SOS trẻ hóa tội phạm đường phố!
Nhìn vào những vụ án lực lượng Công an đã truy quét, triệt xóa thời gian qua, thì không ít trong đó phạm tội ở tuổi vị thành niên. Chúng có tuổi đời rất trẻ, chỉ 12 hoặc 14, 15 tuổi đã tham gia vào những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung, đánh nhau trên đường phố… Trẻ hóa tội phạm đường phố đang đặt ra những thách thức mới cho xã hội.
Những đứa trẻ… sớm sa vòng tội lỗi
Khi tội phạm đường phố là những người trẻ tuổi, tìm hiểu sâu xa hơn vào vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, đa phần đều có hoàn cảnh sống khác người, đã chịu nhiều tổn thương, bị bỏ rơi, bạo hành, khốn khổ... Một mình giữa chốn xa lạ, nhiều đứa trẻ buộc phải đối mặt với yếu tố sinh tồn, trong đó có việc phạm tội.
L.T.H (17 tuổi, quê Tiền Giang) sống trong gia đình có cha nghiện rượu thường xuyên đánh đập mẹ và hai chị em trong nhà. Rồi một ngày, mẹ không chịu nổi đã bỏ đi Campuchia và có người mới bên ấy. H. cùng chị gái, khi đó mới 15 tuổi buộc phải nghỉ học, dắt nhau lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống.
Ban đầu, hai chị em đi bán vé số, sau đó chị gái H. được một tiệm tóc nhận vào làm nhân viên và học nghề. Những tháng ngày sau, chị gái H. có người yêu rồi phiêu bạt đêm ngày, hai chị em rất ít khi gặp gỡ. H. một mình vẫn đi bán vé số, đánh giày rồi thỉnh thoảng gia nhập vào nhóm “hai ngón” ở chợ đêm khu vực quận 4, quận 1. Mới đi được hai lần thì H. bị bắt trong đợt ra quân truy quét của lực lượng liên ngành. Đàn anh của H. phải đi trại giáo dưỡng, số khác đi trại giam, riêng H. còn nhỏ và chỉ đi theo nên được trả về địa phương.
Trở về nhà sợ cha đánh đập, H. đã trốn lên thành phố và tiếp tục cuộc sống lang thang. Hôm nào làm có tiền thì lao vào quán game say sưa cho đến cạn túi, ngày nào không có thì ủ mưu tìm cách trộm cắp. Thói quen ăn sâu vào trí óc của H., trộm cắp trở thành nghề quen tay. H. còn tham gia vào những trận dàn dựng cướp trên đường, cho đến ngày bị bắt và lần này buộc phải đi trường giáo dưỡng.
Sau hơn 2 năm trở về, H. chợt nhận ra mình không thể sống cuộc đời lang thang, trộm cắp, cướp giật như xưa được. H. được kết nối làm trong nhà hàng ở gần phố đi bộ, có nơi ở đàng hoàng, mỗi tháng có tiền lương.
H. hẹn gặp chúng tôi khi vừa tan ca làm. Dáng dấp của thanh niên 18 tuổi trải qua những năm tháng lang bạt đường phố, sa ngã vào tệ nạn xã hội giờ đây là một chàng trai cứng cỏi, ít nói. H. thổ lộ, đã lâu rồi không về thăm cha, chẳng biết ông thế nào, còn chị gái thì nghiện ma túy đang ở trại cai nghiện trên Bình Phước, năm sau mới được về. Kể về gia cảnh của mình, H. thở một tiếng thở dài.
Cuối tháng 5/2024, Công an TP Dĩ An (Bình Dương) đã triệt xóa nhóm tuổi “teen” dùng gậy, mã tấu chém người đi đường để cướp tài sản. Đáng chú ý, nhóm này có tuổi đời còn rất trẻ, từ 13 đến 18 tuổi, đều bỏ học sớm, thường xuyên lêu lổng cùng nhau. Do nhu cầu ăn chơi nên cả nhóm bàn bạc ra đường đe dọa, hành hung rồi cướp tài sản người dân đem đi bán lấy tiền tiêu xài. Là đối tượng nhỏ tuổi trong nhóm, N.V.M sống cùng mẹ ở khu trọ công nhân, nhưng lười nhác làm việc, thường theo nhóm bạn ra ngoài chơi game.
Bà N.T.P (40 tuổi, mẹ M.) gãy đổ hôn nhân sớm, vào Bình Dương lập nghiệp không có công ăn việc làm ổn định, gặp người đàn ông thứ hai thì sa ngã vào cờ bạc, rượu chè. Căn phòng trọ đêm nào cũng ngập trong tiếng chửi rủa của người đàn ông, tiếng thét của bà P. Thường xuyên chứng kiến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” của cha dượng và mẹ, M. cũng bất cần và trở thành đứa trẻ cứng đầu, ương ngạnh, ra đường đánh người, cướp của.
Biết con hư hỏng nhưng bà P. cũng không biết phải làm sao, khi cuộc sống quá khó khăn mà tình cảnh của bà lại éo le, ngang trái. “Cho nó đi trại để nó biết thế nào là khổ, rồi về làm lại từ đầu”, bà P. buông lời bất lực.
Cùng cảnh ngộ với bà P. là bà T.M.D (42 tuổi, quê Sóc Trăng). Bà D. có chồng buôn ma túy đang ở tù, một nách nuôi ba đứa con nên bà không còn sức lực để dạy dỗ chúng. Đứa lớn năm nay 20 tuổi, đang làm bảo vệ ở TP Thủ Đức, cũng từng có tiền án đánh người, cải tạo không giam giữ 18 tháng. Con gái thứ 17 tuổi trước làm phục vụ quán ăn, sau theo người yêu ra Đà Nẵng rồi ít liên lạc về. N.V.Đ là con út, 15 tuổi ở cùng bà nhưng có thói ăn chơi đua đòi. Đ. thường xuyên xin tiền mẹ đi chơi với nhóm bạn, hôm nào không có tiền cho, Đ. chửi bà D. rồi bỏ nhà đi mấy ngày không về. Sợ con ra ngoài làm điều gì dại dột, bà D. lại ứng lương giúp việc hoặc vay mượn tiền của bạn bè, thậm chí vay nóng bên ngoài đưa cho con trai khi nó muốn đổi điện thoại hoặc mua cái xe máy.
Nhưng dù có nuông chiều con đến đâu, bà D. cũng không thể giữ chân đứa trẻ ở nhà mãi. Khoảng 3 tháng trước, Đ. gia nhập vào nhóm 12 thanh niên cầm hung khí đi giải quyết mâu thuẫn giúp đàn anh. Hậu quả, làm hai người tử vong. Trong đó, một thanh niên tử vong do chạy xe quá tốc độ tông phải người phụ nữ đang đi ngoài đường, nạn nhân nữ đã tử vong sau đó. Từ ngày con út vướng vòng lao lý, cậu con trai cả đã về ở với bà D. an ủi, động viên mẹ.
Quá khứ không tốt đẹp gì, nhưng bây giờ cậu ấy biết suy nghĩ tích cực, không còn tham gia chơi bời lêu lổng với các nhóm xã hội, bụi đời nữa. Tuy công việc không mang lại thu nhập cao, nhưng đủ để nuôi thân và trở thành người tốt. Bà D. lấy đó làm niềm khích lệ, nhưng trong thâm tâm bà vẫn luôn lo sợ những đứa con của mình một ngày nào đó lại lao ra đường gây tội. “Chúng không được học hành từ nhỏ, lại sống thiếu tình cha nên buồn tủi, mặc cảm, ra ngoài dễ sa ngã. Đời tôi coi như thất bại trong chuyện chồng con rồi”, bà D. thở dài buồn bã.
Để tội phạm đường phố không còn đất sống
Trong những ngày đi tìm hiểu và viết bài, chúng tôi nhận thấy, đa số tội phạm đường phố ở tuổi vị thành niên đều có một xuất phát điểm rất thấp, có hoàn cảnh gia đình không được hạnh phúc, ấm êm. Trẻ em thuộc nhóm đối tượng này có xu hướng tìm những người cùng hoàn cảnh để tụ tập, quậy phá hoặc dễ bị đối tượng xấu nắm bắt hoàn cảnh, tiếp cận với mục đích lôi kéo tham gia các hoạt động phạm pháp. Trường hợp những đứa trẻ là con của bà P., bà D. thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều xuất phát từ sự rủ rê, a dua từ bên ngoài. Ở trong gia đình, chúng lại không được cha mẹ yêu thương dẫn đến tâm lý bất cần, ra ngoài sống buông thả, dễ mắc sai lầm.
Đây chính là nguồn cơn hình thành nên tâm lý tội phạm tuổi vị thành niên. Cùng quan điểm trên, luật sư Vũ Trường Thanh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người chưa thành niên phạm tội thường là người dễ bị các tác động tiêu cực do từng trải qua những bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Hoặc có những người chưa thành niên gặp rung động đầu đời, do không được gia đình uốn nắn, cộng thêm việc bị vô tình hay cố ý “tiêm nhiễm” những câu chuyện trên các phương tiện thông tin dẫn đến những hành vi dại dột. Tình cảm, tâm lý thường xuyên có tính rung động cao, dễ bị kích động, bồng bột, dễ thay đổi là đặc trưng cơ bản lứa tuổi của những người chưa thành niên phạm tội. Khi các nhu cầu càng nhiều, càng cao, con người lại muốn được thỏa mãn nhưng không đủ khả năng và trong nhiều trường hợp, họ sẽ tìm mọi cách bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật chỉ để thỏa mãn nhu cầu, dục vọng cá nhân.
Theo luật sư Thanh, trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu vi phạm các tội danh như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng… Hiện nay, các hành vi phạm tội đang chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn với các tội danh như cướp tài sản, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy... Bên cạnh đó loại hình tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Tội phạm ngày càng trẻ hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tương lai mỗi cá nhân, sự ổn định của các gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh, gây bất an trong xã hội và tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Chưa kể, khi loại tội phạm này gia tăng, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát sẽ nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường xã hội, thậm chí có thể là nguyên nhân lôi kéo nhiều người trẻ phạm tội. Tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu gia tăng cũng phần nào cho thấy sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong một số gia đình và sự sa sút về đạo đức lối sống của không ít người trẻ.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, để ngăn chặn nguy cơ và hạn chế sự gia tăng của tội phạm vị thành niên là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể, cũng như là trách nhiệm của toàn xã hội; cần quản lý với các nền tảng số nhằm cảnh báo, gỡ bỏ các nội dung bạo lực, phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, từng bước đẩy mạnh sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt "nền tảng gia đình" vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Sự thấu hiểu, quan tâm, đồng hành kịp thời của gia đình là giải pháp hiệu quả nhất giúp các em phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, hình thành những phẩm chất tốt đẹp; rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành những công dân có ích. Cha mẹ phải là người tạo ra "vắc-xin miễn dịch" cho con bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm và phương pháp giáo dục đúng cách.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự với tội phạm đường phố, thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tỷ lệ khám phá các vụ án từ rất nghiêm trọng trở lên đạt trên 90%. Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình phạm pháp hình sự đã được kéo giảm, tội phạm đường phố cơ bản được kiềm chế. Quý I/2024, tội phạm đường phố giảm gần 13% (99 vụ).
Với phương châm phòng ngừa là chính, Công an thành phố chủ động đề ra chỉ tiêu bắt buộc, quyết tâm khám phá 100% án cướp, cướp giật; khám phá trên 75% án trộm cắp. Xác định rõ quan điểm kéo giảm tội phạm đường phố là mục tiêu quan trọng.