Nô lệ thời hiện đại ở Tây Phi

Thứ Sáu, 17/02/2023, 22:00

Khi thế giới đánh dấu 400 năm kể từ ngày những nô lệ đầu tiên bị đưa đến Bắc Mỹ và gần 200 năm chế độ nô lệ bị bãi bỏ thì ở Tây Phi, nô lệ vẫn là hình thức “cha truyền con nối”.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, hơn 40 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang là nô lệ thời hiện đại ở Tây Phi, trong đó Eritrea, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo có số lượng cao nhất, chiếm hơn 1/4  tổng số nạn nhân trong khu vực. Phần lớn bị ép buộc lao động trong các mỏ khoáng sản hoặc phá rừng lấy gỗ, số khác bị cưỡng bức hôn nhân hoặc bóc lột tình dục...

nole1.jpeg.jpg -0
Nô lệ khi giao cho các mỏ khoáng sản đều bị trói bằng dây thừng

Bi kịch phận nô lệ

Khi mới lên 9 tuổi, Blessing đã bị mẹ mình sắp xếp để trở thành người làm công không lương cho một gia đình ở thành phố Abuja, Nigeria với lời hứa sẽ cho đi học. Tuy nhiên khi đến Abuja, thay vì đi học, họ bắt cô phải làm những việc như đổ rác, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, xúc phân chó. Nếu chểnh mảng, chủ nhà đánh cô bằng dây điện, còn thức ăn hàng ngày của cô là những thứ dư thừa, thậm chí đã bốc mùi. Sau 5 năm nô lệ, may mắn đến với Blessing khi cô được Tổ chức chống buôn bán phụ nữ và lao động trẻ em (WOTCLEF) giải thoát.

Tương tự như Blessing, Osadolor sống cùng gia đình ở thành phố Benin, miền nam Nigeria. Lúc cha mẹ cô gặp khó khăn vì bị sa thải khỏi một nhà máy chế biến bông vải, Osadolor bỏ học rồi theo một đường dây buôn người sang một quốc gia Đông Âu với lời hứa hẹn “công việc nhẹ nhàng, lương cao”.

Nhưng chỉ 3 ngày sau, Osadolor mới hiểu thế nào là “việc nhẹ lương cao”. Cô cùng 3 người bạn bị ép phải làm gái mại dâm, trung bình mỗi ngày mỗi người phải tiếp 20 lượt khách. Ba năm sau, Osadolor được IOM giải thoát nhưng mắc bệnh phụ khoa trầm trọng, nhưng may mắn đã được trở về với gia đình rồi được đào tạo thành một thợ may. Osadolor nói: “Trong thời gian bị ép làm gái, tôi có người bạn thân là Omovhie, 33 tuổi, cũng bị bắt làm nô lệ tình dục. Để sang được Đông Âu, Omovhie đã trả cho những kẻ cầm đầu đường dây nô lệ 700.000 naira (đơn vị tiền tệ Nigeria, tương đương 2.290 USD); nhưng khi đến nơi, Omovhie vẫn bị bán cho một nhà chứa”.

Theo Tổ chức chống buôn bán phụ nữ và lao động trẻ em (WOTCLEF), trong số những quốc gia ở Tây Phi thì Eritrea đứng đầu với số nô lệ thời hiện đại là 451.000 người trong tổng số 4.847.000 dân. Brunđi xếp thứ hai với 408.000 người/10.199.000 dân. Thứ ba là Cộng hòa Trung Phi với 101.000 người/ 4.546.000 dân. Ngay như quốc gia xếp hạng chót là Mauritius cũng có 10.000 nô lệ/ 1.259.000 dân. 54% trong số này trở thành nô lệ vì nợ nần, 37% bị cưỡng bức lao động và 18% bị buộc phải làm nghề mại dâm.

Nô lệ thời hiện đại ở Tây Phi -0
Osadolor và Omovhie lúc được giải thoát

Cheickna Diarra đến từ làng Baramabougou thuộc vùng Kayes ở Mali cho biết năm 2018, khi anh đang cùng cha ruột canh tác trên cánh đồng của gia đình thì một nhóm vũ trang tìm đến. Theo lời họ, mảnh đất ấy là của họ nên Cheickna phải làm việc cho họ. Anh nói: “Họ có súng. Chúng tôi thấp cổ bé họng nên chẳng biết cầu cứu với ai. Mảnh đất gia đình tôi canh tác đã truyền qua 3 đời nhưng giờ thì mất hết…”.

Trong suốt 1 năm, Cheickna đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng không hề được trả công một đồng nào. Cuối năm 2019, anh quyết định bỏ trốn đến thủ đô Bamako nhưng bị bắt. Cheickna kể: “Họ đánh tôi bằng gậy cho đến khi bất tỉnh. Có lẽ họ tưởng tôi đã chết nên họ bỏ đi”. Được một số người dân tốt bụng giúp đỡ, Cheickna cuối cùng cũng đến được Bamako rồi được tiếp nhận vào một trại dành cho người tỵ nạn trong nước. Bà Raichatou Walet Altanata, Phó chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Temedt, chống lại chế độ nô lệ ở Mali cho biết: “Chúng tôi đã tố cáo hiện tượng này từ năm 2006 nhưng không có trường hợp nào bị bắt hoặc bị đưa ra tòa vì lý do nô lệ. Điều đó đi ngược các công ước quốc tế về xóa bỏ chế độ nô lệ mà Mali đã phê chuẩn, cũng như Hiến pháp Mali quy định rằng phẩm giá con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

Chiếm 40% vàng, 60% coban, 70% bạch kim, 28% palladium, 57% kim cương và 16% bauxite của thế giới, châu Phi trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc khai thác sức người thông qua hình thức cưỡng bức lao động. Những công ty nước ngoài khi đầu tư vào những mỏ kim cương ở Cộng hòa Trung Phi chẳng hạn, họ chỉ cần thông báo cho kẻ đứng đầu đường dây buôn người rằng họ cần bao nhiêu lao động thì chậm nhất là sau 1 tháng, số lượng nô lệ sẽ được đưa đến đầy đủ. Khi thanh toán tiền công, nhà khai thác chỉ phải trả cho đường dây còn đường dây có trả cho nô lệ hay không thì họ chẳng cần để ý đến, chưa kể  những chính sách của giới cầm quyền ở những quốc gia này luôn tìm cách mang lại nhiều thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. 

Tại Zimbabwe, nhu cầu về “lao động da đen giá rẻ” cộng với sự mong muốn ổn định nguồn cung đã dẫn đến việc chính phủ áp đặt thuế đất nhằm mục đích hạn chế thu nhập từ việc canh tác đất đai, dẫn đến phần lớn nông dân phải tìm việc làm trong các tập đoàn công nghiệp, thậm chí có người còn bị bắt ép phải vào làm.

Shasi là một nạn nhân của tình trạng này. Anh rời Zimbabwe hồi tháng 3/2018 và sau nhiều ngày đi ngược về phía Bắc, một nhóm buôn người đã hứa sẽ đưa anh đến châu Âu bằng thuyền, còn chi phí thì “nếu tìm được việc làm mới phải trả sau”. Tuy nhiên thay vì châu Âu, Shasi lại bị đưa đến Lybia rồi bị bán cho một nhóm vũ trang. Điểm dừng chân cuối cùng của Shasi là một công trường khai thác bauxite. Shasi nói: “Làm được hơn nửa năm, tôi bị bán cho một nông trường trồng cọ rồi lại bị bán cho một nhà máy chế biến gỗ. Chẳng nơi nào trả lương cho tôi. Đã hai lần tôi bỏ trốn nhưng cả hai lần tôi đều bị bắt. Chủ nhà máy dùng một thanh sắt nung đỏ dí vào mặt tôi, gọi là “làm dấu” để tôi không còn có thể trốn lần nữa”. Theo nhận định của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) và Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm: “Nô lệ hiện đại không chỉ đối mặt với sự đối xử vô nhân đạo mà họ còn bị bán từ kẻ buôn người này sang kẻ buôn người khác. Về cơ bản, họ là con người nhưng bị biến thành vật sở hữu có giá trị cố định dựa trên đánh giá về mức thu nhập mà họ có thể mang về cho chủ, trong đó phụ nữ từ 12 tuổi đến 18 tuổi được cho là siêu sinh lợi vì mại dâm luôn là thứ hái ra tiền…”.

Nô lệ thời hiện đại ở Tây Phi -0
Một nô lệ thời hiện đại bị “đóng dấu” vào mặt để không thể bỏ trốn

Joy, sinh viên đại học 23 tuổi người Cameroon đến thành phố ven biển Sabratha, Libya vào tháng 8/2017 với hy vọng sẽ sang Pháp để trở  thành người mẫu thời trang. Thế nhưng đêm 27/9/2017, một nhóm dân quân đột kích vào khu nhà nơi cô đang ở. Joy bị bắt và bị giam cùng với nhiều phụ nữ khác trong vài tháng. Hầu hết những phụ nữ ấy là gái mại dâm, đang chờ người mua để làm việc trong các nhà chứa: “Điều kiện sống thật vô nhân đạo…”, Joy nói: “Hơn 40 người mà chỉ có 1 nhà vệ sinh nhưng không có nhà tắm. Mỗi người 1 ngày chỉ được phát 1 lít nước và 1 cái bánh bột ngô. Tôi cùng nhiều người khác bị dân quân thay phiên nhau hãm hiếp…”.

Theo Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2022, ước tính có khoảng 40,3 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, trong đó phụ nữ và trẻ em gái chiếm 71% và châu Phi là khu vực phổ biến nhất, kế tiếp là châu Á, Thái Bình Dương. Lao động cưỡng bức và hôn nhân cưỡng bức là thủ phạm chính của chế độ nô lệ, kết hợp bởi các cuộc xung đột vũ trang tái diễn hoặc kéo dài, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển như Burundi, Eritrea hoặc Mauritania…

Đại dịch COVID-19 cũng góp phần không nhỏ vào việc gia tăng nô lệ hiện đại bởi chính sách đóng cửa biên giới, phong tỏa nền kinh tế đã khiến nhiều người tự nguyện trở thành nô lệ chỉ để sống sót. Và mặc dù đã có những bước tiến pháp lý to lớn dưới hình thức Công ước về nô lệ năm 1926, Công ước bổ sung của Liên hợp quốc năm 1956 về bãi bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập quán tương tự như chế độ nô lệ, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1976, và Công ước bãi bỏ lao động cưỡng bức năm 1957 nhưng 80% lao động cưỡng bức lại được tìm thấy trong các nền kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc hình sự hóa những hành vi như vậy rất khó thực hiện do cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí không ít người còn cho rằng: “Phần lớn nạn nhân của lao động cưỡng bức không phải là nô lệ của các lãnh chúa, của chế độ độc tài hay mạng lưới tội phạm kiểu mafia. Họ là một trong những thành phần cấu thành nền kinh tế phi chính thức và trong các khu vực kinh tế chính thống. Việc bóc lột họ là chỉ quan hệ lao động giữa người thuê và người làm…”.

Thị trường béo bở

Ngày nay, buôn bán và cưỡng bức lao động được coi là hoạt động kinh doanh chi phí thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Theo Tổ chức chống buôn bán phụ nữ và lao động trẻ em (WOTCLEF), rất nhiều nô lệ được xem là loại hàng hóa có thể “sử dụng nhiều lần”, nhất là với trẻ em. WOTCLKEF ước tính chế độ nô lệ hiện đại tạo ra hơn 150 tỷ USD/năm, chỉ sau buôn lậu ma túy và buôn bán vũ khí; nhưng con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc, hiện tại số người bị bắt làm nô lệ nhiều hơn gấp ba lần so với số người bị bán trong suốt 350 năm buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Cái mà ILO gọi là “chế độ nô lệ mới” đã khiến “hành lang đen” từ châu Phi đến bờ biển phía bắc Địa Trung Hải tỏ ra đặc biệt sinh lợi. Những cuộc xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và đói nghèo đã khiến số người vượt biên ngày càng tăng cao. Các chính sách khắc nghiệt của khối EU được thiết kế để hạn chế di dân vô hình trung đã đẩy người di cư vào tay những kẻ buôn nô lệ thời hiện đại. Hoạt động này có thể dễ thấy nhất ở Libya, nơi các tổ chức viện trợ quốc tế và các nhà báo đã không ít lần chứng kiến các “phiên chợ” đấu giá nô lệ và hiện tại, nó đang xâm nhập vào miền Nam châu Âu, đặc biệt là ở Italia, nơi những nô lệ bị buộc phải làm việc không lương trên cánh đồng cà chua, ô liu, cam, táo… hoặc bị bán vào các nhà chứa. Bà Paola Tocelli, một trong những người đại diện công đoàn Italia nói: “Những ràng buộc vô hình đã thay thế xiềng xích trên thân xác nô lệ hiện đại, Bạn không thể nhìn thấy sự ràng buộc ấy nhưng đố bạn thoát ra được…”.

Vũ Cao (Theo Wotclkef)
.
.