Những ngày ở “địa ngục trần gian” trên đất Campuchia

Thứ Hai, 19/02/2024, 20:27

Bị mất việc ở TP Hồ Chí Minh những ngày cuối năm, chàng thanh niên quê Cà Mau đành thu dọn đồ đạc rồi bắt xe ôm ra bến xe Miền Tây chuẩn bị về quê. Trong khi đợi xe, chàng trai lên mạng tìm kiếm việc làm, chỉ sau ít phút đã có người của phía tuyển dụng “chat” trao đổi về một công việc làm phục vụ ở Bangkok, Thái Lan với mức lương cứng 17 đến 30 triệu/tháng…

Gần Tết cần có tiền tiêu xài và chưa kịp nghĩ gì, thì chưa đầy 30 phút sau đã có xe ô tô 4 chỗ tới tận nơi đón chàng trai đi Bangkok… Và từ đây cậu bắt đầu hành trình rơi vào “địa ngục trần gian” trên đất Campuchia…

Quảng cáo đi làm ở Thái Lan nhưng lại đến Campuchia

Nguyễn Minh Đặng (sinh năm 2000, quê Cà Mau) mở đầu câu chuyện với chúng tôi: “Anh cứ để rõ tên tuổi cụ thể của em để cho ai đọc được câu chuyện này mà cảnh giác và tránh được những cạm bẫy kinh khủng khi tìm việc trên mạng…”.

Cuối năm 2023, khi cửa hàng của người chủ ở TP Hồ Chí Minh không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh, Đặng mất việc và qua nhiều lần xin việc các nơi khác không được, sáng sớm ngày 4/12/2023, chàng trai này thu dọn đồ đạc rồi bắt xe ôm ra bến xe Miền Tây mua vé xe về Cà Mau.

Trong khi ngồi quán cà phê đợi đến giờ lên xe, Đặng lướt mạng tìm việc thì thấy có một nơi đang tuyển nhân viên phục vụ nhà hàng làm việc ở Bangkok, Thái Lan. Nghĩ rằng cứ thử “chat” hỏi xem sao, không ngờ Đặng được trả lời ngay.

Những ngày ở “địa ngục trần gian” trên đất Campuchia -0
Nguyễn Minh Đặng kể lại câu chuyện của mình sau khi đã được chuộc về nước.

Trao đổi qua lại, Đặng được giới thiệu là công việc chỉ làm mấy tháng tới Tết Nguyên đán 2024 là được về, với rất nhiều những ưu đãi do nhà hàng đang cần gấp nhân viên phục vụ, như mức lương cứng từ 17 đến 30 triệu/tháng, không yêu cầu gì cao, chỉ cần chăm chỉ, không cần mang theo tiền bạc… Toàn bộ mọi thứ sẽ được phía tuyển dụng chu tất và lo cho qua tới tận nơi. Và khi qua Thái Lan, Đặng sẽ được cho ứng tiền gửi về nhà. Đặc biệt, người chat với Đặng nhiều lần nhấn mạnh là sẽ làm việc ở Thái Lan chứ không phải ở Campuchia mà lâu nay nhiều người đã bị lừa “việc nhẹ lương cao”?!

“Lúc đó em nghĩ nếu làm việc ở Bangkok, Thái Lan thì làm gì có chuyện lừa đảo gì đâu… Và em cũng đang thất nghiệp, gia đình lại đang khó khăn, mình không có gì để mất nên em nghĩ mình sẽ cố gắng đi. Hơn nữa, cách nói chuyện của họ cũng khiến em rất tin tưởng nên em đã đồng ý”, Đặng kể lại.

Chỉ trong vòng 30 phút sau câu đồng ý của Đặng đã có xe ôtô 4 chỗ đến đón Đặng đi từ TP Hồ Chí Minh tới Tây Ninh khoảng 1h chiều. Theo lời Đặng, trên đường đi, người tài xế có nói chuyện về việc ngày nào cũng đưa một vài trường hợp như Đặng tới Tây Ninh qua cửa khẩu để đi Thái Lan càng khiến Đặng tin tưởng lựa chọn của mình mà hoàn toàn không nghĩ bản thân đã rơi vào cái bẫy giăng sẵn của các đối tượng mua bán người.

Tới gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, Đặng xuống xe và có người đi xe máy đón đi lòng vòng rồi tiếp đó có người đợi sẵn dẫn đường chạy trước đưa Đặng “đi chui” sang Campuchia... Khi sang tới đất Campuchia, Đặng được đi thêm mấy chặng đường dài và phải chuyển sang xe mấy lần kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ tới gần cửa khẩu Campuchia - Thái Lan…

Suốt đường đi, dù mấy lần sang xe nhưng Đặng phải lên xe ngay, không được xuống vệ sinh, ăn uống với lý do là nếu xuống có thể bị cảnh sát Campuchia giữ lại... Và do là tài xế người Campuchia nên gần như Đặng không trao đổi gì được, mọi thứ liên hệ đều do người phụ nữ đã tuyển Đặng chỉ dẫn…

Sau khi được một người nói tiếng Trung Quốc đón bằng xe máy rồi đưa Đặng qua một khu vực chợ của người Campuchia, Đặng vẫn nghĩ chắc họ đưa đi vào khu đó chờ để sau đó đưa qua biên giới Thái Lan… Nhưng khi được đưa tới một khu nhà có một số người Việt đang ngồi bấm máy tính và nhiều người Trung Quốc rồi có một người Việt đi ra phiên dịch cùng một số người khác thì câu đầu tiên Đặng được nghe rõ đó là: “Mày đã bị bán vào đây rồi!”. Ngay sau đó, những vật dụng cá nhân có giá trị và có thể gây bất lợi như giấy tờ, điện thoại, laptop, máy tính bảng, đồng hồ… đều bị thu giữ…

Những người Việt Nam bị bán vào đây họ đều được cho ký một hợp đồng lao động có thu nhập nhưng không ai biết nội dung hợp đồng là gì vì chữ trên hợp là chữ Campuchia hoặc Trung Quốc.

Bị tra tấn đến sống không bằng chết

Là người mới bị bán vào, nhưng Đặng cũng được sắp xếp vào ăn ở cùng những người bị bán vào trước đó và làm việc lâu nay. “Nơi ở được sắp xếp theo kiểu kỳ cục, trai gái ở lộn xộn tầm 10 người/1 phòng. Các ông chủ quy định trong phòng ngủ phải luôn ngay ngắn sạch sẽ với các trang thiết bị được chu cấp khá đầy đủ. Nhưng các phòng không có ổ khóa cửa và luôn được mở”, Đặng cho biết.

Những ngày ở “địa ngục trần gian” trên đất Campuchia -0
Một hàng rào cao quá đầu người và bị gắn điện ở khu của người Việt Nam bị lừa qua Campuchia.

Với những người Việt Nam bị bán tới đây, thường có 3 ngành nghề họ phải lựa chọn làm việc: “Sale” lừa đảo người Việt; buôn bán người Việt sang Campuchia và làm phiên dịch tiếng Việt - Trung, kỹ thuật viên người Việt... Nhưng đa số bị bắt buộc phải làm công việc đầu tiên.

Theo lời Đặng kể lại, thời gian làm việc của những nhân viên bất đắc dĩ này có thể gây sang chấn tâm lý và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Trong đó, những ông chủ người Trung Quốc yêu cầu bắt buộc nhân viên người Việt phải sống và ăn uống ngủ nghỉ theo múi giờ Mỹ với thời gian làm việc mỗi ngày đêm gần 20 tiếng đồng hồ, không được sử dụng điện thoại cá nhân và các trang mạng xã hội và các nhà mạng định vị đều bị các đối tượng người Trung Quốc cho làm nhiễu mạng không thể xem được.

Lịch trình làm việc hàng ngày khiến các nhân viên người Việt như những “siêu nhân”. “Theo quy định của các ông chủ, đúng 10 giờ đêm (10 pm) nhân viên phải có mặt và đứng hát những bài hát Việt Nam đến khi nào được cho phép ngừng mới thôi. Ai đến trễ hay ai hát nhỏ, hát không hay, mắt mở không lên, đứng không vững, khuôn mặt không tươi tắn đều bị đánh đập và ném các đồ vật ngay trước mắt vào người đó...”, Đặng chua xót kể lại.

Nói chung khi không đáp ứng được yêu cầu gì hay không vừa mắt, nhân viên đều sẽ bị các ông chủ ra lệnh cho nhân viên người Việt nắm tóc  đánh không thương tiếc...

“Người cũ đánh người mới, đánh bằng tay, chân, đánh bằng thanh gỗ, thanh sắt. Nếu người nào đánh nhẹ thì không chỉ một người mà toàn bộ nhân viên người Việt trong phòng đều sẽ bị chính tay cai quản người Trung Quốc đánh, chích bằng roi điện, đây là cực hình tra tấn mà ai cũng sợ hãi…”, Đặng kể lại.

Và chính sự tàn độc của các đối tượng quản lý đã khiến những ai lọt vào đây đều khiếp sợ. Do đó, nhân viên người Việt ở đây luôn trong tình trạng đánh phạt lẫn nhau, dùng mọi cách hãm hại lẫn nhau. Đơn cử như việc phải lừa bán người Việt qua Campuchia, nhân viên ở đây phải hoàn thành định mức: Một tuần phải lừa được ít nhất 3 người mới được chấp nhận và không bị hành hạ, bị đánh đập cực hình... Do đó, họ đã bất chấp hậu quả để lừa gạt luôn cả anh em dòng họ, bạn bè thân thiết nhằm đưa qua Campuchia để hoàn thành “chỉ tiêu”…

Khi hết giờ làm việc, nhân viên về phòng trong vòng 30 phút phải ăn uống tắm rửa xong hết và lên giường ngủ. Ai còn mở mắt nói chuyện, không ngủ đều bị lôi ra đánh đập và phạt tiền. Dù bắt ăn ở chung, nhưng trai gái bị nghiêm cấm yêu đương. Nếu để phát hiện, cả hai sẽ bị đánh đập, chích roi điện và phạt 1.000 USD...

“Bữa ăn sẽ do những nhân viên người Campuchia nấu nướng và phân chia ngày 3 bữa, không bị bỏ đói, nhưng đồ ăn thì cực kỳ dơ bẩn… Dù vậy, chúng tôi vẫn phải ráng mà ăn để có sức làm... Hầu hết nhân viên người Việt ở đây đều ốm yếu, hay bị xỉu, nôn ói, nhức đầu, đau nhức cơ thể vì những đợt đòn roi liên tục diễn ra hằng ngày mà không được nghỉ ngơi…

Theo quan sát của Đặng, khu “địa ngục trần gian” này xung quanh là hàng hàng lớp lớp hàng rào và đều được gắn dây điện cao vài mét (đụng vào sẽ bị giật ngay), đồng thời, có rất nhiều bảo vệ canh gác mọi nơi, chỉ cần những ai có suy nghĩ vượt ra hay bỏ chạy sẽ bị bắt lại và cái kết là bị đánh đập tàn nhẫn hoặc thậm chí có thể bị bắn tỉa bỏ mạng... Phía bên trong hàng rào gồm nhiều các tòa chung cư cao tầng - đây là nơi ở và làm việc chung của các nhân viên với nhau.

Cảnh báo biến tướng lừa đảo mới

Dù chỉ phải trải qua mấy ngày nơi “địa ngục trần gian”, nhưng bản thân Đặng cũng đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh tàn khốc ở nơi đây và chúng vẫn còn in sâu trong tâm trí của Đặng. Do may mắn hơn nhiều người khác, mới qua mấy ngày nhưng Đặng đã được cho liên hệ với người nhà để gửi tiền qua chuộc về.

Những ngày ở “địa ngục trần gian” trên đất Campuchia -0
Tờ rơi cảnh báo thủ đoạn của tội phạm mua bán người của Cơ quan Công an.

Lý do của việc này được Đặng giải thích: Việc được về hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, khi mới bị lừa qua thì thái độ phải “ngoan ngoãn”, và người nhà phải nhanh chóng có các động thái gửi tiền qua cho các ông chủ. Số tiền “cứng” phải nộp trước tiên là từ 5.000 USD trở lên (và còn một số tiền khác nữa), phải gửi càng nhanh càng tốt, tối đa trong vòng 3-4 ngày từ lúc người thân bị lừa qua, không được kéo dài thời gian hay kỳ kèo về tiền bạc. Và nếu kéo dài thời gian số tiền chuộc về sẽ càng tăng dần…

Những người nào gia đình không có tiền để chuộc hoặc kéo dài quá lâu thì nạn nhân sẽ gần như không còn đường về. Sau đó, khi được chỉ dẫn làm các công việc như kể trên mà không đáp ứng được, họ sẽ bị bán cho công ty khác và phải chịu hành hạ tàn khốc. Với những trường hợp làm được việc thì đương nhiên sẽ bị giữ lại để phục vụ việc lừa đảo cho các ông chủ. Tóm lại có muôn ngàn lý do để gần như rất ít người có thể được về nước sau khi đã bị lừa qua Campuchia.

Với trường hợp của Đặng, sau khi được liên lạc về nhà nói rõ sự việc, gia đình của Đặng đã phải vay mượn khắp nơi để có số tiền 5.000 USD gửi qua dù không có gì chắc chắn hay đảm bảo con em mình sẽ được cho về vì mọi việc chỉ liên hệ qua điện thoại. Sau đó, Đặng được cho phép về rồi gia đình phải gửi thêm 40 triệu đồng tiền các chi phí khác dọc đường để Đặng được đưa về tới cửa khẩu Mộc Bài. Đáng nói, từ lúc Đặng được cho về cho tới khi đặt chân qua cửa khẩu về đất Việt Nam, mọi thứ liên quan từ lúc đi đến lúc về đều được các đối tượng sắp xếp rõ ràng và kín kẽ.

“Em muốn kể lại câu chuyện của mình để mọi người cảnh giác và cả các cơ quan chức năng xem xét có biện pháp giải quyết tình trạng này, bởi những nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia vì nhiều lý do, để cuối cùng họ phải chịu cảnh sống không bằng chết…”, Đặng nhấn mạnh.

Đây có thể được coi là một trong các hình thức biến tướng mới của tình trạng lừa bán người sang Campuchia dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Các đối tượng đã “lật bài ngửa” khi nói rõ sang Thái Lan làm việc chứ không có chuyện “lừa qua Campuchia”, chính chi tiết này khiến cho không ít người chủ quan và sập bẫy.

Ngoài trường hợp trên, vào đầu tháng 1/2024, một sinh viên ở TP Hồ Chí Minh đã suýt bị lừa bán sang Campuchia khi ứng tuyển trên mạng vị trí giám sát kho… ở Bình Dương. Sau khi được phỏng vấn rồi trúng tuyển và hẹn gặp ở quận 12 để đưa đi tham quan kho của công ty, sinh viên này đã bị đưa thẳng về hướng cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Khi phát hiện sự thật và phản ứng, sinh viên này đã bị các đối tượng đánh đập hành hạ tàn nhẫn, nhưng nhờ may mắn và sự lơ là của các đối tượng, sinh viên này mới chạy thoát được…

Công an tỉnh Tây Ninh cũng như các Công an các tỉnh thành phía Nam đều nhận định, thông qua các mạng xã hội, các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc (ở các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia hoặc có thể rao bất cứ quốc gia nào), với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước. Khi người tìm việc đồng ý thì các đối tượng ở Campuchia móc nối với các “chân rết” ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh bằng các đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia.

Phú Lữ - Quang Anh
.
.