Sự thật về nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”

Thứ Tư, 24/11/2021, 14:00

Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1975, trú tại 53/5 Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã dựng lên các nhóm “Bầu khấn”, nhóm “Chúa Cha” và “Trừ quỷ Bảo Lộc”, lôi kéo nhiều người tham gia vào hoạt động “chữa bệnh, trừ quỷ”.

Bất chấp sự phản ứng của cộng đồng, các thông cáo, thư định hướng nhắc nhở, răn đe của Tòa Giám mục Đà Lạt và sự nhắc nhở của chính quyền, Thương và nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn hoạt động chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan, phản khoa học.

Hai lần dựng chuyện nhận “thai thánh”

Sự việc bắt đầu vào khoảng cuối năm 2012, Thương cùng chồng là Trần Vũ Lê Thanh Quảng (SN 1974) đến giáo xứ Đa Gu Ri - Bình Thuận nhờ Linh mục quản xứ “đặt tay có thai”. Cuối năm sau Thương sinh con và khẳng định đó là “thai Thánh”, đứa con do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng.

Sự thật về nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” -0
Nguyễn Thị Thương (đứng bên trái) và các thành viên nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang “trừ quỷ” cho một bệnh nhân.

Cũng thời điểm này, Thương rêu rao rằng được ơn hiệp thông với “Chúa cha” nên có khả năng chữa bệnh, trừ quỷ và “Chúa cha” đã chọn Thương làm thư ký, giúp việc cho linh mục Nguyễn Chu Truyền - nguyên Quản hạt, Quản xứ Bảo Lộc. Sau này, vợ chồng Thương – Quảng có được 4 người con, nhưng Thương khoe rằng, 2 trong số đó là do linh mục Nguyễn Chu Truyền “đặt tay” để được có thai.

Trước đó, tháng 7-2012, Thương lập ra nhóm “Bầu khấn” sinh hoạt tại nhà riêng của Thương ở 14 Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc và Thương gọi nơi này là “Nhà Chúa cha”. Năm 2013, Thương xin linh mục Nguyễn Hữu Duyên - Quản hạt kiêm Quản xứ Bảo Lộc cho nhóm “Bầu khấn” được sinh hoạt tại giáo xứ Bảo Lộc nhưng linh mục Duyên phản đối. Tháng 8-2015, ngay khi được Tòa giám mục (TGM) Đà Lạt bổ nhiệm giữ chức vụ Quản hạt Bảo Lộc thay linh mục Duyên, linh mục Nguyễn Chu Truyền đã nhận Thương làm “con thiêng liêng” và đổi tên thành Nguyễn Chu Thiên Thương.

Sự thật về nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” -0
Nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang “chữa bệnh” online cho các con bệnh.

Được linh mục Quản xứ đỡ đầu, tháng 1-2016, Thương lập ra nhóm “Chúa cha” với khoảng 30 giáo dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Linh mục Truyền tham gia sinh hoạt cùng nhóm tại nhà riêng của Thương; nhưng từ tháng 2-2017, vị này đã cho nhóm “Chúa cha” đến sinh hoạt tại nhà thờ Bảo Lộc. Thương còn cho lập 2 mộ gió tại nghĩa trang giáo xứ Bảo Lộc để chiêm bái, cầu nguyện. Hoang tưởng hơn nữa, ngày 28-2-2017, Thương trực tiếp đến TGM Đà Lạt trình bày việc chị ta có khả năng “hiệp thông với Chúa cha” và Chúa cha chọn linh mục Nguyễn Chu Truyền là nhà tiên tri, là thánh sống, còn Thương là thư ký của “Chúa cha”.

Còn linh mục Nguyễn Chu Truyền, tự nhận mình có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện, kể cả chữa bệnh từ xa, tin theo lời “Chúa cha” từ miệng Thương nên đã có nhiều hoạt động đi ngược lại giáo lý của giáo hội, giúp sức đắc lực vào việc chữa bệnh phản khoa học của Thương. Với những việc làm trái với đạo lý, sai với giáo lý, tháng 8-2017, TGM Đà Lạt ra quyết định cách chức Quản hạt, Quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển linh mục Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu - Đà Lạt, đồng thời cấm nhóm “Chúa cha” sinh hoạt tại nhà thờ.

Ngày 31-5-2020, sau khi khánh thành “Nhà Chúa cha” ở 53/5 Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP. Bảo Lộc (nhà riêng của Thương và Quảng), nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động trái phép và “chữa bệnh trừ quỷ” với tên gọi nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Mặc cho sự nhắc nhở của TGM Đà Lạt, Thương và nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động “chữa bệnh, trừ quỷ, đuổi tà”, quay clip đưa lên mạng xã hội để quảng bá cho các hoạt động sai trái. Tính đến đầu tháng 7-2021, nhóm này đã đưa lên mạng xã hội “Tiếng nói sự thật” trên 250 clip mang nhiều nội dung không đúng sự thật, gây nhầm lẫn trong một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin.

Với những việc làm sai trái này, ngày 7-10-2020, TGM Đà Lạt tiếp tục có thông cáo lần 2, áp dụng vạ cấm chế đối với Nguyễn Thị Thương. Theo đó, Thương bị cấm tham dự vào Thánh lễ và các nghi lễ vì đã tự xưng là “lời Chúa Cha”, lún sâu trong sai lầm giáo lý đức tin. Đồng thời, ngày 25-9-2020 TGM Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức vụ quản xứ Thánh Mẫu - TP. Đà Lạt, buộc linh mục Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn - Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại... nhưng vị này không chấp hành.

Ngày 30-10-2020, linh mục Truyền livestream trên trang Youtube “Exorcises The Demons” tuyên bố sẽ về ở tại “Nhà Chúa cha” của Nguyễn Thị Thương. Không chấp nhận việc làm của linh mục Truyền, ngày 6-12-2020 TGM Đà Lạt ra quyết định áp dụng vạ huyền chức “treo chén” đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền. Theo đó, ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục.

Đánh người để… “Trừ quỷ”

Với sự tiếp sức của Nguyễn Chu Truyền, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tổ chức hoạt động tại nhà. Chúng cho rằng bất kỳ bệnh gì cũng đều do “quỷ” nên thu nhận tất thảy các con bệnh, từ bệnh nặng đến bệnh nhẹ, kể cả những người mắc bệnh ung thư, các bệnh xã hội HIV-AIDS, các con nghiện ma túy. Tính đến tháng 9-2021 đã có 290 “con bệnh” ở 32 tỉnh, thành trên cả nước và gần 150 “con bệnh” ở nước ngoài tìm đến “Nhà Chúa cha” của Thương. Quá trình chữa bệnh, Thương luôn cầm trên tay cuốn sổ, ghi chép lời của “Chúa cha” rồi nói lại với người bệnh. Những người làm việc cho “Nhà Chúa cha” sẽ thay nhau đánh vào người các con bệnh để “trục quỷ”.

Sự thật về nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” -0
Thành viên của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” công khai đóng chai nước thánh trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Vinh – trú tại thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, người khá tường tận về hoạt động của “Nhà Chúa cha” bức xúc: “Chỉ có những người mê muội mới tin vào lời của Thương, và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Quả là lừa đảo quá sức!”.

“Chuyện đánh đập người khác là không thể chấp nhận được, xúc phạm đến nhân thân, về pháp luật cũng không được phép, huống chi vin vào cớ trừ quỷ mà đánh đập người ta, điều đó là sai” – Linh mục Dương Công Hồ - Quản xứ Thánh Tâm, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phản ứng.

Không chỉ các giáo dân sinh hoạt trong giáo hạt Bảo Lộc bức xúc mà rất nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo, phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng như ông Trần Phương Nam ở quận 8, TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Phương ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-3-2019, ông Nguyễn Quang – trú tại huyện Hòa Vang, TP Đà Năng có đơn gửi tới Công an tỉnh Lâm Đồng tố cáo Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Sự thật là như vậy nhưng trong ngày 10-9-2021, khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP Bảo Lộc đến kiểm tra, Trần Vũ Lê Thanh Quảng – chồng của Thương lại cho rằng: “Chỗ của em không hề khám chữa bệnh, đây là cái ơn riêng của cha Truyền và vợ em nên mới giúp người thôi”.

Lạ lùng hơn, nhóm này còn nghĩ ra trò chữa bệnh online, triệt để lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo bằng cách quay lại các cảnh chữa bệnh, mời những người đã từng chữa bệnh tại “Nhà Chúa cha” nói tốt cho nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, xem đó là các nhân chứng. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều địa phương thực hiện giãn cách để phòng ngừa COVID-19, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” còn nhận chữa bệnh cho cả những người mắc COVID-19. Họ yêu cầu các con bệnh ăn chay, uống nước thánh, còn gọi là “Nguồn thánh thiêng”. Nước thánh mà họ rêu rao là thứ nước được hút lên từ giếng nước trong nhà Thương rồi đóng chai, dán nhãn “Nguồn thánh thiêng”. Chính Nguyễn Chu Truyền trong một clip đăng tải trên mạng xã hội đã công khai rằng: “Cái dịch này (COVID-19), chỉ có nước Chúa cho xuống để rửa nó mới có thể tiêu diệt các con virus trong không khí”.

“Đó là những lời tuyên truyền không đúng, không thể có được. Bởi vì, nước giếng là nước giếng, họ phao tin đó là nước thánh chữa được mọi bệnh tật, chữa được cả COVID-19, chẳng ai tin điều đó được” – Ông Nguyễn Văn Vinh – trú tại thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm bức xúc. Rêu rao rằng chữa được COVID-19, uống nước thánh sẽ tiêu diệt được virus nhưng ngày 11-10-2021, Nguyễn Chu Truyền lại đến Trạm Y tế phường 1, TP Bảo Lộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 như mọi người. Ngày 14-11-2021 đến lượt vợ chồng Thương – Quảng cũng đến Trạm Y tế phường 1, TP Bảo Lộc tiêm ngừa vaccine COVID-19.

Nhân chứng sống tố cáo trò lừa đảo

Người lên tiếng tố cáo kiểu chữa bệnh ma quái, phản khoa học mà chúng tôi tìm gặp là bà N.K.C. ở phường 1, TP Bảo Lộc, từng có 1 tuần đến chữa bệnh tại “Nhà Chúa cha”. “Khi vô là người ta đánh, đánh trên đầu, đánh tùm lum hết. Họ nói chỗ nào đau là chỗ đó có quỷ ẩn nấp. Họ còn nói tôi bị quỷ dâm dục. Họ đánh, đánh cả vào những huyệt ở gáy. Bị đánh đến mức mệt lả đi. Xong rồi họ lôi, vuốt muốn long khớp luôn” - bà C. kể lại. Theo lời bà C., khi chữa bệnh, Thương là người cầm sổ ghi chép lời của “Chúa cha”, những người còn lại vây quanh đánh người bệnh. Thương yêu cầu “quỷ” phải ra khỏi người bệnh, “nhập” vào một người nào đó là thành viên của nhóm rồi tự nói ra là quỷ gì. Hành động của những người này rất kỳ dị, khi thì la hét, khi nhảy múa và cả lăn lộn y như quỷ ám.

Còn bà Mai Thị Cúc – giáo dân Giáo xứ Đại Lộc, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm thì ân hận không nguôi khi đến với “Nhà Chúa cha” của Thương. Chồng bà Cúc là ông Ng. V. Th. mắc nhiều chứng bệnh nhưng nghiêm trọng nhất là ung thư gan. Bà Cúc  tình cờ xem được các clip của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, nên bà đưa chồng đến với “Nhà Chúa cha” và ông Th. bị nặng thêm nên không qua khỏi.   

Không chỉ những người có bệnh u mê mà tin theo, có vị tu sĩ lựa chọn con đường phục vụ giáo hội, vì tin lời Thương nên đã chuyển về cộng tác với nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Chị H.T.T.T. trú tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, anh của vị tu sĩ này từng phải làm đơn kêu cứu đến chính quyền TP Bảo Lộc kể lại: “Gia đình quyết liệt can ngăn anh nhưng mà không được. Anh đã từ bỏ Đan viện nơi anh đang sống để đến cộng tác với nhóm này. Việc đó không chỉ gây thiệt hại cho chính bản thân anh, cho gia đình, xã hội   mà cho cả giáo hội”.

Không chỉ các nạn nhân phản ứng trò chữa bệnh ma mị, nhiều giáo dân và các vị chức sắc trong giáo hội cùng đồng lòng lên án. “Những hoạt động của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tôi cho là tà đạo. Họ đã đi ngược lại đức tin của Giáo hội Công giáo, họ tuyên truyền nhảm nhí mang tính mê tín dị đoan” - Ông Nguyễn Văn Vinh – giáo dân Giáo xứ Đại Lộc, thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm bức xúc. 

Còn Linh mục Nguyễn Văn Khấn – Quản hạt kiêm Quản xứ Bảo Lộc thì khẳng định: “Những việc làm của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” là hoang tưởng, mê tín. Việc “trừ quỷ” của họ vừa sai, vừa phản khoa học. Đặc biệt, các phát biểu của Thương trên mạng xã hội mang tính chống đối, phá vỡ sự đoàn kết, hiệp thông trong Giáo hội”.

Giuse Nguyễn Năng – Tổng giám mục, Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh cũng gay gắt: “Chưa trừ quỷ thì đã có video sẵn rồi… quảng cáo! Cái đó là sai. Đức Giám mục Đà Lạt đã lên tiếng rồi nhưng họ không chịu nghe theo mà còn phản đối lại bản quyền. Rõ ràng là sai”.

Về mặt quản lý nhà nước, ngày 10-9-2021, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Bảo Lộc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ nhà là ông Trần Vũ Lê Thanh Quảng về sai phạm chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Chu Truyền cùng nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang tổ chức “chữa bệnh” online cho các bệnh nhân COVID-19 bằng những chai nước được bơm ra từ 2 bồn nước và nói đó là “nước Thánh”. Ngày 17-9-2021, UBND TP Bảo Lộc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Quảng với số tiền 45 triệu đồng.

Rõ ràng, hoạt động của nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” là nhảm nhí, phản khoa học, mang màu sắc mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Xét về đức tin, họ đang xa rời giáo lý, giáo hội, từng bước tách mình khỏi cộng đồng giáo dân vốn được biết đến là những người ngoan đạo, kính Chúa, yêu nước.

Đức Huy
.
.