Phá đường dây đưa người vượt biên trái phép

Thứ Ba, 10/05/2022, 20:09

Công an tỉnh Gia Lai đang đề xuất Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì đối với tập thể Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai về thành tích xuất sắc trong việc phá thành công đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Các đối tượng trong chuyên án che giấu thân phận với các thủ đoạn xảo quyệt; vì vậy, quá trình điều tra đầy những thử thách, gian nan...

Hé lộ đường dây đưa người vượt biên

Ngày 6-2-2021, giữa trưa nắng chói chang, chiếc xe ô tô 7 chỗ đỗ ở khu vực gốc cây gạo trên đường Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku, một nam thanh niên xuống xe với ba lô nặng trĩu, lầm lũi đi bộ trên đường về hướng ngã tư Biển Hồ.

Thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Pleiku, người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19. Nhận thông tin về sự xuất hiện của người khách lạ trên địa bàn, Công an phường Yên Thế, TP. Pleiku phát hiện đây là người Trung Quốc nên phối hợp trung tâm y tế phường đưa đi cách ly tập trung.

Phá đường dây đưa người vượt biên trái phép -0
Phòng An ninh điều tra họp bàn phá án

Trong bối cảnh lúc đó, các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các cảng hàng không quốc tế đóng cửa để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch thì việc công dân Trung Quốc không rõ nhân thân, lai lịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, đặt ra nhiều nghi vấn. Nhận tin báo, ngay trong đêm, Phòng An ninh điều tra phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Gia Lai đến xác minh, làm rõ thì được biết người này tên Li Gang (sinh năm 2001, trú tại TP. Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Li Gang cùng 4 người khác ở Trung Quốc được một số đối tượng lén lút đưa vào Việt Nam để tiếp tục xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các sòng bạc. Tuy nhiên, khi di chuyển qua địa phận TP. Pleiku bằng ô tô, do xảy ra mâu thuẫn về chỗ ngồi nên Li Gang đã yêu cầu cho xuống xe tại khu vực gốc cây gạo. Li Gang khai: “Để tránh bị phát hiện khi đi trên đường, tài xế bắt chúng tôi ngồi ở băng ghế sau và phải cúi sát đầu xuống dưới. Ban đêm thì dừng xe ngay bên đường chợp mắt một chút rồi đi tiếp. Ngồi chen chúc nhau, chân tôi gần như tê liệt vì không thể co duỗi. Tôi muốn lên ghế phụ ngồi một lát nhưng 4 người kia không cho nên tôi thà chịu mất tiền, xuống xe chứ không thể tiếp tục đi như vậy”.

Những thông tin khai thác từ Li Gang hé lộ một đường dây xuất nhập cảnh trái phép tuyến Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia và ngược lại. Tuy nhiên, việc xác minh các đối tượng trong đường dây thực sự là một ẩn số vì Li Gang không biết những người đi cùng xe với mình là ai. Trích xuất dữ liệu hơn 40 camera của nhà dân trên các trục đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…, cơ quan Công an xác định phương tiện đã dừng thả Li Gang ở khu vực này có BKS 15A-509.72 do một người phụ nữ ở TP. Hải Phòng đứng tên. Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh điều 1 tổ công tác khẩn trương đi TP. Hải Phòng để truy tìm đối tượng lái chiếc xe ô tô 7 chỗ này.

Thượng tá Phạm Hồng Vinh - Phó Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh kể: “Chúng tôi phối hợp với Công an TP. Hải Phòng, Công an huyện An Dương (TP. Hải Phòng) xác định người điều khiển xe ô tô BKS 15A-509.72 hôm 6-2-2021 là Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1976, trú tại xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng). Lúc này, TP. Hải Phòng đang bị phong tỏa, đối tượng Nam đang cách ly. Vì nhiệm vụ cấp bách, chúng tôi được tạo điều kiện làm việc với Nam ngay trong khu cách ly tập trung với đồ bảo hộ kín mít. Đối tượng rất bất ngờ và tỏ ra quanh co, bất hợp tác. Nhưng trước các tài liệu, chứng cứ cơ quan Công an thu thập được, sau 5 giờ liên tục đấu lý, đối tượng Nam phải cúi đầu nhận tội”.

Phá đường dây đưa người vượt biên trái phép -0
Li Gang xuống xe tại khu vực Cây Gạo trên đường Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, thành phố Pleiku ngày 6-2-2021

Theo lời khai của Nam, trưa 3-2-2021, Nam được một đối tượng thuê chở Li Gang và 4 người Trung Quốc khác từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh với giá 35 triệu đồng. Đến khoảng 4 giờ ngày 5-2, Nam nhận 5 người Trung Quốc trên tại Hà Nội rồi lái xe đi thẳng vào TP. Hồ Chí Minh. Đến 11 giờ 40 phút ngày 6-2, vì Li Gang mâu thuẫn với những người Trung Quốc khác nên đòi xuống xe, Nam tiếp tục chở 4 người còn lại vào TP. Hồ Chí Minh giao cho một người đàn ông lạ mặt.

Người gọi điện thuê Nam chở người Trung Quốc vào TP. Hồ Chí Minh không cho biết tên, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau, chỉ giao hẹn với Nam địa điểm nhận người chứ không ra mặt. Phối hợp các đơn vị chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra xác định đối tượng này đang lẩn trốn tại TP. Hồ Chí Minh. Lập tức, tổ công tác gồm 3 cán bộ, chiến sỹ do Thượng tá Phan Thanh Sơn - Trưởng phòng An ninh điều tra trực tiếp chỉ đạo vào TP. Hồ Chí Minh truy tìm tung tích đối tượng. Địa bàn rộng, manh mối về đối tượng ít, Công an TP. Hồ Chí Minh lúc này đang dồn sức chống dịch nên tổ công tác gặp không ít khó khăn trong  phối hợp, truy tìm. Nhớ lại quãng thời gian đầy thử thách đó, Thượng tá Phan Thanh Sơn kể: “Đối tượng không đăng ký thường trú ở TP. Hồ Chí Minh. Việc tìm tung tích của anh ta gần như “mò kim đáy bể”, đôi lúc tưởng chừng bế tắc. Tuy nhiên, xác định đây là kẻ cầm đầu đường dây nên chúng tôi không bỏ sót chi tiết nào có liên quan dù là nhỏ nhất. Mất 9 ngày truy vết, tổ công tác đã xác định đối tượng giấu mặt điều hành đường dây là Trần Văn Tùng (sinh năm 1990, trú ở xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) đang lẩn trốn cùng vợ con tại ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tổ công tác cũng xác định được tài xế đón người Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh rồi chở xuống khu vực biên giới tỉnh An Giang để họ vượt biên sang Campuchia là Hà Hữu Nhân (sinh năm 1974, trú tại thị trấn Đông Thành, Đức Huệ, Long An)”.

Nhận thấy tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc, ngày 4-3-2021, Giám đốc Công an tỉnh quyết định xác lập Chuyên án đấu tranh, giao Phòng An ninh điều tra chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, truy bắt các đối tượng trong đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”.

Sa lưới pháp luật

Khoảng 21h ngày 13-3-2021, Trần Văn Tùng đang ngồi tán gẫu cùng người anh bà con trước sân một căn nhà ở ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh thì bỗng chột dạ bởi những tiếng bước chân dồn dập. Chưa kịp định thần, tay y đã bị tra vào còng số 8. Tên tội phạm cúi đầu, dường như hắn đoán được ngày này sẽ đến…

Phá đường dây đưa người vượt biên trái phép -0
6 đối tượng trong chuyên án sa lưới

Nói về đối tượng Trần Văn Tùng, Thượng tá Phạm Hồng Vinh cho biết: Đối tượng từng có 3 năm lao động “chui” bên Trung Quốc. Tùng sinh sống bằng nhiều nghề, biết tiếng Trung, rành đường đi lối lại, quen biết nhiều đối tượng. Sau khi dịch COVID-19 phức tạp, một số người Trung Quốc có nhu cầu vượt biên trái phép sang Việt Nam để đi Campuchia làm ăn. Lợi dụng điều đó, Tùng móc nối với một số đối tượng lập đường dây đưa người Trung Quốc xuất, nhập cảnh trái phép. Để tránh bị phát hiện, đối tượng thường xuyên sử dụng tên giả, không để lộ mặt liên hệ qua nhiều số điện thoại khác nhau ở trong và ngoài nước, hoạt động thanh toán tiền chủ yếu là qua mạng internet. Đầu năm 2021, Tùng đưa vợ con vào TP. Hồ Chí Minh, đến ở nhờ nhà người quen để thuận lợi cho việc điều hành đường dây.

Từ tháng 1-2021, Trần Văn Tùng nhận chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ khu vực biên giới thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đến TP. Hồ Chí Minh với giá tiền công trung bình 5.800 Nhân dân tệ/người (tương đương khoảng 20 triệu đồng). Tùng trực tiếp móc nối với các đối tượng Nguyễn Văn Nam, Lương Xuân Trình (sinh năm 1992, trú tại xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) và Lục Văn Quang (sinh năm 1990, trú tại huyện Trùng Khánh) để thực hiện việc bố trí nơi ở và phương tiện vận chuyển người Trung Quốc. Ngoài ra, Trần Văn Tùng còn thuê nhà nghỉ ở gần đường biên giới của Lục Văn Quang (sinh năm 1990, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng) để người Trung Quốc lưu trú trong khi đợi xe.

Với thủ đoạn đó, Tùng đã thực hiện trót lọt 3 chuyến, đưa tổng cộng 20 người Trung Quốc sang Việt Nam để qua Campuchia. Trong 2 chuyến đầu, do số người vận chuyển đông (mỗi chuyến 8 người) nên Nguyễn Văn Nam lại thuê Khuất Duy Nghĩa (sinh năm 1980, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cùng Nam chở người vào TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan Công an xác định, từ việc đưa người Trung Quốc vượt biên trái phép, Tùng thu lợi bất chính 174,1 triệu đồng, Trình kiếm được 76 triệu đồng, Nam: 80 triệu đồng, Nghĩa: 24,5 triệu đồng, Nhân: 9 triệu đồng.

Để xác định tuyến đường vượt biên, hình thức tổ chức, vận chuyển người Trung Quốc từ khu vực biên giới đi Hà Nội để chở vào TP. Hồ Chí Minh, tổ công tác của Công an tỉnh Gia Lai đã mất nhiều thời gian và công sức điều tra ở khu vực biên giới thuộc huyện Trùng Khánh. Từ kết quả điều tra, trong thời gian từ ngày 19-3 đến ngày 7-7-2021, toàn bộ đối tượng còn lại trong đường dây gồm: Lương Xuân Trình; Hà Hữu Nhân; Lục Văn Quang; Khuất Duy Nghĩa đã bị bắt giữ.

Trong hành trình đầy gian nan để phá chuyên án trên, Phòng An ninh điều tra đối phó với những tên tội phạm có nhân thân phức tạp, đầy những thủ đoạn xảo quyệt để che mắt cơ quan điều tra. Các đối tượng cư trú không ổn định, thường tập trung ở khu vực biên giới giáp ranh giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia. Tuy nhiên, với quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này, Ban chuyên án đã thực hiện tốt các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, bảo đảm yếu tố bí mật, nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Phá thành công chuyên án, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Gia Lai được Bộ Công an, UBND tỉnh Gia Lai và Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương, khen thưởng. Chiến công này góp phần bảo vệ an ninh, an toàn trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc nhằm khống chế nguồn lây lan dịch COVID-19 vào thời điểm này. Cũng trong năm 2021, đơn vị đã triệt phá 2 đường dây đưa người Trung Quốc xuất cảnh trái phép sang Campuchia, khởi tố 3 vụ, 11 bị can về các tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép và trốn đi nước ngoài….

Thúy Trinh
.
.