Phanh phui nhiều vụ trốn thuế lớn ở An Giang
Trong quá trình mở rộng điều tra các vụ án liên quan đến những lĩnh vực: Kinh doanh vàng; sản xuất, buôn bán hàng giả; khai thác tài nguyên khoáng sản hay các vụ án buôn lậu…
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã phát hiện, đấu tranh, bóc gỡ hàng loạt vụ trốn thuế với số tiền “khủng”... Sự tồn tại bất thường các vụ trốn thuế quy mô lớn cho thấy trách nhiệm của ngành chức năng ở địa phương còn có những vấn đề khúc mắc…
Nhiều vụ trốn thuế “khủng”
Mới đây nhất, vào ngày 23-4, sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phú Cường (tức Cường “Cát”) để điều tra về hành vi trốn thuế. Cường “Cát” là cái tên quen thuộc trong giới kinh doanh cát tại An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long. Cường “Cát” thành lập và trực tiếp quản lý, điều hành 4 công ty kinh doanh mua bán cát.
Thông qua 2 số tài khoản cá nhân của mình từ năm 2016 đến năm 2020, Cường “Cát” đã giao dịch số tiền mua bán cát là hơn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cường “Cát” đã không xuất hóa đơn, không ghi chép vào sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế số tiền này. Kết quả giám định của Cục Thuế tỉnh An Giang, bước đầu xác định Cường “Cát” đã trốn thuế với số tiền trên 19 tỷ đồng. Vụ án đang được Công an An Giang tiếp tục mở rộng điều tra…
Trước đó, vào tháng 3-2021, sau khi khởi tố bị can Trần Trí Mãnh về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với hành vi sản xuất, buôn bán phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe giả các loại, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan Công an tiếp tục làm rõ từ năm 2018 đến tháng 3-2021, thông qua các hoạt động kinh doanh của mình, Trần Trí Mãnh đã không kê khai nộp thuế theo quy định số tiền trên 161 tỷ đồng. Cơ quan thuế xác định bị can Mãnh đã thực hiện hành vi trốn thuế số tiền gần 49 tỷ đồng.
Tương tự, sau khi triệt phá thành công đường dây buôn lậu vàng và kinh doanh trái phép ngoại tệ xảy ra tại tiệm vàng Phước Nguyên do đối tượng Nguyễn Thanh Bình cầm đầu vào tháng 1-2022, Cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án. Ngoài tội danh “Buôn lậu”, cơ quan chức năng đang truy tố Nguyễn Thanh Bình về hành vi trốn thuế. Qua kết quả điều tra từ năm 2015 đến 2020 riêng hoạt động buôn bán vàng (chưa kể hoạt động kinh doanh ngoại tệ trái phép), bị can Bình đã thực hiện các giao dịch với số tiền 6.362 tỷ đồng, nhưng chỉ kê khai với cơ quan thuế số tiền là 339 tỷ đồng. Bước đầu xác định số tiền trốn thuế của Bình trong hoạt động buôn bán vàng là gần 90 tỷ đồng.
Trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh vàng là “món mồi béo bở”, nên các đối tượng lợi dụng mọi thủ đoạn để thực hiện. Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu, ngoài các tội danh như: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, “Buôn lậu đường cát”, “Buôn lậu vàng”, “Vận chuyển trái phép USD qua biên giới”, “Rửa tiền”… Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã đấu tranh, làm rõ hành vi trốn thuế của Mười Tường. Với thủ đoạn lập ra nhiều công ty, cơ sở kinh doanh với các lĩnh vực khác nhau, từ năm 2010 đến năm 2020, đối tượng Mười Tường đã không thực hiện việc kê khai nộp thuế theo quy định với tổng số tiền là hơn 4.000 tỷ đồng. Căn cứ vào từng mặt hàng cũng như lĩnh vực kinh doanh, Cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ, xác định số tiền mà Mười Tường đã trốn thuế.
Liệu có sự buông lỏng trong quản lý thuế?
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua tình hình doanh nghiệp trên địa bàn có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, cụ thể là trốn thuế đang có những diễn biến khá phức tạp. Trước câu hỏi của phóng viên về việc dư luận cho rằng có sự tiếp tay của cán bộ ngành thuế cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ông Phạm Văn Dũng khẳng định: “Đến nay, chưa có chứng cứ để nói cán bộ ngành thuế của tỉnh An Giang có vi phạm liên quan. Hàng năm, hàng quý, hàng tháng, Cục thuế tổ chức thanh, kiểm tra theo quy định quản lý thuế”.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, thông qua việc mở rộng điều tra các vụ án liên quan, cơ quan điều tra đã khám phá thêm nhiều đường dây, nhiều cá nhân có hành vi trốn thuế với số tiền lớn. Trốn thuế là hành vi xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước thông qua việc chủ thể không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế.
Trốn thuế là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lí kinh tế của Nhà nước. Ngoài ra, tội phạm trốn thuế gây bất ổn cho hoạt động kinh tế và trật tự xã hội, gây ra sự bất công đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định.
Với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, hiện nay Cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để truy xét và truy thu số tiền mà các đối tượng đã trốn thuế trong các vụ án.
Đồng thời, tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và cương quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những tập thể, cá nhân nào có hành vi tiếp tay hoặc bao che cho các đối tượng thực hiện hoạt động trốn thuế. Thời gian tới, Công an tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đấu tranh, xử lý triệt để hành vi trốn thuế, góp phần đem lại sự ổn định kinh tế, trật tự xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang.