Nhận quả đắng vì “mua hàng để hưởng hoa hồng”
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo, nêu ra những chiêu trò của các băng nhóm lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân kịp thời nắm bắt, nhưng thời gian vừa qua vẫn có rất nhiều người sập bẫy đầu tư tài chính lãi suất cao, mua hàng để được hoàn tiền…
Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã tìm gặp một số nạn nhân và được họ cung cấp nhiều thông tin về bản chất của các đối tượng lừa đảo với mong muốn để không còn ai rơi vào những cái bẫy này mà tán gia bại sản.
Từ giới thiệu gói hàng để nhận hoa hồng khủng…
Cả tuần vừa qua, anh Lê Ngọc Đức, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh ngày nào cũng đội mưa tìm đến các cơ quan chức năng để gửi đơn, thư tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm tội phạm lừa đảo trên mạng.
Theo lời kể của anh Đức, do vợ anh hoạt động trong ngành thẩm mỹ, luôn cần có khách hàng sử dụng dịch vụ nên vào đầu tháng 6/2024, khi một tài khoản lạ muốn kết bạn để tìm hiểu thì chị đã lập tức đồng ý. Kết bạn xong, ngày nào đối tượng cũng viết nhiều bình luận khen cơ sở của vợ anh Đức có kỹ thuật tốt, thái độ phục vụ khách tận tình, chu đáo rồi hứa sẽ giới thiệu nhiều bạn bè đến sử dụng dịch vụ. Cùng với đó, đối tượng còn gửi lời chúc sức khỏe chồng, con, cha mẹ, người thân, đồng thời cũng ngỏ lời muốn nhờ vợ anh Đức nếu có mối làm ăn nào cần vốn lớn thì alô cho họ tham gia một chân và sẽ hậu tạ cho vợ anh.
Bẵng đi vài ngày, đối tượng lại vào mạng trò chuyện với vợ anh Đức, sau khi giả vờ hỏi han xem có gì để đầu tư không thì đối tượng đã tự giới thiệu là quản lý cấp cao của website thương mại điện tử Việt Nam (Tiki). Tiếp sau đó, đối tượng “bật mí” rằng hiện đang có chương trình giới thiệu các gói hàng cho người khác mua để được hưởng hoa hồng cao, nhưng do đối tượng là quản lý, không thể tham gia được nên muốn để cho vợ anh Đức là chỗ thân quen làm thử để kiếm thêm thu nhập rồi gửi cho vợ anh một đường link với lời dặn “nếu tham gia thì đặt tiền cọc tối thiểu là 1 triệu”.
Vốn là người giỏi về công nghệ, sau khi nghe vợ nói về chương trình giới thiệu gói hàng này, anh Đức đăng nhập vào đường link và ngay sau đó là trang Tiki hiện ra với nhiều hoạt động mua bán trực tuyến, giao hàng tận nơi… Ngoài ra, anh còn nhờ nhiều bạn bè là dân IT tìm hiểu giúp và tất cả đều cho ra kết quả tương tự như anh. Sau khi cân nhắc, anh thận trọng bàn với vợ thử đầu tư số tiền triệu đồng xem nếu được thì tính tiếp, còn mất thì xem như bài học. Ngay sau đó, vợ anh chuyển tiền vào tài khoản do trang này cung cấp rồi giới thiệu gói hàng trên tài khoản mạng xã hội của mình và hai ngày sau, chị đã nhận 200.000 đồng chuyển vào tài khoản.
Vẫn với tính cách thận trọng, khi vợ muốn tiếp tục đầu tư, anh Đức chỉ đồng ý số tiền 10 triệu đồng và cũng chỉ hai ngày sau lại được nhận phần lãi 2 triệu đồng. Cho rằng người này cũng có chút uy tín, nhưng để thử lại một lần nữa cho chắc, anh Đức yêu cầu chuyển trả lại cho anh toàn bộ số tiền gốc của hai đợt đầu tư tổng cộng 11 triệu đồng và chỉ hơn chục phút sau điện thoại đã “ting, ting” với tin nhắn của ngân hàng thông báo số tiền đã được chuyển vào tài khoản.
Sau lần chuyển tiền này, vợ chồng anh Đức đã hoàn toàn tin tưởng và bắt đầu quá trình đầu tư lớn. Đầu tiên vợ chồng anh chuyển 50 triệu, tiếp đến là 100 triệu và đúng một tuần sau anh chị đã nhận được lợi nhuận 30 triệu đồng. Vài ngày sau, anh nhận cuộc gọi từ một người tên X giới thiệu là quản lý đầu tư hỏi anh chị rằng đã nắm được thông tin về số tiền chuyển vào và đã chỉ đạo cho nhân viên chuyển tiền lãi sau một tuần không biết đã nhận được chưa?
Khi anh Đức trả lời đã nhận thì người này lập tức giới thiệu gói giới thiệu bán hàng mới hấp dẫn hơn và sẽ ưu tiên cho những quen biết như vợ chồng anh được hưởng toàn bộ lợi nhuận là 30%, còn công ty sẽ chịu các khoản phí mà không bắt khách hàng phải chịu. Cứ ngỡ rằng đây sẽ là cơ hội để vợ chồng có thể mua nhà, anh Đức đã gật đầu để vợ đầu tư lớn và chỉ trong vòng một tuần đã chuyển cho chúng gần 3 tỷ đồng. Đến hẹn trả lợi nhuận mà không thấy điện thoại “ting, ting” như thường lệ, anh Đức lấy điện thoại gọi người quản lý nhiều lần, nhưng chỉ nhận được thông báo “số điện thoại này đang ở ngoài vùng phục vụ hoặc tắt máy”.
Không thể ngồi yên, anh Đức lập tức kiểm tra lại thì thấy trang thông tin mà vợ chồng thường liên lạc thì cũng thấy biến mất khỏi mạng xã hội, liên lạc với trang chủ Tiki thì nhận được thông báo không có quản lý cấp cao hay nhân viên nào tên như vậy và cũng không có chương trình giới thiệu gói quà nào cả. Ngoài ra, nhân viên quản lý trang này cũng cho biết không chỉ mình anh mà những ngày qua có rất nhiều nạn nhân khác liên hệ để xác nhận xem mình có bị lừa thật hay không.
“Biết chắc mình đã bị lừa, nhưng để cảnh báo cho những người khác không bị sa vào cái bẫy lừa, tôi lập tức đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh thuật lại toàn bộ quá trình vụ việc. Tại đây tôi được hướng dẫn về Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Phú Nhuận trình báo sự việc theo đúng quy trình tiếp nhận, thụ lý. Ngay sau đó tôi cũng cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng không phải vì mong lấy lại được số tiền bị lừa mà để chuyển lời cảnh báo đến những người đã và đang có ý định tham gia chương trình giới thiệu gói hàng dạng này đừng vì lòng tham như tôi mà rơi vào cái bẫy của bọn lừa đảo để rồi tán gia bại sản...” - Anh Đức chia sẻ.
Trường hợp chị Trần Kim Liên ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mới thật bi đát. Tháng 5/2024, một tài khoản mạng xã hội có tên Hung’Diamond đã đăng ký kết bạn trên mạng với chị. Do mới chơi “fây”, muốn có đông bạn bè nên chị Liên đã nhấn đồng ý. Sau vài ngày nói chuyện qua lại, biết chị Liên đang mua bán thực phẩm chức năng, đối tượng liên tục nhắn tin khen chị giỏi và lập tức đặt mua hai lọ với giá hai triệu đồng rồi lập tức chuyển tiền vào tài khoản cho chị.
Hôm sau, đối tượng tiếp tục trò chuyện và nói rằng một người bạn thấy thuốc tốt nên nhờ mua một lọ dùng thử và đối tượng cũng chuyển tiền liền. Gần một tuần sau, đối tượng lại trò chuyện với chị Liên và nói rằng trước đây còn chút e ngại, nhưng bây giờ thấy chị là bạn tốt nên cũng tự giới thiệu hắn là quản lý của trang thương mại điện tử Lazada. Ngoài ra hắn cũng giới thiệu hiện trang đang có chương trình mở rộng thêm thị trường bán hàng, nhưng người của trang thì không được phép nên nếu chị muốn tham gia thì hắn sẽ giúp đỡ với yêu cầu chỉ cần đóng một triệu rồi giới thiệu gói hàng trên tài khoản mạng xã hội của chị thì mỗi ngày sẽ được nhận tiền lãi 200.000 đồng.
Nghĩ một triệu cũng không phải quá lớn, chị Liên lập tức chuyển tiền, nhận gói hàng để giới thiệu trên trang cá nhân và 2 ngày sau đã nhận ngay 400.000 đồng chuyển vào tài khoản. Chị thử đề nghị xin rút lại vốn cũng được đáp ứng ngay sau đó 15 phút. Cho rằng người bạn này thuộc loại tử tế nên khi đối tượng giới thiệu gói hàng mới, chị Liên không chút do dự, lập tức giấu chồng mang căn nhà đi thế chấp vay 2 tỷ đồng, vay thêm bạn bè hơn 500 triệu nữa rồi chuyển cho đối tượng. Tuy nhiên đến sáng hôm sau, chị Liên lên mạng kiểm tra thì tài khoản mạng xã hội của người bạn kia đã biến mất, gọi điện thì được báo số máy đã tạm khóa, liên hệ với trang Lazada cũng nhận phản hồi rằng không có chương trình, gói hàng như chị mô tả rồi bảo chị có thể đã bị lừa nên phải trình báo cơ quan Công an ngay.
Đến hẹn phải trả tiền vay cả gốc lẫn lãi, chủ nợ đến nhà đòi thì chồng chị Liên mới ngã ngửa việc vợ giấu mình mang nhà đi thế chấp. Mặc dù chồng chị đồng ý rao bán căn nhà để trả nợ, nhưng anh đã dắt hai con nhỏ đi thuê nhà sống riêng, còn chị thì thuê một căn phòng trọ rộng 12m2 ở khu công nhân làm nơi tá túc. “Mình cũng đã vài lần vướng vào mấy trò lừa đảo trên mạng rồi nhưng được ông xã phát hiện và can ngăn kịp thời. Anh ấy cũng thường khuyên bảo hãy tránh xa mấy trò mua quà trúng thưởng, đầu tư tài chính, cổ phiếu…để tránh bị lừa, nhưng lần này vì lòng tham mà mình đã giấu anh ấy mang tài sản đi cần cố, rồi còn vay cả bạn bè để nộp cho bọn lừa đảo…Mình thật u mê…bây giờ thì tan nhà nát cửa hết rồi”, chị Liên than thở.
… cho đến mua hàng trúng thưởng!
Theo lời trần tình của ông L.Q.Q.A, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, tháng 3/2023, ông có mua bếp điện, lò vi sóng ở một cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh. Lúc mua hàng, nhân viên có yêu cầu cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhà để lưu danh sách khách hàng thân thiết. Ít ngày sau có người đàn ông gọi điện thoại xưng tên là Kiều và giới thiệu là người của trung tâm mua sắm online thuộc chương trình TV shopping của một đài truyền hình. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh và gửi lời chúc sức khỏe, người này mời ông A mua bếp hồng ngoại, nồi áp suất giảm giá 50% và sẽ được chương trình TV Shopping đến tận nhà để tặng ghế massage toàn thân.
Để tạo niềm tin, người này còn giới thiệu kỹ càng thành phần của đoàn tới tặng quà gồm đại diện nhà tài trợ là người Nhật cùng cô Kim Nhã là Kế toán trưởng đài truyền hình kiêm trưởng ban quà tặng. Cho rằng đây là món hời, ông A không chút do dự mà lập tức đồng ý mua hàng, thanh toán ngay bằng chuyển khoản nhưng chờ mãi mà không có ai đến tặng quà. Thắc mắc vì phía bán hàng không thực hiện như cam kết bằng miệng lúc ban đầu, ông A gọi điện khiếu nại thì Kiều viện lý do chương trình thay đổi và chuyển trường hợp của ông lên Trưởng ban quà tặng tên Kim Nhã để giải quyết.
Đến khi ông A gọi điện thoại liên lạc được với cô gái tên Kim Nhã thì cô này trả lời lòng vòng, không giải thích rõ ràng về chương trình tặng ghế massage, cho đến khi nhận thấy tinh thần của ông A có vẻ bấn loạn, cô này đã tung chiêu chào mời ông mua thêm những sản phẩm khác theo tiến độ hằng tuần, hằng tháng để được tặng quà và hoàn tiền, đồng thời cũng hứa sẽ đề nghị sếp duyệt tặng ghế massage nhưng phải chờ thêm ít ngày.
Với những lời chào mời hấp dẫn, cùng đủ cách lấy niềm tin, trong thời gian từ 4/3/2023 đến đầu tháng 6/2024, ông A đã mua tổng cộng 89 đơn hàng, mỗi đơn gồm hàng chục chủng loại hàng hóa khác nhau như lò vi sóng, bếp điện từ đôi, bếp hồng ngoại…với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng. Hầu hết hàng hóa đều là đồ điện tử, điện máy gia dụng có giá thấp nhất là 10 triệu và cao nhất là 40 triệu đồng/sản phẩm.
“Tôi đã dốc hết tiền cho thuê nhà hằng tháng và cầm cố luôn sổ lương hưu của mình để có tiền mua toàn bộ số hàng trên với niềm tin sẽ được tặng quà, được hoàn tiền nhưng thật sự chỉ là chiếc bánh vẽ mà đám lừa đảo chưng ra. Lúc đầu chỉ vì ham chút lợi trước mắt nên tôi muốn thử một chút. Ai ngờ càng ngày càng lún sâu, hơn nữa đám lừa đảo liên tục hù dọa nếu không tiếp tục mua hàng, số tiền ông mua trước đó sẽ bị chuyển về kho bạc Nhà nước nên cứ theo lao với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút nấy, nhưng bây giờ thì mất cả chì lẫn chài… Tiền đã mất rồi, không thể lấy lại được, chỉ mong bà con phải thật tỉnh táo trước những lời đường mật dụ dỗ mua hàng trúng thưởng, mua hàng được tặng quà, được hoàn tiền của bọn lừa đảo để rồi tài sản gom góp mấy chục năm không cánh mà bay…Bây giờ mới thấm thíc câu ở đời không an cho không ai cái gì bao giờ…”, ông A chia sẻ.