Sai phạm có hệ thống trong hoạt động đăng kiểm

Thứ Ba, 02/04/2024, 18:07

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà được xác định đã liên tục nhận hối lộ thông qua các thuộc cấp. Trong đó, ông Trần Kỳ Hình nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23 ngàn USD. Ông Đặng Việt Hà nhận hối lộ, hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13 ngàn USD. Riêng ông Đặng Việt Hà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền nhận hối lộ khoảng 40 tỷ đồng của thuộc cấp…

Hai cựu Cục trưởng nhận hối lộ công khai 

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã cho thấy thực trạng hàng loạt sai phạm có hệ thống, xuyên suốt xảy ra một thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm, có tổ chức từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông đến giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên các trung tâm, chi cục đăng kiểm xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đối tượng môi giới và chủ phương tiện… Các chuỗi sai phạm này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước.

1.jpg -0
Bị can Trần Kỳ Hình lúc bị khởi tố, bắt tạm giam.

 Vụ án đã được Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh chuyển đến Viện KSND thành phố đề nghị truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã thu hồi, tạm giữ và các bị can giao nộp khắc phục tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản có liên quan khác.

Ông Trần Kỳ Hình thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải; được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ông Hình không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài.

Khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực, ông Hình không chấn chỉnh, xử lý mà vì vụ lợi cá nhân, nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, các sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền là hơn 6,5 tỷ đồng và 23 ngàn USD.

Đơn cử, trong giai đoạn từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021, ông Hình được Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) chia số tiền nhận hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế là 60 triệu đồng/tháng (trong tổng cộng 28 tháng, tương đương gần 1,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, ông Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các Chi cục Đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa…

Bị can Đặng Việt Hà khai nhận trong thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021, khi giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam và phụ trách, quản lý hoạt động của Phòng VAR, ông Hà được Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng VAR thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) chia tiền nhận hối lộ từ các công ty thiết kế là 320 triệu đồng. Trong thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2022, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà biết các đăng kiểm viên tại Phòng VAR nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới nên đã chỉ đạo, yêu cầu Trần Anh Quân và Phòng VAR đặt lợi ích của ông ta lên trên hết.

Theo đó, Quân đã chia cho ông Hà số tiền 400 ngàn đồng/ hồ sơ thẩm định đạt. Thời gian này, Phòng VAR đã thẩm định và cấp 13.388 Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, số tiền hối lộ ông Hà được Quân chia là 13.388 x 400 ngàn đồng = 5,355 tỷ đồng.

Theo Cơ quan CSĐT, tổng số tiền nhận hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo của bị can Hà là 5,65 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can Hà khai đã trả lại số tiền 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân, và chỉ đạo Quân đổi 100.000 USD rồi đưa cho Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1979, cư trú Hà Nội) tìm hiểu thông tin liên quan đến kết quả điều tra của Cơ quan Công an thông qua Lại Thái Phong (Phó Chánh văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam). Khi biết Nguyễn Văn Chung đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đặng Việt Hà đã gửi đơn tố cáo Chung.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ được số tiền bị can Hà đưa cho Trần Anh Quân và tiền đưa cho Nguyễn Văn Chung (tổng cộng là gần 2,6 tỷ đồng và 99.000 USD).

2.jpg -0
Bị can Đặng Việt Hà tại Cơ quan điều tra.

Cơ quan CSĐT xác định, với vai trò là Cục trưởng, bị can Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng VAR giai đoạn từ 1/8/2021 đến 30/9/2022 là hơn 31,1 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ của 4 Trung tâm Đăng kiểm (Khối V) tại TP Hồ Chí Minh từ 1/4/2022 đến tháng 11/2022 là 7,67 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ của 5 Trung tâm Đăng kiểm Khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Tổng số tiền nhận hối lộ, bị can Hà phải chịu trách nhiệm hình sự là hơn 40,2 tỷ đồng, trong đó bị can Hà hưởng lợi số tiền gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.

“Quy trình” hối lộ và chia nhau hưởng lợi

Ngoài hai vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm kể trên, nhân vật đáng chú ý trong các phi vụ ăn chia là Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng VAR. Theo cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5-3 triệu đồng/ hồ sơ.

Cụ thể, tháng 3/2019, ông Trần Anh Quân được bổ nhiệm quyền trưởng phòng VAR. Lúc này, một số đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế gặp ông Quân báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ. Sau đó, ông Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hằng tháng sẽ chia tiền theo tỷ lệ chia cho Quân số tiền 700 ngàn đồng/hồ sơ (bao gồm phần của ông Quân được hưởng, phần của ngoại giao tiếp khách và phần chia cho lãnh đạo cục là ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà như đã kể trên). Phần chia cho các phó phòng VAR mỗi người 100 ngàn đồng/ hồ sơ; cho nhân viên văn phòng mỗi người 50 ngàn đồng/ hồ sơ. 

Bị can Trần Anh Quân khai nhận từ ngày 1/3/2019 đến 30/9/2022, Phòng VAR đã thẩm định và cấp 29.676 Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Quân xác định số tiền nhận được là 29.676x700 ngàn đồng = hơn 20,7 tỷ đồng. Số tiền hối lộ nhận được, Quân chia cho ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà (như đã kể trên); chi ngoại giao, tiếp khách, hội nghị hơn 1,62 tỷ đồng; số tiền hối lộ Quân hưởng lợi hơn 11,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình cấp phép đủ điều kiện hoạt động, kiểm tra đánh giá Trung tâm đăng kiểm 50-19D, Trần Anh Quân còn nhận hối lộ của Trần Bửu Tùng (Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú An Viễn) số tiền 9.500 USD…

Từ các chỉ đạo của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam như trên, các bị can thuộc Phòng VAR, Phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận tiền hối lộ từ các trung tâm, chi cục đăng kiểm để bỏ qua các lỗi, thiếu sót về pháp lý, điều kiện hoạt động, đầu tư, mua sắm, nhân sự đăng kiểm viên... trong quá trình thẩm duyệt hồ sơ xin thành lập và tạo điều kiện trong quá trình hoạt động của các trung tâm, chi cục đăng kiểm.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, các bị can đã nhận hối lộ từ các công ty thiết kế phương tiện cải tạo để cấp thẩm định đạt dù có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện. Qua đó, đã tạo điều kiện các trung tâm, chi cục đăng kiểm đưa ra chủ trương nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, đối tượng môi giới để có ý bỏ qua lỗi kỹ thuật của hàng chục ngàn phương tiện nhằm thu lợi bất chính và chung chi lên Cục Đăng kiểm Việt Nam theo chủ trương chung mà các bị can là lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng đã đặt ra.

5.jpg -0
Các bị can khác trong “đại án” đăng kiểm.

Đáng chú ý, một số trung tâm đăng kiểm không đủ điều kiện nhân lực đã thực hiện hành vi giả mạo trong công tác, lập khống danh sách đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên hoặc đóng giả đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm đăng kiểm; một số trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm tự viết có tính năng đọc (lấy) và chỉnh sửa các thông số kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định (khí thải, phanh, đèn…) của xe cơ giới. Một số bị can còn tham gia thành lập các công ty “sân sau” hoạt động trong lĩnh vực thiết kế cải tạo, đưa tiền hối lộ cho các đăng kiểm viên…

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, bên cạnh việc tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, kết luận điều tra theo đúng thời hạn, tiến độ được giao, Công an thành phố cũng đã kịp thời báo cáo Bộ Công an kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, điển hình như: Miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương… góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Phú Lữ
.
.