Núp bóng cô đồng để lừa đảo tâm linh

Thứ Bảy, 11/02/2023, 22:10

Phú quý sinh lễ nghĩa. khi đời sống kinh tế được nâng cao thì nhu cầu đi lễ, mua vật phẩm phong thủy để cầu bình an, tài lộc càng được người dân chú trọng. Đó cũng là lúc nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, gắn “mác” nhà chùa, cô đồng… để lừa đảo mua bán vật phẩm gắn mác phong thủy. Với chiêu trò này, không ít người đã bị mắc bẫy…

Mạo danh cô đồng để lừa đảo

Mới đây Công an thành phố Ninh Bình vừa triệt phá một ổ nhóm lừa đảo bán sim điện thoại, vòng tay, bùa hộ thân, mặt phật gắn mác phong thủy... cho gần 60.000 người nhẹ dạ cả tin. Điều đáng nói, các đối tượng cũng lập mạng xã hội, lấy hình ảnh các cô đồng nổi tiếng để giả danh lừa đảo.

anh 1.jpg -0
Một số đối tượng lừa đảo

Chủ mưu là vợ chồng Dương Văn Cao (SN 1997) và Hoàng Thị Mỹ Hằng (SN 1997), chủ cửa hàng quần áo tại số 83 đường Nguyễn Văn Cừ (phố Vạn Xuân 1, phường Thanh Bình, TP. Ninh Bình. Các đối tượng giúp sức cho Cao và Hằng gồm Hoàng Ngọc Thi (SN 2002), Hoàng Trung Nghĩa (SN 2005), Đặng Văn An (SN 2001), Nguyễn Bá Quyết (SN 2005), Trịnh Xuân Thịnh (SN 2001), Trần Đức Chiến (SN 2001).

Bề ngoài mở cửa hàng bán quần áo, nhưng thực chất đó chỉ là vỏ bọc che mắt lực lượng chức năng của Cao và Hằng.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Cao - Hằng đã mua 10 bộ máy tính và 11 điện thoại di động cùng nhiều sim rác, phôi sim không sử dụng được cùng các đồ phong thủy như vòng gỗ, linh phù dán điện thoại, lá bùa đỏ, lá bùa vàng, lá bồ đề, mặt bồ tát... rồi thuê nhân viên gọi điện cho khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức lương 4 triệu đồng/tháng/người, phụ cấp là 500.000 - 600.000 đồng và được hưởng thêm tiền % theo doanh thu từ 1 - 2%.

Núp bóng cô đồng để lừa đảo tâm linh -0
Tang vật thu giữ được

Tiếp đó, Cao và Hằng soạn thảo các kịch bản rồi hướng dẫn những người được thuê gọi điện cho khách hàng để chào bán sim, các đồ phong thủy. Cụ thể, nhóm thứ nhất làm việc dưới tầng 1 gồm: An, Quyết, Thịnh, Nghĩa, Thi thực hiện nhiệm vụ lừa bán sim điện thoại. Hàng ngày, nhóm này sử dụng máy tính, lấy thông tin số điện thoại của những người có trong danh sách data và sử dụng điện thoại lắp các sim khuyến mại gọi đến cho khách hàng giả danh là nhân viên của nhà mạng Viettel, nói với họ theo nội dung đã được soạn sẵn: “Em chào anh/chị, Em là..., nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng Viettel. Em xin phép làm phiền mình ít phút được không ạ. Em có kiểm tra trên hệ thống thấy số thuê bao mình đang sử dụng được hưởng gói cước ưu đãi 12V120N của nhà mạng bên em anh/chị nhé. Khi đăng ký thành công gói cước này, hàng tháng anh/chị sẽ có: 120G data tốc độ cao, tương ứng 4G/ngày. Miễn phí cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút. Mỗi tháng có thêm 200 phút ngoại mạng. Mình chỉ cần đăng ký 1 lần duy nhất là 380k, được sử dụng trong vòng 12 tháng, tức là 1 năm…”.

Sau khi khách hàng đồng ý việc nâng cấp lên gói cước ưu đãi thì nhóm này tiến hành lên đơn, đóng gói phôi sim và liên kết với Công ty chuyển phát nhanh J&T (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Thanh Bình, TP. Ninh Bình) để gửi sim đến cho họ. Tránh bị lộ, Cao - Hằng làm việc với Công ty J&T về việc in trên mã vận đơn với nội dung: "Cho khách xem hàng nhưng không cho lắp sim, có vấn đề gì gọi người gửi". Trường hợp khách hàng gọi điện yêu cầu cho lắp sim để kiểm tra thì nhóm này vẫn đồng ý rồi sau đó nói sim bị lỗi và hoàn lại đơn.

Đối với nhóm thứ hai gồm: Hằng, Chiến và 3 cô gái khác làm việc trên tầng hai thực hiện hành vi lừa bán vật phẩm phong thủy. Nhóm này có nhiệm vụ quan trọng là lập các trang mạng xã hội, giả danh cô đồng nổi tiếng trên mạng để tạo niềm tin cho nhiều người.

Núp bóng cô đồng để lừa đảo tâm linh -0
Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ tang vật có liên quan

Theo đó các đối tượng đặt mua các vật phẩm với giá từ 1.000 đồng đến 8.000 đồng, nhưng bán cho khách hàng với giá “cắt cổ”. Ví dụ vòng tay gỗ trầm là 250.000 đồng/cái, lá linh phù 100.000 đồng/2 lá. Nhóm này sử dụng sim khuyến mại để gọi điện gọi đến cho khách hàng chào bán các vật phẩm phong thủy theo nội dung kịch bản đã được soạn sẵn.

Để hút khách, các đối tượng lập nhiều trang cá nhân mạo danh cô đồng để lừa đảo. Có trang các đối tượng cho nhân viên mua bộ quần áo cô đồng rồi ra chùa chụp ảnh giả danh là cô đồng, rồi liên tục up hình ảnh cô đồng đang lễ bái ở những chốn linh thiêng để tăng tương tác. Có trang các đối tượng lấy tên, tuổi của một số cô đồng trên mạng xã hội câu like, câu view. Chưa kể, các đối tượng còn cho chạy quảng cáo khiến trang cá nhân càng trở nên uy tín khi có hàng chục nghìn lượt người theo dõi để khách hàng tin tưởng, đặt niềm tin mua bùa chú vòng tay gỗ trầm, lá linh phù... mang về đeo. Không chỉ nhiều người bị lừa qua cuộc gọi, mà rất nhiều nạn nhân thông qua mạng xã hội, tin tưởng trang cá nhân là của một cô đồng nên đặt mua rất nhiều vật phẩm phong thủy.

Đặc biệt, Cao và Hằng còn soạn sẵn kịch bản công phu để bất kì khách hàng nào khi nhắn tin đến, các nhân viên sẽ khơi gợi, đánh đúng vào tâm lý đang gặp khó khăn, vận hạn của khách hàng, để khách hàng tâm sự ra những trục trặc mà bản thân đang gặp phải trong cuộc sống. Tùy từng hoàn cảnh, nhân viên sẽ dẫn dắt khách hàng đi đến làm lễ hóa giải. Thường thì khách hàng bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng tiền làm lễ và mua vật phẩm phong thủy để đổi lấy sự bình an, may mắn, suôn sẻ trong cuộc sống nên hầu như không ai mặc cả và chỉ vâng dạ, cám ơn rồi chuyển tiền.

Kịch bản thứ nhất: "Alo, Cô chào gia đình... Cô là cô đồng… (tên cô đồng mà dữ liệu đã có thông tin từ trước). Nay bên cô có lễ tài lộc cho phật tử, thấy cung tài lộc của gia chủ tốt về phong thủy, cô cầu tài lộc cho tất cả phật tử. Cô thấy tâm con tốt, hay giúp người giúp bạn đến nơi đến chốn, tâm tốt sẽ được quý nhân giúp đỡ. Nay cô có vòng trầm phong thủy hợp mệnh với gia chủ, nếu gia chủ thành tâm cô sẽ gửi lộc về cho gia chủ". Nếu khách hàng đồng ý thì nhân viên sẽ nói tiếp: "Một vòng tay trầm và bùa hộ thân khi nhận được lộc thì báo cô để cô biết nhé và nhớ gọi vào số điện thoại của cô đang gọi cho mình đó"...

Kịch bản thứ hai: "Đây có phải anh/chị…. (tên khách hàng theo dữ liệu data) không ạ. Nếu khách trả lời “đúng rồi” thì nhân viên sẽ nói “Em là tiểu sớ của cô… (tên cô đồng mà dữ liệu đã có thông tin từ trước). Đợt trước anh/chị có thỉnh bên cô chiếc vòng, bùa… anh/chị có nhớ không ạ!". Nếu khách hàng trả lời nhớ thì nhân viên tiếp tục nói, “Vâng nay cô có lễ thì có xem xét cho nhà mình một số vận hạn, có dặn em gọi về thông báo cho gia đình mình biết ạ”. Nếu khách hàng đồng ý thì nhân viên tiếp tục nói: “Tháng sau anh/chị có hạn xe cộ, mình để ý đường đi lối lại giúp em”…

Nếu khách đồng ý mua thì nhóm này sẽ chốt và lên đơn cho khách, sau đó gửi cho Công ty chuyển phát J&T để chuyển đến cho khách. Nếu khách nhận thì công ty chuyển phát sẽ thu hộ tiền, còn nếu họ không nhận sẽ hoàn trả hàng lại…

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Ninh Bình làm rõ, từ năm 2019 đến nay, với thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện hành vi với gần 60.000 bị hại trên 40 tỉnh, thành; chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 11/2022, một người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế cũng bị thầy phong thủy rởm lừa mua đồ phong thủy mất gần 3,4 tỷ đồng. Sau khi gặp chị N.T.T qua vợ “hờ” của mình, Võ Hữu Sỹ (SN 1977, trú tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mời chào chị T. mua một viên đá màu xanh nhỏ với lời giới thiệu đá có năng lượng tâm linh, thu nạp tài lộc. Chị T đồng ý mua rồi chuyển khoản cho Sỹ số tiền 6,2 triệu đồng. Nhận thấy chị T. là người sùng bái phong thủy nên Sỹ nảy sinh lòng tham, tiếp tục lừa chị T mua thêm đá phong thủy để trên bàn làm việc nhằm giúp công việc, cuộc sống suôn sẻ. Chị T. tin tưởng nên mua tiếp và chuyển cho Sỹ 23,3 triệu đồng.

Sau đó, Sỹ tiếp tục liên lạc với chị T. qua điện thoại và bịa đặt ra nhiều câu chuyện tâm linh. Do lo lắng nên chị T. mời Sỹ ra thành phố Huế cúng trấn yểm ở nhà của mình. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2022, Sỹ đã lợi dụng tâm lý và lòng tin của chị T. để bịa ra nhiều lý do buộc chị T. phải mua các đồ thờ cúng theo chỉ dẫn của mình nhằm chiếm đoạt gần 3,4 tỷ đồng. Số tiền này được Sỹ sử dụng vào mục đích cá nhân.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo

Thời đại công nghệ 4.0 đã giúp con người rất nhiều điều trong cuộc sống. Tuy nhiên, kết nối mạng ngày càng phát triển thì đó cũng là một trong những cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và trục lợi từ lòng tin của con người. Các đối tượng xấu thường lập những tài khoản mạng xã hội giả rồi lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng.

Núp bóng cô đồng để lừa đảo tâm linh -0
Võ Hữu Sỹ bị bắt giam vì giả thầy phong thủy

Từ những lời dụ dỗ, sự cả tin và một niềm tin vào tâm linh rằng bản thân và gia đình sẽ được thần linh che chở, phù hộ chỉ thông qua những vật phẩm tượng trưng, tai ương thì chưa thấy đâu nhưng mất tiền đúng là vận hạn nhìn thấy rõ.

Lòng tốt cùng với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn và bình an đến với bản thân và gia đình, nhưng sự cả tin và thiếu thận trọng chính điều đó đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội.

Theo PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, cái nôi của phong thủy phương Đông phải kể đến Trung Quốc. Khi văn hóa bị ảnh hưởng, du nhập rồi kinh tế phát triển, người ta có nhiều thứ để quan tâm hơn, cũng là lúc mà phong thủy được đề cập nhiều. Người ta tìm đến những vật dụng như trang sức phong thủy để củng cố niềm tin, để được bảo vệ, như kiểu tin vào tâm linh. Tất cả chỉ là phép “thắng lợi” tinh thần. Bởi vậy đừng quá kỳ vọng vào những điều thay đổi về vận mệnh. Vì có sức khỏe hay không, có hạnh phúc hay không, có thành đạt hay không là do bản thân mình chứ không dựa vào các đồ vật phong thủy mà có được.

Ngọc Trâm
.
.