ShadowDragon: Con mắt quyền năng

Thứ Bảy, 30/10/2021, 21:31

Thế giới con người đang ngày càng chia sẻ nhiều thứ hơn về bản thân mình trên mạng xã hội. Và bọn tội phạm không phải là ngoại lệ. Nhà chức trách đã và đang dành được nhiều thành công trong hoạt động điều tra nhờ việc theo dõi những tài khoản mạng xã hội của tội phạm.

Tuy nhiên việc này cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những quyền cơ bản của công dân, đặc biệt trong bối cảnh một số công cụ theo dõi hiện đại mới được cảnh sát Mỹ đưa vào sử dụng.

Nhìn thấy hết

Thời gian gần đây người dân thành phố Michigan, Mỹ quan tâm đặc biệt trước thông tin cảnh sát ký kết hợp đồng sử dụng phần mềm ShadowDragon và Kaseware, hai công cụ theo dõi mạng xã hội tiên tiến nhất hiện nay. Khách hàng sử dụng sản phẩm này có thể thu thập thông tin của bất kỳ ai dựa vào mạng xã hội (Facebook, Twitter); chợ điện tử (Amazon, Ebay); báo mạng và nhiều website khác. Phần mềm sau đó sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp, phân tích thông tin nhằm tìm ra đối tượng tình nghi quen biết những ai, đi lại nơi đâu, từng mua cái gì, v.v…

Công ty phát triển ra ShadowDragon và Kaseware, luôn giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ đến khi nhờ vào các phóng viên điều tra của tờ The Intercept mà công chúng mới biết được một số thông tin về họ. Trong số khách hàng của ShadowDragon có Cục Nhập cư và Hải quan Mỹ, Sở Cảnh sát Massachusett, và Microsoft. Cả ba đơn vị này đều từ chối xác nhận quan hệ giữa họ và ShadowDragon.

“Cha đẻ” của ShadowDragon là chuyên gia bảo mật thông tin Daniel Clemens. Vào năm 2009, Công ty Packet Ninja do Daniel thành lập phát triển thành công nền tảng điện toán SocialNet, cơ sở để phát triển phần mềm như Kaseware. ShadowDragon là công ty “chị em” với Packet Ninja được Daniel Clemens thành lập nhằm thuận tiện cho việc phân phối và quản lý các sản phẩm do Packet Ninja phát triển.

Ý tưởng đứng sau SocialNet, ShadowDragon, v.v…được Daniel Clemens giải thích như sau: “Trước đây nhà điều tra phải tự đọc từng bài post một của đối tượng cần theo dõi nên mất rất nhiều thời gian. ShadowDragon không những tự động hóa việc này mà còn xử lý sơ bộ thông tin nữa…Thử nghiệm chính thức của FBI cho thấy, từ 5-15 phút sử dụng SocialNet tạo ra đủ dữ liệu bằng với 2 tháng con người tự làm”.

Theo thông tin nội bộ, ShadowDragon hiện thu được thập thông tin từ 120 website được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Họ có thể biết được địa chỉ IP, số điện thoại, ảnh chân dung, thói quen mua sắm, v.v…của đối tượng bị theo dõi. Chưa hết, nếu đối tượng sử dụng Facebok Message, Telegraph, Discord, v.v…để liên lạc, mọi tin nhắn của họ sẽ bị ghi lại. ShadowDragon sẽ tìm những từ khóa như “súng”, “amonia” (để làm thuốc nổ), “Hitler”, v.v… để đánh dấu chờ được người kiểm duyệt.

Trên nền tảng SocialNet, cảnh sát chỉ cần biết địa chỉ email hoặc số điện thoại là có thể tìm được mọi thông tin nhân thân của đối tượng theo dõi. Chưa hết, họ còn biết được ai là người nhà, bạn bè, đồng nghiệp của họ, hoặc giờ này ngày này họ đi đâu. Đây đều là những thông tin mang tính quyết định trong việc điều tra và xét xử. Giả sử một người đàn ông gây tai nạn. Cảnh sát có thể dùng SocialNet để biết rằng ông ta có đi uống rượu trước khi gây tai nạn, vậy là đưa được người đó ra toà.

Đối với các doanh nghiệp công nghệ, cơ hội kinh doanh đang mở rộng ra trước mắt họ. ShadowDragon hay Kaseware chỉ là hai “con cá nhỏ” trong một cái biển lớn mang tên “tình báo mở”, tức việc theo dõi đối tượng thông qua dữ liệu họ để lại trên mạng. Có biết bao nhiêu phần mềm khác nhau phục vụ mọi bước trong quy trình, một số giống Kaseware chuyên lưu trữ và phân tích dữ liệu, số khác lại như ShadowDragon có nhiệm vụ theo dõi sát sao “nhất cử nhất động” của đối tượng.

ShadowDragon: Con mắt quyền năng -0
Không có ngóc ngách nào được an toàn khỏi ShadowDragon.

Lắm tranh cãi

Giáo sư David Goldberg của trường Đại học Wayne State là người đầu tiên tìm hiểu và gây sự chú ý đến ShadowDragon. Ông đã trả lời tờ The Intercept như sau: “Tôi phải mất nhiều tháng nộp đơn yêu cầu các cơ quan nhà nước mới nhận được báo cáo về ShadowDragon. Mà bản thân các bản báo cáo đó cũng bị bôi đen nhiều chỗ, thậm chí có cả một mục dài hơn chục trang bị cắt đi”. Giáo sư Goldberg cũng như một số chuyên gia khác đang lo ngại về việc liệu chính quyền Mỹ có đang quá ỷ lại vào công nghệ mà đi sai phương hướng?

Việc cảnh sát lạm dụng công nghệ không phải hiếm. Sở cảnh sát thành phố San Jose cách đây 5 năm đã phải đưa ra tòa một nhóm sĩ quan vì sử dụng phần mềm theo dõi để tống tiền nhiều phụ nữ, buộc họ phải quan hệ tình dục với mình. Một trường hợp khác đáng nói là việc cảnh sát Texas sử dụng phần mềm Dataminr nhằm theo dõi những nhà hoạt động xã hội tham gia cuộc biểu tình sau vụ George Floyd. Những người này sau đó bị cảnh sát mặc thường phục bắt đi và tạm giữ mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào.

Ngay cả những người trong ngành cảnh sát cũng tỏ thái độ không hài lòng trước các phần mềm như ShadowDragon. Lisette Ciampa, cựu trung úy cảnh sát Los Angeles từng bị sa thải do phản đối cảnh sát bạo động sử dụng vũ lực trong cuộc bạo loạn năm 1992, đã đưa ra nhận xét: “Nhiều cảnh sát tin rằng ShadowDragon là liều “thuốc thần”. Họ ỷ lại vào nó mà không chịu xét đến những nguy cơ thật sự thúc đẩy tội phạm. Nghèo đói, thất nghiệp, vô gia cư, bạo lực gia đình, v.v…Ngay cả việc ở đâu cũng lắp đặt camera cũng gây áp lực lên cộng đồng và khiến cảnh sát trở nên xa cách người dân hơn”.

Nhận xét của Lisette Ciampa phần nào phản ánh thái độ chung của người dân Mỹ. Kể từ vụ khủng bố 11-9, chính quyền Mỹ đã áp dụng thêm rất nhiều công cụ theo dõi người dân. Nhưng trong bối cảnh tỷ lệ phạm tội suy giảm và một loạt những vụ lạm dụng chức quyền của cảnh sát, người dân đang phải tự đặt câu hỏi: “Phải chăng họ đang đặt quá nhiều quyền lực vào tay cảnh sát ?”.

Chắc chắn cuộc tranh luận xung quanh ShadowDragon nói riêng và công nghệ theo dõi nói chung sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tương lai gần.

Vũ Lê (Tổng hợp)
.
.