Nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán người

Thứ Năm, 29/08/2024, 14:20

Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa, song vì lợi nhuận và một phần do đặc thù vùng miền nên tình trạng mua bán người vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của nạn nhân, các đối tượng đã vẽ ra viễn cảnh về công việc “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người. Phương thức, thủ đoạn này không hề mới, song nhiều người đã vì nhẹ dạ, cả tin, “sập bẫy” các đối tượng buôn người… Họ bị ép làm vợ và làm việc theo yêu cầu, nếu phản kháng sẽ bị đánh đập, muốn về nước phải chuộc tiền…

1.jpg -0
Công an Nghệ An làm việc với Lương Văn Sỏn -  đối tượng lừa bán phụ nữ cùng xã sang làm vợ xứ người.

Mới đây, Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vừa lập thành tích đặc biệt xuất sắc khi phá thành công chuyên án, bắt 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người sang các đặc khu kinh tế tại Tam Giác Vàng. Trước đó, qua theo dõi và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Quỳ Châu phát hiện đối tượng Vi Văn Nhập (sinh năm 1983), trú tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu thường xuyên có hoạt động tìm kiếm những công dân tại các huyện miền núi, trong đó có huyện Quỳ Châu để đưa sang nước ngoài làm việc trái phép.

Quá trình theo dõi, xác minh, Công an huyện Quỳ Châu xác định Nhập là một “chân rết” quan trọng trong đường dây mua bán người sang các đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng để làm việc bất hợp pháp do Phạm Thị Tuyết Chinh (sinh năm 1988), hộ khẩu thường trú tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cầm đầu.

Chinh qua biên giới sinh sống và lấy chồng từ lúc còn trẻ. Thời gian sinh sống tại nước ngoài, Chinh quen biết nhiều “ông trùm” có nhu cầu tìm các lao động để đưa vào làm việc tại các đặc khu kinh tế nước ngoài nhằm phục vụ hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia. Phạm Thị Tuyết Chinh đã móc nối với các đối tượng đang sinh sống trong nước tại nhiều tỉnh, thành nhằm tìm kiếm, dụ dỗ những người dân nhẹ dạ cả tin, sau đó bán vào các đặc khu kinh tế tại khu vực biên giới.

Xác định đây là đường dây mua bán người xuyên quốc gia quy mô lớn, liên quan đến nhiều tỉnh thành, để triệt xóa đường dây mua bán người xuyên quốc gia do Phạm Thị Tuyết Chinh cầm đầu, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Quỳ Châu đã xác lập chuyên án đấu tranh. Quá trình đấu tranh chuyên án, Cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng cầm đầu Tuyết Chinh lại đang ở nước ngoài, vì vậy, đã không ít lần Ban chuyên án có được thông tin Chinh về nước, Tổ công tác Công an huyện Quỳ Châu đã vượt hàng nghìn cây số từ huyện Quỳ Châu ra các tỉnh phía Bắc để xác minh. Song, đối tượng Chinh như một “ẩn số”, thoắt ẩn thoắt hiện, phát hiện có “động” là nhanh chân quay lại biên giới. Khó khăn là vậy, song các thành viên trong Ban chuyên án không nản chí, kiên trì bám, nắm tình hình.

“Đối tượng có quê gốc là Lào Cai - tỉnh giáp biên, nên thông thạo địa bàn, thường xuyên qua lại biên giới. Đối tượng có nhiều mối quan hệ phức tạp, xây dựng đường dây quy tụ các đối tượng cộm cán ở các địa phương khác nhau làm “chân rết”. Phạm Thị Tuyết Chinh điều hành đường dây này thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… Để qua mặt lực lượng chức năng, khi các “chân rết” thông báo “con mồi” đã cắn câu, Chinh sẽ móc nối, liên hệ các đối tượng ở khu vực biên giới sắp xếp phương tiện, bố trí chỗ nghỉ - những nơi mà bọn chúng đã tiền trạm và có người cảnh giới”, một thành viên trong Ban Chuyên án chia sẻ.

Ngày 7/8/2024, Công an huyện Quỳ Châu nắm được thông tin Phạm Thị Tuyết Chinh vừa về nước, ngay lập tức một Tổ công tác đã di chuyển từ Nghệ An ra Lào Cai để xác minh và nắm bắt mọi di biến động của đối tượng. Đến 16 giờ ngày 8/8/2024, tại thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Công an huyện Quỳ Châu chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án, bắt giữ Phạm Thị Tuyết Chinh về hành vi mua bán người, thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Cùng thời điểm trên, tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, 1 Tổ công tác khác cũng bắt giữ thành công đối tượng Vi Văn Nhập về hành vi mua bán người.

Nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán người -0
Phạm Thị Tuyết Chinh và Vi Văn Nhập.

Là một trong 2 nạn nhân may mắn trở về nước sau những tháng ngày ở xứ người bị đe dọa, đánh đập, bỏ đói, anh L.V.Đ. (sinh năm 1990), trú tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu đến bây giờ vẫn còn ám ảnh. Để trở về nước, sau khi trốn thoát khỏi đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (Lào), người đàn ông này đã phải dùng bè xốp bơi lênh đênh hơn 8 ngày đêm dọc theo sông MêKông. Quá trình bơi xuôi theo dòng sông, để có sức tìm đường về, anh Đ. phải xin thức ăn, ngủ tạm tại lán người dân dọc theo sông và may mắn được người Việt Nam làm ăn ở Lào giúp đỡ về đến Việt Nam.

“Biết tôi đang muốn tìm kiếm việc làm, Vi Văn Nhập tiếp cận, rủ rê tôi đi làm nước ngoài với công việc “việc nhẹ, lương cao”, sẽ được “cầm tay, chỉ việc” chỉ phải đánh máy tính, lương một tháng 20 triệu đồng và cam kết nếu ở nước ngoài mà không trả lương thì họ sẽ trả thay. Ở quê làm ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày qua ngày song kinh tế gia đình vẫn khó khăn nên khi nghe số tiền nhận được hàng tháng lớn, tôi đã gật đầu đồng ý mà không biết điều này đã dẫn đến chuỗi bi kịch sau này…”, anh Đ. bộc bạch.

Sau khi sang nước ngoài, không như những lời hứa ban đầu, Đ. và một nhóm người khác bị tịch thu hết điện thoại và tài sản mang theo, ép buộc tham gia đường dây lừa đảo quốc tế tại đặc khu Tam Giác Vàng (Lào). Do không thực hiện được các yêu cầu ông chủ đề ra, các nạn nhân bị đánh đập, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Sau đó, Đ. và các nạn nhân khác bị ép gọi về cho gia đình để gửi tiền chuộc với số tiền 180 triệu đồng/ người. Không có tiền chuộc, Đ. và các nạn nhân khác bị nhóm buôn người bán sang Myanmar. May mắn, trong quá trình di chuyển, khi đến khu vực rừng sâu, trong đêm tối, lợi dụng sơ hở của các đối tượng, Đ. và các nạn nhân bỏ trốn theo các hướng khác nhau. Lo sợ bị phát hiện, bắt trở lại Myanmar, anh Đ. chạy nhanh và tìm đến khu vực sông Mêkông với hi vọng thả mình xuôi theo dòng nước tìm đường về Việt Nam…

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lương Phò Tam (sinh năm 1990), trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn và Moong Văn Chuyên (sinh năm 1988), trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về tội Mua bán người vào đầu tháng 8/2024 vừa qua.

Nạn nhân trong vụ án là chị L.M.T. (sinh năm 1993), trú tại huyện Kỳ Sơn.  Hơn 12 năm sống trong cảnh tủi nhục, bị chồng và gia đình hắt hủi nơi xứ người khiến chị T. trông già dặn hơn so với tuổi 31 của mình. Đớn đau hơn, T. bị chính người yêu - “chồng hờ” bán sang làm vợ người đàn ông Trung Quốc. Năm 19 tuổi, chị T. đem lòng yêu người đàn ông Lương Phò Tam. Vì xác định kết hôn, chị T. chuyển đến ở với Tam chung sống như vợ chồng. Một ngày tháng 5/2012, Tam nói với chị T. đã tìm được công việc cho chị ở Trung Quốc với mức lương cao từ 600.000-700.000 đồng/ ngày. Nếu đồng ý đi, phía công ty ở Trung Quốc sẽ cho chị ứng trước 9 triệu đồng.

Để T. đồng ý, Lương Phò Tam rót vào tai người yêu những lời mật ngọt: “Cứ yên tâm đi làm kiếm tiền, ba năm sau em về sẽ làm đám cưới” và khi sang nước ngoài làm việc, công ty sẽ cho ứng trước 100 triệu đồng. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn của người yêu, T. đồng ý. Đâu ngờ “chồng hờ” đã cấu kết với Moong Văn Chuyên đưa chị vượt biên trái phép sang Trung Quốc rồi bán cho một người đàn ông bên đó. Tại đây, dù T. phản kháng nhưng đã bị đánh đập thậm tệ.

“Hôm ấy trời mưa rất to, đường sá lầy lội. Ban đầu em bảo chờ ít hôm nữa trời nắng cho tiện đi thì Tam và Chuyên không chịu, bảo xe đã chờ sẵn rồi. Trầy trật mãi gần cả buổi, bọn em mới ra được đường lớn bắt xe khách thì trời cũng đã sẩm tối. Lần đầu tiên rời xa gia đình, bản làng, đi xe đường dài mệt, em ngủ thiếp đi, đến khi tỉnh giấc thì thấy đã ở khu vực biên giới. Khi ấy em thấy nhớ nhà xin về nhưng bị các đối tượng áp chế đi tiếp”, T. nhớ lại.

T. bị lừa bán làm vợ một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình. Ngày nào T. cũng phải làm việc quần quật từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya mới được nghỉ. Do không biết tiếng nên T. không hiểu người trong gia đình “chồng” nói gì. Sợ T. bỏ trốn, gia đình chồng quản thúc, không cho dùng điện thoại. Có những hôm Công an vào kiểm tra, gia đình chồng đưa T. vào rừng sâu trốn mấy ngày liền mới đưa về nhà. Đêm nào T. cũng khóc ướt đẫm gối vì tủi thân, nhớ nhà. Tiền không có, tiếng cũng không biết nhiều, đường sá thì càng mù tịt, có lúc T. rơi vào tuyệt vọng. 12 năm dài đằng đẵng trôi qua, dù khổ sở, vất vả nhưng T. vẫn cắn răng chịu đựng, nung nấu ý định tìm cơ hội trốn thoát. Tháng 1/2024, người phụ nữ này bỏ trốn thành công khỏi nhà chồng, về Việt Nam tố cáo hành vi của Lương Phò Tam và Moong Văn Chuyên.

Tại phiên tòa, Lương Phò Tam và Moong Văn Chuyên thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời bày tỏ sự ăn năn hối hận. Hai bị cáo cho rằng bản thân nhận thức pháp luật hạn chế và hám lợi nên phạm tội. Về phía nạn nhân L.M.T., chị xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Moong Văn Chuyên và yêu cầu bị cáo Chuyên bồi thường 20 triệu đồng. Còn Lương Phò Tam, chị T. đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu “chồng hờ” từng lừa dối mình phải bồi thường 50 triệu đồng. Xem xét toàn diện vụ án cũng như vai trò của từng bị cáo, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên Lương Phò Tam và Moong Văn Chuyên, mỗi bị cáo 7 năm tù vì tội mua bán người.

Đây là 2 trong nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người được Công an Nghệ An điều tra làm rõ trong thời gian gần đây. Với vai trò chủ công, Công an Nghệ An đã làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh trực diện tiến tới xóa bỏ tình trạng tội phạm trên địa bàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị trong Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 14 vụ, 27 đối tượng phạm tội, đồng thời phối hợp với các lực lượng xác minh, giải cứu thành công 30 nạn nhân trở về.

Thống số liệu kê gần đây nhất cho thấy, các đối tượng mua bán người lợi dụng vào mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm “việc nhẹ, lương cao”, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang… Các đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu liên lạc qua điện thoại hoặc liên lạc qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram để lôi kéo nạn nhân đem đi bán. Đặc biệt, thời gian qua, phát hiện thủ đoạn lừa nạn nhân qua đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng để bán cho các băng nhóm tội phạm sử dụng để hoạt động lừa đảo trên không gian mạng hoặc đánh bạc trực tuyến. Thực trạng này ngày càng biến tướng với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm này, Công an tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, diễn biến và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan như: tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần tố giác tội phạm.

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền cũng chú trọng trong cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn, đào tạo việc làm để đồng bào vùng sâu, vùng xa có công ăn việc làm ổn định, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao nhận thức để nhân dân tự giác phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đặc biệt, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác khi tương tác trên các trang mạng xã hội, nhất là với lời mời chào tuyển nhân viên, người lao động làm việc tại nước ngoài…

Phạm Thủy
.
.