Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp”

Thứ Tư, 12/04/2023, 20:15

Nhiều người đã bỏ ra vài chục triệu, vài trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng để được sở hữu kỳ nghỉ “sang chảnh” kèm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. Thế nhưng thực tế không ít người đã “ngậm trái đắng” bởi nghề kinh doanh này có quá nhiều góc khuất.

Bỏ tiền mua sự thất vọng

Mô hình timeshare là một hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng trong một khung phận địa lý nhất định. Nói cách khác, timeshare là việc mua quyền sở hữu một bất động sản trong một thời gian nhất định và trong một khoảng địa lý được lựa chọn. Đây là mô hình xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, một ngành được coi là “hái ra tiền”. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị biến tướng, khiến người tiêu dùng không còn quá mặn mà, dần mất “thiện cảm”.

Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp” -0
Thỏa thuận đặt mua gói nghỉ dưỡng của bố chị Nguyễn Ngọc Diệp

Một trong những vụ việc đình đám nhất liên quan đến hình thức timeshare là cuộc tranh chấp giữa hàng trăm khách hàng mua kỳ nghỉ dưỡng của một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Đây là một trong những chủ đầu tư tiên phong trong quảng cáo, rao bán kỳ nghỉ dưỡng tại Cam Ranh hình thức timeshare đã từng tạo nên cơn sốt khách hàng. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, hình thức tưởng ưu việt này lại gây ra nhiều tranh chấp trong nhiều năm liền.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng sở hữu kỳ nghỉ tại một số dự án đang biến tướng thành mô hình hút tiền đa cấp. Người mua kỳ nghỉ dưỡng không có quyền chuyển nhượng cũng không có quyền linh hoạt sử dụng. Nếu như bản chất của timeshare là mang đến cho người tiêu dùng những kỳ nghỉ đúng nghĩa thì một số chủ đầu tư lại chỉ tập trung vào tâm lý đầu tư lướt sóng đầy rủi ro. Chất lượng dịch vụ của loại hình này cũng không đáp ứng được cam kết.

Hơn nữa, một số chủ đầu tư trước khi hoàn thành dự án đã mời gọi khách hàng để khách hàng hiểu rằng họ đang xây dựng một cung điện tráng lệ. Nếu khách hàng bỏ tiền vào đó, thì sau này khách hàng sẽ được nghỉ ngơi trong đó với giá rẻ như cho. Nếu khách hàng không muốn nghỉ thì họ sẽ cho thuê giúp để khách hàng mang về một số tiền kếch xù. Tuy nhiên, trên thực tế trong nội dung hợp đồng thì khách hàng không hề có liên quan pháp lý gì đến tòa nhà ấy. Kể từ đó, kỳ nghỉ dưỡng là điển hình về biến tướng của hình thức timeshare.

Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp” -0
Anh T. cảm thấy vô cùng thất vọng, không muốn sử dụng dịch vụ muốn bán lại nhưng cũng không được.

Không chỉ những lùm xùm mà kỳ nghỉ dưỡng gây ra, gần đây nhiều nhà tiêu dùng tham gia giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ cũng bức xúc. Như trường hợp của anh Lê Văn T. (Hoàng Mai, Hà Nội) mua gói nghỉ dưỡng hạng Bạc, trị giá hơn 70 triệu đồng (thời hạn 20 năm), để gia đình có suất nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm mỗi năm vào tháng 10 và 11 (mùa thấp điểm) ở Cocobay Đà Nẵng. Nếu không sử dụng hết gói, có thể nhượng lại cho người khác.

Thế nhưng, khi sử dụng anh T. mới nhận ra, gói nghỉ dưỡng này có chi phí phát sinh đi kèm quá cao, riêng phí duy trì thường niên là 5 triệu đồng, dịch vụ thì nghèo nàn, chứ không như những gì phía công ty quảng cáo.

“Tôi cảm thấy thất vọng và không muốn sử dụng dịch vụ nữa nên đã bán lại gói ưu đãi nhưng vì giá không cạnh tranh nên không ai mua. Như vậy gói dịch vụ mà tôi mua gần như bị bỏ phí” - Anh T. cho biết thêm.

Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp” -0
Thỏa thuận nguyên tắc chiết khấu của anh Nguyễn Thăng L. với Công ty Cổ phần Vacasion Paradise.

Hay gần đây trường hợp của anh Nguyễn Thăng L. (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh rất bức xúc vì công ty anh ký hợp đồng nghỉ dưỡng có dấu hiệu lừa đảo.

Anh L. chia sẻ: “Trước đó, tôi tham dự một cuộc hội nghị của công ty này và được nhân viên tư vấn vẽ ra dự án nghỉ dưỡng rất hoành tráng mà công ty đang xây dựng là Dragon Valley (Đà Lạt, Lâm Đồng). Các kỳ nghỉ sau này sẽ lấy đó làm nơi nghỉ chính và bên cạnh đó có rất nhiều khu nghỉ dưỡng liên kết đẳng cấp 5 sao trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng thì những dự án đó không được phía công ty nhắc tới”. Anh L. có yêu cầu phía Công ty báo cáo với khách hàng về dự án này nhưng không nhận được phản hồi. Gần đây công ty không có văn phòng giao dịch tại Hà Nội, khi khách hàng hỏi thì phía Công ty cho rằng phải thu gọn để giảm chi phí.

“Tôi gọi đường dây nóng nhưng cũng không ai nghe, muốn làm việc phải vào trong Nam để làm việc trực tiếp - Anh L. giải thích thêm - Mặc dù tôi đã thực hiện tất cả các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đã ký với công ty, đồng thời cũng nhận được khá đầy đủ các khoản triết khấu của Công ty trong thời gian đầu. Bên cạnh đó đã tham gia được 1 kỳ nghỉ theo chương trình hoạt động vào năm 2022. Tuy nhiên từ quý 3/2022 đến nay việc thực hiện triết khấu cũng như khả năng liên lạc với Công ty gặp rất nhiều vấn đề”.

Một điều đặc biệt, sau này anh L. cũng không thấy được ghi cụ thể trong hợp đồng và cũng không rõ dự án đó hiện nay ra sao, có thực hiện như công ty đã vẽ ra hay không? Thực tế phía công ty chậm chi trả chiết khấu, cũng như việc không có sự phản hồi từ phía công ty.

“Nếu xét trong hợp đồng, tôi đủ điều kiện đề nghị công ty đền bù thiệt hại và hủy hợp đồng với điều kiện công ty phải đền bù toàn bộ giá trị hợp đồng (trừ những khoản công ty đã chiết khấu)” - Anh L. cho biết thêm.

Nhập nhằng pháp lý

Để có được gói “sở hữu kỳ nghỉ”, khách hàng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thường là kinh doanh về nghỉ dưỡng hay bất động sản. Đồng thời, người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng.

Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp” -0
Những hình ảnh khách sạn, resort sang chảnh kèm lời quảng cáo khó lòng bỏ qua để “dụ” người mua.

Cụ thể, nhiều khách hàng đã phản ánh rằng, dù họ đã thanh toán nhiều đợt cho phía doanh nghiệp với trị giá lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng nhưng họ vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như doanh nghiệp cam kết. Khi cảm thấy không hài lòng hay thậm chí cảm thấy là mình đã bị lừa, khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng và hoàn trả lại tiền thì thường bị doanh nghiệp gây khó dễ và tìm cách trì hoãn.

Chiêu trò của những doanh nghiệp này thường là tổ chức nhiều cuộc hội thảo hoành tráng, đưa ra những lời chào mời cực kỳ hấp dẫn như: đi du lịch châu Âu miễn phí 1 tuần, đi xuyên Việt, được ở những khách sạn hạng sang trọn đời. Sau đó, khách hàng sẽ được mời vào phòng riêng để tư vấn. Đối với những khách hàng còn tỏ ra do dự thì sẽ có lãnh đạo cấp cao hơn tư vấn để tạo niềm tin. Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian rất chóng vánh. Nhiều người vì thế đã không đọc kỹ những điều khoản có trong hợp đồng. Trong một số trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Đến khi xảy ra tranh chấp, khách hàng khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì lại không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể khiến họ bị đuối lý. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự chủ quan của khách hàng đã đưa ra những điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho họ. Bên cạnh đó thì lại có những nội dung miễn trừ trách nhiệm cho công ty.

Có nhiều khách hàng cảnh giác hơn, đã yêu cầu nhân viên công ty bán gói “sở hữu kỳ nghỉ” cho mình xem nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, các nhân viên này đều lấy cớ là phải đóng hết tiền mới có thể ra được hợp đồng. Tin vậy nên nhiều người đã ký mà không hề biết được rằng, các điều khoản trong hợp đồng đa số đều gây bất lợi cho khách hàng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã đưa ra khuyến cáo tới người dân, cần hiểu rõ “sở hữu kỳ nghỉ” không phải là bất động sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên bán trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ chỉ là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú. Bên cạnh đó, trước khi mua gói nghỉ dưỡng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ điều khoản hợp đồng, không chỉ nghe “cam kết miệng”. Đặc biệt, phải xem xét kỹ quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính chia sẻ, mô hình timeshare đang được hiểu đơn giản là chủ đầu tư xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng, sau đó nhiều khách hàng sẽ góp tiền vào mua những ngày nghỉ nhất định trong bất động sản đó trong khoảng thời gian bao nhiêu năm. Những nhà đầu tư này hoàn toàn không có chủ quyền sở hữu căn hộ mà chỉ là đơn thuần mua những ngày nghĩ dưỡng tại đó.

“Ở Việt Nam nhiều dự án được gọi là timeshare nhưng thực chất là bán hẳn cho nhà đầu tư, họ có quyền sở hữu, được cấp sổ. Tuy nhiên, những người này chỉ sử dụng một số ngày nghỉ nhất định để nghỉ dưỡng, thời gian còn lại họ sẽ giao lại cho chủ đầu tư hoặc tự tìm các công ty môi giới, du lịch để cho thuê lại. Thành ra hình thức của mình không thể gọi là timeshare mà đó là hình thức bán căn hộ” - TS Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, những bất cập và các vụ tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ timeshare đến từ sự cố tình biến tướng hình thức này dẫn tới nhập nhằng về pháp lý. Mặt khác, việc xử lý thiếu nghiêm của cơ quan chức năng khi xảy ra tình trạng bát nháo trên thị trường timeshare khiến khách hàng phải cảnh giác với loại hình này.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS chia sẻ, hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đều có thời hạn rất dài, khách hàng phải trả ngay một số tiền lớn từ đầu giao dịch. Nhưng, trả trọn gói cũng không có nghĩa là khách hàng có thể yên tâm chỉ cần thích là đi nghỉ. Bởi, bên cạnh khoản phí cố định là rất nhiều loại phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sau này, như: phí quản lý, phí vận hành, phí duy tu/bảo dưỡng… “Người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ, đặc biệt cần tỉnh táo trước những chiến thuật tâm lý của đội ngũ tư vấn viên trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào với doanh nghiệp. Mỗi gói dịch vụ sở hữu nghỉ dưỡng mà người mua cần tìm hiểu kỹ. Ví dụ, tại thời điểm ký kết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này có đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật hay không” - Luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật sư Tuấn cho rằng, người dân phải phải được tư vấn để tránh việc nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…Đến khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, thì không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể, mà chỉ là “được nghe tư vấn từ nhân viên”.

“Ngoài ra, trước khi ký, không phải ai cũng đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng của doanh nghiệp có thể có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm cho công ty; loại bỏ quyền khiếu nại của người tiêu dùng” -  Luật sư Tuấn cho biết thêm.

Phong Anh
.
.