Những giả thuyết về kẻ phản bội gia đình Anne Frank

Thứ Sáu, 24/03/2023, 10:01

80% dân cư Do Thái ở Hà Lan chết trong Thế chiến II, trong đó có Anne Frank, cô gái 15 tuổi đã viết cuốn nhật ký nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Căn phòng, nơi gia đình cô ẩn náu hơn hai năm, đã bị Gestapo phát hiện sau khi nhận được mật báo từ một "nguồn đáng tin cậy". Hắn ta là ai?

Các nhà điều tra đã tìm cách khám phá bí ẩn kẻ phản bội gia  đình Anne Frank hơn 70 năm nay, và hình như cuối cùng, họ vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Những bức thư gửi Kitty

Ngày 4 tháng 8 năm 1944, một nhóm cảnh sát Gestapo leo lên cầu thang ngôi nhà số 263 phố bờ sông Prinsengracht ở Amsterdam. Chúng tìm kiếm những người Do Thái đang ẩn náu trong ngôi nhà của công ty sản xuất mứt và phụ gia thực phẩm “Opekta” của ông Otto Frank. Trưởng nhóm, sĩ quan Karl Josef Silberbauer là một kẻ khét tiếng tàn ác. Trong quá trình khám xét ngôi nhà, hắn đã hỏi cung bà Miep Gies, nhân viên của công ty, một người gốc Áo. Tên sĩ quan Gestapo rất tức giận vì người đồng bào của y lại giúp đỡ dân Do Thái.

a1.jpg -0
Cô Anne Frank.

Phía sau tủ sách, chúng phát hiện ra căn phòng, nơi 8 người Do Thái đang ẩn náu. Trong đó có gia đình Frank: bà mẹ Edith Frank, chồng bà Otto Frank và hai cô con gái Margot và Anne. Tất cả họ đều bị bắt và sau đó được chuyển đến các trại tập trung khác nhau.

Không rõ vì sao Anne Frank không mang theo cuốn vở kẻ carô và cuốn nhật ký của cô gồm hai phiên bản - một "để công bố" đã được chỉnh sửa, và một riêng tư hơn. Cô viết về cuộc sống hằng ngày của mình trong và ngoài nơi trú ẩn suốt gần ba năm, nhiều ghi chép được gửi cho cô bạn tưởng tượng là Kitty. Ghi chép cuối cùng của Anne được viết ba ngày trước khi bị bắt.

Bà Miep Gies giữ lại cuốn nhật ký và giấu nó trong ngăn kéo, hy vọng một ngày nào đó sẽ trả lại cho Anne. Nhưng sau khi Auschwitz được giải phóng, chỉ  một mình ông Otto Frank trở lại ngôi nhà số 263, phố Prinsengracht.

a2.jpg -0
Ông Otto Frank và hai con gái Margot và Anne.

Một người trong cộng đồng Do Thái

Bà Miep Gies đã đưa cuốn nhật ký của Anne cho ông. “Khi đọc cuốn nhật ký, tôi vô cùng sửng sốt về những suy nghĩ sâu sắc của Anne. Trong nhật ký, con gái tôi là một người hoàn toàn khác, không phải Anne mà tôi biết” - ông Otto viết vài năm sau đó.

Lúc đầu, ông Otto không muốn công bố cuốn nhật ký: một mặt, Anne viết quá riêng tư, và mặt khác, có những điều cô viết có thể làm mất uy tín của những người cùng ẩn náu trong căn phòng. Tuy nhiên, một năm sau, Otto đã chỉnh sửa cuốn nhật ký để xuất bản, và nó đã được phát hành vào ngày 25 tháng 6 năm 1947. Cuốn sách ngay lập tức trở nên nổi tiếng, và Otto, lúc bấy giờ đang tìm kiếm kẻ chỉ điểm nơi ẩn náu của họ, đã nhận được một bức thư nặc danh kỳ lạ. Bức thư đã tiết lộ tên của kẻ chỉ điểm. Frank không muốn công bố tên hắn ta vì những lý do riêng tư.

Năm 1952, ông Otto nói kẻ chỉ điểm là một người thuộc cộng đồng Do Thái. Bà Miep Gies cũng biết tên người trong bức thư và khẳng định rằng kẻ chỉ điểm đã chết trước những năm 1960. Khi cảnh sát bắt đầu cuộc điều tra, ông Otto không muốn tham gia. Tuy nhiên, cuộc điều tra đã được nối lại vào năm 1963 với sự tham gia của Simon Wiesenthal, "thợ săn Đức Quốc xã" nổi tiếng, người đã lần theo dấu vết của Karl Josef Silberbauer.

Người ta cho rằng Silberbauer biết tên kẻ chỉ điểm, nhưng lúc bấy giờ, đang phục vụ trong cơ quan cảnh sát hình sự Tây Đức, y chỉ nói rằng trung úy Julius Dettmann, người ra lệnh khám xét, đã nhận được thư tố giác từ một "nguồn đáng tin cậy". Không thể thẩm vấn Dettmann được nữa: hắn đã tự sát trong trại tù binh chiến tranh.

a3.jpg -0
Viên sĩ quan Karl Josef Silberbauer.

Hơn 30 nghi can

Cuộc điều tra tiến triển chậm chạp và trước hết dựa vào những phỏng đoán và nghi ngờ của nhiều người. Đầu tiên, người ta kiểm tra giả thuyết của Otto Frank. Ông ta nghi ngờ Wilhelm van Maaren, thủ kho của công ty “Opekta”. Ngày 4 tháng 8 năm 1944, khi ngôi nhà bị khám xét, Van Maaren có nói chuyện riêng với Silberbauer một lúc. Tuy nhiên, cuối cùng, người ta phát hiện ra rằng chính Van Maaren đã giấu con trai mình trong chiến tranh, và Otto Frank không còn tin ông ta phạm tội nữa.

Trong quá trình điều tra, xuất hiện một người tự chứng minh tội lỗi của mình - đó là Tonny Ahlers, thành viên của Phong trào Quốc gia xã hội chủ nghĩa Hà Lan. Ngay từ năm 1941, y đã viết thư tố cáo Otto Frank chỉ trích cuộc xâm lược của Đức ở Hà Lan. Sau chiến tranh, khi “Nhật ký Anne Frank” được bán và trở nên nổi tiếng, Ahlers bắt đầu thuyết phục mọi người rằng chính y là người đã nói với Gestapo về những người Do Thái đang ẩn náu. Tuy nhiên, căn cứ vào các tư liệu, ông ta chưa bao giờ tiết lộ nơi ẩn náu của gia đình Frank.

Một nghi can khác là Lena van Bladeren-Hartoch, nhân viên tạp vụ của công ty “Opekta”, người biết rõ nơi ẩn náu của gia đình Frank. Con trai bà, Klaas, đang bị cưỡng bức lao động ở ngoại ô Berlin, có thể người phụ nữ này đã kể về những người Do Thái đang lẩn trốn để lấy lòng chính quyền Đức. Ngoài ra, bà ta đã xin thôi việc ở hãng vào ngày gia đình bị bắt.

Năm 2003, Viện Hồ sơ chiến tranh Hà Lan đã chứng minh Willem van Maaren, Tonni Ahlers và Lena van Bladeren-Hartoch đều vô tội.

Một nghi can khác là Arnold van den Bergh, một trong sáu công chứng viên Do Thái tiếp tục làm việc sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Ông ta buôn bán các tác phẩm nghệ thuật và làm thủ tục giấy tờ cho những người nhập cư.

Ngoài ra, Arnold van den Bergh còn là thành viên của Hội đồng Do Thái địa phương một tổ chức do Đức Quốc xã thành lập ở tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng nhằm kiểm soát dân số Do Thái với sự giúp đỡ của chính người Do Thái.

Được biết, cái tên Arnold van den Bergh cũng được nhắc đến trong bức thư nặc danh mà Otto Frank nhận được. Ông không công bố nó mà chuyển bản sao cho một thám tử người Hà Lan tham gia cuộc điều tra năm 1963. Ông này bác bỏ chứng cứ, nhưng vẫn lưu giữ nó trong hồ sơ điều tra. Arnold van den Bergh chết vì ung thư năm 1950.

Tháng 1 năm 2022, cuốn sách “The Betrayal of Anne Frank “ (tạm dịch “Sự phản bội Anne Frank”) của nhà văn Canada Rosemary Sullivan được xuất bản ở Mỹ và Hà Lan. Cuốn sách bao gồm kết quả cuộc khảo sát kéo dài 6 năm do đạo diễn Thijs Bayens, nhà báo điều tra Pieter van Twisk và cựu điều tra viên FBI Vincenr Pankoke (sau đây gọi là nhóm Pankoke) thực hiện. Vincent Pankoke đã thuê một đội ngũ chuyên gia lớn thành thạo các phương pháp điều tra tội phạm hiện đại.

Nhóm Pankoke đã nghiên cứu các kho lưu trữ, tìm kiếm các tài liệu còn thiếu và sau đó phân tích dữ liệu với sự trợ giúp của  trí tuệ nhân tạo. Họ cũng sử dụng cả công nghệ xét nghiệm ADN. Kết quả cuộc điều tra đã buộc tội Arnold van den Bergh là kẻ phản bội. Đến năm 1944, y không còn được bảo vệ bởi quy chế đặc biệt nữa: Hội đồng Do Thái giải thể vào năm 1943, và tất cả các thành viên của nó, giống như những người Do Thái khác, có thể bị đưa đến các trại tập trung. Rất có thể, gã công chứng viên tìm cách cứu mạng bằng việc tiết lộ nơi ẩn náu của những người Do Thái mà y biết?

a4.jpg -0
Nghi can Arnold van den Bergh.

Các ý kiến trái chiều

Thông tin về sự phản bội của Van den Bergh xuất hiện đầu năm 2003, khi David Barnow, tác giả cuốn sách “Ai đã phản bội Anne Frank?”, đang tiến hành cuộc điều tra. Nhưng ông bác bỏ giả thuyết này do thiếu những chứng cứ nhất định.

Năm 2021, trong cuốn sách “People Love Dead Jewish” (tạm dịch “Người ta yêu những người Do Thái đã chết”), Dara Horne, nhà nghiên cứu tư tưởng bài Do Thái, cũng lưu ý rằng kết quả điều tra của nhóm Pankoke rất phù hợp với câu chuyện hoang đường về người Do Thái phản bội người Do Thái. Hơn nữa, trong số 15.000 người Hà Lan phản bội chỉ có một phụ nữ Do Thái là Ans van Dijk, đã bị bắn năm 1948.

Nhận xét về kết luận của nhóm Pankoke, ông Emil Schriver, Giám đốc Khu văn hóa Do Thái ở Amsterdam, nói: “Đây là lời buộc tội được đưa ra trên cơ sở nhiều giả thuyết, nhưng thực chất chỉ dựa vào một mẩu thông tin”. Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ ý kiến của ông: kết luận của nhóm Pankoke là quá vội vàng và không cần thiết đối với những người muốn đi đến tận cùng sự thật.

Có hay không kẻ phản bội?

Một số nhà phê bình cuốn sách của Rosemary Sullivan lập luận rằng Đức Quốc xã đã tiêu hủy 95% tài liệu lưu trữ của mình trong thời gian giải phóng Amsterdam, vì vậy việc tìm kiếm chứng cứ hoặc bác bỏ các giả thuyết tố giác là gần như không thể. Nơi ẩn náu của Anne Frank và gia đình cô có thể bị phát hiện một cách tình cờ, trong quá trình khám xét công ty “Opekta” do giả mạo phiếu thực phẩm. Giả thuyết này được “Bảo tàng Anne Frank” công bố năm 2016.

Giả thuyết này nhận được ủng hộ của một số chứng cứ. Thứ nhất, viên sĩ quan và hai cảnh sát Hà Lan đến khám xét không mang theo một phương tiện giao thông nào có thể chở một số người hộ tống, nghĩa là họ không chuẩn bị cho cuộc đột kích.

Thứ hai, một trong ba người tham gia cuộc khám xét là nhân viên phòng điều tra tội phạm kinh tế. Hơn nữa, chính hắn ta, vài ngày trước khi đến bắt giữ gia đình Frank, đã tóm được hai người đàn ông bán phiếu thực phẩm giả cho những người Do Thái đang lẩn trốn. Đồng thời, không có thông tin đáng tin cậy về việc những người buôn phiếu thực phẩm giả biết chính xác nơi gia đình Frank ẩn náu.

Liệu các nhà điều tra có tìm thấy những chứng cứ xác thực về tội lỗi của ai đó trong số những kẻ bị tình nghi  phản bội gia đình Anne Frank hay không. Danh sách "những kẻ phản bội" đã lên tới hơn 30 người, và rất có thể vài năm nữa nó lại tăng lên. Nhưng đến nay tất cả các nhân chứng và nghi can đều đã qua đời.

Trần Hậu (Theo Mel.fm)
.
.