Nuôi Koi ảo, mất tiền thật

Thứ Ba, 26/04/2022, 20:12

Thời gian gần đây, nhiều người gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo họ bỗng dưng mất tiền sau một thời gian bị lôi kéo vào cái gọi là dự án Fish Koi - nuôi cá trên nền tảng công nghệ 4.0, ngồi không vẫn kiếm bội tiền lời. Lợi nhuận chưa thấy đâu, chỉ trong thời gian ngắn, người chơi đã phải ngậm ngùi ôm trái đắng.

Nuôi cá Koi theo kiểu... đa cấp!

Ngày 13-4-2022, anh Nguyễn T. D. (sinh năm 1985, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) có đơn tố cáo ông Phan Duy Tiên (trú tại Gò Dầu, Tây Ninh), là người nằm trong ban lãnh đạo của dự án nuôi cá Koi công nghệ 4.0 (FishKoiVietNam) khi ông này có hành vi lôi kéo anh tham gia vào dự án, bỏ tiền thật để mua tiền ảo, sau đó gây khó dễ trong việc rút tiền về. Hậu quả là chỉ sau hơn nửa năm theo đuổi dự án, nguy cơ “bay màu” hàng trăm triệu đồng của anh D. đang ngày càng hiện hữu khi hệ thống thông báo dừng việc thanh khoản để xây dựng game mới.

Trước đó, vào khoảng tháng 11-2020, thông qua một người bạn giới thiệu, anh D. biết đến dự án FIRST INTERCHANGEABLE TOKEN (FIT), là một dự án về trò chơi game có trụ sở tại nước Anh, được phát triển bởi một công ty tư nhân, có giấy phép hoạt động. Từ sự tư vấn của ông Tiên, anh D. quyết định bỏ ra số tiền 28.500 USD để đầu tư, với cam kết sẽ nhận được mức lợi nhuận 10-15%/tháng.

Nuôi Koi ảo, mất tiền thật -0
Những người đứng đầu dự án luôn tạo cho mình vỏ bọc sang chảnh.

Dự án này mô phỏng việc nuôi cá Koi ngoài đời thật thông qua việc mua trứng cá về ấp, cho cá ăn hàng ngày và sử dụng các vật phẩm trong game để cá phát triển lên các level. Sau 8 tháng sẽ kết thúc một chu trình, khi đó cá ở level 8 mỗi tháng sẽ đẻ 3 quả trứng, người đầu tư sẽ thu lợi nhuận từ việc bán trứng. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dự án, anh D. nhận thấy việc nhận tiền hoa hồng, tiền lãi hằng tháng không như mong đợi nên đã nhiều lần muốn rút tiền về nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Sau rất nhiều nỗ lực, anh chỉ rút được 13.200 USD, còn 15.300 USD (tương đương khoảng 367 triệu đồng), đến nay vẫn nằm trong hệ thống. 

Tương tự, trong đơn tố cáo ông Phan Duy Tiên, anh Lộ Công Q. B. (sinh năm 1998, trú tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, bản thân anh từng tham gia một số dự án về tiền ảo và đã mất rất nhiều tiền nên khi được giới thiệu về dự án này, anh rất thận trọng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, anh B. được ông Phan Duy Tiên khẳng định, đây là “dự án có một không hai, ai có phước đức lắm mới gặp được” và đây là dự án mà chính ông Tiên đã phải trực tiếp sang tận nước Anh mang về, nên khẳng định 100% có lãi. Ông Tiên còn cam kết lợi nhuận và cam kết chỉ thắng không thua trên các buổi zoom lẫn tin nhắn trong nhóm chat Zalo thì anh B. tin tưởng tuyệt đối. Sau đó, anh B. đã đầu tư nhiều lần để mua 4 con cá, mỗi con trị giá 455 USD, cùng với việc tham gia thêm các hình thức khác thì tổng số tiền mà anh B. bỏ ra cho dự án này là 7.830 USD, tương đương 184 triệu đồng.

Nuôi Koi ảo, mất tiền thật -0
3 hình thức chính trong dự án Fish Koi.

Anh Lộ Công Q. B. cũng như các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án được tư vấn dưới 3 hình thức. Ngoài hình thức đầu tư nuôi cá Koi, người chơi còn được lựa chọn đầu tư ICO - là dạng mua trực tiếp đồng FIT gửi lên sàn và được công ty trả lãi hằng tháng và hình thức khác là đầu tư stake FIT. Đây là dạng mua trực tiếp đồng FIT gửi lên sàn Wdgcex trong vòng 365 ngày và được công ty trả lãi hằng tháng với lợi nhuận hơn 100%/năm. Trong quá trình tham gia đầu tư, các nhà đầu tư khác sẽ được cho vào các buổi zoom của công ty, trung bình 1 tháng 2 buổi, với các leader (người đứng đầu) như ông Phạm Hải, Phan Thái Đảng, Phan Duy Tiên, Lê Duy Kiên, Bùi Đức Quyết, Tống Luân... để những người đầu tư có thể vào nghe dự án và giải đáp các thắc mắc, hứa hẹn về tương lai của dự án.

Trong các buổi zoom, các lãnh đạo công ty còn treo giải nếu ai tìm được “điểm gãy” của dự án thì sẽ thưởng 2.000 USD ngay lập tức, vì vậy các nhà đầu tư rất tin tưởng vào dự án này. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dự án, nhiều nhà đầu tư muốn rút tiền từ việc đầu tư về thì rất khó khăn. Khoảng tháng 8-2021, các nhà đầu tư đem vấn đề này thắc mắc với những người đứng đầu thì bất ngờ là tất cả đều nhận được câu trả lời giống nhau từ những người đứng đầu là, hiện tại đã rút khỏi dự án và không còn liên quan.

Cũng trong thời gian này, hàng loạt nhà đầu tư khác ở Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Nội, Tây Ninh... gửi đơn tố cáo các leader, được coi là thành phần chủ chốt trong ban lãnh đạo công ty, đại diện ở các địa phương nói trên, về các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có những người chơi mất số tiền tới gần 1 tỷ đồng, như trường hợp chị Nguyễn Thị L.T. (sinh năm 1973, trú tại TP Vinh). Nghe theo lời mời gọi của leader Phan Thái Đảng (Eric Phan), chị đã đầu tư gần 1 tỷ đồng vào dự án này. Qua bạn bè giới thiệu, chị biết đến Phan Thái Đảng và sau đó được người đàn ông này lôi kéo vào dự án có tên GBHUB. Tuy nhiên, không lâu sau chị bị mất gần 1 tỷ đồng, hiện vẫn chưa đòi lại được.

Nuôi Koi ảo, mất tiền thật -0
Bảng lợi nhuận “khủng” được ban lãnh đạo đưa ra để lôi kéo người chơi.

“Trong lúc chờ đợi để lấy lại tiền từ dự án đó, Đảng lại nhiều lần tỉ tê với tôi là phải đầu tư vào một dự án khác, có tên gọi Fish Koi để gỡ gạc lại tiền đã mất. Lúc đầu tôi định không đầu tư nhưng Đảng lôi kéo mãnh liệt quá, lễ tết đều quà cáp, thăm hỏi, thậm chí tôi vào TP Hồ Chí Minh thăm con, anh ta cũng theo vào rồi tới tận nhà nhiệt tình tư vấn. Bởi vậy, tôi đã giấu chồng con, quyết định đầu tư mua tất cả các loại cá ảo với tổng số tiền gần 900 triệu đồng, chuyển qua tài khoản cá nhân mang tên Phan Thái Đảng. Đến nay, số tiền này cũng có nguy cơ mất trắng”, chị T. cay đắng kể lại.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Theo tố cáo của người chơi, sau một thời gian hoạt động rầm rộ, khi không có khả năng lôi kéo thêm người chơi, phía chủ dự án liền có những động thái bất thường được cho là để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Ngày 23-8-2021 công ty ra thông báo quyết định tất cả những đồng token FIT mua dưới dạng ICO sẽ được chuyển sang hệ sinh thái mới để mua một loại cá Koi khác. Nhà đầu tư được thông báo bắt buộc phải mua nếu không sẽ mất hết số FIT đó. Đây được coi là hành động ép buộc người tham gia.

Ngày 30-8-2021, công ty tiếp tục thông báo sau khi cá nuôi đến level 8 sẽ không được hoàn trả về đồng FIT 100%, mà chuyển thành 50% FIT và 50% FUSD, với mục đích bắt ép người đầu tư phải dùng FUSD nuôi cá. Ngày 21-9-2021, công ty ra thông báo sẽ chuyển đổi nền tảng từ mạng TRON sang mạng BSC, những ai còn FIT mà giữ tại các địa chỉ ví hoặc trên sàn nội bộ của công ty nếu không chuyển sang mua thêm cá KOI sẽ bị mất hoàn toàn. Đến ngày 11-10-2021, Công ty tiếp tục ra thông báo về việc sẽ giới hạn vấn đề thanh khoản đồng token FIT, trong mỗi tháng chỉ được bán 5% số FIT đang có trên sàn nội bộ (trong khi đó, ban đầu khi tham gia việc mua bán không bị giới hạn). Đến ngày 6-11-2021, công ty tiếp tục đưa ra thông báo việc thanh khoản đồng token FIT sẽ dừng lại, nhà đầu tư sẽ không được thanh khoản cho đến quý 3-2022, vì lý do để công ty tập trung vào xây dựng game NFT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, toàn bộ số tiền của người chơi còn trong hệ thống nuôi cá không thể rút về được nữa.

Nuôi Koi ảo, mất tiền thật -0
Một trong những lá đơn tố cáo của các nạn nhân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất của Fish Koi là một dự án đa cấp tiền ảo biến tướng, với thủ đoạn không hề mới. Sau khi đã lôi kéo được các nhà đầu tư tham gia đầu tư với số tiền lớn, những người đứng đầu dự án bằng nhiều thủ đoạn sẽ hạ giá đồng tiền ảo, đồng thời gây khó khăn khi nhà đầu tư muốn rút tiền. Còn đối với các leader, để lôi kéo được nhà đầu tư, những người này thường tạo cho mình một vỏ bọc sang chảnh, đặc biệt là trên mạng xã hội. Sau khi đã lừa đảo và chiếm đoạt thành công số tiền không nhỏ của người chơi, các leader thường “cao chạy xa bay”, phủi trách nhiệm với nhà đầu tư mà mình đã lôi kéo vào để tiếp tục chuyển qua những dự án tương tự, lừa đảo người chơi mới.

Nuôi Koi ảo, mất tiền thật -0
Phan Thái Đảng, người đứng đầu dự án tại Nghệ An.

Như trường hợp của leader Phan Thái Đảng, người được cho là cầm đầu nhóm người chơi tại Nghệ An, trao đổi với phóng viên, Đảng xác nhận ông là người trực tiếp nhận tiền từ những nhà đầu tư này để đầu tư vào dự án Fish Koi. Phan Thái Đảng cũng nhận mình là trưởng nhóm (leader) ở Nghệ An, có thành lập một văn phòng tại đây để kêu gọi các nhà đầu tư. “Hiện tại thì người đưa dự án này về Việt Nam vẫn chưa liên lạc được với công ty ở nước ngoài để giải quyết. Trong vụ việc này, tôi cũng mất rất nhiều tiền. Những người tôi đưa vào dự án phần lớn cũng là người thân, bạn bè”, ông Đảng cho biết.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã tiếp nhận đơn tố cáo của một số nạn nhân ở nhiều địa phương trên cả nước và đang trong quá trình thu thập dữ liệu, xác minh và điều tra theo quy định.

Thiện Thành
.
.