Niger: Chỉ chờ giọt nước tràn ly
Sau khi chế độ độc tài của Tổng thống Tandja Mamadou bị lật đổ và một nhà nước dân chủ được bầu lên, người dân đất nước Niger (châu Phi) đã tự cho mình quyền hy vọng về một tổ quốc không xung đột, đói nghèo, áp bức. Nhưng giấc mơ của họ đã sớm sụp đổ.
Xung đột ở hai nước láng giềng Libya và Nam Sudan vượt qua đường biên giới và gây ra biết bao cảnh bạo lực tại Niger. Trong khi đó bệnh tật và biến đổi khí hậu tiếp tục như con ma “ám” lấy Niger, khiến cho đất nước họ không thể phát triển bình thường được.
Bất ổn không dứt
Một báo cáo mới đây của UNICEF đã khiến nhiều người giật mình. Đó là, trong 5 năm qua, khu vực Trung và Tây Phi đã có khoảng 21.000 trẻ em chiến đấu trong các lực lượng vũ trang. 2.200 em trong số đó từng bị lạm dụng tình dục. Còn số trẻ em bị bắt cóc đạt mức 3.500 em. Vùng Sahel (gồm Niger, Burkina Faso, Senegal, Mauritania, Nigeria, Mali, Sudan và Eritrea) là nơi tập trung nhiều binh lính trẻ em nhất. Cũng không đáng ngạc nhiên khi trẻ em đồng thời chiếm đa số (44%) trong nhóm nạn nhân của xung đột tại khu vực.
Riêng tại Niger, giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân Boko Haram đã buộc nhiều trẻ em phải cầm súng. Có những em vì nhiều lý do khác nhau mà chiến đấu cho phiến quân Hồi giáo. Nhưng cũng có không ít trường hợp khác làm vậy nhằm bảo vệ người thân. Theo ước tính sơ bộ của UNICEF, sẽ cần khoảng hơn 40 triệu USD để giúp số trẻ em Niger này cùng gia đình các em hàn gắn vết thương và trở lại cuộc sống bình thường.
Bất ổn ở Niger phần nhiều đến từ cuộc xung đột tại hai nước láng giềng Mali và Libya. Tại Mali, việc quân đội lật đổ chính phủ vào năm 2012 đã khiến cho tình hình cuộc nội chiến với dân tộc Tuareg trở nên càng thêm nghiêm trọng. Cả quân đội chính phủ lẫn phiến quân li khai Mali đều lấy các nước láng giềng gồm Niger, Mauritania và Burkina Faso làm “hậu tuyến” chuyên trở vũ khí, con người, từ đó dẫn đến bạo lực lan ra những quốc gia nói trên.
Còn tại Libya, trong khi cuộc chiến giữa các lực lượng trung thành với Quốc hội và Chính phủ đoàn kết của nước này tiếp tục diễn ra, thế lực Hồi giáo cực đoan vẫn đang lớn mạnh từng ngày. Một trong những “chân rết” cuối cùng của tổ chức khủng bố IS hiện đóng tại miền Đông Libya và liên minh với những nhóm cực đoan khác như Boko Haram ở Niger để gây rối loạn an ninh khu vực, tìm cơ hội để đồng loạt vùng lên.
Như một phần của chiến lược ổn định khu vực Trung Phi do phương Tây đề ra, một liên minh quân sự do Pháp dẫn đầu đã gửi quân đến Niger để hỗ trợ chính phủ tấn công các những nhóm phiến loạn. Hiệu quả của hoạt động quân sự này chưa thấy rõ, nhưng thiệt hại mà các quốc gia khác phải chịu ở Niger là không nhỏ. Cách đây một năm, sáu nhân viên tình nguyện Pháp bị khủng bố sát hại trong khi đưa hàng viện trợ đến với người dân Niger.
Người dân Niger, đặc biệt là người dân nông thôn, đang phải sống từng ngày với nỗi lo sợ khủng bố. Bà Corinne Dufka, Giám đốc khu vực Sahel của Tổ chức Nhân quyền thế giới cho biết: “Các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang nhắm vào dân thường chứ không phải quân đội. Trong số nạn nhân của họ nhiều nhất là các vị lãnh đạo địa phương, chức sắc tôn giáo và trẻ em. Điều mà những nhóm phiến loạn mong muốn là buộc người dân sống theo luật lệ Hồi giáo mà các tổ chức này tin vào”.
Tương lai mù mịt
Sau chiến tranh, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất mà Niger phải đối mặt. Hiện nay nhiệt độ trung bình của nước này đang tăng 1,5 lần so với tốc độ chung của thế giới. Với 80% dân số sống nhờ vào nông nghiệp, đây là một thảm họa đối với Niger. Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới, hiện ở Niger đang có khoảng 1,5 triệu người dân đang phải chịu đói. Trong số này trẻ em là nhóm đông nhất với 47,9%. Khoảng 450.000 em đang phải đối mặt với hiểm họa suy dinh dưỡng nghiêm trọng, hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong hay những khiếm khuyết trong quá trình phát triển cơ thể và trí tuệ. Bà Jennaie Hizeck, phát ngôn viên cho tổ chức từ thiện PHS của Pháp, cho biết: “Chúng tôi đang vận động nhiều nguồn lực khác nhau để cứu đói cho người dân Niger, nhưng đây chỉ là việc làm tạm thời. Cho đến khi quá trình sa mạc hóa được chặn lại, người dân Niger sẽ lúc nào cũng phải đối mặt vơi nỗi sợ thiếu đói”.
Xung đột và thiếu ăn đang đẩy người dân Niger khỏi mảnh đất mà gia đình họ đã gắn bó hàng thế kỷ nay. Tờ Le Sahel của chính phủ Niger cho biết: “Tốc độ tăng dân số đô thị của Niger cao hơn trung bình khu vực, nhưng đô thị hóa đang diễn ra không tự nhiên. Người dân nông thôn mất kế sinh nhai nên buộc phải bỏ lên thành phố để kiếm việc. Trong khi đó chúng ta vẫn có trách nhiệm hỗ trợ 163.000 người tị nạn từ Nigeria, 58.000 người từ Mali, 3.500 người từ Burkina Faso, và 400 người từ Libya. Mạng lưới cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội đô thị đang quá tải và không thể đáp ứng nhu cầu của người dân… Nếu tình hình trở nên tệ hơn nữa, rất có khả năng mẫu thuẫn bạo lực sẽ xảy ra giữa dân địa phương và người tị nạn”.
Khủng hoảng nhân đạo tại Niger dự báo sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Chuyên gia về Trung Phi Anne Saint-Clair (Canada) nhận xét: “Chính phủ Niger và các nước đồng minh đến nay vẫn chưa tìm được bất kỳ chiến lược nào có thể dẫn họ đến thắng lợi trên chiến trường. Những chiến dịch tổng tấn công như chiến dịch “Barkhane” có sự tham gia của 5.100 lính Pháp diễn ra vào tháng 7 vừa rồi không tỏ ra hiệu quả trong việc diệt trừ khủng bố. Những nhóm phiến quân như Boko Haram đủ khôn ngoan để không đối đầu trực tiếp với quân chính phủ. Họ sẽ chờ đến khi địch thủ rút đi mới tiếp tục việc khủng bố người dân địa phương”.