Những “thần y, thần dược” trên mạng

Thứ Năm, 08/06/2023, 21:54

Công chúng hẳn chưa quên cụm từ huyền thoại trong quảng cáo chữa bệnh “nhà tôi ba đời…” của các “thần y” miệt vườn. Sau khi trò lố chữa bệnh bị phanh phui, bóc mẽ, trên mạng xã hội tiếp tục nổi lên những hình thức quảng cáo bán thuốc có bóng dáng của giáo sư, bác sĩ và người nổi tiếng…

Từ việc “thầy giỏi” chữa “bệnh khó” trên mạng

Không chỉ lợi dụng quảng cáo thực phẩm chức năng trái luật, nhiều clip còn mạo danh các bác sĩ nổi tiếng để bán thuốc chữa bệnh. Theo trang quảng cáo bán thuốc chữa bệnh xương khớp được phát ra rả trên các nền tảng Yutobe, Facebook… thì trước khi đi vào công hiệu của thuốc, nhân viên giới thiệu sơ lược về vị bác sĩ lương y nổi tiếng của bệnh viện y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh có tên Lương Quốc Khánh. Bác sĩ Khánh có bằng tiến sĩ Y khoa Y dược học cổ truyền, với trên 30 năm kinh nghiệm, từng điều trị cho hàng triệu bệnh nhân xương khớp trong và ngoài nước. Bài thuốc xương khớp của TS. BS Khánh được kế thừa từ nguyên lý chữa bệnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông. Bệnh nhân mua thuốc, cần tư vấn thêm thì gọi điện thoại gặp trực tiếp BS Khánh.

h1.png -0
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã nhiều lần cảnh báo việc bị cắt ghép, sử dụng hình ảnh của ông để bán thuốc, nhưng nhiều người vẫn bị lừa

Chúng tôi đã gọi điện để được gặp BS Khánh như lời giới thiệu của nhân viên nhà thuốc. Người đàn ông bắt máy tự nhận là BS Khánh nói giọng miền Bắc với ngôn ngữ rất chuyên nghiệp. Chúng tôi hỏi vài câu thăm dò: “Bệnh của em cần phải thăm khám, em có thể đến bệnh viện gặp bác sĩ để tư vấn và khám trực tiếp được không?”. BS Khánh trả lời ngay: “Em cứ trình bày qua đây tôi sẽ kê đơn đúng với triệu chứng. Chúng tôi làm nghề được hơn 30 năm rồi”.

Không để cho bệnh nhân hỏi thêm, vị bác sĩ xoáy vào chuyên môn nhằm đánh lạc hướng người hỏi: “Bệnh viêm xương khớp có ở lứa tuổi từ 30 trở lên, thuộc phạm vi chứng Tý của y học cổ truyền. Căn nguyên do ngoại nhân phong, hàn, thấp, nội thương nguyên khí, tạng phủ suy yếu, tà khí xâm nhập, đàm trọc, huyết ứ, tắc nghẽn kinh lạc gây sưng đau, cứng khớp, biến dạng khớp. Y học cổ truyền điều trị căn nguyên gây bệnh, chấm dứt triệu chứng đau, bồi bổ, hỗ trợ tái tạo sụn khớp, tránh biến chứng, chống tái phát. Bám sát nguyên tắc biện chứng luận trị y học cổ truyền, y học bản địa, kiến thức bệnh xương cơ khớp của y học hiện đại...”.

“Thiên la địa võng” các loại thảo dược mà bác sĩ Khánh liệt kê trong bí quyết bài thuốc khiến cho người nghe cảm giác như mình đang lọt vào thế giới của các “thần y” cao siêu.

Những “thần y, thần dược” trên mạng -0
Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt đối tượng giả mạo bác sĩ chữa bệnh

Đây chính là “bài vở” mà vị bác sĩ “nổi tiếng” diễn với bệnh nhân, rất nhiều người đã bị khuất phục bởi lối diễn quá đạt của vị bác sĩ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bác sĩ Khánh là nhân vật giả mạo bác sĩ, Bệnh viện Y học cổ truyền không hề có ai tên bác sĩ Lương Quốc Khánh. Chúng tôi đã nói thẳng điều này với người tự xưng là bác sĩ Khánh, ông ta nghe xong liền phản hồi ngay: “Tôi giờ chỉ làm cố vấn chuyên môn y khoa, không tham gia vào công tác quản lý khám chữa bệnh nên ít người biết tới. Nếu anh chị gọi cho tôi chỉ để truy vấn điều đó thì tôi xin phép tắt máy vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ”. Nói hết lời, “bác sĩ Khánh” lập tức cúp máy, chúng tôi gọi lại liền bị chặn số ngay lập tức và tin nhắn phần phản hồi phía dưới cũng bị xóa.

Ở một clip quảng cáo rao bán thuốc chữa bệnh tiểu đường, luôn có cố vấn là một GS-TS lừng danh được đề cập tới và còn lấy hình ảnh của ông đưa lên. Chúng tôi gọi điện xin gặp thì nhân viên nói: “Hiện GS đang đi công tác nước ngoài, anh chị cứ để lại câu hỏi, chúng tôi sẽ chuyển tới cho GS trả lời ngay”.

Các đối tượng còn làm giả trang web của nhiều ngôi chùa, có sư thầy là lương y nổi tiếng với những bài thuốc dân gian chia sẻ cho nhân dân. Nổi lên phải kể đến trang Facebook của chùa P.T, ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, lương y là sư thầy T.T.H lâu nay nổi tiếng với những bài thuốc dân gian mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con. 

Lợi dụng điều này, các đối tượng đã cắt ghép những bài nói chuyện, hướng dẫn chữa bệnh của lương y rồi dán số điện thoại lừa đảo với nội dung: “Cần gặp thầy hoặc bốc thuốc thì liên hệ qua số điện thoại của thầy”.

Chúng tôi đã gọi điện đến số điện thoại thì được một người đàn ông tự xưng đệ tử của thầy, chịu trách nhiệm bốc thuốc. Chúng tôi muốn “thỉnh” một thang thuốc điều trị mỡ máu cao, vị này hỏi rất nhiều về tình hình bệnh tật rồi tư vấn phải uống liên tục 3 tháng mới triệt để. “Sư phụ hỗ trợ một tháng đầu tiên, hai tháng sau con gửi 1,5 triệu để sư phụ có kinh phí duy trì nhà thuốc cho bà con nghèo”. Chúng tôi muốn được đến tận chùa để lấy thuốc và cúng dường luôn thì vị này chối ngay: “Chùa rất đông bệnh nhân, con cho địa chỉ thầy gửi thuốc về tận nhà”.

Trang facebook này có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, chia sẻ và bình luận về tác dụng của các bài thuốc và cũng không ít bệnh nhân đặt hàng trên đây. Chúng tôi đã gửi thông tin này cho nhà chùa thì được trả lời: “Họ lừa đảo và giả mạo nhà chùa. Thầy T.H chỉ hướng dẫn những bài thuốc Nam sẵn có để giúp bà con ở quê, ở vùng sâu vùng xa, xa cơ sở y tế, muốn sử dụng thì biết cách mà làm để phát huy tính dược mà thôi. Bà con nào có bệnh nên đi thăm khám bác sỹ chuyên khoa Tây hoặc Đông y là tốt nhất”.

Cùng với đó, đích thân sư trụ trì, lương y cũng đăng đàn cảnh báo về việc giả mạo danh nghĩa của nhà chùa lừa gạt bà con, khuyên bà con phải tỉnh táo, có bất cứ vấn đề gì thì liên hệ trực tiếp với nhà chùa để được hỗ trợ.

Cho đến nghệ sĩ nổi tiếng…

Không chỉ lấy danh nghĩa của người làm trong ngành y khoa, mà nhiều clip bán hàng, livestream còn có sự xuất hiện của một số nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz. Mặc dù nhiều người đã lên tiếng phản hồi, thanh minh, các clip trước đó bị xóa hoặc ẩn và sau thời gian ngắn lại hiện lên ở một giao diện khác nhưng vẫn khuôn mặt quen thuộc và giọng nói không lẫn vào đâu được.

Họ xuất hiện trên các clip quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng… hết lời khen ngợi, ca tụng công hiệu của loại thuốc mình đang dùng, biến chúng thành những “thần dược” vô cùng hấp dẫn, lôi kéo được nhiều người quan tâm. NSƯT Cát Tường, Quyền Linh cùng nhiều nghệ sĩ khác từng có thời gian bị cộng đồng mạng lên án gay gắt khi quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... trên mạng xã hội. NSƯT Cát Tường từng liên tục quảng cáo về công dụng của một loại sữa, đăng tải rất nhiều trên các kênh YouTube, TikTok... quảng cáo uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay. Cùng với đó, Quyền Linh, Thanh Thảo cũng xuất hiện trong các video clip quảng cáo loại sữa này.

Những “thần y, thần dược” trên mạng -0
Sau khi xuất hiện nhiều clip quảng cáo bán thuốc có hình ảnh, giọng nói của mình, Nghệ sĩ Quyền Linh đã lên tiếng phản bác và cho đó là hành vi lừa đảo

Họ diễn lố đến mức cộng đồng mạng chế giễu: "Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh. U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp. Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường. Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi. Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành. Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược. Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh…".

Quyền Linh viết trên trang cá nhân của mình: "Linh đã rất nhiều lần thông báo trên mạng xã hội và trên báo chí rằng Linh chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ một loại thuốc xương khớp, thuốc trị ung thư, thuốc gan thận...  đặc biệt là loại thuốc tiểu đường mang tên Blood D nào đó... Họ có thể ghép hình và cắt hình ảnh, tiếng nói của Linh đang nói từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc là của các sản phẩm khác, lồng ghép vào các sản phẩm của họ, nói thêm nhiều công dụng...

Quyền Linh thanh minh, chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho một loại thuốc nào. Anh cho biết đang thu thập những bằng chứng liên quan để đưa ra pháp luật. Riêng ca sĩ Phương Mỹ Chi từng quảng cáo cho viên ngậm trắng da kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị cộng đồng mạng chỉ trích, buộc nghệ sĩ trẻ này phải lên tiếng xin lỗi.

Một số nghệ sĩ cũng đã xuất hiện trên các clip quảng cáo cả bói toán, thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật. Trong đó, NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả trong một quảng cáo gây bức xúc, hiểu lầm.

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực xử lý nhưng những vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Y tế phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên mạng xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe" được tổ chức vào tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh... tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm. Lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện tràn lan trên Facebook, Youtube, Zalo... trong khi các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát. Thậm chí, với một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Việc chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh không rõ nguồn gốc là rất khó. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm người tiêu dùng thông minh, hiểu những quảng cáo kiểu này là vi phạm pháp luật và cần hiểu rằng thực phẩm chức năng hoàn toàn không phải là thuốc chữa bệnh.

Ngày 23/5, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phát đi cảnh báo và khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Ngọc Thiện
.
.