Người tị nạn Afghanistan - nỗi đau đầu của các nước Trung Á
Hơn ba tháng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, tình hình hiện nay tại Afghanistan đã có phần lắng dịu. Tranh chấp vũ trang giữa Taliban và các lực lượng đối lập vẫn xảy ra gần như hằng tuần nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hệ lụy của việc Taliban lên nắm quyền đang khiến chính quyền các nước láng giềng ở Trung Á đau đầu khi đang có hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan đang sống lay lắt từng ngày…
Tình thế bi quan
Vợ chồng Besmellah Mahmoody là hai trong số vài trăm người tị nạn Afghanistan đang trú tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Anh kể lại câu chuyện về chuyến hành trình tị nạn gian nan của hai vợ chồng: “Hai ngày trước khi Taliban chiếm được thành phố Mazar-i-Sharif, hai vợ chồng tôi mới kiếm được xe chở đến biên giới Afghanistan -Uzbekistan. Chúng tôi mất nửa ngày để chờ đến lượt được hải quan Uzbekistan kiểm tra giấy tờ, nhưng như thế là còn may. Nhiều người không có visa Uzbekistan như tôi đã cất công đưa cả gia đình lên đấy rồi mà còn bị lính biên phòng đuổi về”.
Besmellah là phóng viên của một tờ báo, có chút danh tiếng vì những bài báo chỉ trích Taliban của mình. Vợ anh là giảng viên đại học. Nếu họ ở lại Afghanistan thì kể cả không bị Taliban trả thù cũng chịu chết đói. Chính phủ mới của Afghanistan đã đóng cửa hàng loạt các toà soạn báo và cấm phụ nữ không được làm giáo viên. Thế nhưng tại Uzbekistan, cuộc sống của hai vợ chồng cũng chẳng khá hơn là mấy. Hiện họ đang sống tạm bợ cùng nhiều gia đình khác trong mấy căn nhà do một tổ chức từ thiện ở Uzbekistan điều hành. Tổ chức này được lập ra nhằm giúp đỡ giới trí thức Afghanistan thoát khỏi đất nước và xin tị nạn tại các quốc gia khác. Hiện nay họ mới chỉ giúp được 16 gia đình tái định cư ở Mỹ, Canada và Châu Âu.
Anvar Nazirov, một thành viên của tổ chức, trả lời phỏng vấn hãng tin RT: “Lúc này chúng tôi có 1.500 gia đình Afghanistan trong danh sách cần được trợ giúp. Có thể chia họ làm hai nhóm khác nhau: các cá nhân thuộc các dân tộc thiểu số tại Afghanistan như Uzbek, Tajik, Haraza vốn từ lâu chịu sự đàn áp của Taliban. Và những người trước đây từng làm những việc bị coi là “chống đối” Taliban như cảnh sát, binh lính, nhà báo, giáo viên, v.v…”.
Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát, đã có tới 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Con số này đã tăng thêm khoảng 900.000 người kể từ thời điểm chính quyền Kabul sụp đổ. Chỉ riêng tại Uzbekistan hiện nay đã có 13.032 người Afghanistan cư trú tạm thời. Cùng với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của phận người tị nạn, họ lúc nào cũng canh cánh nỗi lo bị quốc gia sở tại trục xuất.
Chính phủ Uzbekistan và Turkmenistan đã tuyên bố cách đây hai tháng rằng, họ chỉ cho phép người tị nạn cư trú tạm thời tại nước mình. Sau khoảng thời gian này, nếu họ không tìm được một quốc gia mới để định cư, người tị nạn sẽ bị trục xuất về Afghanistan. Trong khi đó Kyrgyzstan và Kazakstan tuyên bố chỉ cho nhập quốc tịch những công dân Afghanistan thuộc dân tộc Kyrgyz và Kazak nhập quốc tịch nước mình.
Quyết định của các chính phủ Trung Á đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân nước họ. Trong số những tiếng nói phản đối là những người có thân nhân, họ hàng sống tại Afghanistan; giới trí thức; và các tổ chức phi chính phủ. Tại Uzbekistan, họ đã gây sức ép thành công lên chính phủ, buộc Tổng thống Shavkat Mirziyoyev phải kéo dài thời hạn visa cho người tị nạn và hứa không trục xuất họ. Khả năng người tị nạn được tái định cư tuy vậy vẫn còn rất thấp vì nhiều lý do khác nhau.
Thế bí
Lý do mà các chính phủ Trung Á đưa ra cho việc không tiếp nhận người tị nạn là vì họ không có đủ nguồn lực do những nước này đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Hạn hán kéo dài không những khiến mùa màng thất bát mà còn làm cho các quốc gia Trung Á thiếu điện trầm trọng. Như ở Kyrgyzstan, hồ Toktogul đang ở mực nước thấp kỷ lục trong vòng một thập kỷ qua. Đập thuỷ điện Toktogul lại là nguồn cung đến 40% sản lượng điện của Kyrgyzstan. Cho dù chính phủ Tổng thống Sadyr Japarov đã phải cho cắt điện thường xuyên trên các khu vực diện rộng, tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra trầm trọng.
Giữa lúc nền kinh tế đã trì trệ, các chính phủ Trung Á còn phải nghĩ đủ kiểu để kiếm nguồn cung ứng năng lượng bổ sung. Kazakhstan một mặt triệt phá các “mỏ” đào tiền điện tử crypto tiêu thụ rất nhiều năng lượng, mặt khác khẩn trương thúc đẩy đàm phán hợp tác sản xuất năng lượng nguyên tử với Trung Quốc. Turkmenistan mở gói thầu đổi lúa mì lấy than và khí hóa lỏng. Azerbaijan yêu cầu Iran giảm giá bán khí đốt cho mình để đổi lấy việc chính quyền Baku giảm sức ép lên khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Trong bối cảnh đó, tiếp nhận dòng người di cư ồ ạt từ Afghanistan là điều cuối cùng mà các nhà lãnh đạo Trung Á muốn làm.
Nhưng theo nhiều nhà quan sát, còn có nhiều lý do địa-chính trị khác khiến bốn quốc gia hậu Xô Viết không muốn nhận người tị nạn Afghanistan. Dosym Satpayev, chuyên gia của Viện nghiên cứu Carnergie (Mỹ) viết trên một tờ báo Kazakhstan như sau: “Trong nội bộ chính phủ các nước Trung Á đang có nhiều ý kiến trái chiều về người tị nạn. Một số không nhỏ các quan chức cho rằng các tổ chức như Taliban và ISIS-K có thể đã cài gián điệp vào trong đoàn người tị nạn. Cũng có quan điểm cho rằng thế hệ con cháu của những người tị nạn có thể trở thành khủng bố ngay trong lòng các nước Trung Á”.
Quan điểm tương tự cũng được một quan chức tình báo Tajikistan giấu tên nói với phóng viên đài truyền hình Al Jazeera rằng: “Bất kỳ người tị nạn nào cũng có thể là một tên khủng bố”. Tuy nhiên vị này tỏ ra lo lắng hơn trước việc những tư tưởng Hồi giáo cực đoan có thể theo chân người tị nạn vào Tajikistan: “Sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, chính phủ đã tốn rất nhiều công sức kiểm soát sự phát triển của Hồi giáo. Giả sử bây giờ hệ tư tưởng của Taliban du nhập vào Tajikistan thì bao nhiêu công sức đó sẽ đổ bể. Cả nền dân chủ thế tục của Tajikistan sẽ gặp nguy hiểm”.
Mặt khác, các chính phủ các nước Trung Á hiện đang đàm phán với Taliban. Họ không muốn gây hấn với nhà cầm quyền mới của Afghanistan. Taliban đã ban hành nhiều sắc lệnh cấm dân chúng rời khỏi chỗ ở mà không có phép, đồng thời kêu gọi những người tị nạn trở về nước. Việc trao quyền định cư cho người tị nạn Afghanistan lúc này rất dễ khiến Taliban phật lòng, tạo ra căng thẳng giữa các bên.
Lấy ví dụ như Uzbekistan. Biên giới giữa nước này và Afghanistan dài 130 km, trong đó cửa khẩu chính nằm ở hai bên cây cầu Hữu Nghị bắc qua sông Amu Darya. Hồi cuối tháng 8 vừa qua, hơn chục máy bay vận tải và trực thăng bất ngờ bay trên đầu cầu. Máy bay do những phi công của chính phủ Afghanistan cũ chở vợ con, người thân sang Uzbekistan tị nạn. Những người lính bộ binh còn ở lại đóng quân tại vùng núi gần biên giới.
Từ đó đến nay Taliban liên tục gửi quân lên khu vực này nhằm thám thính tình hình, hoặc tiến hành đột kích vào nhóm quân chính phủ cũ. Một trực thăng của Taliban không biết vì lý do gì khi bay qua biên giới còn bị máy bay MiG-29 của Uzbekistan bắn hạ. Chiến tranh đang trực chờ ở vùng biên giới và có thể lan sang Uzbekistan bất cứ lúc nào.
Tình hình ở biên giới Turkmenistan - Afghanistan cũng không khá hơn là bao. Hồi tháng 7 vừa rồi, Taliban đã chiếm một đồn biên phòng ở tỉnh Mary (Turkmenistan) và giết chết bảy lính biên phòng. Chính quyền Ashgabat đã lập tức cho điều động binh lính và vũ khí hạng nặng lên tăng cường cho đoạn biên giới dài 800 km.
Khu vực ít căng thẳng nhất có lẽ là khu biên giới Tajikistan - Afghanistan. Tuy chính quyền Dushanbe đã đặt 100.000 binh lính và 130.000 dân quân ở vùng núi Pamir ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, phía Afghanistan vẫn chưa có động tĩnh gì. Nhiều khả năng điều này là vì Taliban không muốn động đến các đơn vị lính Nga đang đóng ở khu vực này theo thỏa thuận trước đó giữa Moscow và Dushanbe.
Không có nhiều hy vọng
Lúc này vẫn không thiếu những tiếng nói từ cả trong và ngoài nước yêu cầu các quốc gia Trung Á chấp nhận người tị nạn Afghanistan. Ivar Dale, một chuyên gia cố vấn các vấn đề chính sách tại tổ chức nhân quyền quốc tế NHC (Na Uy) viết trong một bức thư mở: “Tuy trong ngắn hạn các nước như Uzbekistan và Kazakhstan khó chu cấp được một cuộc sống no đủ cho người tị nạn. Nhưng nếu họ bắt tay vào việc tiếp nhận các gia đình Afghanistan ngay lúc này, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể được giải quyết trong vòng sáu năm tới”.
Vấn đề là liệu Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Turkmenistan có tính lâu dài như vậy? Nhưng biện pháp mà họ đã và đang thực hiện chỉ mang tính cầm chừng. Đơn cử như việc Turkmenistan và các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc hợp tác xây dựng trại tị nạn tại khu vực biên giới. Tuy vậy những người tị nạn bị cấm ra khỏi trại và có thể chịu trục xuất nếu vi phạm quy định. Hay như Uzbekistan đã cho đóng cửa một sân bay ở thủ đô Tashkent để đón nhận máy bay chở người tị nạn từ Kabul sang, nhưng sau đó lập tức cho các máy bay này cùng hành khách bay sang Berlin (Đức).
Số phận của người tị nạn Afghanistan tại khu vực Trung Á phụ thuộc rất nhiều vào tình hình địa - chính trị nơi đây. Rất khó để đưa ra bất kỳ dự đoán chắc chắn nào. Điều duy nhất cộng đồng quốc tế có thể làm lúc này là cố gắng đưa được càng nhiều người tị nạn sang các quốc gia khác để tái định cư nhằm giảm nhẹ bất kỳ thiệt hại nào có thể xảy ra trong trường hợp tình hình xấu thêm.