Săn tội phạm trong thế giới ảo

Thứ Ba, 24/05/2022, 20:47

Đấu tranh với tội phạm trong đời thực vốn đã gặp không ít khó khăn, truy vết kẻ giấu mặt trong không gian mạng lại còn gian nan gấp bội phần khi các đối tượng này luôn thiên biến vạn hóa để qua mặt cơ quan chức năng.

Mặc dù vậy, “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, trong thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Tĩnh đã hóa trang, “biến hình” để theo dấu tội phạm, qua đó liên tiếp đấu tranh thành công nhiều chuyên án, xử lý nhiều đối tượng thật trên thế giới ảo.

“Bóc mẽ” nhiều hình thức lừa đảo tinh vi trên không gian mạng

Không nghề nghiệp ổn định, cùng “sở thích” là lang thang trên mạng internet để chơi điện tử nên khoảng tháng 8-2021, Nguyễn Thành Quang (sinh năm 2000, trú tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh) đã tình cờ gặp nhóm 3 người bạn là Nguyễn Trọng Linh, Nguyễn Duy Thái và Nguyễn Tuấn Hưng, cùng sinh năm 2004 và đều trú tại thôn Kim Tân, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Dù chỉ kết giao qua mạng xã hội, song hội nhóm này đã nhanh chóng trở nên thân thiết, lập thành một nhóm kín trên không gian mạng để hoạt động.

santp-1.jpg -0
Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu đường dây lừa đảo 30 tỷ đồng bằng hình thức gọi điện trúng thưởng

Quá trình đó, nhóm này đã kết nạp thêm các hội viên mới gồm Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1995, trú tại ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang), Tống Hoàng Phương Dương (sinh năm 2004, trú tại xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) và Vũ Hoài Nam (sinh năm 2002, trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).

Sau một thời gian sinh hoạt với nhau trên không gian mạng, nhóm người này nhận thấy cùng có điểm chung là đam mê đánh bạc và thích kiếm tiền trên mạng xã hội nên đã bàn bạc cùng nhau để “móc túi” những người chơi khác. Để thực hiện kế hoạch này, khoảng đầu tháng 9-2021, Nguyễn Thành Quang đã sử dụng mạng máy tính tạo lập ra các trang website đánh bạc cho những người khác thuê nhằm mục đích điều hành việc cá cược. Để qua mặt Cơ quan công an, sau khi nghiên cứu kĩ các hình thức đánh bạc trực tuyến trước đây bị phanh phui, Quang đã thống nhất hình thức đánh bạc thông qua việc tạo tài khoản trên ví điện tử Momo để hoạt động. Lý do mà nhóm đối tượng này đưa ra là hiện nay có hàng triệu tài khoản chọn giao dịch điện tử trên ví Momo, thông qua hình thức giao dịch này sẽ tiếp cận được lượng lớn khách hàng, đồng thời khiến cho Cơ quan không an không ngờ đến.

santp-6.jpg -0
Di lý đối tượng lừa đảo qua mạng (dấu X) từ Hà Nội về Công an Hà Tĩnh để phục vụ công tác điều tra

Để hoạt động, Nguyễn Thành Quang tạo ra các website đánh bạc “Chanle88.me”, “clxt.me”, “cltxmomo66.club”, “taixiu21.club”, “chanlemomo.io”, “tx66.me”... rồi cho các đối tượng khác trong nhóm thuê lại, mỗi tháng trả phí cho Quang từ 2-3 triệu đồng mỗi tài khoản. Để vận hành các website này, các đối tượng đều lắp đặt máy tính có kết nối internet, sử dụng điện thoại di động để hỗ trợ việc đánh bạc, đặt mua các sim rác trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Từ đó, tạo các ví Momo ảo phục vụ việc đánh bạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng đã thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo về hình thức đánh bạc qua ví điện tử Momo nhằm thu hút sự tham gia của nhiều con bạc. Việc đánh bạc thông qua ví điện tử Momo, con bạc sẽ chuyển tiền kèm nội dung giao dịch và tỷ lệ thắng tùy theo các loại game. Người chơi nếu thua sẽ mất hết số tiền cược, số tiền thắng sẽ được chuyển tự động về ví Momo cho con bạc. Từ khi vận hành các trang website đánh bạc trên, hằng ngày có lượng người tham gia đánh bạc rất lớn, hầu hết những người này không có mối quan hệ quen biết nhau từ trước.

santp-3.jpeg -0
Nguyễn Thành Quang cầm đầu đường dây đánh bạc qua ví điện tử momo

Tháng 3-2022, thông qua hình thức trinh sát trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh và Công an huyện Lộc Hà đã phát hiện những manh mối đầu tiên về đường dây đánh bạc này nên quyết định đấu tranh, triệt xóa. Đến ngày 18-5-2022, khi thời cơ chín muồi, ban chuyên án quyết định “cất vó”, ra quân đồng loạt, tiến hành bắt giữ, khởi tố về tội “đánh bạc” đối với 11 đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến qua ví Momo. Tang vật thu giữ gồm 10 bộ máy tính để bàn, 11 điện thoại di đông, 12 thẻ ATM, 179 sim rác cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan. Số tiền cơ quan tiến hành phong tỏa trong các tài khoản ngân hàng thời điểm phá án là 1,4 tỷ đồng. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, số tiền giao dịch đánh bạc thông qua vận hành các trang website trên là khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng.

santp-5.jpg -0
Cơ quan Công an khám xét văn phòng của một đường dây lừa đảo qua mạng xã hội

Liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trước đó, vào ngày 19-4, Công an TP. Hà Tĩnh phối hợp với Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh tiến hành bắt, triệu tập ổ nhóm 11 đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn thông báo trúng thưởng, tổng số tiền chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên phạm vi toàn quốc. Theo Trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an thành phố Hà Tĩnh thì từ lá đơn cầu cứu của một nạn nhân trên địa bàn về việc bị người lạ chiếm đoạt gần 900 triệu đồng thông qua hình thức gọi điện thông báo nhận thưởng, Công an TP. Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc. Qua xác minh trên không gian mạng, đơn vị xác định người phụ nữ này dính vào một đường dây lừa đảo qua điện thoại với quy mô lớn, đối tượng và trụ sở chính được đặt tại TP Hồ Chí Minh nên cử 2 tổ công tác Nam tiến, hóa trang thành tài xế Grab, nhân viên giao hàng để thu thập manh mối.

Quá trình đấu tranh xác định, đối tượng cầm đầu là  Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1983), trú tại 78/29/14 đường Khánh Hội, phường 4, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Hiếu từng là nhân viên của một tổ chức lừa đảo bán hàng trên mạng, sau khi học được mánh khóe, từ năm 2020 đối tượng này nghỉ việc ra thuê căn nhà 3 tầng ở quận 7 làm trụ sở, lập đường dây lừa đảo bằng chiêu gọi điện báo tin lừa trúng thưởng, dùng chiêu trò dụ dỗ nhiều người mua đồ gia dụng dỏm với giá cao. Để dụ dỗ khách hàng, Hiếu đặt mua nồi cơm điện, máy sấy tóc, quạt điện... là những mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng với giá bèo, sau đó đưa về gắn mác "hàng cao cấp" để bán với giá từ 5-10 triệu đồng một sản phẩm. Để tiếp cận được nạn nhân, Hiếu tham gia mua bán dữ liệu, mua thông tin cá nhân của nhiều người với giá 2.000 đồng một khách. Khi có hàng hóa và dữ liệu của khách hàng, dưới vỏ bọc của một giám đốc công ty đa ngành, Hiếu tuyển 16 nam nữ nhân viên thuộc nhiều lứa tuổi, trả lương mỗi tháng 4-5 triệu đồng, chia 1-2% tiền "hoa hồng" theo đơn hàng bán ra. Với hình thức gọi điện lừa trúng thưởng, đường dây này đã lừa đảo hàng nghìn nạn nhân nhẹ dạ cả tin chỉ trong thời gian ngắn.

Ngày 19-4, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh đột kích trụ sở công ty của Hiếu, bắt giữ đối tượng cùng toàn bộ nhân viên, thu giữ máy móc khi chúng đang mải mê gọi điện thoại lừa đảo. Cơ quan điều tra xác định, từ khi hoạt động vào năm 2020 đến thời điểm bị xóa sổ, Hiếu cùng đồng phạm đã lừa hàng nghìn người trên cả nước, trong đó tại Hà Tĩnh có 63 nạn nhân. Tính riêng 6 tháng gần nhất, tiền chiếm đoạt bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngăn chặn hành vi phạm tội trên không gian mạng

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh cho biết: Tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng nhanh, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trong đó nổi lên là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính riêng tội phạm lừa đảo bằng hình thức gọi điện trúng thưởng, lừa tuyển công tác viên riêng trong 2 năm gần đây, cơ quan chức năng đã đấu tranh, triệt xóa thành công 5 đường dây quy mô lớn, với số lượng nạn nhân lên đến hàng nghìn người trên khắp cả nước, số tiền bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

santp-2.jpg -0
Đối tượng và tang vật trong vụ lừa đảo 30 tỷ qua mạng xã hội do Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu

Ngoài ra, một số phương thức, thủ đoạn khác cũng khá phổ biến là đối tượng tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội để đăng bán vật liệu xây dựng, thiết bị y tế chống dịch; giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn; giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại để chiếm đoạt mã OTP; tội phạm giả danh cán bộ công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước thực trạng này, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo và cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật các thông tin cá nhân; chủ động phát hiện và kịp thời phối hợp với Cơ quan công an khi nghi ngờ có hành vi lừa đảo trên không gian mạng thì Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các đơn vị địa phương, đẩy mạnh việc đấu tranh với loại tội phạm này. Không chỉ  đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây lừa đảo trên không gian mạng, từ đầu năm đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 31 trường hợp, phạt tiền hàng trăm triệu đồng về các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Qua đó, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Thiện Thành
.
.