Pháo nổ tự chế - Tử thần không chừa ai
Những vụ việc thương vong thương tâm liên quan đến pháo nổ gần như năm nào cũng xảy ra, hậu quả và di chứng để lại thường rất nặng nề. Điều đáng nói, các vụ tai nạn liên quan đến pháo, phần lớn đều xuất phát từ việc đặt mua thuốc nổ online, sau đó lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo và sự cố thường xảy ra trong quá trình này. Đáng báo động, tình trạng này chủ yếu xảy ra trong giới học sinh.
Lên mạng đặt mua… tử thần!
Những ngày vừa qua, sự việc 6 cháu nhỏ tại tỉnh Đắk Lắk tự ý lên mạng xã hội đặt mua thuốc nổ, sau đó mang về tự chế tạo pháo, chẳng may bị phát nổ làm 2 cháu tử vong, 2 cháu khác bị thương, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh cũng như cơ quan quản lý. Cháu B.G.T (11 tuổi), học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, sau khi lên mạng facebook đặt mua thành công 200.000 đồng thuốc nổ, đã rủ thêm 2 bạn khác cùng trường và 3 em nhỏ đang học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng trên địa bàn, đến một ngôi nhà vắng chủ trên địa bàn để cùng nhau làm pháo.
Khoảng 14h50 ngày 25-12, cả nhóm 6 cháu nhỏ này đã mang theo thuốc pháo, dụng cụ lọc bột và bật lửa đến trước sân một ngôi nhà vắng chủ trên địa bàn để làm pháo nổ. Trong lúc trộn thuốc để làm pháo, do có một ít thuốc bị đổ ra bên ngoài nên một trong số các cháu đã dùng bật lửa để đốt, làm bốc cháy lan đến khu vực trộn thuốc nổ, gây ra tiếng nổ lớn. Do lượng thuốc nổ lớn nên đã gây ra sức ép kinh hoàng, khiến cháu B.G.T tử vong tại chỗ, 3 cháu còn lại bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu. Đến 20h cùng ngày, cháu N.Đ.B. (12 tuổi) cũng đã không qua khỏi. Hiện, hai cháu N.M.T (12 tuổi) và N.Đ.B.A. (9 tuổi) vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó cháu T. bị đa chấn thương, các vết thương ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân và mắt bị rất nặng, buộc phải tiếp tục chuyển xuống một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Thời điểm xảy ra vụ nổ, 2 cháu khác đi ra ngoài nên may mắn không bị thương.
Trong những năm gần đây, tình trạng pháo nổ len lỏi vào học đường xảy ra khá phổ biến, dù lực lượng chức năng đã phối hợp với gia đình và nhà trường, hằng năm đều tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến tận từng em học sinh. Song, một phần vì bản tính tò mò, thể hiện, phần nữa là do tình trạng rao bán thuốc nổ tràn lan trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, lan truyền các video clip hướng dẫn cách chế tạo, sử dụng pháo nổ nên vẫn xảy ra không ít trường hợp các em học sinh tự ý đặt mua thuốc nổ, học cách làm pháo để sử dụng, thậm chí là bán kiếm lời. Điều đáng báo động là tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều, với đủ các thành phần, lứa tuổi từ tiểu học, trung học cơ sở đến học sinh cấp 3, đại học đều tham gia, với số lượng tàng trữ ngày càng lớn.
Đơn cử, tại tỉnh Nghệ An, chỉ trong thời gian từ ngày 15 đến 24/12/2022, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, lực lượng công an đã phát hiện 21 đối tượng là học sinh THCS, có hành vi tàng trữ, sản xuất pháo nổ, qua đó thu giữ 17 kg pháo nổ thành phẩm, 4 kg các vật liệu để sản xuất pháo. Các em này khai nhận, đã lên mạng tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ, sau đó đặt mua các loại hóa chất riêng biệt như lưu huỳnh, Kaliclorat mang về pha trộn thành thuốc pháo. Tiếp đó, đặt mua thêm các phụ kiện thông thường khác như keo dán, bột cưa, sử dụng giấy để cuốn hoặc chế các ống nhựa PVC rồi rủ nhau lén lút chế tạo, sản xuất pháo ngay tại nhà.
Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, con số vi phạm về pháo nổ phát hiện trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (chủ yếu là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường) cũng thực sự đặt vào mức báo động. Chỉ tính từ ngày 15-11 đến nay, Công an Hà Tĩnh đã phát hiện 78 vụ với 115 đối tượng mua bán, sản xuất, vận chuyển pháo trái phép, trong đó có tới 43 vụ, 62 trường hợp vi phạm nằm trong độ tuổi thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi. Phần lớn, những trường hợp tham gia chế tạo pháo đều là học sinh THCS, mua những tiền chất trên internet rồi lén lút chế tạo pháo và đăng tải để bán trên mạng xã hội. Trong quá trình chế tạo, sử dụng pháo, do bất cẩn và thiếu hiểu biết nên tiềm ẩn nguy cơ cao gây thương tích, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho chính người sử dụng và những người xung quanh. Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra trong quá trình tự chế pháo nổ.
Ngày 25/12/2022, sau khi mua thuốc nổ (nghi là lưu huỳnh) trên mạng xã hội, một nam sinh đang học tại một trường THCS ở xã vùng biển huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã sử dụng máy xay sinh tố để xay chất nổ, mục đích là để chế tạo pháo. Quá trình đó, thuốc phát nổ khiến em này phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng ở tay và vùng mặt. Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, một nam sinh trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng phải nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay. Sự việc được cho là trong quá trình chế tạo pháo nổ, do bất cẩn dẫn đến thuốc pháo bén lửa phát nổ gây sát thương. Trước đó, tại các huyện Tân Kỳ và Nam Đàn, liên tiếp 2 vụ nổ trong quá trình chế tạo pháo dịp sát tết Nguyên đán do các em học sinh THTP thực hiện, đã khiến 5 học sinh thương vong. Trong số này, một nam sinh tại trường THPT Tân Kỳ 3 đã không qua khỏi, còn một nam sinh lớp 10 trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn) phải phẫu thuật cắt bỏ hai bàn tay không thể phục hồi.
Hệ lụy dai dẳng, hậu quả khôn lường
Theo Thiếu tá Phạm Đình Sang, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh thì, tình trạng học sinh vi phạm về pháo ngày càng gia tăng đã đến mức báo động. Mặc dù cơ quan chức năng và nhà trường đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, yêu cầu học sinh ký cam kết không vi phạm, đồng thời đưa ra nhiều hình thức kỷ luật, song vấn nạn này vẫn tồn tại.
Nguyên nhân, một phần là do sự buông lỏng quản lý của gia đình, bởi thực tế cho thấy, những trường hợp liên quan đến pháo nổ bị phát hiện và xử lý, đều không có sự quan tâm đúng mực từ bố mẹ. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển, nhiều em có điều kiện truy cập vào các trang mạng dạy cách chế tạo pháo để học cách làm pháo nổ, tích trữ tiền để đặt phụ kiện, thuốc nổ qua mạng xã hội rồi mang về nhà rủ nhau làm pháo nhưng bố mẹ vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra, hệ lụy dai dẳng mới tá hỏa thì đã muộn màng.
Để hạn chế việc học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ, lực lượng công an các cấp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường nắm bắt, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ. Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.
Tai nạn liên quan đến thuốc nổ, pháo nổ không chừa bất cứ ai, nhưng đối với các em học sinh, tương lai đang rộng mở phía trước, nếu chẳng may liên quan đến pháo nổ, nặng thì mất mạng, nhẹ thì để lại di chứng, luôn là những hậu quả kinh hoàng, ám ảnh đến hết cuộc đời. Theo đó, thương tích và di chứng để lại do thuốc nổ dùng chế tạo pháo sinh ra thường gây ra các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực… và thường để lại nhiều di chứng về thẩm mỹ, thậm chí là có những bộ phận vĩnh viễn không thể phục hồi như tổn thương về mắt, tay chân phải phẫu thuật, cắt bỏ.
Theo luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, thì theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy tố về các tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm tù; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc liên quan đến pháo nổ hằng năm nói chung và dịp Tết Nguyên đán nói riêng, cơ quan chức năng khuyến cáo gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp, giáo dục và phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục con em để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo, nổ pháo, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.