Tái diễn nạn mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y dược
Tình trạng cho thuê, mua bán chứng chỉ hành nghề (CCHN) y dược giả đang diễn ra sôi động và ngày càng tinh vi, trở thành mối lo ngại lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Những tấm CCHN được rao bán, cho thuê tràn lan không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân, khi các cơ sở không đủ năng lực chuyên môn vẫn hoạt động nhờ “mượn danh”.
Lên “chợ online” cần chứng chỉ hành nghề gì cũng có
Trong hội nhóm “Hội hỗ trợ chứng chỉ hành nghề y, dược toàn quốc” với 4,7 nghìn thành viên, việc đăng cho thuê, làm chứng chỉ hành nghề được diễn ra công khai và vô cùng sôi động. Cụ thể, một bài đăng với nội dung: “Mình cần làm chứng chỉ hành nghề dược cao đẳng” thì phía dưới bài có tới vài chục comment tương tác. Đa số đều giới thiệu mình có khả năng đáp ứng yêu cầu của chủ tus.
Không chỉ comment trong những bài đăng của người có nhu cầu làm CCHN y dược mà nhiều chủ tài khoản còn đăng công khai những bài viết giới thiệu về “năng lực” làm giả CCHN như: “Nhận làm nhanh các loại CCHN Y - Dược - Nha khoa - YHCT, phôi thật, bao soi chiếu toàn quốc, liên hệ Zalo..."; "Cung cấp CCHN điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, không cần bằng cấp, chỉ cần thông tin, 5 ngày có”.

Trong vai một người có nhu cầu mua CCHN cao đẳng dược để mở quầy thuốc, phóng viên gọi điện đến số điện thoại 03849870xx để hỏi về giá thì nhận được câu trả lời là làm hết 5 triệu đồng. Khi phóng viên tỏ ra lo lắng nếu lỡ bị phát hiện đấy là chứng chỉ giả thì đầu dây bên kia khẳng định chắc nịch rằng đã làm cho nhiều người chưa từng có ai bị dính phốt. Cũng theo người này, nếu thiện chí làm thì chuyển khoản trước 50% kèm theo ảnh CCCD, ảnh thẻ 4x6 và kèm theo thông tin cá nhân như: tên tuổi, địa chỉ.
Trên trang web “lambangnhanh.online”, việc quảng cáo làm giả CCHN được đăng công khai và bài bản. Cụ thể có 5 bước như sau: Bước 1: chỉ cần liên hệ trực tiếp đến “Làm bằng nhanh” thông qua Zalo hoặc trang web. Tại đây, sẽ có nhân viên tự vấn cụ thể cho bạn; Bước 2: bạn chỉ việc cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh cho “Làm bằng nhanh” để tiến hành việc làm chứng chỉ hành nghề y dược (Lưu ý: Để lại số điện thoại của người nhận để nhân viên của “Làm bằng nhanh” liên hệ). Bước 3: Trong suốt quá trình cung cấp thông tin đã hoàn thành cho khách hàng, bạn sẽ được xem trước bản scan hay hình ảnh mô tả.
Khi đã đồng ý với những bản đưa ra, bạn chỉ việc ngồi tại nhà và không phải đi đến đâu sẽ được được nhân viên giao hàng tận nơi cho bạn. Khi đã kiểm tra hàng và ưng ý sản phẩm ở “Làm bằng nhanh” rồi thì mới tiến hành thanh toán. Bước 4: Tất cả mọi thắc mắc hay khiếu nại về sản phẩm đều được giải đáp lên đến 100%. Khi giao sản phẩm không đúng theo yêu cầu thì bạn sẽ đưa ra hay bạn không ưng ý sản phẩm sẽ có quyền trả lại và không thanh toán tiền.
Bên cạnh đó, “Làm bằng nhanh” không quên cam kết: đảm bảo chứng chỉ hành nghề y có kích cỡ và tem ngang với bằng thật và có độ bền cũng như chất lượng in ấn cao để đảm bảo chứng chỉ sử dụng được lâu dài.
Hiện nay, trên các hội nhóm không chỉ đăng những bài với nội dung làm giả CCHN mà còn có không ít người lên đó giới thiệu mình đang có CCHN dược muốn được cho thuê. Một nickname có tên Lisa Nguyễn viết: “Em có CCHN dược sĩ đại học Hà Nội cần hợp tác ạ”, ngay lập tức phần bình luận có rất nhiều người vào nói Lisa Nguyễn inbox với họ. Có người còn hỏi “vào được TP Hồ Chí Minh không bạn ơi?”.
Tương tự, trong hội nhóm “Chứng chỉ hành nghề y, dược” với gần 10 nghìn thành viên tham gia không khí trao đổi, mua bán cũng nhộn nhịp không kém. Những bài đăng với nội dung như: “Mình có CCHN dược đại học do Sở Y tế Hà Nội cấp, anh chị em nào muốn mở nhà thuốc cần hợp tác xin mời liên hệ số điện thoại: 09658828xx” xuất hiện liên tục. Để tăng độ uy tín, nhiều tài khoản còn chụp cả CCHN do Sở Y tế Hà Nội cấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá thuê CCHN rất đa dạng, tùy theo địa điểm mở nhà thuốc. Nếu ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, giá thuê CCHN có thể lên tới hơn 10 triệu đồng/ tháng. Đối với CCHN dược sĩ đại học, mức giá thường dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, thậm chí có nơi lên đến 10 triệu đồng/tháng nếu yêu cầu người cho thuê CCHN chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn cho cơ sở. Trong khi đó, CCHN dược sĩ cao đẳng, trung cấp, hay điều dưỡng, kỹ thuật viên thường có giá thuê thấp hơn, chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Các thỏa thuận thuê thường đi kèm hợp đồng dài hạn, tối thiểu 6 tháng hoặc 1 năm, với yêu cầu đặt cọc trước 1-3 tháng tiền thuê.
Chị Trần Thị Thúy (Phú La, Hà Đông) tuy tốt nghiệp trung cấp dược nhưng nhiều năm nay chị vẫn phải thuê CCHN cao đẳng dược của một người khác. Lý do là bởi, bằng trung cấp của chị Thúy chỉ được phép mở quầy thuốc ở tuyến huyện. “Mình thuê của người quen nên giá cũng phải chăng, dù đã mấy năm nay nhưng bạn mình không đòi tăng giá. Mỗi tháng mình phải trả cho bạn 3 triệu đồng nhưng để khỏi lắt nhắt thì mình thường chuyển luôn 1 lần cho cả năm”.
Cũng theo lời của chị Thúy chia sẻ thì mặc dù có CCHN cao đẳng dược nhưng bạn chị lại không làm đúng nghề mà mấy năm qua chị này theo nghề môi giới bất động sản. Vì tiếc cái CCHN để không nên bạn chị Thuý đã cho chị Thúy thuê, coi như “lợi cả đôi đường”.
Cái kết đắng cho những kẻ dùng hàng giả
Mới đây, vào ngày 16/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, liên quan vụ làm giả hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Bốn bác sĩ bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ gồm: Lê Anh Tài (47 tuổi, Thừa Thiên Huế), Hứa Chí Cường (44 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), Huỳnh Văn Bình (55 tuổi, Lâm Đồng) và Huỳnh Thành Giàu (49 tuổi, Đồng Tháp). Cả bốn đều có bằng bác sĩ đa khoa nhưng không thực hành đủ thời gian theo quy định tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cùng bị khởi tố trong vụ án còn có Lê Thị Ánh Hồng (49 tuổi, trú TP. Hồ Chí Minh), bị can giữ vai trò môi giới và Phan Văn Ánh (36 tuổi), cựu cán bộ đội cảnh sát quản lý hành chính Công an huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Theo điều tra, năm 2018, khi đang làm việc tại phòng khám Dr. Trung (TP Buôn Ma Thuột), Hồng kết nối với một người dùng Facebook tên “Như Ý” để tìm người có nhu cầu làm chứng chỉ hành nghề y. Người này đăng quảng cáo trên mạng xã hội, sau đó chuyển thông tin khách hàng cho Hồng để hưởng hoa hồng.
Thông qua hình thức này, 4 bác sĩ đã liên hệ Hồng để làm hồ sơ. Hồng nhờ Phan Văn Ánh giúp làm thủ tục nhập hộ khẩu trái quy định cho 4 bác sĩ tại huyện Buôn Đôn (điều kiện cần để xin xác nhận thực hành).
Tiếp đó, Hồng nhờ liên hệ để được cấp giấy xác nhận thực hành từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, dù các bác sĩ không thực hành hoặc chỉ thực hành tượng trưng.
Sau khi có hồ sơ, Hồng nộp lên Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Năm 2019, cả 4 bác sĩ đã nêu được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên đến năm 2020, Sở Y tế phát hiện bất thường khi cả 4 bác sĩ đều không thuộc diện thực hành hợp pháp tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Do đó, sở đã thu hồi chứng chỉ, đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.
Qua xác minh, chỉ có bác sĩ Huỳnh Văn Bình từng thực hành khoảng 1 tháng tại bệnh viện (quy định yêu cầu tối thiểu 18 tháng), 3 bác sĩ còn lại không thực hành ngày nào. Các bác sĩ khai đã chi 200 - 300 triệu đồng mỗi người để “nhờ” làm chứng chỉ hành nghề.
Trước đó, vào ngày 20/8/2024, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn (đều 30 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng) 7 năm 6 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, và “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Cũng với 2 tội danh trên, 8 bị cáo: Bùi Nguyễn Ngọc Hân, Võ Thị Hiệp, Hàng Phước Can, Lê Sỹ Min, Lê Thị Kim Chi, Trần Thị Nga, Trịnh Thị Phượng, Văn Thị Hoàng Oanh là sinh viên cao đẳng, trung cấp cùng lãnh án 2 - 3 năm tù, với vai trò đồng phạm.
Đối với 2 đối tượng tên Tài (được cho là bán các con dấu giả cho Minh), chưa rõ lai lịch và Trần Xinh (đi cùng Tài) đã rời nơi cư trú nên điều tra, xử lý sau.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn là bạn cùng lớp chuyên ngành quản lý - cung ứng thuốc, khoa Dược, hệ đào tạo liên thông Trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
Do cần CCHN dược để xét tốt nghiệp, bị cáo Minh và Sơn tự làm giả giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe bổ sung hồ sơ đề nghị cấp CCHN dược.
Cụ thể, 2 cựu sinh viên đặt mua qua mạng xã hội 1 con dấu tròn giả của Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, 1 con dấu chức danh và 1 con dấu chữ ký của giám đốc bệnh viện, cùng nhiều con dấu vuông khác của đối tượng Tài (chưa rõ lai lịch) và Trần Xinh, giá 3 triệu đồng. Sau đó, hai bị cáo lên mạng tải về mẫu giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe, rồi điền thông tin cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau khoảng 3 tuần thì được cấp CCHN dược.
Với cách thức đó, từ tháng 7 đến tháng 10/2022, Minh và Sơn đã làm giả giấy tờ, hoàn chỉnh 8 bộ hồ sơ cho 8 bị cáo trong vụ án này đề nghị cấp CCHN dược, thu lợi 4,5 - 7 triệu đồng/hồ sơ, riêng Oanh là người quen nên không lấy tiền.
Sau vài tuần, 3 bị cáo Min, Hân, Chi được cấp CCHN còn 5 bị cáo Can, Hiệp, Nga, Oanh, Phượng được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi thông báo cần kiểm chứng, xác minh thông tin.
Ngày 24 và 29/9/2022, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh xác minh giấy xác nhận thực hành, giấy khám sức khỏe của 3 bị cáo Can, Hiệp, Nga. Phát hiện có dấu hiệu giả mạo, bệnh viện chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để làm rõ.
Kết quả xác minh cho thấy, Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh không tiếp nhận 10 cá nhân nói trên thực hành chuyên môn, không cấp giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe.
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa phát đi thông tin cảnh báo về các dịch vụ giả mạo chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề trong lĩnh vực y, dược.
Hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện nhiều trang web và hội nhóm trên mạng xã hội quảng cáo công khai các dịch vụ làm giả chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề. Các tài khoản này thường đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn như chỉ cần cung cấp ảnh căn cước công dân và ảnh thẻ 3x4 là có thể nhận chứng chỉ hành nghề trong vòng 1-3 ngày, với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng, cam kết giao tận nhà.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định những hoạt động này là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nếu để lọt người không có chuyên môn hành nghề khám, chữa bệnh.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ làm giả chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề được quảng cáo trên mạng hoặc từ các nguồn không chính thống. Việc sử dụng giấy tờ giả có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Khi có nhu cầu thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề, người dân nên tìm hiểu kỹ các quy định hiện hành và nộp hồ sơ tại địa chỉ chính thức hoặc liên hệ tổng đài Sở Y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chủ động kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề của nhân sự trước khi tiếp nhận hành nghề. Cần thực hiện tra cứu thông tin tại cổng tra cứu hành nghề y dược của TP Hồ Chí Minh để tránh tuyển dụng nhầm người không đủ điều kiện.
Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.