Nước Mỹ và những vụ xả súng hàng loạt
Chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu nhưng nước Mỹ sở hữu 42% các loại súng có trên thế giới. Cũng trên thế giới, từ năm 1966 đến nay, 31% thủ phạm của những vụ xả súng giết người hàng loạt là người Mỹ mà nguyên nhân mua súng ở Mỹ rất dễ dàng. Bên cạnh đó, tỉ lệ người Mỹ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng nhiều hơn những nước khác…
Đường đi của súng đạn
Ngày 24/5/2022, một vụ xả súng giết người hàng loạt đã xảy ra tại một trường tiểu học ở Uvalde, bang Texas, Mỹ, thủ phạm 18 tuổi với khẩu tiểu liên AR-15 bắn chết 19 học sinh và 2 giáo viên. Trước đó 1 tuần, cũng đã có một vụ xả súng giết chết 10 người tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York.
Theo Cơ quan Lưu trữ bạo lực súng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 27 vụ xả súng hàng loạt và thảm kịch kiểu này chỉ có ở nước Mỹ, nơi người dân được quyền tự do sở hữu súng, từ súng ngắn, súng săn đến súng trường quân sự; tỷ lệ giết người bằng súng ở Mỹ là 33 vụ/1 triệu dân, vượt xa mức trung bình của các nước phát triển. Ở Canada hoặc Anh chẳng hạn, con số này lần lượt là 5 phần triệu và 0,7 phần triệu.
Phần lớn dân Mỹ đều tin rằng nó là hậu quả phát xuất từ những hoạt động của các băng nhóm tội phạm, những bộ phim bạo lực, các cuộc chiến tranh ở nước ngoài có sự tham gia của người Mỹ. Tuy nhiên những phân tích của nhà tâm lý học Franklin E. Zimring và nhà tội phạm học Gordon Hawkins thuộc Đại học Berkeley, bang California cho thấy nước Mỹ không phải là nơi dễ dàng cho hoạt động tội phạm nếu không có súng: Nguy cơ bị cướp của một người ở New York giống y như một người ở London nhưng người ở New York có khả năng bị bắn cao hơn người ở London gấp… 54 lần.
Ở Mỹ, quyền sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Các nhà lập pháp nước này coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận và được hiến pháp thông qua từ năm 1791 bởi Luật sở hữu súng, nằm trong Luật về quyền cá nhân. Hiện tại, khoảng một nửa trong số 50 bang ở Mỹ cho phép người sử dụng súng mang nó ra đường trong khi những bang còn lại bắt buộc phải để ở nhà.
Bên cạnh đó, trước khi mua súng, người mua phải qua một lớp kiến thức cơ bản về sử dụng súng rồi hồ sơ cá nhân của họ sẽ được gửi tới Văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến rượu, thuốc lá, súng đạn và chất nổ. Nếu đạt yêu cầu thì sau 3 ngày, người mua sẽ nhận được “giấy phép vũ khí liên bang” nhưng phải mua súng tại các cửa hàng do chính phủ quản lý. Tại đó, có thể mua súng ngắn, súng ổ quay, súng săn và cả súng trường quân sự, muốn mua mấy khẩu cũng được. Thường thì các cửa hàng bán súng có luôn phòng tập bắn ở dưới hầm, muốn bắn bao nhiêu thì bắn miễn là đủ tiền mua đạn.
Tuy nhiên bên cạnh thị trường truyền thống thì còn có thị trường chợ đen. Những loại vũ khí này được đưa lậu vào Mỹ bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có cả súng do Mỹ sản xuất, viện trợ cho một số quốc gia đồng minh. 2 loại thông dụng nhất thường thấy xuất hiện là súng AK do Nga, Trung Quốc, Ukraine, Cộng hòa Séc…, chế tạo và AR-15, M-16 của Mỹ, trong đó giá một khẩu AK-47 dao động từ 600 đến 1.500 USD tùy vào xuất xứ, còn AR-15 và M-16 thì cao hơn, từ 2.000 USD đến 3.000 USD.
Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), hơn 80% các vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra ở Mỹ đều thực hiện bằng các loại súng mua hợp pháp, súng chợ đen hầu như chỉ gặp ở những vụ thanh toán băng nhóm. Những phân tích của FBI cho thấy riêng năm 2013, các trường hợp tử vong liên quan đến súng ở Mỹ bao gồm 21.175 vụ tự sát, 11.208 vụ giết người và 505 trường hợp chết vì cướp cò súng.
Một cuộc thăm dò gần đây đã ghi nhận 72% đảng viên Dân chủ nghĩ rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu ít người - hoặc không ai có súng. Ngược lại, 46% đảng viên Cộng hòa lại cho rằng an ninh nước Mỹ sẽ được bảo đảm nếu nhiều người - hoặc tất cả mọi người đều có súng nhưng cả hai phía đều đồng ý về độ tuổi được phép mua súng, nhất là với những loại vũ khí bán tự động như AK, AR-15, ít nhất phải đủ 21 tuổi.
Nguyên nhân của những vụ xả súng hàng loạt
Khi đi sâu vào phân tích nguyên nhân của những vụ xả súng giết người hàng loạt, các nhà xã hội học, tội phạm học ở Mỹ đều đồng ý rằng xếp hạng thứ nhất là việc mua súng quá dễ. Cả nước hiện có 380 triệu đến 400 triệu khẩu súng trong tay người dân, gần gấp đôi dân số Mỹ còn nguyên nhân thứ hai là do tác động của phim ảnh bạo lực.
Nhà tâm lý học Franklin E. Zimring nói: “Khi xem những bộ phim tràn ngập cảnh bắn giết, dù những bộ phim này đã được dán nhãn không dành cho người dưới 18 tuổi nhưng ai có thể cấm trẻ 12, 13 tuổi nếu chúng xem trên tivi ở nhà? Theo thời gian, những hình ảnh bạo lực ấy sẽ in sâu vào tâm trí đứa trẻ khiến nhiều đứa tin rằng sức mạnh nằm trong tay người cầm súng…”.
Vẫn theo Franklin E. Zimring, các sự kiện diễn ra trong đời sống hàng ngày là nguyên nhân thứ ba dẫn đến việc xả súng: “Trẻ thường xuyên bị bắt nạt khi đi học, chơi đùa, người lớn bị phân biệt đối xử, bị chèn ép trong công việc hoặc những mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng cùng những nguyên nhân khác như nghèo đói, thất nghiệp, nghiện ma túy…”.
Với nhà tội phạm học Gordon Hawkins, một thống kê do ông lập ra cho thấy 61% các vụ xả súng hàng loạt xảy ra trong nhà, 9% nửa trong nhà, nửa ngoài đường, 30% xảy ra ở các nơi công cộng như trường học, trung tâm thương mại, quán bar, siêu thị.., trong đó các vụ xả súng nơi công cộng thường gây chết người nhiều hơn vì thủ phạm thường sử dụng những loại súng bắn liên thanh với nhiều băng đạn dự trữ.
Gần như tất cả các vụ xả súng hàng loạt đều được thực hiện bới người trưởng thành, hành động một mình. Sau khi kết thúc hành vi thủ ác, 32% chết bằng cách tự sát, 24% bị giết bởi các cơ quan thực thi pháp luật, gần 50% bị bắt. Những kẻ gây ra các vụ xả súng hàng loạt thường biểu lộ các dấu hiệu trước khi ra tay, chẳng hạn như đề cập đến cái chết, nói lời vĩnh việt bạn bè, người thân hoặc bỗng dưng xa lánh cộng đồng, thậm chí có kẻ còn tìm cách trả hết mọi nợ nần trước ngày cầm súng.
Ông Gordon Hawkins nói: “Nếu chú ý đến những dấu hiệu ấy, chúng ta có 78% cơ hội vô hiệu hóa ý định của thủ phạm vì trong tất cả những vụ thảm sát, chỉ 1 hoặc 2% là ngẫu nhiên, tình cờ xảy ra trong xung đột gia đình, xã hội…”.
Vẫn theo ông Gordon Hawkins: “Mặc dù có quan niệm cho rằng những vụ xả súng hàng loạt gây ra con số tử vong vẫn thấp hơn nếu so với tỷ lệ tử vong vì các nguyên nhân khác nhưng những dữ liệu thu thập được lại cho thấy vấn đề rất phức tạp. Trên thực tế, con số thương vong do súng đạn luôn được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi, nếu không muốn nói là khủng khiếp, đến tận từng gia đình, tạo ra những nỗi đau, những sợ hãi và căm phẫn nhưng nó đóng góp rất ít vào việc ngăn chặn bởi lẽ để phòng thân, người ta sẽ tiếp tục mua súng và đó là cái vòng luẩn quẩn.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sau vụ xả súng chết người vào tháng trước tại một dịch vụ spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia và tại một cửa hàng tạp hóa ở bang Colorado, số người mua súng ở 2 bang này đột ngột tăng lên 27%”. Và mặc dù đã có luật kiểm tra lý lịch đối với tất cả các vụ mua bán súng trên toàn quốc nhưng với những kẻ có khuynh hướng bạo lực và những kẻ bị cấm sử dụng súng vẫn dễ dàng mua súng từ thị trường chợ đen.
Các cuộc kiểm tra đột xuất của cảnh sát giao thông trên toàn nước Mỹ cho thấy 18% các loại súng bất hợp pháp được giấu trong xe hơi hoặc trong người. Điều này có nghĩa là cứ 100 người mang súng thì có 18 người không giấy phép.
Kiểm soát súng-ánh sáng cuối đường hầm?
Trước những cái chết oan nghiệt vì súng, trong đó có nhiều trẻ em vô tội đã khiến một lần nữa, người dân Mỹ lại lên tiếng về việc chấm dứt tình trạng tự do mua bán, sở hữu súng. Đây không phải là vấn đề mới vì qua nhiều đời tổng thống, nó đã được “đặt lên hạ xuống” ở cả hai viện Quốc hội nhưng cũng nhiều lần, các “ông lớn” trong ngành sản xuất, kinh doanh súng vẫn đủ sức mạnh để ngăn cản dự luật trở thành luật.
Hãng Smithh&Wesson chẳng hạn, nổi tiếng với loại súng lục ổ quay và nhất là khẩu AR-15. Suốt nhiều năm, trung bình mỗi năm họ cung cấp 1,3 triệu khẩu súng cho khách hàng ở Mỹ, trong đó 91,2% bán cho người dân, 8,8% còn lại là cho các cơ quan thực thi pháp luật. Hay như Hãng Remington, thành lập cách đây 2 thế kỷ, mỗi năm họ đưa ra thị trường Mỹ 1,2 triệu khẩu súng trường, súng bắn đạn chài, súng ngắn.
Remington chỉ bắt đầu xuống dốc vì những đơn kiện từ gia đình các nạn nhân sau vụ thảm sát 20 trẻ em và 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, trong đó kẻ sát nhân mang theo một khẩu súng trường tấn công Remington Bushmaster. Và mặc dù Remington đã được xóa trách nhiệm trước tòa án và được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư lớn nhưng tiếng tăm của họ vẫn bị thiệt hại nặng nề mặc dù họ vẫn đang cố gắng tái cấu trúc.
Một “ông lớn” nữa là Hãng Sturm&Ruger với 1,6 triệu súng cung cấp cho thị trường Mỹ hàng năm, gồm súng trường, súng săn, súng lục ổ quay với hơn 400 biến thể của 30 dòng sản phẩm. Được đánh giá là nhà sản xuất súng lớn nhất nước Mỹ, Sturm&Ruger thừa khả năng trong việc vận động chính trường với những dự luật liên quan đến súng.
Bên cạnh đó, còn có những hãng khác như Sig Sauer, Mossberg&Son, Savage Arms, Springfield Armony, Beretta, Taurus Internayional, Glock…, mỗi hãng góp phần cung cấp nửa triệu khẩu súng cho người dân Mỹ mỗi năm. Nhà tội phạm học Gordon Hawkins nói: “Gần như tất cả sản phẩm của họ đều có mặt trong những vụ xả súng hàng loạt”.
Về phía Chính quyền Mỹ, đảng Dân chủ hiện đang tìm kiếm thêm những hạn chế về sở hữu súng đồng thời siết chặt việc kiểm tra lý lịch khi mua súng. Giáo sư Hemenway, chuyên về chính sách y tế đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiểm soát thương tích Harvard nói: “Nếu kẻ xả súng cầm một khẩu súng ngắn, hắn chỉ có thể giết hoặc làm bị thương 5, 6 người ở cự ly gần nhưng nếu hắn cầm 1 khẩu AR-15, sẽ có vài chục người ở cách đó vài trăm mét thương vong, nhất là kẻ đó mang theo những băng đạn dự trữ như đã xảy ra tại một trường học ở Thái Lan mấy ngày vừa qua với 38 người thiệt mạng”.
Tuy nhiên đảng Cộng hòa lại có xu hướng phản đối lệnh cấm AR-15. Theo đảng này, việc cho phép nhiều người mang súng, kết hợp với kiểm tra sức khỏe tâm thần sẽ góp phần ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt.
Với người dân Mỹ, đa số đều tin rằng việc sở hữu súng là để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội nhưng trước những vụ xả súng giết người hàng loạt, hầu hết đều không mong đợi Quốc hội sẽ thông qua bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với chính sách súng đạn trong thời gian tới. Nhà tâm lý học Franklin E. Zimring nói: “Vì thế, việc kiểm soát súng vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm..”