Những "sói già" của chứng khoán Việt

Thứ Ba, 09/08/2022, 08:41

Cổ phiếu của nhiều công ty có giá "trà đá" dưới 1000 đồng bỗng "nổi sóng" tăng trần liên tiếp lên gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần, mặc dù hoạt động của công ty không khởi sắc? Hay những doanh nghiệp mượn chiêu "vẽ" lợi nhuận để phát hành "khống" hàng triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn.

Đằng sau những hoạt động này là một nhóm những nhà đầu tư được gọi là "sói già" trên thị trường chứng khoán. Họ thâu tóm, làm giá, thổi giá sau đó chốt lời, tháo chạy khỏi thị trường cùng hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận. Họ là ai? Họ đã qua mắt các cơ quan chức năng như thế nào?

Nhận diện "sói già" thao túng giá cổ phiếu

Tháng 3-2022, khi Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán; Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đồng thời ra quyết định khởi tố Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị), thị trường chứng khoán lập tức có biến động. Vụ án được điều tra bởi hành vi của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm được đánh giá là gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những
Cần chính sách minh bạch để thu hút nhà đầu tư chứng khoán

Lúc này, nhiều nhà đầu tư trên thị trường hoang mang, bởi lượng cổ phiếu của các công ty thuộc "hệ sinh thái" FLC phát hành trên thị trường khá lớn. Danh mục đầu tư của của nhiều tài khoản có cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của FLC, nhiều nhà đầu tư mua với mục đích đầu tư, mong muốn hưởng lợi khi giá cổ phiếu tăng, chỉ đến khi vụ án được điều tra, nhà đầu tư mới sáng tỏ việc mình là nạn nhân trên thị trường rơi vào "cái bẫy" được giăng ra bởi Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Hành vi phạm tội của Trịnh Văn Quyết bước đầu được nhận diện, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng các tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Mục đích đẩy giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình tăng 64%). Sau đó Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC, khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng. Một cái bẫy với "sóng ảo" thổi giá được đặt ra nhưng khoản tiền thật trên 500 tỉ đồng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chui vào tài khoản của Trịnh Văn Quyết. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng nhận định, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng chiêu trò thao túng, làm giá trong nhiều năm nay trên thị trường. Nhóm bị cáo sẽ thổi giá cổ phiếu lên cao để chốt lời, sau đó khi cổ phiếu lao dốc lại thu gom lại, hưởng lợi hàng nghìn tỉ đồng.

Khi thị trường chứng khoán vẫn đang biến động bởi thông tin Trịnh Văn Quyết bị bắt, thì cơ quan điều tra cũng ra Quyết định khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Louis Holdings và Công ty chứng khoán Trí Việt. Nhiều bị can bị khởi tố, trong đó có Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings.

Trước đó, năm 2021, thời điểm thị trường chứng khoán khởi sắc với những đợt tăng điểm, Đỗ Thành Nhân được giới truyền thông so sánh với hình tượng vua Midas trong thần thoại Hy Lạp. Theo thần thoại, vị vua huyền thoại Midas được mô tả nổi tiếng với đôi tay chạm vào bất cứ thứ gì đều biến thành vàng. Còn Đỗ Thành Nhân thì mua cổ phiếu của công ty nào, lập tức cổ phiếu đó tăng trần liên tiếp, có mã cổ phiếu tăng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.

Những
Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc của các bị can liên quan vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Cụ thể, thời điểm tháng 9-2021, sau khi Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holdings thâu tóm cổ phiếu của Công ty Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG) (sau đó đổi tên thành Louis Captial) thì giá cổ phiếu này tăng trần liên tục trong hàng chục phiên giao dịch, đặc biệt trong tháng 9-2021 có phiên tăng đến 6.000% từ 800 đồng/ cổ phiếu lên đến đỉnh điểm 69.000 đồng/ cổ phiếu.  Với các chiêu trò này, thông qua Louis Holdings, Nhân đã hoàn tất mua vào cổ phiếu Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (mã BII) - hiện là Công ty cổ phần Louis Land, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM), Công ty cổ phần chứng khoán APG (APG), Công ty Sametel (SMT)… Mã cổ phiếu của các công ty này nối nhau lập đỉnh, với mức tăng từ 150 - 600%, có mã tăng 30 lần, có mã tăng đến 75 lần. Sau đó, Nhân lập tức thoái vốn, chốt lời cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu đột nhiên quay đầu lao dốc, rớt giá thê thảm, giảm sàn 5 - 6 phiên liên tục khiến nhà đầu tư lao đao và mất khả năng thanh khoản.

Vẽ lợi nhuận, phát hành khống, bán giấy… lấy tiền

Tháng 5-2020, TAND TP Hà Nội tuyên Phạm Thị Hinh (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty KSA, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán VSM) 18 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Bản án xác định năm 2015, bị cáo Hinh tăng vốn điều lệ Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,5 triệu cổ phiếu mã KSA chào bán ra công chúng và được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán. Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Lúc này, bà Hinh chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản để giao dịch chéo cổ phiếu KSA, nhằm tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản. Đây là một trong những vụ án đầu tiên mà tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán được đưa ra xét xử.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra hành vi tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần liên doanh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA), mã chứng khoán ASA. Đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ kết quả điều tra xác định Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70.000 tỉ đồng, niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Những
Thu giữ tang vật trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Khi vụ án được khởi tố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định về việc hủy 7 triệu cổ phiếu từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 30 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng của Công ty cổ phần ASA; đồng thời căn cứ Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết của HNX, Sở đã có thông báo  về việc đình chỉ giao dịch cổ phiếu ASA. Theo đó, 10 triệu cổ phiếu ASA sẽ bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24-1-2022. Hiện nay cổ phiếu của ASA được ghi nhận trên thị trường với giá 12.000 đồng/ cổ phiếu nhưng không được giao dịch. Những người đang điều hành ASA lúng túng vì không được hướng dẫn thu hồi 7 triệu cổ phiếu bằng cách thức nào? Nhà đầu tư thì hoang mang vì "mắc kẹt", mất hàng tỉ đồng đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, khi 7 triệu cổ phiếu được thẩm định bởi các cơ quan chức năng để phát hành trên thị trường, nhà đầu tư tin tưởng mua, bán. Khi vụ án được điều tra, thì chính những cơ quan thẩm định khi đó lại ra thông báo hủy bỏ. Vậy thiệt hại của nhà đầu tư sẽ tính tại thời điểm nào khi thị trường giao dịch biến động hàng ngày, hàng giờ? Người bị thiệt hại là những người mua cổ phiếu tại thời điểm 7 triệu cổ phiếu được đưa ra thị trường hay được xác định là những người hiện nay đang nắm giữ cổ phiếu. Cổ phiếu được xem như một loại giấy tờ có giá, phải chăng cứ nói hủy bỏ là hủy bỏ?

Giám sát để minh bạch

Nhìn lại những vụ án mà hành vi sai phạm của các bị cáo liên quan đến thị trường chứng khoán, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu có "kẽ hở" trong quy định để tội phạm tận dụng hay do cơ chế kiểm soát, giám sát trên thị trường không minh bạch, nên khó phát hiện sai phạm? Hoặc giả như, để phát hành thêm cổ phiếu, hồ sơ doanh nghiệp lập khống lợi nhuận, sao lại dễ dàng qua mắt được các lớp giám sát, từ các công ty kiểm toán cho đến các cơ quan quản lý.

Rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm và tổ chức giám sát hoạt động thị trường chứng khoán, trước năm 2019, thị trường tổ chức theo “hai lớp” là Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khóa Nhà nước. Từ năm 2019, Luật chứng khoán (sửa đổi) tăng cường thêm giám sát trực tiếp với công ty chứng khoán khi bắt đầu tham gia hoạt động trên thị trường. Vậy, với việc thao túng giá trên thị trường đã được giám sát hay chưa?

Trở lại với các vi phạm của Đỗ Thành Nhân, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, trước khi vụ án được khởi tố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính số tiền lần lượt là trên 300 triệu đồng và 1,5 tỉ đồng. Nếu vụ án không bị khởi tố, điều tra, so với lợi nhuận khổng lồ mà các bị cáo thu được, thì số tiền xử phạt trên rõ ràng không "thấm tháp" gì?

Trong những năm gần đây, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện rõ qua số lượng công ty Việt nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD với tổng vốn hóa TTCK tăng mạnh từ 30% đến 90% GDP của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,8 triệu tỉ đồng, tương đương 92,77% GDP năm 2020. HOSE hiện có 533 mã chứng khoán niêm yết. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 120,5 tỷ cổ phiếu. Hơn 49.000 tỉ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán. Tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước đã vượt 4 triệu tài khoản, tương khoảng 4% dân số.

Tuy nhiên, sau khi các vụ án được khởi tố, điều tra, tính minh bạch của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, rời bỏ. Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ biến động nên mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 15-6-2022 giảm 18,4% so với cuối năm 2021. Tính đến tháng 7-2022, chỉ số VN-Index đạt 1.202,82 điểm, giảm 7% so với cuối tháng trước và giảm 19,7% so với cuối năm 2021.

Đã đến lúc cần nhìn nhận về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Các cơ quan liên quan để quản lý thị trường lành mạnh, không để ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư; trường hợp cố tình vi phạm cương quyết xử lý. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức điều hành thị trường lành mạnh, hiệu quả. Với thị trường cổ phiếu, cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của doanh nghiệp trên thị trường.

Trần Tâm
.
.