“Sóng ngầm” trong nhà tù Mexico
Dư luận Mexico gần đây đã bị chấn động sau một cuộc nổi loạn đẫm máu tại nhà tù Ciudad Juarez gần biên giới với Mỹ. Cuộc nổi loạn được châm ngòi bởi một vụ tấn công từ bên ngoài vào nhà tù. 30 tù nhân đã đào tẩu thành công và 17 người – hầu hết là quản giáo – tử vong trong cuộc nổi loạn. Đằng sau thảm kịch này là một sự thật kinh khủng hơn: hệ thống nhà tù Mexico có vẻ như đang nằm trong tay chính những kẻ đang bị giam giữ?
Những chiếc tổ “đại bàng”
Không phải vô cớ mà hãng tin CNN từng gọi nhà tù Mexico là “địa ngục trần gian”. Hiện quốc gia này đang giam giữ khoảng 226.000 tù nhân, vượt quá khả năng của những nhà tù nước họ. Tất cả các trại giam ở Mexico đều quá tải. Tại nhà tù Ciudad Juarez nơi xảy ra bạo loạn giam giữ hơn 4.000 tù nhân, quá tải 23% so với công suất thiết kế. Chưa hết, những tù nhân mắc tội vặt hay thậm chí là tạm giam để chờ xét xử được giam chung với các tên tù hình sự. Điều này chỉ có thể dẫn đến việc cực đoan hóa tù nhân, biến nhà tù thành cái “lò” tuyển mộ và đào tạo tay chân cho các băng đảng.
Những kẻ đứng sau vụ nổi loạn ở Ciudad Juarez là thành viên băng nhóm Mexicales khét tiếng hai bên bờ biên giới Mexico-Mỹ. Chúng thống trị khu vực bang Chihuahua và giữ vị thế đầu mối giúp các băng đảng khác như Sinaloa đưa ma túy sang Mỹ. Sự việc xảy ra lúc tảng sáng hôm Chủ nhật. Hai xe thiết giáp chở mười tay súng dừng lại trước cổng nhà tù rồi tấn công các chốt bảo vệ và tháp canh. Cùng lúc đó các tù nhân phía trong bắt đầu nổi loạn. Lực lượng quản giáo bị từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào nên hoàn toàn vỡ trận. Trong số những kẻ lãnh đạo âm mưu và trốn thoát thành công có một ông trùm Mexicales đang phải chịu án tù chung thân vì tội giết người và buôn bán ma túy.
Sau khi cuộc nổi loạn xảy ra, cơ quan điều tra đã cho khám xét buồng giam của các đối tượng đào tẩu và phát hiện ra nhiều TV, đầu thu truyền hình, rượu, thuốc phiện, ma túy tổng hợp, két sắt, và 14 khẩu súng. Chưa hết, một số đối tượng còn sở hữu chìa khóa các cửa chia cách những khu vực khác nhau trong nhà tù. Nhờ chìa khóa mà chúng mới tập hợp lực lượng để nổi loạn thành công kể cả khi quản giáo đã đóng cửa từng khu vực một của nhà tù.
Không một nhà tù nào trên thế giới mà tù nhân không những được sống sung sướng mà còn có cả chìa khóa cửa cả. Vậy nhưng theo anh Carlos Quijas, điều tréo ngoe trên lại là bình thường tại Mexico. Anh Quijas là người Mỹ gốc Mexico. Vào năm 2009, trong khi đến thăm bà nội mình ở thành phố Juarez, anh Quijas và bạn đi cùng bị gán nhầm tội buôn bán ma túy và chịu ngồi tù 5 năm tại chính trại giam Ciudad Juarez.
Anh Quijas kể lại trải nghiệm của mình: “Chúng tôi được phân vào một buồng giam có đến 12 người một lúc. Bạn tôi mới cầm tờ 100 USD đưa cho một tay quản giáo. Nhờ thế mà chúng tôi được chuyển sang buồng giam khác chỉ có hai người, một tên bắt cóc và một kẻ giết người. Trong phòng có TV vệ tinh và rượu không khác gì nhà nghỉ. Một tên cùng phòng còn rủ chúng tôi hút thuốc phiện... Ngày hôm sau bạn tôi mới liên lạc được với em họ là nghị viên. Anh kia lại gọi điện cho giám đốc trại giam để nhờ cho hai đứa tôi được chuyển sang khu trại giam “VIP”. Ở khu này vợ con tù nhân được phép ra vào tự do. Họ còn cầm theo bếp lò để nướng thịt ngay trong tù”.
Thời gian ở tù quả thật là “dễ chịu” với Carlos Quijas. Khu giam giữ anh có đủ từ nhà bếp đến phòng tập thể hình để cho tù nhân sử dụng. Các đối tượng chịu án thậm chí còn được phép sở hữu di động để gọi ra bên ngoài. Quản giáo ngày chỉ hai lần đi tuần quanh khu giam giữ để cho có lệ. Đây là môi trường hoàn hảo để các tù nhân cấu kết với đồng bọn ở bên ngoài nếu muốn lên kế hoạch vượt ngục.
Carlos Quijas còn nói thêm: “Các “đại bàng” trong tù còn dùng tiền, đồ ăn, rượu và ma túy để tuyển mộ lính. Tôi từng thấy nhiều thanh niên vào tù Mexico vì ăn trộm vặt, khi ra tù thì đã trở thành dân anh chị chuyên nghiệp. Mà họ cũng phải làm vậy mới sống sót trong tù được. Tù nhân nào cũng phân chia thành những băng nhóm khác nhau. Ai mà không có “ô dù” thì thật nguy hiểm”.
Nhà báo Martin Orquiz nhận xét trên tờ El Diario: “Những vụ gây gổ, đánh lộn trong tù xảy ra như cơm bữa. Gần như tháng nào cũng có người chết. Trong một lần đến thăm nhà tù ở Tijuana, tôi nhìn thấy hai cái xác treo lủng lẳng dưới mái hiên trại giam. Trước đó có một băng đảng đã nổi loạn rồi trèo lên mái nhà để treo cổ hai thành viên của băng đảng đối địch”.
Nhiều người Mexico đến bây giờ vẫn không thể quên được vụ ẩu đả xảy ra tại nhà tù thành phố Monterrey, bang Nuevo Léon. Vào lúc 2 giờ sáng một ngày chủ nhật, các tù nhân tại khu C đồng loạt tấn công tù nhân ở khu D. 44 người tử vong do bị đâm bằng dao tự chế, bị đánh bởi thanh sắt hay bị ném đá tới chết. Được biết đây là một cuộc tấn công được cartel Los Zetas lên kế hoạch nhắm vào thành viên của cartel Vùng Vịnh đối địch.
Kể từ khi nguyên Tổng thống Felipe Calderon đưa quân đội vào cuộc chiến chống ma túy, tình trạng bạo lực tại Mexico đã liên tục bị đẩy lên những tầm cao mới. Con số người chết vì bạo lực giữa các cartel mới đây đã vượt ngưỡng 40.000 nạn nhân/năm. Bản thân nhà tù cũng trở thành chiến trường cho các băng đảng. Theo số liệu của Hội đồng Nhân quyền quốc gia Mexico, đã có 267 người chết tại các nhà tù ở quốc gia này trong năm 2021. Các băng đảng trong tù dùng bạo lực vừa để dàn xếp thù cũ, vừa nhằm huấn luyện đám “tân binh” trở thành những tay súng thực thụ phục vụ cho cartel sau khi ra tù.
Tham nhũng?
Người phát ngôn Jorge Chairez của viện công tố bang Chihuahua thừa nhận với báo chí: “Các cartel đã nắm trong tay các nhà tù tại bang suốt một thời gian dài. Chúng lên kế hoạch bắt cóc, hành hung và giết người ngay trong buồng giam. Các nhà tù đang hoạt động theo “luật rừng” mà tội phạm đề ra. Chính phủ đã mất kiểm soát.”
Điều gì đã dẫn đến sự việc này? Một phần câu trả lời nằm ở tình trạng tham nhũng tràn lan trong lực lượng quản giáo. Theo một cuộc điều tra của tổ chức Minh bạch quốc tế, 51% người nhà của các phạm nhân cho biết họ từng hối lộ cho quản giáo. Lý do được đưa ra cho hành động này chủ yếu rơi vào nhóm “Để được cai tù cung cấp những dịch vụ cơ bản”.
Cô Ainara Merlo, một người được khảo sát, kể lại về hành trình thăm chồng trong tù của mình: “Trước khi đến nhà tù Reclusorio Preventivo Varonil Oriente, gia đình tôi đã được dặn sẵn là phải đem tiền theo... Tôi vừa đi qua máy kiểm soát an ninh ở cổng nhà tù thì bị bắt dừng lại. Họ bảo là trong áo ngực của tôi có mảnh kim loại nên không được vào nhà tù. Một quản giáo nữ vừa khám người tôi vừa nói nhỏ vào tai tôi: “Xì tiền ra”. Tôi đưa cho cô ta 10 peso thì được qua cổng”.
10 peso đấy chỉ là khoản “phí vào cửa”. Cô Ainara còn phải đút lót không biết bao nhiêu khoản tiền khác: 10 peso cho quản giáo khám xét thức ăn cô mang cho chồng, 20 peso cho quản giáo phát thẻ người nhà phạm nhân, v.v... tổng cộng là 150 peso. Ngoài ra mỗi lần vào thăm cô Ainara còn cho chồng 300 peso. Số tiền này được chia ra như sau: 5 peso cho quản giáo mỗi lần gọi tên (hằng ngày trong tù quản giáo sẽ gọi tên phạm nhân 3 lần), 50 peso cho tiền điện và 50 peso cho tiền nước hằng tuần. Gia đình Merlo đã khánh kiệt vì phải trả những khoản hối lộ. Nhưng cô Ainara vẫn phải chạy vạy vay mượn để có tiền đút lót. Cô cho biết: “Tôi sợ nếu như mình không hối lộ thì người ta sẽ làm gì với chồng mình? Tôi đã nghe nhiều người kể chuyện là vì người nhà không nộp tiền mà quản giáo lôi phạm nhân ra đánh đập hay vu oan để kéo dài án tù”.
Vào hồi này năm ngoái, một nhà tù tại bang Tabasco đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi truyền hình đưa tin về việc các tù nhân bị tra khảo. Sáu phạm nhân ở chung một buồng giam đang ngủ thì bất ngờ bị đánh đập dã man bởi một nhóm những kẻ đeo mặt nạ. Các tù nhân bị đá liên tục vào ngực và hạ bộ. Hai người bị bẻ gãy ngón tay, còn một người khác bị chích điện vào hậu môn. Những kẻ bịt mặt còn phá phách tư trang của các tù nhân.
Tuy đã có bằng chứng rõ ràng nhưng các nhà điều tra gặp khó khăn trong việc lấy lời khai từ các nạn nhân. Đây không phải là điều hiếm gặp. Phạm nhân luôn không muốn khai kể cả khi họ là nạn nhân vì sợ bị trả thù. Phải đến khi phía công tố hứa sẽ bảo đảm an toàn tính mạng phạm nhân bằng cách chuyển họ đi nhà tù khác thì nạn nhân mới dám khai. Những kẻ bịt mặt không ai khác chính là các quản giáo nhà tù. Họ tấn công phạm nhân vì trong buồng giam ấy có một người không chịu trả tiền hối lộ cho cai tù.
Tình trạng tham nhũng tràn lan trong nhà tù Mexico đã tạo ra nghịch cảnh trong khi các tù nhân phạm tội ăn trộm bị đối xử tệ bạc, bị cướp hay thậm chí là chịu hành hung, những tên tội phạm bắt cóc, giết người, buôn bán ma túy lại sống như ông vua. Hiện tượng này đã diễn ra được nhiều thập kỷ. “Vua ma túy” El Chapo (tên thật: Joaquín Guzmán Loera) từng bị bắt vào tù năm 2001 nhưng đào tẩu thành công nhờ hối lộ quản giáo mở cửa và trao súng cho mình. Lần thứ hai hắn vào tù năm 2015 cũng xảy ra việc tương tự. Lần này tay chân của El Chapo đào hẳn một đường hầm từ phòng tắm nhà tù ra ngoài. Các cai tù được ông trùm gần như trả lương hằng tháng để “bỏ ngoài tai” tiếng máy móc đào đường hầm ầm ầm.
Liệu có câu trả lời nào cho việc chấn chỉnh hệ thống nhà tù cũng như đội ngũ quản giáo? Theo Saskia Nino de Rivera, lãnh đạo tổ chức kêu gọi cải tạo nhà tù Reinserta, điều này khó xảy ra trong tương lai gần: “Chưa nói gì đến các cartel, bộ máy điều hành nhà tù có quyền lực lớn trong nền chính trị Mexico. Không chính khách địa phương nào muốn động đến nhà tù”.
Sự thay đổi chỉ có thể đến từ các tù nhân. Vào đầu năm ngoái, một nhóm 300 phạm nhân tại một trại giam ở Chiconautla đã ký chung lá đơn gửi lên Bộ Tư pháp Mexico để khiếu nại về tình trạng bạo hành và tham nhũng trong tù. Trước đó các tù nhân trên đã đồng loạt nhịn ăn để phản đối việc không được cung cấp nước sạch, khẩu trang, và thuốc điều trị HIV/AIDS. Ban đầu phía lãnh đạo nhà tù đồng ý với yêu sách của phạm nhân, nhưng đến đêm họ lại điều quản giáo mặc áo chống đạn vào trại giam để dùng lựu đạn hơi cay và đánh những người đã nhịn ăn.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador tuyên bố đình chỉ chức vụ các cá nhân tham gia quản lý nhà tù, đồng thời mở cuộc điều tra về hành vi của họ. Đây là bước đầu trong một chiến dịch cải tổ hệ thống nhà tù của Bộ Tư pháp Mexico. Tuy phần lớn những sự thay đổi phải đến năm 2023 mới được thực hiện, nhưng chúng cũng đã phần nào thắp lại niềm tin của công chúng Mexico, vào sự công bằng của luật pháp nước này.