Những "chiêu độc" của công ty đòi nợ thuê

Thứ Năm, 09/03/2023, 08:27

Thời gian gần đây, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an và công an một số Tỉnh, thành phố lớn liên tiếp triệt phá nhiều đường dây đòi nợ thuê với quy mô lớn. Đáng lưu ý các đường dây này hoạt động một cách tinh vi, chuyên nghiệp và thường đội lốt công ty tư vấn pháp luật để hoạt động trái pháp luật trong một thời gian dài.

Lập công ty chỉ để đòi nợ thuê

Đầu tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội phối hợp với nhiều phòng nghiệp vụ của công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội)... triệt phá thành công một băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp dưới hình thức thành lập công ty. Các công ty trên đã hoạt động trong một thời gian dài, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân bởi thủ đoạn đòi nợ hết sức phản cảm.

Tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an cho thấy để thực hiện việc thu nợ, nhóm đối tượng chủ mưu cầm đầu đã thành lập 7 công ty gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Omnia (trước đây tên Công ty TNHH thu hồi nợ CR), Công ty Luật TNHH Kiên Cường, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP, Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Thời Đại, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Kiên Long, Công ty cổ phần Dịch vụ Bắc Á và Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Nam Á (đều có trụ sở tại phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh).

Những
Cơ quan công an đọc lệnh khám xét công ty luật TNHH Pháp Việt.

Trước đó, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (địa chỉ ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset Việt Nam, bộ phận vận hành sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty.

Tiếp theo, sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu để họ trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp khách hàng...

Quá trình thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Cơ quan công an đã triệu tập hơn 100 đối tượng về trụ sở Cục Cảnh sát hình sự khu vực phía Nam để đấu tranh làm rõ; thu giữ gần 600 triệu đồng tiền mặt, hơn 100 CPU máy tính, 6 laptop, 216 điện thoại và nhiều tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm khác. Kết quả kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022, các công ty trên đã thu mua hơn 330 ngàn hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã đòi được tổng số tiền gần 600 tỷ đồng.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giam hơn 30 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, các đối tượng còn lại Cơ quan công an đang tiếp tục phân loại để có hướng xử lý.

Những
Nhân viên các công ty đòi nợ thuê đa số còn rất trẻ.

Có thể thấy, nhóm đối tượng chủ mưu cầm đầu băng nhóm này đã tổ chức hoạt động đòi nợ thuê một cách rất chuyên nghiệp, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Trần Hùng Tiến (SN 1974, thường trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc điều hành quyết định mọi vấn đề của công ty. Bộ phận nhân sự do Nguyễn Thị Ái Vân (SN 1985, trú tại tỉnh Tiền Giang) là trưởng phòng, quản lý nhân viên. Huỳnh Thị Phượng (SN 1994, trú tại tỉnh Bình Thuận) có nhiệm vụ phỏng vấn, nhận hồ sơ của nhân viên xin việc, lập bảng chấm công, làm các giấy tờ gửi xe, thẻ ngân hàng... cho các nhân viên công ty.

Bộ phận kế toán do Võ Thị Cẩm Vân (SN 1984), làm kế toán trưởng, quản lý một nhân viên kế toán có nhiệm vụ là tính tiền lương cho nhân viên và nhận, tổng hợp biên lai khách hàng trả tiền trực tiếp tại văn phòng do nhân viên công ty chuyển đến. Ngoài ra, Cẩm Vân còn ký thông báo về kết thúc khoản vay sau khi khách hàng trả tiền (Vân ký thay cho Trần Hồng Tiến).

Bộ phận vận hành (phụ trách dữ liệu “data” thông tin khách hàng) do Nguyễn Thị Kim Trâm (SN 1975) làm trưởng bộ phận, quản lý một nhân viên có nhiệm vụ quản lý, chia dữ liệu “data” vào các tài khoản của nhân viên đòi nợ, đồng thời in các hồ sơ, tài liệu của khách hàng cho nhân viên khi có khách hàng trực tiếp đến văn phòng thanh toán khoản tiền nợ. Bộ phận kỹ thuật (IT) do Phạm Văn Sơn (SN 1987) làm trưởng phòng.

Bộ phận thu hồi nợ do Nguyễn Đức Khoa (SN 1992) làm phó phòng, quản lý 103 nhân viên, trong đó: 11 đối tượng là tổ trưởng và 92 nhân viên. Nhiệm vụ của nhóm này là gọi điện thoại theo thông tin “data” khách hàng được cung cấp trong mỗi tài khoản để đòi tiền khách trả tiền nợ. Đây có thể nói là bộ phận quan trọng nhất của công ty, trực tiếp thực hành các "nghiệp vụ" đòi nợ hết sức tinh vi, quyết liệt. Các nhân viên không từ một thủ đoạn nào để ép buộc con nợ phải trả tiền.

Mỗi tháng công ty sẽ cấp cho nhân viên truy thu khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi khoản nợ khách vay. Tiến và Khoa giao cho mỗi nhóm phải đòi nợ được số tiền ít nhất là 300 triệu đồng, nếu 2 tháng liên tiếp không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc. Do đó, các đối tượng là trưởng nhóm luôn đôn đốc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số.

Những
Các đối tượng trong băng, ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê của Trần Hùng Tiến.

Kinh hoàng những thủ đoạn đòi nợ thuê

Để đòi được nợ, các đối tượng không từ một thủ đoạn nào. Khi phát hiện con nợ "tắt thanh khoản" (không trả gốc, lãi đúng hẹn, không liên lạc được) lập tức "data" con nợ được chuyển đến nhóm nhân viên dùng hàng trăm số điện thoại "rác" để gọi điện đến người thân, bạn bè, sếp, đồng nghiệp... của con nợ. Mỗi ngày chúng "nã" đến cả trăm cuộc điện thoại. Mục đích là để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay. "Thậm chí, đã có những bị hại dù không hề quen biết với con nợ, song vì bị quấy nhiễu đến mất ăn mất ngủ nên đành phải "trả hộ tiền" để khỏi bị quấy rối" - một điều tra viên kể lại.

Chưa hết, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, dùng các “tài khoản ảo” đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển khoản vào 4 tài khoản của công ty. Lúc đó, nhân viên truy thu sẽ gửi thông tin báo lại cho bộ phận kế toán để họ cập nhật dữ liệu truy thu của từng cá nhân, từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong thì công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.

Hình thức đòi nợ theo kiểu "khủng bố" như trên còn xảy ra ở nhiều địa bàn, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử, cũng với hình thức thành lập công ty dưới danh nghĩa "tư vấn pháp luật", Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) còn sử dụng những thủ đoạn "nặng đô" hơn để gây sức ép lên con nợ.

Nhóm thu nợ của công ty này sẽ áp dụng 3 cấp độ: Thứ nhất gọi điện đe dọa khách trả tiền; thứ hai gọi điện đe dọa trả tiền nếu không sẽ giết người thân; thứ ba mang bình gas, quan tài, xăng... đến đe dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân. Trong quá trình đòi tiền, các thành viên trong nhóm đều hỗ trợ nhau như thay nhau gọi điện đe dọa tăng áp lực để khách hàng trả tiền…

Đây không phải lần đầu tiên Cơ quan công an triệt phá các công ty đòi nợ thuê bằng hình thức khủng bố tinh thần như vậy. Tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng đã triệt phá một đường dây chuyên cho vay lãi nặng và đòi nợ qua app với quy mô rất lớn, thủ đoạn tinh vi.

Những
Nhiều người dân bức xúc vì bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh, tung lên mạng để gây sức ép.

Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong một thời gian ngắn Cơ quan công an liên tục nhận được đơn trình báo, tố giác của nhiều công dân đang sống trên địa bàn TP Hà Nội về việc bị nhiều đối tượng gọi điện thoại khủng bố để đòi nợ. Họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp có tên và số điện thoại trong danh bạ của con nợ, cũng có người cả đời mới chỉ gặp con nợ một lần. Trong số đó nhiều người là chủ doanh nghiệp, là công chức, viên chức nhà nước. Có cả các giáo sư, tiến sỹ khả kính cũng bị chúng gọi đến làm phiền mỗi ngày cả trăm cuộc, nhắn tin với nội dung vô văn hóa, tục tĩu... nhằm yêu cầu họ phải thúc ép con nợ trả tiền.

Khi con nợ chậm trả, các đối tượng ban đầu chỉ gọi điện thoại nhắc "nhẹ". Nếu con nợ tỏ ra chây ì, chúng sẽ áp dụng cấp độ cao hơn như nhắn tin, gọi điện chửi mắng dọa dẫm... Khi con nợ tắt điện thoại hoặc có ý định "xù", nhóm đối tượng sẽ lấy lần lượt các số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay, để gọi đến thúc giục họ liên hệ với con nợ trả. Bọn chúng sẽ "nã" những số điện thoại có trọng lượng đối với con nợ như: Bố mẹ, anh chị em, sếp, đồng nghiệp cùng cơ quan... Dù họ có thanh minh rằng không biết con nợ ở đâu, làm gì... thì các đối tượng vẫn cứ gọi điện mỗi ngày hàng trăm cuộc, yêu cầu họ phải có trách nhiệm thúc giục con nợ trả tiền cho bọn chúng. Thậm chí các đối tượng còn bôi nhọ danh dự của con nợ và người thân, hòng ép con nợ phải trả tiền cho chúng.

Cũng theo Cơ quan công an, các đối tượng cầm đầu băng ổ nhóm thường mở các đợt tuyển dụng nhằm vào các học sinh, sinh viên còn trẻ, ít tuổi, trình độ học vấn không cần cao - thậm chí yếu kém vẫn được. Sau đó, chúng sẽ tổ chức "training" bằng cách học thuộc những "kịch bản" có sẵn và cho nhân viên tự do "sáng tạo" những ngôn từ, thủ đoạn đòi nợ quái chiêu nhất có thể - miễn là thu hồi được nợ...

Minh Khang
.
.