Nhiều nạn nhân sập bẫy đầu tư tài chính qua mạng xã hội

Thứ Tư, 13/09/2023, 11:30

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục bắt và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng nhưng hiện tượng này dường như vẫn không thuyên giảm. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi cách thức với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Các đối tượng này thường sử dụng phương thức “đầu tư tài chính” dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng lại biến tướng. Qua tìm hiểu của phóng viên, các sàn này đều được quảng cáo là có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Chính vì thế, các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Đặc biệt, để nâng cao uy tín, thời gian đầu chúng trả hoa hồng cho các nhà đầu tư rất đúng hạn.

Anh Lê Thái Thịnh (quận Hà Đông, Hà Nội), một nạn nhân của “Quỹ đầu tư MBK” cho hay: “Tôi là một trong số hàng nghìn nạn nhân bị chúng lừa đảo. Chúng sử dụng thủ đoạn là tạo tài khoản Facebook ảo với hồ sơ cá nhân rất hoành tráng. Họ chủ động kết bạn, làm quen với tôi. Hầu như ngày nào họ cũng nhắn tin hỏi han, quan tâm và lôi kéo tôi tham gia đầu tư tiền ảo trên sàn giao dịch của họ để kiếm lợi nhuận lớn. Thậm chí, họ còn hỗ trợ tôi tiền ban đầu để tham gia đầu tư”.

Nhiều nạn nhân sập bẫy đầu tư tài chính qua mạng xã hội -0
Sau khi biết bị lừa, anh Lê Quang Đăng đã tới Cơ quan công an trình báo.

Theo anh Thịnh chia sẻ, khi đã chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng tiếp tục dẫn dụ người chơi bỏ ra số tiền đầu tư lớn. Ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền không đáng kể. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đầu tư số tiền lớn thì những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc thanh toán tiền lãi nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Tương tự là trường hợp của anh Lê Quang Đăng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Vào khoảng tháng 7/2023, anh Đăng có kết bạn với một người tên Minh Hằng từ mạng xã hội Facebook. Hằng cho hay, có một người bạn thân sống bên Hàn Quốc, có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tài chính và là nhân viên của Ngân hàng Hana Bank - nền tảng tài chính quốc tế online.

Sau một thời gian trò chuyện, anh Đăng ngày càng trở nên thân mật, gần gũi với Hằng. Hằng đã tạo cho anh Đăng một tài khoản giao dịch trên ứng dụng và chỉ cần làm theo là có thể kiếm tiền lãi từ 10 đến 20% tùy vào số tiền mỗi lần đầu tư nhiều hay ít. Trong quá trình chơi, sẽ được bạn của Hằng gửi cho những mã “ngon ăn” nhất. “Vì tin tưởng lại đầu tư có lợi nhuận cao, tôi đã thử giao dịch số tiền ban đầu là 30 triệu đồng và nhận được số tiền lời là 3 triệu đồng. Hôm sau, tôi đã quyết định đầu tư thêm 200 triệu, không ngờ tôi lại nhận được luôn tiền lãi 20 triệu đồng vào tài khoản cá nhân. Tôi chơi lãi được khoảng hơn 60 triệu đồng nên càng tin tưởng”, anh Đăng cho biết thêm.

Sau khi anh Đăng đã “cắn câu”, Hằng chủ động nói với anh Đăng chơi lớn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khi đang tiến hành giao dịch thì hệ thống báo hết giờ chơi. Ngày hôm sau, Hằng nói đã nộp thêm cho anh Đăng 50 triệu để gia hạn 3 ngày và anh Đăng muốn giữ được số tiền cả gốc lẫn lãi phải bỏ thêm 300 triệu đồng và được nâng cấp lên thẻ VIP 1, sau đó mới rút được tiền về. Tới lúc này, anh Đăng biết mình bị lừa nên đành chấp nhận bỏ cuộc.

Các đối tượng không chỉ sử dụng mạng Facebook hay Zalo để tìm kiếm “con mồi” mà còn sử dụng cả app hẹn hò. Như trường hợp của chị Lê Hoài Thu (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng là nạn nhân của app hẹn hò. Cuối năm 2022, chị Thu có lên mạng hẹn hò Tinder kết bạn với một người có tên là Huỳnh. Huỳnh đặt ảnh đại diện với vẻ sang trọng, giới thiệu mình đang sinh sống tại Hong Kong, dù có tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Sau một thời gian nói chuyện qua mạng, chị Thu nhận thấy Huỳnh là người đàn ông đàng hoàng, có học thức và nói chuyện rất lịch sự. Đặc biệt, Huỳnh thường xuyên khoe cuộc sống giàu có và nguồn thu nhập khủng qua các kênh đầu tư.

“Sau một thời gian, Huỳnh bắt đầu gợi ý muốn giúp tôi kiếm thêm thu nhập bằng cách đầu tư tài chính. Anh ta thuyết phục thế nào mà tôi lại rất tin và làm theo. Huỳnh đã gửi cho tôi một đường link để tạo ứng dụng có tên Free Swap. Trong quá trình giao dịch sẽ có một bộ phận chăm sóc khách hàng hướng dẫn trên ứng dụng, hỗ trợ tôi việc mua bán ngoại tệ, đổi tiền và rút tiền về tài khoản. Tôi nghĩ đầu tư rất ít nên đã thử giao dịch 20 triệu đồng, không ngờ nhận được tiền lời là 4 triệu đồng. Cứ như thế, tôi đã đầu tư thêm một số tiền, đồng thời nhận số tiền lãi lớn hơn về tài khoản. Huỳnh sau đó đã nói với tôi là muốn thu về khoản lợi nhuận lớn hơn thì nâng cấp lên thẻ VIP. Anh ta còn bảo sẽ hỗ trợ tôi nếu không đủ tiền. Vì tin lời anh ta, tôi đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đăng ký thẻ VIP 1”, chị Thu kể lại.

Nhiều nạn nhân sập bẫy đầu tư tài chính qua mạng xã hội -0
Các nạn nhân cho biết, họ được tư vấn tải app tham gia “Quỹ đầu tư MBK” rồi mở tài khoản để giao dịch “dầu thô”.

Theo chị Thu, chị đã chuyển tiền vào tài khoản của sàn với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày hôm sau chị Thu thấy Huỳnh hỏi chị xoay tiền nạp thêm và nói nếu không nạp đủ sẽ bị mất số tiền đã bỏ vào trước đó. Biết bị lừa, chị Thu đã đến Cơ quan công an trình báo.

Không nên tham gia đầu tư khi chưa tìm hiểu kỹ

Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía chủ quản hoặc công ty quản trị trang, cũng như không tham gia các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo. Bởi các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.

Nếu tham gia đầu tư, người đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư. Người dân có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến Cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Người dân cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng trước các lời mời về đầu tư tài chính trên các mạng xã hội, website,... để tránh trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho hay, trong tháng 8 vừa qua, đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản sau khi tham gia đầu tư giao dịch dầu thô qua “Quỹ đầu tư MBK”.

Theo trình báo của các nạn nhân, họ được tư vấn tải app tham gia “Quỹ đầu tư MBK” rồi mở tài khoản để giao dịch “dầu thô”. Các nhà đầu tư sẽ được các "thầy" và trợ lý dẫn dắt, hướng dẫn đầu tư. Thủ đoạn lừa đảo này không hề mới, trước đây, Công an TP Hà Nội cũng đã đấu tranh triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm lừa đảo thông qua hình thức kêu gọi đầu tư mua cổ phiếu.

Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các quỹ đầu tư, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ Cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Bình cũng triệt phá một đường dây lừa đảo thông qua kêu gọi tài chính. Với những tài liệu nghiệp vụ thu thập được, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, từ cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính (Forex) qua sàn RosyStyle. Hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp và do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, hoạt động phạm tội có yếu tố xuyên biên giới.

Nhiều nạn nhân sập bẫy đầu tư tài chính qua mạng xã hội -0
Các đối tượng Hồng, Thiện, Dương, Chi, Thành và Ngọc tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình.

Bằng hình thức tổ chức tinh vi trên mạng xã hội để dẫn dụ người tham gia, các đối tượng hướng dẫn người tham gia tạo tài khoản sàn RosyStyle (sàn do các đối tượng tự tạo ra, quản trị và điều hành) tại các trang (vnfx-rosystyle.com; vnfxrosyrm.com; rosystyle.uk v.v...) liên kết với ứng dụng MT (Metatrader4).

Để tạo lòng tin cho bị hại, chúng đưa ra chương trình khuyến mại tặng 200.000 đồng theo phương thức nạp card điện thoại, chuyển khoản hoặc chuyển quà tặng là chai rượu vang cho bị hại, kèm theo 500 voucher (là tài khoản được tặng 500 USD nhưng không thể rút được) khi bị hại đăng ký, chụp hình tài khoản đăng nhập đã thành công gửi cho các đối tượng.

Chúng giả vờ hỏi thăm, quan tâm đến đời sống, tâm lý của bị hại để tạo lòng tin. Sau 1 tuần, các đối tượng tiếp tục tặng thêm 500 voucher. Sau đó, các đối tượng mở nhóm trên Zalo để bị hại trải nghiệm miễn phí từ 3-5 ngày và chúng thể hiện, thông báo cho khách hàng là có lợi nhuận trong tài khoản. Khi kết thúc chương trình trải nghiệm miễn phí, các đối tượng này hướng dẫn khách rút được lãi suất về (khoảng 30-40 USD/người).

Những bị hại tham gia trải nghiệm lần 2 đều được các đối tượng này thuyết phục phải nạp thêm 1.000 USD để đủ 5.000 USD theo quy định của chương trình đầu tư trải nghiệm. Chúng dẫn dụ khi đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức của đội ngũ quản lý tài chính thì sẽ được hưởng mức lợi nhuận 25%/tháng và có cơ hội tham gia tiếp chương trình “giao dịch nhất quán” mỗi tuần, với mức lợi nhuận sau giao dịch trên 20%/lần.

Khi bị hại tin tưởng, tiếp tục tham gia, các đối tượng này tìm cách dẫn dụ để bị hại tăng thêm vốn. Những bị hại có khả năng tăng vốn thì chúng bằng mọi thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng (như cho rút tiền để tạo niềm tin) và tiếp tục tăng vốn đầu tư. Những bị hại không còn khả năng tăng vốn thì chúng tìm mọi lý do và cách thức để bị hại không rút được tiền, khóa không cho đăng nhập tài khoản. Những bị hại khiếu nại thì chúng tìm cách và tạo lý do trì hoãn, yêu cầu nạp thêm tiền.

Các đối tượng này còn tạo ra các khách hàng giả (thường gọi là sanfang), tham gia cùng nhóm với khách hàng thật (là những bị hại), tương tác với bị hại, khoe được lợi nhuận cao, tỏ ra chia sẻ, giúp đỡ bị hại khi có khó khăn để tạo lòng tin, kích thích lòng tham của bị hại.

Trên cơ sở đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, ngày 23/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng, gồm: Hồ Thanh Tiền (sinh năm 1992, trú tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), Khương Thuận Phát (sinh năm 1994, trú tại phường 12, quận 6, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thùy Dung (sinh năm 1994, trú tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và 2 đối tượng mang quốc tịch Malaysia để điều tra về các hành vi “Thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Hiền Anh
.
.