dây thép gai không thể qua lại thoáng như trước được nữa nên các đối tượng buôn lậu đã trung chuyển sang Campuchia rồi tìm cách tuồn vào nước ta qua tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam bộ.
Trước đây, cánh đầu nậu tập kết hàng hóa tại các “kho tạm” phía Campuchia giáp biên giới Việt Nam, sau đó móc nối với người địa phương chia nhỏ lẻ để dễ dàng ngụy trang trong quần áo hoặc xách tay qua các đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch đưa vào nội địa tiêu thụ. Hiện tại, các đối tượng lợi dụng trời tối, địa hình, địa vật phức tạp và sử dụng xe mô tô, xuồng máy hoặc đai vác pháo nổ qua biên giới, sau đó tập kết nhanh đưa lên xe mô tô, ô tô đang chờ sẵn, di chuyển với tốc độ cao về TP Hồ Chí Minh và nếu phát hiện có trạm, chốt kiểm tra thì sẵn sàng tông thẳng để tẩu thoát. Lợi dụng việc mặt hàng pháo hoa sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chính ngạch được phép bày bán trên thị trường, tại các điểm tập kết, các đối tượng ngụy trang bằng cách trộn lẫn với nhau rồi sử dụng hóa đơn mua bán làm bùa hộ mệnh để đưa đến các điểm tiêu thụ. Gần đây, trinh sát còn phát hiện họ lợi dụng địa phương đang vào mùa thu hoạch bí đỏ, bí đao và một số loại nông sản khác để đóng giả làm nhà xe chở thuê với giá rẻ, sau đó giấu pháo nổ, pháo hoa vào giữa để tuồn vào nội địa tiêu thụ.
Bằng chiêu trò này, các đối tượng khi bị kiểm tra thường tìm đủ mọi lời lẽ chống chế, thậm chí cho rằng cơ quan chức năng cố tình làm khó, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, các trinh sát của các đơn vị phối hợp đã chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Song song với các biện pháp trên, các đơn vị phối hợp còn tranh thủ những mối quan hệ hữu hảo được xây dựng từ lâu giữa các đơn vị chức năng (đặc biệt là cảnh sát và các cấp chính quyền) dọc theo tuyến biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia để nắm tình hình, trao đổi thông tin tội phạm. Việc triển khai sớm các biện pháp này giúp các đơn vị phối hợp nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, chủ động lên phương án đấu tranh và cho đến thời điểm này, loại hình vận chuyển trái phép hàng cấm trên đang được kéo giảm đến mức thấp nhất.