Những pha giả tự truyện đình đám thế giới

Thứ Ba, 10/08/2021, 12:06

Bất kỳ ai viết tự truyện cũng ít nhiều “nói tốt” cho mình. Ngay cả Ceasar khi sáng tác quyển tự truyện đầu tiên trong lịch sử cũng nhằm mục đích khuyếch trương vai trò bản thân trong các chiến dịch của quân đội La Mã tại xứ Gaul.

Và người đọc sẵn sàng chấp nhận việc này miễn là cuốn sách dựa trên các sự kiện có thật. Vậy nhưng đôi khi có những tác giả trắng trợn đến mức bịa đặt hoàn toàn tác phẩm tự truyện của mình. Mỗi khi chuyện này xảy ra, văn đàn thế giới lại có cơ hội phải tự hỏi: “Vì sao lại thế?”.

Sống giả

Trước hết phải nói ngay rằng, có những cuốn sách được viết theo lối tự truyện nhưng thật ra lại là tiểu thuyết. Nhiều nhà văn chọn lối viết này để tạo ra được hình mẫu nhân vật đại diện cho một nghề nghiệp, giai cấp, v.v… Nhân vật hư cấu nhưng lại được xây dựng dựa trên những sự kiện hoàn toàn có thật. Theo lệ thường, tác giả chỉ cần ghi một dòng như sau vào đầu sách: “Mọi nhân vật và sự kiện trong tác phẩm đều là hư cấu!” coi như tác phẩm của mình không có vấn đề gì. Vậy mà nhiều khi họ cũng lừa được khối độc giả.

Sau khi tiểu thuyết “Nat Tate: An American Artist 1928 - 1960” của nhà văn William Boyd được xuất bản vào năm 1988, có không ít người tin rằng thật sự có một họa sỹ tên Nat Tate đã phá huỷ 99% số tranh của mình trước khi tự tử. Các nhà sưu tầm bắt đầu đổ xô đi tìm tranh của vị hoạ sỹ yểu mệnh. Nhà văn William Boyd đã phải tuyên bố trước công chúng rằng: Nat Tate không có thật, mọi người đừng uổng công nữa!

 Phải đến khi tác giả “treo đầu dê, bán thịt chó” thì mới nảy sinh ra vấn đề. Nhiều người viết đã gạt bỏ danh dự, đạo đức nghề nghiệp của mình để viết những cuốn sách hoàn toàn hư cấu dưới cái mác “tự truyện”. Họ không hiểu rằng, tự truyện là một cái gì đó rất gần gũi thân thiết với độc giả. Đọc một cuốn tự truyện cũng giống như nghe lời tâm sự của người khác vậy. Lúc đầu tác giả có thể là người lạ với bạn đọc, nhưng đến khi đóng lại cuốn sách thì giữa hai bên đã hình thành một mối quan hệ thân thiện. Điều gì có thể khiến tác giả tự truyện nói trên lại có thể phản bội lại những bạn đọc không khác gì những người bạn của mình vậy?

Những pha giả tự truyện đình đám thế giới -0
 James Frey trở thành triệu phú nhờ cuốn tự truyện giả của mình.

James Frey

Trước khi đặt bút viết cuốn “tự truyện” mang tên “A Million Little Pieces”, James Frey chỉ là một đạo diễn kiêm biên kịch phim độc lập. Vậy mà qua một đêm anh ta trở thành triệu phú. Cuốn sách kể về hành trình gian nan của James Frey để vượt qua chứng nghiện rượu, nghiện ma túy và bệnh trầm cảm. Rất nhiều người đọc gặp phải vấn đề tương tự như nhân vật trong sách đã nhanh chóng tỏ ra đồng cảm với tác phẩm và tác giả. “A Million Little Pieces” leo lên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ hồi năm 2003 và thậm chí còn được “bà hoàng truyền hình” Oprah Winfrey tôn vinh trong chương trình talk show của mình.

Ba năm sau đó, tờ “The Smoking Gun” bất ngờ đăng một bài điều tra về James Frey. Hóa ra có rất nhiều sự kiện trong cuốn tự truyện chưa từng xảy ra trong cuộc sống. Ví dụ như việc tác giả tấn công cảnh sát sau khi dùng ma túy đá và bị tạm giam bốn ngày liền. Sự thật là James chỉ phải ngồi ở đồn công an vài tiếng đồng hồ vì tội gây rối nơi công cộng trong khi say xỉn. Một loạt tờ báo khác cũng bắt đầu điều tra James. Và rồi  tìm đâu họ cũng thấy bằng chứng rằng anh ta hoặc là nói quá, hoặc là ngụy tạo sự việc. James Frey đã phải lên TV để tiết lộ rằng: chính nhà xuất bản đã “lập lờ” trong việc tiếp thị cuốn sách để lợi dụng danh nghĩa “tự truyện” nhằm tạo dự luận.

Công chúng nói chung tin vào lời giải thích của tác giả, và James Frey tiếp tục "sáng tác". Các tiểu thuyết của anh ta sau đó cũng đạt được một số thành công nhất định, đặc biệt là cuốn “I Am Number Four” đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2011. Vậy nhưng scandal tiếp tục bám theo James. Công ty xuất bản do anh ta sáng lập bị nhiều nhà văn trẻ tố cáo đã sử dụng bản thảo dự thi của họ mà không thông báo và nhận được sự chấp nhận của tác giả. Sự việc khiến nhiều người đọc phải hỏi liệu James Frey là một nhà văn có tài hay là kẻ cơ hội? Câu trả lời có lẽ là cả hai.

Những pha giả tự truyện đình đám thế giới -0
Không thiếu nhà văn Mỹ như Jamake Highwater giả làm người da đỏ. 

Jamake Highwater & Margaret B. Jones

Người da đỏ Mỹ từ trước đến nay luôn bị chèn ép trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề “sức nặng” tiếng nói trong xã hội. Nhiều nhà văn da đỏ đã không ngừng nghỉ sáng tác nhằm mong xã hội Mỹ hiểu hơn về cuộc sống, nỗi khổ và giấc mơ của dân tộc mình, bộ tộc mình. Nhưng ngược lại cũng có những tác giả chẳng liên hệ máu mủ gì với người da đỏ hay sống trong cộng đồng bộ tộc mà cũng tự nhận mình là người Mỹ bản địa.

Trường hợp nổi tiếng đầu tiên là Jamake Highwater, tên thật là Jackie Marks. Ông ta sinh ra trong một gia đình Do Thái ở San Francisco, Mỹ. Sau khi đoàn vũ công do Jackie điều hành giải tán,  Jackie Marks chuyển đến sống tại New York và sáng tác dưới cái tên Jamake Highwater. “Jamake” là một người Cherokee lai Pháp được gia đình của Jackie Marks (tức là chính bố mẹ của ông ta) nhận làm con nuôi.

Jamake đã sáng tác hơn 30 cuốn tiểu thuyết và hai cuốn tự truyện đều xoay quanh cuộc sống của người da đỏ. Nhờ sách bán chạy và tài ăn nói uyển chuyển mà Jamake được công chúng Mỹ đón nhận. Ông ta còn từng làm cố vấn văn hóa thổ dân cho nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng. Phải đến năm 1984 các nhà báo gốc da đỏ mới “bóc trần” bộ mặt thật của Jackie Marks. Thật đáng tiếc là cho đến khi chết Jackie vẫn tiếp tục sử dụng danh tiếng là “chuyên gia về người da đỏ” để tiếp tục kiếm tiền.

Hơn 20 năm sau vụ Jamake Highwater, nhà văn Margaret Seltzer cũng tự nhận bừa mình là người da đỏ. Cô ta dùng cái tên giả “Margaret B. Jones” để xuất bản cuốn tự truyện “Love and Consequences” kể về một cô gái nửa da đỏ, nửa da đen sinh ra tại khu ổ chuột ở thành phố Los Angeles. Hành trình của cô gái vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo đói và sự phân biệt đối xử đã lấy được lòng tin của nhiều người đọc. Tác phẩm dành được nhiều tuần liền trên danh sách sách bán chạy nhất nước Mỹ. Thậm chí còn có tin đồn rằng Hollywood có ý định chuyển thể “Love and Consequences” thành phim

Kẻ nói dối chỉ được vạch mặt sau khi chị gái của Margaret nhận ra em gái mình trên mặt báo New York Times. Margaret và chị mình sinh ra trong một gia đình da trắng giàu có ở Los Angeles. Cuộc sống sung sướng của họ hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra với nhân vật trong sách. Cũng không có bằng chứng gì là Margaret sáng tác tự truyện dựa trên bất kỳ người nào có thật cả. Nhà xuất bản sau đó đã phải thu hồi 19.000 bản sách “Love and Consequences”, còn tác giả cũng “lặn mất tăm”.

Trong cả hai trường hợp Jamake Highwater và Margaret B. Seltzer, tác giả đều dùng lý lẽ “muốn khuyếch đại tiếng nói của người da đỏ” để biện minh cho hành động của mình. Điều này tất nhiên là vô lý do có không ít tác giả da trắng hay da đen mà vẫn viết được các tác phẩm hay về người da đỏ. Điều duy nhất họ cần là sự đồng cảm. Những cá nhân như Jamake Highwater và Margaret B. Seltzer chỉ muốn lợi dụng danh tiếng người da đỏ để “gây điểm” trong lòng bạn đọc mà bán được tác phẩm của họ.

Những pha giả tự truyện đình đám thế giới -0
 Lãnh đạo của tạp chí Stern trong buổi công bố nhật ký của Hitler.

Konrad Kujau

Đôi khi những kẻ làm giả tự truyện còn không phải là nhà văn như trường hợp  Konrad Kujau là một ví dụ. Konrad sống một cuộc sống trôi nổi giữa Đông và Tây Đức, làm đủ mọi công việc khác nhau để nuôi sống gia đình. Cuồng tín tin vào tư tưởng phát xít thúc đẩy Konrad sưu tầm những kỷ vật của Đức Quốc xã còn lại sau cuộc chiến. Y đánh bạn với những nhà sưu tầm khác và học được từ họ nhiều ngón nghề phân biệt đồ cổ thật giả. Kujau nhận ra rằng nhu cầu sưu tầm kỷ vật chiến tranh vô cùng lớn mà nguồn cung lại không đủ, vậy là y bắt đầu đi vào con đường làm đồ cổ giả.

Konrad chuyên làm giả các loại giấy tờ cũ. Y có sẵn tài giả chữ viết của người khác. Để làm giả đầu thư, quốc hiệu, quốc huy, v.v…Konrad sử dụng giấy đề-can tô màu. Còn khi muốn làm cho giấy viết trông có vẻ cũ, y ngâm chúng trong nước chè. Quy trình làm giả tuy rất thô sơ nhưng cũng lừa được không ít nhà sưu tầm có kiến thức. Thậm chí Konrad còn tự vẽ nhiều bức tranh rồi nói dối rằng tranh do Hitler vẽ khi còn theo đuổi nghiệp hội họa. Chẳng mấy chốc y đã giàu lên và thuê được hẳn một cửa hàng ở CHDC Đức (cũ).

Những pha giả tự truyện đình đám thế giới -0
Người đọc nhiều khi méo mặt vì đọc phải tự truyện giả.  

Konrad bắt tay vào phi vụ lớn nhất cuộc đời vào khoảng năm 1975. Sau nhiều tháng tập giả chữ viết của trùm phát xít Adolf Hitler, Konrad bắt đầu viết một cuốn nhật ký kiêm tự  truyện của vị Quốc trưởng phát xít. Y chép nhiều đoạn văn từ cuốn tự truyện “Mein Kampf” đầu tiên của Hitler để xen vào giữa những đoạn do y tự sáng tác để đánh lừa người đọc. Konrad “sản xuất” xong hơn chục cuốn nhật ký giả liền bán cho một nhà sưu tầm. Y không thể ngờ rằng vài tháng sau đó nhà báo Gerd Heidemann liên lạc với y với một lời đề nghị: Tờ tạp chí Stern sẵn sàng trả cho Konrad 2,5 triệu mác Đức để mua hết toàn bộ số nhật ký của Hitler.

Konrad dành toàn bộ hai năm tiếp theo để làm giả 61 quyển nhật ký bán cho tạp chí Stern để tờ báo này đăng tải từng kỳ. Ngay từ kỳ đăng đầu tiên, những quyển nhật   khiến giới trí thức Tây Âu “dậy sóng”. Người ta bàn tán không ít về độ tin cậy của chúng. Tạp chí Stern còn mời chuyên gia đồ cổ Hugh Trevor-Roper kiểm nghiệm tác phẩm để chứng minh cho bạn đọc. Ông ta hoàn toàn bị những quyển nhật ký giả thuyết phục. Cái tài của Konrad ở đây là hiểu được lối viết của Hitler: Ông ta là một diễn giả xuất chúng nhưng cũng là một nhà văn tẻ nhạt, thiếu logic, và vô cùng nhỏ mọn.

Chính quyền Tây Đức khi đó buộc phải vào cuộc để tìm xem nên xử lý những quyển nhật ký như thế nào. Họ bèn tập hợp một hội đồng các sử gia và nhà khảo cổ. Chính các vị chuyên gia này đã phát hiện ra những điểm bất thường trong số nhật ký. Sau khi bị cảnh sát Tây Đức điều tra, Konrad khai rằng mình đã làm giả nhật ký. Cả y và nhà báo Hugh Trevor-Roper đều bị nhận án 4,5 năm tù.

Sau khi ra tù, Konrad nghiễm nhiên trở thành người nổi tiếng. Y không làm đồ cổ giả nữa mà biến mình thành “chuyên gia giám định cổ vật” thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Ngoài ra y còn vẽ tranh sao chép kiểu “nửa vời” - sáng tác tranh phỏng theo phong cách các họa sỹ đương thời chứ không thực sự sao chép nội dung tranh của họ. Đã có một series phim truyền hình và một bộ phim điện ảnh đều khắc họa việc Konrad làm giả nhật ký của Hitler. Vào năm 1999, Konrad ra tranh cử chức thị trưởng thành phố Stuttgard và nhận được 901 phiếu, đứng thứ tư chung cuộc.

Danh tiếng của Konrad Kujau lớn đến mức còn có những kẻ làm giả tranh của y nữa. Cảnh sát Đức từng bắt được một đối tượng mạo danh là cháu gái Konrad chuyên bán tranh nói là do y vẽ. Toàn bộ số tranh này được mua từ Trung Quốc rồi qua tay kẻ làm giả mạo danh chữ ký của Konrad.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.