Ngăn ngừa ẩu đả từ mâu thuẫn bộc phát
Mặc dù đã xây dựng nhiều mô hình, giải pháp để ngăn ngừa các vụ “huyết chiến” trên đường phố nhưng những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích từ mâu thuẫn nhất thời trong sinh hoạt, va chạm giao thông, xích mích trong lời ăn tiếng nói, mâu thuẫn trong lúc uống rượu bia…
Từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng thiếu kiềm chế dẫn đến người bị thiệt mạng, có tật suốt đời; kẻ phải rơi vào vòng tù tội, bỏ lại cha mẹ già, con cái bơ vơ không nơi nương tựa… Theo các chuyên gia về phòng chống tội phạm, để giảm thiểu hơn nữa loại tội phạm này, bên cạnh các giải pháp của ngành Công an thì mỗi cá nhân cần phải hết sức tỉnh táo, biết chế ngự cơn nóng giận khi phát sinh mâu thuẫn…
Những việc từ “bé xé ra to”
Khoảng 16h ngày 12/2/2023, Lâm Văn Vui (quê An Giang) rủ những người bạn gồm: Vũ Em, Tuấn Vũ, Văn Cường, Văn Đẹt và Thành Được đến trước nhà trọ tại ki-ốt số 2 nằm trên đường Thuận Giao 20, phường Thuận Giao, TP Thuận An (Bình Dương) để uống bia. Khi Vũ Em đang đứng trước ki-ốt thì bị Trần Thúc Bảo điều khiển xe mô tô quẹt trúng người. Mặc dù mình sai nhưng Bảo không một lời xin lỗi mà còn bước xuống xe, hùng hổ thách thức và cãi vã với Vũ Em. Nghe cãi nhau, Vui đến can ngăn, Bảo hậm hực bỏ đi. Nhóm Vui, Vũ Em bày tiệc ra nhậu.
Bức tức vì lời thách thức của Vũ Em, Bảo gọi điện cho nhóm “chiến hữu” gồm: Hái, Hoàng Anh, Thắng, Bằng, Phương, Hoàng Gim, Vũ, Việt để rủ đi “rửa hận” cho Bảo. Điều đáng nói là cả nhóm người này chẳng ai có một lời khuyên ngăn mà tất cả đều đồng ý đi “dạy cho đối thủ một bài học”. Để chuẩn bị “huyết chiến”, Vũ đi mua 2 con dao Thái Lan để làm hung khí, còn Bảo và Bằng mỗi người cầm một dao mã tấu dài khoảng 60cm rồi cùng kéo đến ki-ốt. Cùng lúc này Vui và Vũ Em đi ra đầu đường Thuận Giao 20 để mua vịt quay. Bảo chỉ tay về hướng Vũ Em ra lệnh chém. Bảo vừa dứt lời, Vũ cầm dao đâm 3 nhát vào đùi Vũ Em. Biết chuyện, nhóm bạn nhậu của Vũ Em, mỗi người cầm một đoạn gỗ lao vào hỗn chiến. Tuy nhiên, cây gỗ không đọ được với mã tấu nên nhóm Vũ Em chạy trốn vào trong các phòng trọ, riêng Vui chạy vào quán cơm ven đường 22/12. Nhóm Bảo rượt theo Vui và đã ra tay sát hại người này.
Hùng hổ là vậy, xem mạng người như cỏ rác nhưng khi bị bắt đưa về trụ sở Công an, nhóm hung thủ nói không nên lời, giọng lí nhí khai về hành vi phạm tội của mình. Có kẻ chỉ biết khóc, nói lời hối hận nhưng tất cả đã quá muộn màng…
Khoảng 16h30 ngày 5/3, anh L.H.Th (sinh năm 1997, quê Bình Phước) cùng nhóm bạn ngồi uống nước mía trên đường D6, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Thời điểm này có một nhóm thanh niên chạy xe nẹt pô nên Th. có lời nhắc nhở. Ít phút sau, có 6 đối tượng đi trên 3 xe mô tô mang theo rựa tìm đến chém anh Th. gây thương tích nặng rồi tẩu thoát khỏi hiện trường. Anh Th. được đưa đi bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương ở vai trái và cẳng tay trái.
Quá trình truy xét, Công an TP Thủ Dầu Một đã vận động được 5 đối tượng ra đầu thú gồm: Trịnh Phú Hiệp (sinh năm 1999), Lâm Vũ Hà (sinh năm 2007, cùng quê Cà Mau), Lê Hoàng Hiếu (sinh năm 2002, quê Đồng Tháp), Nguyễn Văn Tân (sinh năm 2002) và Nguyễn Thành Lập (sinh năm 2004, cùng quê An Giang). Đối tượng còn lại hiện đang bỏ trốn là Lê Thiện Cao Điểm (thường gọi là Dũng, sinh năm 2003, quê Tây Ninh).
Qua quá trình lấy lời khai của các đối tượng cho thấy, nguyên nhân ban đầu cũng có phần xuất phát từ lỗi của anh Th. muốn chứng tỏ mình với nhóm đối tượng gây án. Cụ thể là vào chiều 5/3, nhóm đối tượng nói trên đến bãi đất trống thuộc khu 1 Suncasa ở phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) để chơi thả diều.
Mặc dù chẳng biết nhóm này là ai và cũng chẳng có mâu thuẫn gì nhưng vì thích thể hiện nên anh Th. cùng nhóm bạn dừng xe cạnh nhóm đối tượng, chỉ tay hỏi “phải tụi này không?” rồi bỏ qua quán nước mía ở đường D6 ngồi uống nước. Thấy vậy, nhóm đối tượng cũng nổi máu côn đồ nên Điểm chạy xe mô tô chở theo Hiếu đến chỗ anh Th. và nẹt pô khiêu khích. Th. chặn xe Điểm lại và tự xưng mình là trinh sát hình sự nên Điểm tăng ga chạy về bãi đất trống nơi thả diều. Điểm nói “thằng đó là hình sự giả tụi bây lấy hàng chém nó dằn mặt”. Vậy là cả nhóm đi tìm hung khí và đã gây án vụ án như đã nêu…
Sơn Chí Hải, Hồ Chí Phiên, Nguyễn Chí Linh (cùng quê Cà Mau) là bạn bè với nhau và cùng tham gia nhóm Facebook có tên là “Tiểu Hổ” với 60 thành viên do đối tượng tên Diễm làm trưởng nhóm. Do có mâu thuẫn với các thành viên trong nhóm nên Hải rời nhóm và tuyên bố trên nhóm sẽ đánh những thành viên trong nhóm “Tiểu Hổ”.
Cho rằng Hải hỗn láo, Diễm cùng Phiên, Linh và hơn 10 thành viên trong nhóm tìm đến phòng trọ đánh Hải và buộc Hải phải xin lỗi. Khi hay biết chuyện, thay vì trình báo cơ quan Công an và khuyên can con mình trong cách đối nhân xử thế thì Sơn Văn Minh (cha của Hải) lại sinh lòng bực tức, thù hận và muốn trả thù cho con mình. Minh gọi điện cho một đồng hương quê Cà Mau là Sơn Chí Hào để nhờ hỗ trợ đánh nhóm của Diễm, Linh, Phiên. Hào đồng ý và thêm 5 người bạn của mình tham gia.
Chuẩn bị xong xuôi, Hải gọi điện cho Linh để thách thức và hẹn nhau “huyết chiến”. Lúc này Linh đang ngồi uống rượu với Quách Minh Trung, Nguyễn Văn Kha, Hồ Chí Phiên tại nhà trọ Kim Sơn, thuộc đường Khánh Bình 73, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên. Sau khi nhận điện thoại, Linh kể lại sự việc cho cả nhóm nghe thì thống nhất đánh lại nhóm của Hải.
Trung điện thoại rủ thêm 2 người bạn là Lệnh và Minh đến hỗ trợ, khi đi có mang theo 2 dao tự chế. Khi gặp nhau, hai nhóm lao vào đánh đấm túi bụi. Nhóm của Linh yếu thế nên bỏ chạy. Kha chạy chậm, bị Hào nắm cổ áo kéo lại rồi dùng dao đâm 2 nhát vào ngực. Kha được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong…
Bắt đầu từ các mô hình cộng đồng
Theo Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 209 vụ giết người và cố ý gây thương tích. Đa số những người phạm tội giết người, cố ý gây thương tích từ mâu thuẫn nhỏ. Hầu hết các đối tượng gây án có lối sống buông thả, thích thể hiện, dễ bị kích động dẫn đến hành vi bạo lực, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại, phim ảnh bạo lực tràn lan trên mạng xã hội, internet; công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, theo Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an TX Tân Uyên (Bình Dương), do Bình Dương thu hút khá đông đảo người từ các tỉnh thành khắp nơi trong cả nước về sinh sống, làm việc mà văn hóa vùng miền khác nhau nên trong lời ăn tiếng nói rất dễ phát sinh mâu thuẫn do không hiểu nhau. Các đối tượng gây án phần đông là người tạm trú, có trình độ văn hóa thấp, xuất thân từ gia đình thuộc thành phần phức tạp; có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc… Động cơ gây án do mẫu thuẫn tức thời chiếm tỷ lệ khoảng 50%.
Để làm tốt công tác phòng ngừa, Công an tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình như Đội công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT tại các doanh nghiệp; Câu lạc bộ chủ nhà trọ; Câu lạc bộ phòng chống tội phạm… Bởi hầu hết các đối tượng gây án là công nhân và người ở trọ nên mục tiêu chính của các mô hình này là kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong công nhân, giữa những người ở trọ để kịp thời hòa giải những xích mích mới manh nha. Từ thực tế cho thấy, nơi nào có nhiều mô hình này thì ở đó ít xảy ra các vụ hỗn chiến từ mâu thuẫn xã hội.
Sau 5 năm (2018-2022) xây dựng mô hình, Bình Dương hiện có 1.021 Đội CNXK trong và ngoài khu công nghiệp với 19.390 thành viên. Các Đội CNXK đã kịp thời, ngăn chặn hàng trăm vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài. Hiện tại, Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục nhân rộng mô hình này để ngày càng hạn chế các vụ án đau lòng từ mâu thuẫn nhỏ…
Một mô hình khác ngăn chặn hiệu quả các vụ “huyết chiến” là Tổ tuần tra đặc biệt 171. Từ đầu tháng 11/2022, khi Công an Bình Dương lần lượt thành lập 23 Tổ tuần tra đặc biệt 171 thì các vụ “huyết chiến” giảm dần. Ngay cả trong thời điểm Tết Nguyên đán 2023, toàn tỉnh không có vụ “huyết chiến” nào, giảm 100% so những năm trước đó…
Các Tổ 171 hoạt động khá hiệu quả bởi các thành viên trong tổ có sự góp mặt của 7 đơn vị: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh 113, Cảnh sát cơ động và lực lượng Cảnh sát khác. Do vậy mà Tổ 171 có thẩm quyền kiểm tra tất cả các trường hợp có dấu hiệu vi phạm và ngăn chặn, can thiệp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; tấn công tội phạm, trấn áp các đối tượng nguy hiểm, quá khích, băng nhóm, những người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Phạm Quang Trưởng, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua 3 tháng đi vào hoạt động, Tổ 171 các cấp đã tổ chức hơn 1.400 ca tuần tra với gần 14.500 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia đã đã phát hiện và giải tán 56 nhóm với 295 đối tượng tụ tập ăn uống về đêm gây mất an ninh trật tự… ngăn chặn hàng chục vụ chuẩn bị đánh nhau.
“Các Tổ 171 đã chủ động nắm bắt các tuyến, địa bàn phức tạp, thu thập thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật, để tổ chức tuần tra kiểm soát, tuần tra vũ trang có trọng tâm, trọng điểm nên đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Bước đầu, các Tổ 171 cũng đã tạo được sức răn đe, các loại tội phạm đường phố có tính chất manh động giảm hơn so với trước” - Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết.