Porky – Vua rác ở Honduras
Trong suốt nhiều năm, bãi rác thải nằm cạnh bờ biển El Ocotillo gần thành phố San Pedro Sula, Tây Bắc Honduras là nơi kiếm sống của cả nghìn người. Cai quản nó là Alexander Mendoza, bí danh Porky, kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm MS13 khét tiếng nhất Honduras…
Trùm bãi rác
Lúc ấy đã gần nửa đêm, không gian tối đen ngoại trừ ánh sáng nhấp nháy của những chiếc đèn chạy bằng ắc quy gắn trên đầu những người lục tìm phế liệu ở bãi rác El Ocotillo. Đây là bãi rác duy nhất của thành phố San Pedro Sula, nơi những chiếc xe tải liên tục đổ xuống từng đống bao nylon, đồ nhựa hư hỏng, vỏ hộp nhôm, thiếc, quần áo cũ rách, sách báo, thực phẩm thiu thối cùng những vật dụng sinh hoạt khác. Suốt nhiều năm, nó là nơi kiếm sống của hàng nghìn người mà cuộc đời của họ nằm bên lề xã hội. Họ tranh giành nhau từng món phế liệu có thể bán được tiền, thậm chí tranh giành cả với những con chim kền kền và bầy chó đói, sẵn sàng lăn xả vào một hộp thức ăn dù nó chỉ dính lại chút ít ở dưới đáy.
Không phải ai cũng có thể ra vào tự do ở bãi rác này mà nếu muốn vào họ phải mua vé tháng, giá 1.000 Lempira (tương đương 950.000 đồng). Tuy nhiên, việc bán vé lại không phát xuất từ bộ phận quản lý môi trường của chính phủ, cũng không do công ty Sulambiente chịu trách nhiệm điều hành bãi rác mà do Alexander Mendoza, thường được biết đến với cái tên Porky, kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm MS13, quyết định.
Sinh năm 1980 nhưng mới lên 10 tuổi, Porky đã bỏ nhà đi bụi. Kết hợp với những đứa trẻ đường phố khác, Porky móc túi, giật đồng hồ của khách du lịch rồi bán lấy tiền mua một loại dung môi dùng để pha loãng sơn. Bằng cách hít dung môi này, Porky nhanh chóng rơi vào một thế giới khác, thế giới của những ảo giác. Nói chuyện với phóng viên Alfonso Ponto, Porky cho biết: “Lúc ấy, đó là loại ma túy rẻ tiền nhất mà tôi có thể kiếm được”.
Một đêm mưa, khi Porky chạy đến một ngôi nhà bỏ hoang để tìm chỗ trú thì trong nhà đã có một số thanh niên. Họ ăn mặc chỉnh tề với áo sơ mi, quần jean, chân mang giày Nike. Trên tay và cổ họ, nhẫn, dây chuyền vàng chốc chốc lại lấp lánh bởi ánh đèn đường hắt vào. Tất cả đều đang hút cần sa. Nhìn thấy Porky, một người trong số họ hất hàm: “Ê thằng nhóc, làm một điếu chứ”.
Dĩ nhiên là Porky không từ chối. Vẫn trong cuộc trò chuyện với phóng viên Alfonso Ponto, Porky nói: “Tôi cảm động vì cách họ đối xử với tôi, nhất là khi họ hỏi tôi ở đâu, làm gì để kiếm sống. Khi biết tôi là kẻ lang thang đường phố, một người trong nhóm là Indio nói với tôi rằng họ là MS13 và tôi hãy đi theo họ”.
Cuộc đời của Porky rẽ sang một khúc quanh sau đêm mưa đó. Nhóm thanh niên mà anh ta gặp đều là người Honduras nhưng sống ở bang Califoria, Mỹ. Năm 1985, họ thành lập băng nhóm, lấy tên là MS13. Vì những hoạt động tội phạm, họ bị tòa án Mỹ bỏ tù rồi sau khi mãn hạn, họ bị trục xuất về Honduras. Thời điểm này, nổi tiếng nhất trong xã hội đen ở Honduras là băng nhóm Barrio18, cầm đầu bởi Nahum Medina, bí danh “Tacoma”, chuyên bắt cóc, tống tiền, buôn bán ma túy, buôn người, cờ bạc.
Trước sự ra đời của nhóm MS13, tháng 5-1993, nhóm Barrio18 ra đòn dằn mặt bằng cách giết một thành viên của MS13 là Sored. Trả đũa lại, MS13 bắn chết Pirata, thành viên Barrio18. Từ đó, cuộc tàn sát giữa hai băng nhóm diễn ra ngày càng khốc liệt. Đến cuối năm 1994, khu vực Tercera Calle ở trung tâm thành phố San Pedro Sula do MS13 kiểm soát trở thành vùng bất khả xâm phạm. Tại đây, Trường trung học Morazanico là mảnh đất màu mỡ cho việc tuyển dụng thành viên trẻ, không kinh nghiệm sống nhưng “máu lạnh” thì lại có thừa.
Để chống lại các băng nhóm tội ác, Chính phủ Honduras cho phép cảnh sát thành lập những “Đội tử thần” gồm những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm. Họ được quyền bắn chết thành viên của cả hai băng nhóm MS13 và Barrio18 mà không cần phải bắt giữ hoặc đưa ra tòa mà đỉnh điểm là đêm 17-5-2004, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một nhà tù cũ ở thành phố San Pedro Sula. Đêm đó, 107 người đàn ông đã bị thiêu chết. Tất cả đều là MS13 nhưng tác giả là “Đội tử thần” hay Barrio18 thì chưa ai rõ.
Sau vụ cháy, Porky trở thành thủ lĩnh MS13. Theo quan điểm của anh ta, MS13 phải được tổ chức tốt hơn nếu không muốn bị tiêu diệt. Bằng cách thuê mướn 2 luật sư làm việc toàn thời gian cho mình, Porky còn tài trợ một số sinh viên ngành luật, tuyển dụng quản trị viên và kế toán đồng thời hạn chế tối đa những vụ giết chóc vì nó sẽ gây phẫn nộ trong dư luận. Thay vào đó, hắn chuyển hướng sang các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải, các cửa hàng thực phẩm và các quán rượu. Dưới áp lực ngầm của MS13, những doanh nghiệp nói trên buộc phải đồng ý chấp thuận hàng hóa đầu vào do MS13 cung cấp. Sau này, khi bắt giữ Porky, cảnh sát xác định cứ mỗi tháng, với 112 cơ sở kinh doanh ở thành phố San Pedro Sula, Porky và băng nhóm MS13 kiếm được 575.000 USD tiền mặt và 220.000 USD trong tài khoản ngân hàng. Nó có vẻ không nhiều nhưng ở Honduras, đây là một gia tài rất lớn.
Năm 2014, một cơ hội kinh doanh nữa lại đến với Porky. Ấy là khu đất El Ocotillo thuộc quyền quản lý của chính quyền thành phố San Pedro Sula, được quy hoạch thành bãi rác và Công ty Sulambiente giành được hợp đồng trị giá 1,6 triệu USD để điều hành bãi rác này. Trong hợp đồng có những điều khoản như không một người dân nào được phép vào bãi rác để lục tìm phế liệu. Việc thu gom rác thải, vận chuyển và tái chế phải do Công ty Sulambiente đảm trách.
Thế nhưng những việc đó không bao giờ xảy ra. Vẫn dưới áp lực ngầm của MS13, đội xe tải chở rác thay vì của Sulambiente thì nó là của một công ty vận tải nằm dưới sự thao túng của MS13. Bên cạnh đó, ngoài việc bán vé tháng cho người vào lục tìm phế liệu thì tất cả những phế liệu thu được, họ phải bán cho MS13 với giá rẻ mạt rồi MS13 lại bán cho Công ty Sulambiente với giá cao hơn những điểm thu mua phế liệu khác. Theo cảnh sát Honduras, thỏa thuận ngầm giữa MS13 và Công ty Sulambiente có giá trị trong 14 năm, bắt đầu từ năm 2014, trong đó “Sulambiente được quyền thu phí dịch vụ đổ rác của các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình ở thành phố San Pedro Sula, còn MS13 có trách nhiệm giữ an ninh, tìm kiếm phế liệu và tiêu thụ chúng…”.
Khi cảnh sát ra tay lập lại trật tự
Đối mặt với sự lũng đoạn chính trị, năm 2015 lần đầu tiên Chính phủ Honduras mở cuộc tấn công nhắm vào MS13, được gọi là “Chiến dịch tuyết lở”. Kết quả cho thấy đằng sau tấm bình phong “cung cấp hàng hóa đầu vào cho các chuỗi kinh tế, thu gom, tái chế rác thải, làm sạch môi trường” là những cơ sở bí mật sản xuất chất ma túy Cocain để cung cấp cho các băng nhóm ở Colombia đưa vào Mỹ. Tuy nhiên, cả Công ty Sulambiente lẫn những thành viên MS13 bị bắt đều không ai hé răng một lời về vai trò của Porky.
Ngày 15-6-2018, cảnh sát Honduras phối hợp với Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) bắt Nery Lopez Sanabria, cánh tay phải của Porky sau một cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm. Khám xét nơi ở của Nery, cảnh sát thu được 200.000 USD tiền mặt, 2 khẩu súng và 2 quả lựu đạn nhưng quan trọng hơn cả là một cuốn sổ tay, trong đó ghi chép những thông tin tuyệt mật về đường dây đưa ma túy vào Mỹ.
Khi nghe tin Nery bị bắt. Porky quyết định diệt khẩu để bịt đầu mối. Ngày 6-10-2018, đích thân ông Pedro Idelfonso Armas, Giám đốc nhà tù El Pozo cùng 3 quản giáo mở cửa buồng giam Nery để đưa anh ta đi hỏi cung. Cảnh quay camera an ninh cho thấy khi nhân viên quản giáo vừa mở cánh cửa dẫn ra hành lang thì một thanh niên với khẩu súng trên tay đã chờ sẵn rồi bắn nhiều phát vào Nery trong lúc 5 thanh niên khác khống chế ông Pedro Armas và 3 quản giáo. Và mặc dù Nery đã gục xuống nhưng gã này vẫn bắn thêm nhiều phát nữa. Cuối cùng, một trong 5 thanh niên còn lại đâm 14 nhát vào thi thể Nery rồi cả bọn biến mất.
Cái chết của Nery được Porky xem như không còn nhân chứng chống lại gã nhưng những ghi chép trong cuốn sổ của Nery đã đủ để chứng minh Porky là kẻ chỉ huy cao nhất của MS13. Trong cuốn sổ ấy, ngoài việc điều chế, buôn bán ma túy với số lượng lớn, Porky và MS13 còn cầm đầu một đường dây, đưa di dân từ Honduras sang Mexico rồi bố trí cho họ vượt biên giới vào Mỹ.
Cú đào thoát ngoạn mục
3 tháng sau cái chết của Nery, Porky sa lưới. Những tưởng đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp tội ác của ông trùm MS13. Nhưng không, ngày 13-2-2020, Porky bị dẫn giải từ nhà tù Tamara đến thành phố El Progreso, cách San Pedro Sula khoảng 28 km để tham dự phiên tòa. Thay vì được đưa đi bằng trực thăng theo khuyến cáo của DEA, Porky lại ra tòa bằng xe cảnh sát. Điều ngạc nhiên nhất là ngoài 2 cảnh sát áp tải và 1 tài xế, không một cơ quan an ninh nào - kể cả “Đội tử thần” được thông báo về việc này. Cảnh quay camera của Tòa án El Progreso cho thấy 2 nhóm đàn ông ngụy trang bằng quần áo cảnh sát đã đợi sẵn, một nhóm dẫn theo một tù nhân bị còng tay để đánh lạc hướng còn nhóm kia đi cùng một người đàn ông mặc áo khoác dài màu đen, nhìn như nhân chứng trong vụ án nào đó.
Khi Porky được dẫn vào tòa, lập tức người đàn ông mặc áo khoác đen lôi trong người ra khẩu tiểu liên, bắn hạ 2 cảnh sát dẫn giải Porky. Những kẻ đóng vai cảnh sát cũng rút súng ngắn bắn vào những người có mặt trong tòa, giết chết 4 viên chức tòa án. Tiếp theo, 2 tên xốc nách Porky chạy như bay ra chiếc xe hơi rồi biến mất. Khi “Đội tử thần” đến nơi, hiện trường chỉ còn lại những xác chết cùng đống vỏ đạn, máu me vương vãi trên sàn nhà.
Cho đến nay, chẳng ai biết Porky ở đâu mặc dù hắn nằm trong danh sách 10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), đồng thời cũng nằm trong danh sách truy nã đỏ của Cục Phòng chống ma túy Mỹ DEA và Văn phòng Điều tra, Bộ An ninh nội địa Mỹ (HIS), chưa kể lệnh truy nã đặc biệt của cảnh sát Honduras. Có tin nói rằng Porky đã chạy sang Colombia, sống dưới sự che chở của những tập đoàn tội ác ở đất nước này.
Với những người lượm rác ở bãi rác El Ocotillo, dù có hay không có Porky, hàng tháng họ vẫn phải mua vé để được phép vào lục tìm phế liệu và vẫn phải bán số phế liệu ấy cho những thanh niên “ăn mặc bảnh bao, cổ và tay đeo nhẫn, dây chuyền vàng”…