Sirajuddin Haqqani: Khi kẻ khủng bố trở thành Bộ trưởng Nội vụ

Thứ Bảy, 18/09/2021, 21:18

Ngày 7-9-2021, Taliban tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Tất cả những người được bổ nhiệm đều là nam giới và đa số đều đã từng đảm nhiệm những chức vụ cao nhất trong tổ chức Taliban. Trong số đó, nhân vật gây bất ngờ nhất chính là bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani.

Sirajuddin là con trai của Jalaluddin Haqqani, người từng đứng đầu nhóm khủng bố Haqqani. Sirajuddin từng chủ mưu vụ đánh bom khách sạn Serena ở Kabul năm 2008 khiến 6 người thiệt mạng, là một trong những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Đây là kẻ  đang bị FBI truy nã gắt gao và treo thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai có thể cung cấp thông tin giúp bắt giữ.

Haqqani là gì?

Mạng lưới Haqqani được thành lập bởi Jalaluddin Haqqani, một người theo chủ nghĩa chính thống của bộ tộc Zadran và đã chiến đấu cho phe mujahideen của Yunus Khalis chống lại Liên Xô vào những năm 1980.

Haqqani là một trong những nhóm khủng bố chống Liên Xô được CIA tài trợ nhiều nhất trong những năm 1980. Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan,  Haqqani đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với các chiến binh thánh chiến nước ngoài, bao gồm cả Osama bin Laden và sớm trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của hắn. Haqqani đã cam kết trung thành với Taliban vào năm 1995 và mối quan hệ giữa hai bên càng lúc càng chặt chẽ, tuy nhiên các thủ lĩnh Taliban và Haqqani đã phủ nhận sự tồn tại của chính Haqqani, tuyên bố cả hai nhóm là một.

Trong suốt 30 năm vừa qua, nhóm khủng bố này đã gieo rắc kinh hoàng ở Afghanistan, Bắc Waziristan thuộc Pakistan và được lực lượng tình báo nước này hỗ trợ cũng như bảo vệ. Tranh thủ sự vắng mặt của Mỹ tại Tây Bắc Afghanistan, Haqqani đã nắm quyền điều khiển nơi này và vươn vòi bạch tuộc đến tận thủ đô. Thêm vào đó, nhờ vào sự ủng hộ của Al-Qaeda cùng một loạt những nhóm khủng bố trong nước và quốc tế, Haqqani liên tục gây ra những vụ tấn công đẫm máu tại thủ đô Kabul trong những năm vừa qua và giữ vững vị thế của mình.

Năm 2009, lực lượng An ninh Quốc tế ISAF thuộc NATO đã từng nỗ lực thâm nhập Haqqani nhưng sớm thất bại. Trước khi Kabul bị Taliban chiếm đóng, các đội đặc nhiệm Mỹ bắt đầu đạt được những thành công bước đầu trong việc nhắm đến một số thủ lĩnh cấp trung và thấp của nhóm khủng bố. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng khởi động một loạt chiến dịch đánh bom bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt căn cứ địa của Haqqani tại Bắc Waziristan nhưng không thể tiêu diệt thủ lĩnh Sirajuddin. Năm 2012, Mỹ đã chính thức đưa Haqqani vào danh sách các nhóm khủng bố quốc tế.

Sirajuddin Haqqani: Khi kẻ khủng bố trở thành Bộ trưởng Nội vụ -0
Sirajuddin Haqqani (giữa).

 “Thái tử” Sirajuddin Haqqani và vụ khủng bố ở khách sạn Serena

Tháng 10-2001, do tuổi già và sức khỏe suy yếu, thủ lĩnh Jalaluddin Haqqani dần dần rút khỏi vị trí đứng đầu nhóm khủng bố và hắn đã đưa hai con trai của mình là Sirajuddin cùng Badruddin lên nắm quyền. Người em Badruddin là chỉ huy quân sự cấp cao của nhóm, còn tân Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Sirajuddin mới là người chỉ huy đích thực.

Sirajuddin, thường được những người thân tín gọi là Siraj, sinh năm 1979 và lớn lên tại Miram Shah. Khi còn nhỏ, Siraj thường không để tâm đến quyền lực của cha cũng như những hoạt động khủng bố của Haqqani. Một sĩ quan tình báo ISI có mối quan hệ thân thiết với gia đình cho biết Siraj là một đứa trẻ hiền lành, thân thiện, không ưa bạo lực. Thậm chí, ở tuổi thiếu niên, hắn còn thường xuyên phàn nàn với cha mình rằng Taliban quá hiếu chiến và độc đoán. Nhưng khi trưởng thành, Siraj bắt đầu quay sang ủng hộ Haqqani và Taliban, sẵn sàng “kế nghiệp” cha mình.

Tuy không liên quan đến vụ khủng bố 11-9-2001, Siraj cùng vợ con đã chạy trốn tới Mirai Shah để được tình báo Pakistan bảo vệ. 2 năm sau, tướng Taliban Mullah Obaidullah đã tới tìm gặp Siraj với mục đích hợp tác xây dựng một mạng lưới phản loạn ở Tây Bắc Afghanistan và điều này chứng tỏ năng lực cũng như tầm ảnh hưởng của “hoàng tử khủng bố” - lúc đó mới chỉ 24 tuổi và chưa hề tham gia bất kì vụ tấn công nào.

Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ, các phần tử khủng bố Arập và Iraq đã ghé thăm những trại huấn luyện của Siraj để “chuyển giao công nghệ” đánh bom tự sát và chế tạo chất nổ. Nhờ sự giúp đỡ này, Haqqani đã trở thành nhóm khủng bố đầu tiên khởi xướng những vụ tấn công liều chết. Đến giữa năm 2005, Siraj đã là kẻ cầm đầu cuộc phản loạn ở Loya - Paktia, Afghanistan cùng hai trợ thủ đắc lực là Muallim Mohammad Zaman và Adul Lais al-Jazairi.

Sirajuddin Haqqani: Khi kẻ khủng bố trở thành Bộ trưởng Nội vụ -0
Lệnh truy nã Sirajuddin của FBI.

Đầu năm 2008, Siraj đã chủ mưu cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào khách sạn 5 sao Serena tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Đây là một cuộc tấn công rất liều lĩnh và có ý đồ vì Serena là điểm đến của hàng loạt đoàn ngoại giao quốc tế và những phóng viên. Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, phái đoàn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy Jonas Ghar Store đang trú tại khách sạn này, và Đại sứ quán Úc tại Afghanistan cũng được đặt ở đây. Taliban dự định nhắm vào phòng tập thể hình và hồ bơi của khách sạn vì đây là 2 địa điểm tập trung nhiều khách nước ngoài nhất.

18h30 chiều 14-1-2008, ba kẻ khủng bố giả danh cảnh sát vào khách sạn nhằm đánh lạc hướng an ninh và lễ tân để tên thứ 4 kích nổ quả bom đang mang trên người. Zadihulla Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, khẳng định ngoài bom thì nhóm 4 người còn mang theo súng AK-47 và lựu đạn. Khi khách sạn còn đang hỗn loạn, các thủ phạm cho nổ tung một xe ô tô đỗ bên ngoài và một loạt lính Taliban bắt đầu xả súng từ bên ngoài. Một vệ sĩ đã kịp hạ gục một trong những tên lính này trước khi chúng kịp xông vào sảnh.

2 tên lính Taliban ném lựu đạn vào nhóm vệ sĩ, xông vào khách sạn và trong khi một tên kích nổ quả bom tự sát thứ 2, tên còn lại xả súng và bắn trúng nhiếp ảnh gia Na Uy Stian Solum. Lúc này phái đoàn ngoại giao Na Uy đang họp tại đó.

Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, lực lượng quân đội Mỹ và Afghanistan đã lập tức có mặt ở hiện trường để giải cứu những người còn mắc kẹt và tiêu diệt nhóm khủng bố. Nhân viên công ty an ninh được chính phủ Mỹ thuê là một trong những người đầu tiên xuất hiện. Sau khi xác định được tình hình, họ tiến vào khách sạn Serena, lục soát từng phòng và sơ tán 20 khách du lịch nước ngoài. Trong khi đó, lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế lái hai xe bọc thép có đầy đủ trang thiết bị y tế để giải cứu phái đoàn ngoại giao Na Uy.

Cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của 6 người và khiến 6 nạn nhân khác bị thương nặng. 2 công dân Na Uy thiệt mạng là ông Carsten Thomassen, phóng viên tờ báo danh tiếng Dagladet và một nhân viên ngoại giao khác. Cho dù được cứu chữa tận tình ở bệnh viện của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế tại Kabul, ông Thomassen đã qua đời trong phòng mổ do bị thương quá nặng. Ngoài ra, 2 nhân viên bảo vệ, 1 nhân viên nữ người Philipine cùng 1 công dân Mỹ tên Thor Helsa cũng qua đời trong cuộc tấn công. Ông Helsa đã có thâm niên nhiều năm làm việc cho các chiến dịch tranh cử của các chính khách như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, chính trị gia David Wu, Bill Bradley…

Sirajuddin Haqqani: Khi kẻ khủng bố trở thành Bộ trưởng Nội vụ -0
Một số thành viên của tổ chức khủng bố Haqqani.

Bộ mặt thật của thủ lĩnh Haqqani

Nhờ những “thành tích” này, Siraj đã vượt mặt hai người anh em cùng cha khác mẹ gốc Zadran là Nasir và Ibrahim để trở thành thủ lĩnh duy nhất của Haqqani. Ngoài ra, các báo cáo tình báo cũng cho biết Siraj được trọng dụng một phần nhờ vào nguồn gốc Arập của hắn - một lợi thế đặc biệt khi Haqqani lúc đó đang muốn bành trướng tầm ảnh hưởng ở vùng đất này.

Không chỉ là người gốc Arập, khi còn trẻ hắn đã giao du và xây dựng mối thân tình với nhiều phần tử khủng bố cực đoan quốc tế ở Pakistan, Arập Xêút và Dubai - nơi mẹ của hắn sinh sống. Những mối quan hệ này đã dẫn đến việc Siraj đột nhiên trở nên rất sùng đạo từ những năm 1990 và hiện tại, hắn tự nhận mình là một “Khalifa” - có nghĩa là thủ lĩnh Hồi giáo và thường xuyên sử dụng những thuật ngữ tôn giáo đao to búa lớn để miêu tả bản thân.

Một số sĩ quan tình báo Mỹ nhận định Siraj rất khác với người cha của mình, hắn thực dụng và tính toán hơn rất nhiều; hậu quả là hai cha con thường xuyên bất đồng về phương thức lãnh đạo Haqqani. Siraj được mô tả là một người đàn ông thân thiện, lịch sự, giản dị, biết lắng nghe, thẳng tính và có trí nhớ như máy tính. Tuy nhiên do quá khác biệt với cha, hắn không được lòng người dân vùng Loya-Paktia, vốn là một địa điểm trọng yếu đối với Haqqani, và thường bị chê trách là một kẻ giả tạo. Nhiều người cho rằng hắn bị người dân căm ghét do chỉ biết trấn áp họ bằng vũ lực, trong khi cha của Siraj lại hỗ trợ người dân về tài chính và đảm bảo an ninh cho vùng đất này. Tuy vậy, Siraj vẫn là một gương mặt đáng gờm trong mắt Chính phủ Mỹ và mức tiền thưởng FBI dành cho những người có thể cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hắn đã tăng từ 50.000 USD trong năm 2011 lên 5 triệu USD năm 2020.

Sirajuddin Haqqani: Khi kẻ khủng bố trở thành Bộ trưởng Nội vụ -0
Một số thành viên của Haqqani tại thủ đô Kabul sau khi Taliban lên nắm quyền.

Để lấy lại sự tín nhiệm của người dân, Siraj buộc phải tìm hướng đi mới cho Haqqani. Thông thường, các thủ lĩnh của nhóm khủng bố sẽ đàm phán với chính quyền địa phương cũng như người dân để đi đến sự hợp tác giữa hai bên, tạo điều kiện cho Haqqani dễ bề hoạt động. Cụ thể hơn, nhóm sẽ đồng ý để cho trẻ em được đi học, không chen ngang vào hoạt động kinh doanh gỗ và hạt thông để đổi lại Haqqani sẽ được hoạt động thoải mái. Đôi khi, nhóm còn mua chuộc người dân bằng những khoản tiền khổng lồ. Trong thời gian gần đây, Siraj đã phủ nhận toàn bộ cách vận hành này cũng như cái tên Haqqani và thay vào đó, thề trung thành với vị tướng độc nhãn Mullah Omar - thủ lĩnh quá cố của Taliban.

Mạnh bạo hơn, trong một cuộc phỏng vấn công khai, Siraj còn giải thích rằng Haqqani không tồn tại và cái tên này chỉ là trò chia rẽ của những lực lượng đối địch.  Nhiều chuyên gia nhận định, Siraj đang tranh thủ sự ủng hộ của người dân và tăng uy tín của mình trong mắt các nhóm khủng bố nước ngoài bằng cách bám chặt vào danh tiếng của người rất được tôn trọng như Mullah Omar. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, vì Taliban cần lực lượng Haqqani để tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trên toàn quốc.

Huyền Thi
.
.