Tái diễn nạn lừa đảo chốt đơn hàng

Chủ Nhật, 06/11/2022, 20:00

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chốt đơn hàng. Nhiều bị hại chỉ vì mấy trăm ngàn đồng lãi ban đầu mà cuối cùng "tự nguyện" nộp cho các đối tượng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mà vẫn còn chưa dừng lại...

Ham một đồng, mất bạc vạn

Còn nhớ thời điểm những năm 2015 đến 2020, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ án "giai Tây" gửi quà để lừa đảo. Rất nhiều chị em phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược bị các đối tượng giả là doanh nhân, tướng tá ở nước ngoài để làm quen, kết bạn bày đặt yêu đương, xin cưới... sau đó gửi tiền, gửi quà để rồi chiếm đoạt tiền của bị hại.

5.jpeg -0
Một bị hại của ổ nhóm tuyển cộng tác viên online trình báo tại cơ quan Công an.

Cho tới thời điểm này, thủ đoạn trên dường như đã "việt vị" thì lại bùng phát trò lừa đảo chốt đơn hàng, cũng chủ yếu nhằm vào các chị em và bà mẹ bỉm sữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội tiếp nhận, khám phá nhiều vụ việc với số lượng nạn nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Lật giở chồng hồ sơ mà cơ quan điều tra thu thập được, chúng tôi không thể hiểu được tại sao lại có những chị em dễ tin người đến như thế?

Điển hình ngày 17/10/2022, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị T. (sinh năm 1983, thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc chị T. có lên mạng xã hội tìm việc làm online. Sau đó chị nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng của một hãng thời trang sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Chị T. làm nhiệm vụ xong thì khi rút tiền, tài khoản báo lỗi. Các đối tượng yêu cầu chị nạp thêm tiền mới được lấy lại tiền gốc. Sau khi chuyển 300 triệu đồng, chị T. mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Trước đó đầu tháng 9/2022, chị Phạm Thị Q. (sinh năm 1998, thường trú tại Đan Phượng, Hà Nội) lên mạng xã hội tìm việc. Chị nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Chị Q. đã chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo cung cấp để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chị không nhận  được hoa hồng cũng như số tiền gốc đã đầu tư. Lúc này, chị Q. mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Cũng trong tháng 9/2022, chị Hoàng Thị L. (sinh năm 1984, thường trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) tìm được một công việc khá "nhàn" trên mạng Internet. Chị cài đặt ứng dụng "Lark", tạo tài khoản theo hướng dẫn của một "boss" và bắt đầu làm nhiệm vụ. Sau khi thực hiện thanh toán cho hai đơn giá trị hơn 700 ngàn đồng, chị L. nhận được số tiền gốc và lãi là 1 triệu đồng. Thấy kiếm tiền đơn giản, chị tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ và chuyển tổng số tiền 80 triệu đồng vào tài khoản cho boss.

Tuy nhiên, lúc này chị L. không nhận được tiền gốc và hoa hồng nữa. Đối tượng yêu cầu chị L. phải chuyển thêm tiền thì tài khoản mới được "mở", khi đó chị mới có thể rút tiền ra. Sau khi nộp thêm hơn 200 triệu đồng nữa thì các đối tượng báo chị L. cài sai ID tài khoản. Để chứng minh mình không sai, chị L. nộp thêm hơn 300 triệu nữa mới được giải ngân. Vì tiếc số tiền đã nộp, chị L. cứ chuyển mãi chuyển mãi, tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng mà vẫn không nhận được một đồng nào. Lúc này, chị L. mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.

Số tiền của chị L. đã lớn, song vẫn chưa "thấm vào đâu" so với khoản tiền mà chị Trần Thị B. (sinh năm 1986, thường trú tại quận Cầu Giấy, hiện là nhân viên một Tổng công ty có địa bàn trên quận Hoàn Kiếm). Theo chị B. trình báo, tháng 8/2022, chị nhận công việc làm thêm cho một công ty kế toán trên mạng Internet. Chị được một đối tượng tạo tài khoản để làm nhiệm vụ chốt đơn cho công ty. Sau khi thực hiện hai đơn hàng với giá trị hơn 2 triệu đồng, chị B. nhận được thù lao khoảng 1 triệu đồng và được add vào nhóm thực hiện các nhiệm vụ cao hơn.

Sau khi được đối tượng hướng dẫn thực hiện các đơn hàng giá trị từ 30 đến 100 triệu đồng, chị B. không nhận được tiền gốc và lãi như bọn chúng hứa. Các đối tượng động viên chị B. thực hiện thêm hàng chục đơn hàng khác và sẽ được thanh toán cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên sau khi thực hiện hơn 20 đơn hàng với tổng số tiền lên đến 20 tỷ đồng, chị B. vẫn không rút được tiền. Cơn u mê còn kéo dài khi chị định bán nhà để lấy tiền, tiếp tục "theo lao" với hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Chỉ sau khi người thân, bạn bè khuyên can, chị mới biết mình bị lừa và đi trình báo.

Vẫn là đánh vào lòng tham

Theo một điều tra viên Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng là luôn đưa ra những "mồi nhử" rất hấp dẫn. Mỗi một đơn hàng sau khi thực hiện xong sẽ được hưởng số tiền hoa hồng 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đến 5 triệu đồng) nạn nhân sẽ được chuyển lại đầy đủ tiền gốc và lãi. Tuy nhiên khi thực hiện đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng lập tức giở nhiều thủ đoạn để khiến cho bị hại khánh kiệt. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trước tình hình trên, lực lượng CSHS Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, truy bắt các đường dây phạm tội. Sự vào cuộc quyết liệt của các anh đã triệt phá được nhiều ổ nhóm. Mới đây nhất, phòng CSHS đã bắt được một "bà trùm" trong làng lừa chốt đơn, với số tiền chiếm đoạt của các bị hại lên tới hơn 30 tỷ đồng.

Trước đó, Cơ quan công an nhận được nhiều đơn trình báo từ bị hại (ở Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận) về việc bị một nữ đối tượng rủ rê làm ăn. Đối tượng vẽ ra hình ảnh một doanh nhân giàu có, thành đạt và muốn "chia sẻ" mối lợi cho các chị em. Cô ta bảo rằng chỉ cần bỏ ra một ít thời gian, công sức là có thể thu về mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Đó là bỏ tiền mua chung nhiều set mỹ phẩm O... của Hàn Quốc, sau đó bán lại kiếm lời.

Tái diễn nạn lừa đảo chốt đơn hàng -0
Các đối tượng thường tuyển cộng tác viên chốt đơn của trang thương mại điện tử uy tín khiến bị hại dễ sập bẫy

Tin lời đối tượng, rất nhiều chị em ở Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ đã đăng ký tham gia công việc với đối tượng. Ban đầu, ai cũng được đối tượng trả lãi và gốc đầy đủ, nên lại tiếp tục huy động tiền để thực hiện các đơn mua hàng. Đến một ngày đẹp trời, đối tượng "biến mất" và không trả tiền nữa thì các bị hại mới biết mình sa bẫy.

Khẩn trương tổ chức điều tra, Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng tìm được đối tượng gây án là Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1987 thường trú tại Tân Yên, Bắc Giang). Cơ quan công an cũng làm rõ, do cần tiền để chi tiêu nên Tuyết đã nghĩ ra chiêu rủ các chị em trên mạng tham gia mua mỹ phẩm để lấy lãi cao. Đối tượng tự vẽ ra nhiều đơn hàng để khiến bị hại tin tưởng chuyển tiền nhằm chốt đơn. Sau khi bị hại thanh toán xong, Tuyết sẽ chuyển lại gốc và lãi để khiến bị hại tin tưởng, tiếp tục tham gia.

Trong số hàng chục chị em sập bẫy của Tuyết, người ít thì bị chiếm đoạt vài trăm triệu đồng. Cá biệt có những người chốt rất nhiều đơn hàng với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Sau khi nhận được tiền thì Tuyết không kinh doanh mỹ phẩm như cam kết mà chiếm đoạt và sử dụng tiền vào việc chi tiêu cá nhân và lấy tiền của những người hợp tác trước trả tiền gốc, lãi cho người hợp tác sau. Hiện cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tuyến để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cũng theo Cơ quan công an, trong số những vụ lừa đảo chốt đơn mà đơn vị đã triệt phá, có một số vụ mà kẻ chủ mưu lừa đảo ở nước ngoài, câu kết với nhiều đối tượng người Việt để giăng bẫy. Với những ai mà trót "chat" với nhóm này thì thường rất khó thoát.

Các đối tượng thường lập các website/fanpage, hồ sơ nhân viên giả mạo của các trang thương mại trực tuyến nổi tiếng như Tiki, Shopee, Lazada... khiến bị hại tin tưởng. Đồng thời đối tượng người nước ngoài đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo, tổ chức đào tạo cho các đối tượng người Việt ở "nhánh dưới" để chào mời, dụ dỗ con mồi tham gia chốt đơn. Những thủ đoạn tinh vi của bọn chúng chỉ được lộ sáng, sau khi Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bóc gỡ một ổ nhóm lừa đảo có đại bản doanh tại Campuchia vào tháng 5/2022.

Theo một chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng cũng như công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn, Cơ quan công an phát hiện một băng nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh công ty Shopee.

Quá trình xác minh, Cơ quan công an xác định đây là ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất chuyên nghiệp. Các đối tượng đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook để tuyển cộng tác viên cho công ty Shopee, hướng dẫn bị hại kết bạn Zalo để trao đổi.

Ban đầu, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng có giá trị thấp, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền gốc cộng với “hoa hồng” là khoảng 10% giá trị đơn hàng.

Khi đã lấy được niềm tin của các nạn nhân, chúng nâng dần giá trị các đơn hàng và tìm lý do, tìm lỗi như nhắn tin sai cú pháp, chuyển chậm thời gian hệ thống yêu cầu... và đề nghị bị hại thực hiện mua đơn mới có giá trị lớn hơn thì sẽ chuyển trả lại tiền. Sau nhiều lần thực hiện, đến khi bị hại không thể còn tiền để làm nhiệm vụ, các đối tượng sẽ chặn Zalo và xóa liên lạc hòng chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm xác định, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu và các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Chúng đặt trụ sở tại Đặc khu Mộc Bài thuộc tỉnh Bavet - Campuchia nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh - Việt Nam. Đơn vị đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triển khai kế hoạch triệt xóa.

Ngày 3/5/2022, lực lượng công an đã làm rõ, bắt giữ một số đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó các đối tượng bao gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (sinh năm 2000), Vũ Văn Khôi (sinh năm 1994 cùng trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang); Lê Văn Thành (sinh năm 1996, trú tại Vũ Thư, Thái Bình); Nông Văn Hưng (sinh năm 2005, trú tại Cư Jut, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (sinh năm 2001, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) và Phan Trí Đạt (sinh năm 1996, trú tại Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cơ quan công an làm rõ, đường dây này được phân tầng rất chuyên nghiệp từ F1 đến F5. Trong đó, F1 là đối tượng cầm đầu tổ chức người Trung Quốc, thường gọi là “Lão Đại”. F2 gồm hai đối tượng người Trung Quốc gọi là “A Trí” và “Đầu Khấc”. Hai đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên. F3 gồm 3 đối tượng Trung Quốc, thường gọi là “Thiên Mã” - tổ trưởng, “Oằng Phăng” và một đối tượng chưa có thông tin, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh đập. F4 là Tổ trưởng các tổ người Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên, hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3. F5 là các thành viên người Việt Nam được giao nhiệm vụ “Giết khách”, chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm người Trung Quốc yêu cầu.    

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Yên Chi
.
.