Người phụ nữ bỗng dưng trở thành khủng bố !

Chủ Nhật, 10/12/2023, 10:00

9 giờ sáng ngày 17/1/2023, Dalila Johana Flores, 24 tuổi là mẹ của đứa con gái 8 tuổi đang xay bột ngô tại nhà thì một nhóm 10 cảnh sát, dẫn đầu bởi một nữ trung sĩ bước vào rồi đọc lệnh bắt cô với tội danh “khủng bố”. Dalila chỉ là một trong hàng nghìn vụ bắt giữ tùy tiện, thực hiện bởi cảnh sát El Salvador theo một sắc lệnh nhằm vào các thành viên băng nhóm Mara Salvatrucha (MS-13) và Barrio 18…

1. Cho đến khi bị bắt, Dalila vẫn chưa hề có tiền án, tiền sự. Nghề nghiệp của cô là làm bánh bột ngô để bán cho những cư dân nghèo ở thị trấn Maneadero, bang El Maneadero. Trang tin Latin America Today cho biết trường hợp của Dalila cũng tương tự như nhiều người khác, nghĩa là căn cứ vào tình trạng khẩn cấp theo yêu cầu của Tổng thống Nayib Bukele, Hội đồng Lập pháp El Salvador đã ban hành một sắc lệnh, ký ngày 27/3/2022. Theo tinh thần của sắc lệnh này, bất kỳ người nào cũng có thể bị coi là “khủng bố” và bị bắt giam, ngay cả khi một quan chức nhà nước nào đó xác nhận rằng người ấy không hề có mối liên hệ với băng nhóm MS 13 hay Barrio 18.

sal1.jpg -0
Người biểu tình với những áp phích có ảnh Dalila tại khách sạn, nơi ở của đại biểu Hoa hậu hoàn vũ.

Từ lâu, luật pháp El Salvador đã liệt các thành viên MS 13 và Barrio 18 là khủng bố, dẫn đến hơn 73.000 người bị bắt. Nhiều người trong số họ bị bắt bởi những cuộc điện thoại tố cáo nặc danh chứ không phải do các cuộc điều tra nghiêm túc. Dalila nói: “Việc bắt tôi cũng thế. Đầu tiên họ yêu cầu tôi xuất trình thẻ căn cước. Sau khi xem xong, họ giữ luôn rồi bảo tôi ngồi yên tại chỗ”.

Thời điểm cảnh sát bắt Dalila thì cũng là lúc ông Francisco Antonio Flores Murillo, cha cô vừa về đến nhà sau khi đưa mấy con bò vào chuồng. Ông Francisco nói: “Tôi hỏi họ có chuyện gì vậy thì nữ trung sĩ trưởng nhóm trả lời: “Đây là trường hợp đặc biệt. Chúng tôi đang xác minh”.

Vẫn theo ông Francisco, vài cảnh sát cầm giấy căn cước của Dalila đi bộ đến một ngôi nhà cách nhà ông mấy căn. Đó là nhà của người bà con với một trong những thủ lĩnh Barrio 18: “Trước đó, con gái tôi đã có những xích mính với người này, cũng làm nghề bán bánh bột ngô nên tôi tin là họ đã vu oan cho con gái tôi là thành viên ngầm của Barrio 18”.

Không lâu sau đó, nhóm cảnh sát trở về. Trao đổi với nhau mấy câu, nữ trung sĩ trưởng toán cho Dalila biết cô sẽ phải theo họ đến đồn Cảnh sát dân sự quốc gia ở Zacatecoluca “chỉ để xác minh”. Ông Francisco nói: “Tôi cố ngăn họ, tôi đề nghị họ cho tôi xem lệnh bắt giữ nhưng họ không trả lời mà ngược lại, họ thu điện thoại của con gái tôi. Một lần nữa, tôi gần như hét lên với viên trung sĩ “Hãy nhìn xem, con gái tôi có cái gì chứng tỏ nó là thành viên băng nhóm không? Cái giỏi nhất của nó là làm bánh. Các người không thể bắt nó mà không có lệnh”.

Nhưng quyết định đã được đưa ra và có phần nhân đạo! Họ cho phép Dalila đi tắm, thay quần áo rồi đưa cô lên chiếc xe bán tải màu trắng. Và thay vì giải cô về đồn Cảnh sát dân sự quốc gia, xe lại chạy thẳng đến nhà tù an ninh Zacatecoluca, cách thị trấn El Maneadero 5km. Đây là nơi dùng để giam giữ những tù nhân băng nhóm và những kẻ phạm tội đại hình nhưng sáng hôm sau, Dalia lại bị chuyển đến Trung tâm hình sự Apanteos ở Santa Ana, sát biên giới với Guatemala. Lần này, tội danh chính thức được gán cho cô là “khủng bố”.

Người phụ nữ bỗng dưng trở thành khủng bố ! -0
Carlos, 27 tuổi, với cáo buộc là thành viên Barrio 18 bị lục soát để tìm ma túy.

Dalila không phải là trường hợp hiếm hoi bị bắt vì những cáo buộc mơ hồ. Theo những người hàng xóm của cô, chỉ riêng thị trấn Maneadero đã có 5 người khác cũng bị bắt khẩn cấp từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay. Enrique Manuel Carrillo Merino, một trong những người vào tù trước Dalila vài ngày là thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp và chăn nuôi El Maneadero. Ông được các xã viên mô tả là “hiền lành, nhút nhát và chưa bao giờ làm mất lòng ai”. Hay như hai anh em ruột Heriberto Gonzalez Munoz, 36 tuổi, thợ cơ khí và Jose Rafael Martínez, 39 tuổi, tài xế, một bị bắt tại nhà lúc đang tắm còn người kia bắt ngoài đường. Ester Gonzalez, em gái họ kể với trang tin Latin America Today: “Cảnh sát chỉ nói với hai anh tôi là “có tên trong danh sách”. Khi thấy những người hàng xóm tụ tập xung quanh chiếc xe sẽ đưa anh em Heriberto vào nhà tù Zacatecoluca, một chỉ huy cảnh sát quát lớn: “Giải tán ngay, nếu không chúng tôi bắn”.

2. Theo ước tính của Tổ chức Socorro Jurídico Humanitario (SJH), tự nguyện hỗ trợ pháp lý, tâm lý và y tế cho các nạn nhân của chế độ thì Dalila và anh em Heriberto chỉ là “con số lẻ” trong 15.000 người vô tội vẫn đang bị giam giữ. Ông Ingrid Escobar, Giám đốc điều hành SJH nói: “Hầu như mỗi ngày, chúng tôi nhận được thông tin từ 10 đến 15 trường hợp đi tù mà không lý do. Cho đến nay SJH đã lập trên 1.500 hồ sơ về sự vô tội của những người bị bắt rồi trình cho Viện Công tố El Salvador nhưng mới chỉ có 33 người được thả”. Ông Samuel Ramirez, đại diện cho Phong trào nạn nhân của chế độ (Movimiento de Víctimas del Régimen, viết tắt là MOVIR) nói thêm: “Ít nhất 30% số người bị giam giữ bằng sắc lệnh khẩn cấp là vô tội. Tính đến ngày 50/9/2023, con số 30% ấy là hơn 22.000 người trong tổng số 73.271 người bị bắt”.

Ngược dòng thời gian, kể từ khi băng nhóm Barrio 18 ra đời tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ hồi những năm 1960 với đa số thành viên là người Mexico, chuyên về buôn bán ma túy thì đến năm 1980, Barrio 18 phát triển sang các nước Mỹ Latin, trong đó có El Salvador. Tại quốc gia này, nó được gọi là “Revoluciónarios - Những người cách mạng” với khoảng 30.000 thành viên nhưng theo cảnh sát El Salvador, nó vẫn là Barrio 18, hoạt động trong các lĩnh vực ma túy, cướp, khủng bố, tống tiền, buôn người, nhập cư bất hợp pháp, rửa tiền, giết người, tổ chức mại dâm, bắt cóc và buôn bán vũ khí.

Với MS 13, băng nhóm này cũng ra đời tại Los Angeles, Mỹ trong những năm 1960 với mục đích bảo vệ người nhập cư El Salvador ở Mỹ nhưng theo thời gian, nó biến thành một tổ chức tội ác. Sau khi nội chiến ở El Salvador kết thúc năm 1992, khoảng 12.000 thành viên MS 13 bị Mỹ trục xuất về El Salvador, vô hình trung đã tạo điều kiện cho nó sinh sôi, phát triển. Và cũng như Barrio 18, lĩnh vực làm ăn của MS 13 bao gồm ma túy, buôn lậu vũ khí, giết người, hãm hiếp, bắt cóc đòi tiền chuộc, làm giả giấy tờ tùy thân, tổ chức mại dâm, cướp, khủng bố theo đơn đặt hàng…

Vì thế, để lập lại trận tự, chính quyền El Salvador thẳng tay trấn áp nhưng theo Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, cảnh sát “dường như đã quá trớn kể từ khi Tổng thống Nayib Bukele vô hiệu hóa quyền độc lập tư pháp hồi giữa năm 2019, tạo điều kiện cho các hành vi lạm dụng”. Tiến sĩ Tutela María Julía Hernández, chuyên ngành pháp lý thuộc Đại học Trung Mỹ (Universidad Centroamericana) tin rằng “sau một năm rưỡi điều tra, đa số những người bị giam giữ nhưng chưa bị kết án đều vô tội”.

Với Tổ chức Ân xá quốc tế, nhà chức trách ở El Salvador “đã vi phạm nhân quyền có hệ thống” kể từ khi Tổng thống Nayib Bukele ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hồi tháng 3 năm 2022 và được gia hạn định kỳ để giải quyết bạo lực băng nhóm. Ông Erika Guevara-Rosas, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết: “Cái chết của 132 người bị giam giữ tùy tiện, truy tố hình sự bừa bãi là không tương thích với chiến lược an ninh công cộng, công bằng và lâu dài. Việc dỡ bỏ nền pháp quyền không phải là câu trả lời cho những vấn đề mà El Salvador đang phải đối mặt”.

Người phụ nữ bỗng dưng trở thành khủng bố ! -0
Thành viên MS13, tất cả đều xăm mình, trong khi nhiều người bị bắt thì không.

3. Quay lại với trường hợp của người thợ làm bánh bột ngô Dalila bị bắt với tội danh “khủng bố”, dưới sự hỗ trợ của nhiều tổ chức pháp lý, nhân quyền, gia đình Dalila đã nỗ lực hết sức nhằm công khai vụ án của cô. Một đặc vụ kỳ cựu của Lực lượng phản ứng đặc biệt thuộc cảnh sát El Salvador đã tuyên thệ trước tòa rằng trong suốt 3 năm, ông đã trực tiếp điều tra về những hoạt động của băng nhóm Barrio 18 ở bang El Maneadero, nơi Dalila và gia đình cô sinh sống: “Họ là những con người trung thực, chăm chỉ và tôn trọng pháp luật. Không có bất kỳ một chứng cứ nào để có thể nghi ngờ - chứ không phải kết luận - cô ấy là khủng bố bởi lẽ tất cả thành viên Barrio 18 lẫn MS 13 đều xăm trên thân thể những biểu tượng về băng nhóm của họ, còn Dalila và những người bị bắt giam tùy tiện thì không”. Ngay cả ông Nicolas Antonio Garcia Alfaro, thị trưởng thành phố Tecoluca và đồng thời cũng là đảng viên của đảng cầm quyền Nuevas Ideas đã bảo vệ sự vô tội của Dalila trong một lá thư gửi Tổng thống Nayib Bukele: “Tôi biết Dalila từ khi cô ấy còn nhỏ. Cuộc sống của cô ấy chỉ quanh quẩn bên những bao ngô, cái cối xay bột và lò nướng. Kết tội Dalila khủng bố chỉ làm tổn hại đến uy tín của chính quyền thay vì khiến người dân đặt niềm tin nhiều hơn vào luật pháp…”.

Thế nhưng Dalilah vẫn bị giam và đã ở nhà tù Apanteos hơn 9 tháng. Không ai trong gia đình, kể cả luật sư được gặp cô. Theo ông Francisco, cha của Dalila, điều cuối cùng họ biết là cô đang bị giam tại Khu 3, một khu vực đặc biệt khắc nghiệt trong nhà tù Apanteos. Tại đó, mỗi tù nhận mỗi ngày chỉ được cấp 1 lít nước, không đủ để uống chứ đừng nói đến những nhu cầu vệ sinh tối thiểu. Ông Francisco nói: “Mãi đến ngày 2/10/2023, chúng tôi mới được phép gửi cho Dalilah 2 gói thực phẩm và các đồ vệ sinh phụ nữ nhưng không được gặp mặt”.

Việc bắt giam Dalilah cùng nhiều người khác và nhất là trước những tuyên bố mang tính thách thức của một số viên chức chính phủ lẫn cảnh sát như giọt nước tràn ly. Ít nhất 3.000 người đã biểu tình ở thủ đô San Salvador hôm thứ Bảy 18/11 nhằm phản đối các cuộc đàn áp chống băng nhóm nhưng lại đưa những người vô tội vào tù. Cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài giờ trước khi El Salvador đăng cai cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ. Người biểu tình tuần hành từ Đài tưởng niệm Hiến pháp đến một khách sạn sang trọng, nơi hàng chục đại biểu Hoa hậu hoàn vũ đang lưu trú. Guadalupe Avila, 67 tuổi, có con trai Carlos 27 tuổi bị bắt cách đây 19 tháng nói: “Chúng tôi muốn các người đẹp trên thế giới thấy rằng người dân Salvador đang đau khổ. Đất nước này không như những gì họ được nghe nói”. Một số người biểu tình đeo khăn choàng có dòng chữ "Hoa hậu tù nhân chính trị", "Hoa hậu đàn áp" và "Hoa hậu bắt giam hàng loạt", nhằm gây sự chú ý  với khách quốc tế trong lúc cảnh sát chống bạo động chỉ đứng nhìn bởi lẽ hàng chục máy ảnh, máy quay phim của giới truyền thông trong, ngoài nước đang chĩa vào họ. Ông Goebertus, quan chức thuộc Ngân hàng hội nhập kinh tế Trung Mỹ (Banco Centroamericano de Integración Económica), người đã chứng kiến cuộc biểu tình nói với các nhà báo: “Các chính phủ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế nên đình chỉ các khoản vay hiện có cho El Salvador bởi lẽ nó chỉ mang lại lợi ích cho các cơ quan trực tiếp thực hiện việc bắt người tùy tiện, bao gồm cảnh sát quốc gia, quân đội và hệ thống nhà tù…”.

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.