Phía sau những màn kịch lừa người thân

Thứ Tư, 13/03/2024, 14:10

Vì mâu thuẫn gia đình, vì nợ nần, hay đơn giản chỉ là trêu đùa, thử lòng gia đình, người thân, nhiều người đã tự bày ra màn kịch nhảy cầu tự tử, hay bị bắt cóc, tống tiền… Tuy những vụ việc này không phải là phổ biến nhưng là hành vi đáng lên án khiến khiến cộng đồng mạng không khỏi hoang mang, lo lắng và lực lượng chức năng phải vất vả vào cuộc điều tra sự việc và tìm kiếm.

Những màn kịch vụng về

Sáng sớm ngày 1/3, mạng xã hội xôn xao thông tin sự việc 4 mẹ con nghi nhảy cầu Đông Trù tại quận Long Biên, Hà Nội. Cư dân mạng lan truyền hình ảnh 4 đôi dép bị bỏ lại trên cầu được cho là của 4 mẹ con.

Một lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy trong chiếc xe ôtô mang biển kiểm soát 88A.1xx để lại trên cầu với nội dung: “Anh à, em mệt mỏi lắm rồi. Anh nói anh áp lực trong cuộc sống, vậy 4 mẹ con em sẽ giải thoát cho anh hết áp lực. Nếu có duyên, kiếp sau chúng ta vẫn sẽ là gia đình. Tạm biệt anh! Mẹ xin lỗi các con đã khổ khi theo mẹ”. Người dân nghi 4 mẹ con đã nhảy xuống sông Đuống tự tử nên trình báo lực lượng chức năng.

Ngay sau đó thông tin về vụ việc được báo đến tổng đài 113. Tiếp nhận thông tin, Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động lực lượng cứu nạn cứu hộ và lực lượng Cảnh sát 113 Long Biên tổ chức xác minh thông tin và tìm kiếm. Lực lượng chức năng nhanh chóng xác định được người điều khiển chiếc xe ôtô trên, chở 3 con trai đến cầu Đông Trù là chị N. T. T.H (trú tại xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

_xuycn~l.jpg -0
_xuycn~q.jpg -1
Hiện trường giả tự tử của 4 mẹ con ở cầu Đông Trù được chia sẻ trên mạng xã hội.

Đồng thời Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông cũng triển khai cano phối hợp cùng Cảnh sát PCCC&CNCH đường sông tìm kiếm các nạn nhân nghi vấn nhảy cầu từ khu vực chân cầu Đông Trù đến đoạn ngã ba sông Hồng, sông Đuống. Đồng thời, cơ quan chức năng liên hệ người nhà chị H để xác nhận thông tin.

Từ những dấu hiệu bất thường để lại hiện trường, như các đôi dép đều sắp xếp trật tự, trên xe ôtô đồ đạc ít bị xáo trộn..., lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát khu vực... cũng tỏa đi các nhà nghỉ quanh khu vực tìm kiếm.

Khoảng 10h30 phút cùng ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan chức năng đã tìm thấy chị H cùng các con nhỏ ở địa điểm an toàn. Chị H bước đầu cho biết, giận dỗi chồng nên làm hành động dại dột trên để gây áp lực...

Mới đây, Công an xã Mong Thọ B (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đang củng cố hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với H.Q.K. (sinh năm 1999, ngụ ấp Hòa Bình, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành) về hành vi “Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Khoảng 8h ngày 2/3, H.Q.K. đến Công an xã trình báo bị 4 thanh niên lạ mặt đi trên 2 xe máy (không biển số) chặn đường cướp 1 điện thoại Iphone 13, 1 sợi dây chuyền, 1 nhẫn vàng 18k có trọng lượng 6,5 chỉ và 8 triệu đồng tại khu vực cầu vượt (tuyến tránh thành phố Rạch Giá, thuộc ấp Phước Hòa, xã Mong Thọ B).

Qua xác minh, Tổ công tác Cảnh sát hình sự Công an huyện Châu Thành và Công an xã Mong Thọ B xác định sự bất thường giữa lời khai của K. và hiện trường xảy ra vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định: do thiếu nợ ngân hàng số tiền trên 200 triệu đồng nhưng không có khả năng trả nên K. nảy sinh ý định giả bị cướp tài sản để gia đình thương xót cho tiền trả nợ. Trên thực tế, số tài sản K. báo mất đã đem đi bán để trả tiền mượn của bạn trước đó và không có chuyện bị cướp. Để tạo lòng tin là mình bị cướp, K. đã tự gây thương tích nhẹ rồi về báo với cha mẹ ruột và trình báo với Công an do cướp gây ra.

Hay tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, mới đây, do đầu tư tiền ảo thua lỗ, N.H.S đã tự rạch vào tay, rồi tạo dựng hiện trường giả bị 3 nam thanh niên cướp tài sản. Theo hồ sơ vụ việc, chán nản về việc đã cầm cố chiếc xe máy cùng 2 chiếc laptop lấy tiền đầu tư tiền ảo nhưng đã thua lỗ hết nên S đã thuê xe ôm chở đến khu vực đường đê thuộc tổ dân phố Đình Tổ, Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai để ngồi chơi, sau đó đi xuống dưới sườn đê để đi vệ sinh thì bị trượt ngã khiến phần đầu đập vào đá. S đã lấy 1 con dao tự rạch vào cẳng tay trái, rồi tạo dựng ra vụ việc bị 3 nam thanh niên đánh, cướp tài sản để nói dối gia đình.

_xuycn~r.jpg -0
Người vợ nhắn tin cho chồng giả bị bắt cóc và đòi tiền chuộc để thử chồng đang khai báo ở cơ quan Công an.

Còn nhớ tháng 9/2023, vụ việc giả bị bắt cóc nhắn tin cho chồng, đòi 10 tỷ đồng tiền chuộc để thử lòng chồng tại Hà Nội gây xôn xao dư luận. Theo đó, ngày 26/9, Công an quận Hai Bà Trưng tiếp nhận trình báo của anh D.H.G (33 tuổi, ở Hà Nội) về việc vợ và con trai 3 tuổi bị bắt cóc, yêu cầu chuyển khoản 10 tỷ đồng. Sau hai giờ, lực lượng Công an phát hiện vợ của anh G. không bị bắt cóc mà đang chờ khám bệnh tại một bệnh viện trên địa bàn.

Tại cơ quan Công an, chị N.P.T khai, nhắn tin cho chồng với nội dung “chuẩn bị 10 tỷ chuộc vợ con, báo công an sẽ giết cả hai rồi tự tử” nhằm mục đích “thử thách tình cảm, phản ứng của chồng”.

Trước đó, ở Thái Bình, do nợ nần nên Nguyễn Văn Đông (ở huyện Quỳnh Phụ) đã dàn dựng bắt cóc con gái để tống tiền. Sau khi đón con đi học về, Đông chở con gái ruột là N.N.H (11 tuổi) đến một nhà nghỉ tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Khi đi, Đông chuẩn bị sẵn dây điện để dàn cảnh trói con gái. Tiếp đó, Đông dùng khăn quàng đỏ bịt mắt, bịt miệng con gái rồi lấy điện thoại chụp ảnh lại.

Dàn cảnh xong, Đông dùng chiếc điện thoại khác tạo tài khoản mạng xã hội Zalo ảo để gửi hình ảnh con gái bị trói tay, bịt mắt gửi vào tài khoản mạng xã hội Zalo trên chiếc điện thoại chính của mình. “Từ giờ đến 6 giờ tối nay mày phải chuẩn bị tiền 300 triệu cho bọn tao. Nếu không làm theo thì mày sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp con mày nữa”, trích đoạn Đông viết tin giả mạo.

Xong xuôi, Đông mang theo điện thoại đi gặp một số người thân quen, họ hàng và bạn bè để vay tiền chuộc con gái. Có 3 người đồng ý cho Đông vay 200 triệu đồng để chuộc con.

Nắm bắt được thông tin, sau khoảng 2 giờ, lực lượng Công an đã tìm ra địa điểm mà Đông nhẫn tâm trói, nhốt con gái mình tại một nhà nghỉ ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và giải cứu cháu H. an toàn.

Tại cơ quan điều tra, Đông khai nhận do túng quẫn nợ nần nên mới nảy sinh ý định dùng chính con gái ruột để tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc, tống tiền để có thể dễ dàng vay mượn tiền từ những người thân quen.

Những hành vi đáng lên án

Theo Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư Bắc Giang, hành vi dựng hiện trường giả, đưa thông tin sai sự thật của của các đối tượng là rất đáng trách. Dù với mục đích gì, nhưng rõ ràng đã gây ra tâm lý không tốt cho nhiều người, đặc biệt là những người trong gia đình. Đặc biệt hành vi “giận cá chém thớt”, vì mâu thuẫn mà mang con đi tự tử, hay dùng chính con mình để dàn cảnh bắt cóc tống tiền, là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án, cho dù đó chỉ là ý định, suy nghĩ trong đầu thì suy nghĩ này cũng nên phải loại bỏ để đảm bảo duy trì hạnh phúc gia đình, bảo vệ tính mạng cho những người thân trong gia đình.

_xuycn~k.jpg -0
_XUYCN_N-1710307387580.JPG
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm 4 mẹ con ở khu vực sông Đuống dưới cầu Đông Trù.

Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, cả hai bên cần phải bình tĩnh suy nghĩ, đối thoại để tìm ra nguyên nhân của sự việc và có hướng giải quyết phù hợp để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nếu mâu thuẫn vợ chồng kéo dài mà hai bên không thể nói chuyện được với nhau thì có thể nhờ bạn bè, gia đình, cơ quan đoàn thể khuyên can. Nếu không giải quyết được thì giải pháp tốt nhất là ly hôn.

Và đặc biệt khi mâu thuẫn xảy ra, không lấy con cái làm bình phong để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Điều đó chỉ càng làm sự việc thêm căng thẳng, làm cho người trong cuộc thêm lo âu, suy nghĩ, bất an và thấy mất niềm tin. Người cha, người mẹ không những không bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con mà lại mang con đi tự tử, sát hại con hoặc xúi giục con tự sát cùng mình, hoặc bắt cóc chính con mình để dựng màn kịch tống tiền thì là người cha mẹ tồi. 

Ngoài ra, khi các màn kịch giả bị bắt cóc, tống tiền, cướp tài sản được dựng lên, Công an phải bố trí lực lượng, thời gian tham gia giải quyết vụ việc. Điều này gây mất thời gian, kéo theo đó gây mất trật tự công cộng, an toàn xã hội. Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm các lực lượng cứu hộ, cứu nạn không chỉ phải gặp những khó khăn, vất vả mà còn có thể phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm thường trực, có thể bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để bổ sung các quy định xử lý đối với các hành vi tương tự, bao gồm các chế tài xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả các chi phí cho việc điều tra, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Nếu phát sinh các hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khi tìm cách giải quyết bế tắc bằng những hành động bồng bột, nông nổi. Đồng thời cũng là bài học cho các cá nhân, khi chưa rõ sự tình, chưa có kết luận của cơ quan chức năng đã vội chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội kèm theo nhiều suy diễn, tiếp đó được cộng đồng mạng share, like gây hoang mang dư luận.

Ngọc Trâm
.
.