Tan giấc mơ làm giàu vì “bánh vẽ”
Những năm gần đây, cơn sốt đất và đà phát triển nóng của thị trường bất động sản tại Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó là những câu chuyện buồn về những mánh khóe lừa đảo, khiến không ít người lâm vào cảnh trắng tay. Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất là hợp tác đầu tư bất động sản.
400 tỉ và 1.600 “con mồi”
Ngày 1/3, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Hiền (biệt danh Hiền “chợ”), sinh năm 1984, trú tại Bình Giang, Hải Dương để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Cơ quan chức năng, Hiền thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Chợ Toàn Cầu và Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam, đăng ký tổng vốn điều lệ 200 tỉ đồng, nhưng thực tế không góp vốn.
Sau khi thành lập doanh nghiệp, Hiền quảng cáo về các dự án bất động sản, cho dựng thiết kế đồ họa 3D, phối cảnh tổng thể và đánh số các quầy, căn ki-ốt tại các dự án; dự kiến thời gian khởi công, thi công, xây dựng, hoàn thành… để kêu gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, Hiền cũng tổ chức các buổi hội thảo, tặng quà, giới thiệu dự án đầu tư tại các tỉnh, thành phố và tại văn phòng công ty.

Các nhà đầu tư được nhân viên của Công ty Chợ Toàn Cầu và Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam trực tiếp đưa đến tận nơi các dự án để “mắt thấy, tay sờ” vào những bất động sản tương lai. Một nhà đầu tư ở Hải Dương chia sẻ: “Tôi đã rót vốn vào dự án xây dựng trung tâm thương mại tại Hải Dương của Công ty Chợ Toàn Cầu. Các nhân viên của Công ty đã tổ chức đưa tôi và nhiều nhà đầu tư khác đến tham quan khu đất dự án. Tại đây, tôi thấy biển tên Công ty Chợ Toàn Cầu được dựng lên, cùng với các bản thiết kế 3D chi tiết, đẹp mắt, mô tả từng ki-ốt và lịch trình khởi công. Điều này khiến chúng tôi yên tâm và quyết định đầu tư toàn bộ số tiền mình có”.
Không chỉ vậy, công ty Chợ Toàn Cầu còn tổ chức hàng loạt buổi hội thảo, tặng quà và giới thiệu các dự án đầu tư tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu vào các dự án xây dựng chợ và trung tâm thương mại. Những buổi giới thiệu này được tổ chức với quy mô hoành tráng, không chỉ nhằm quảng bá các dự án bất động sản mà còn thu hút các nhà đầu tư bằng những phần quà giá trị. Theo đó, nhà đầu tư góp vốn càng lớn càng nhận được nhiều phần thưởng hấp dẫn, từ vàng cho đến các vật phẩm quý hiếm, đánh vào tâm lý muốn “được lợi trước mắt”. Thậm chí, để tăng độ tin cậy, nhiều dự án “ảo” còn được Công ty tổ chức lễ động thổ, khởi công long trọng như sắp đi vào thực hiện.
Bằng hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Chợ Toàn Cầu đã lừa đảo hơn 1.600 nhà đầu tư, chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng. Thực tế, các dự án “trên giời” do Lê Thị Hiền và đồng bọn dựng lên hoàn toàn không được triển khai. Một số dự án thậm chí chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vẫn được Hiền sử dụng làm “tài sản đối ứng” để huy động vốn, qua mặt các nhà đầu tư.
Giấc mơ làm giàu của các nhà đầu tư nhanh chóng sụp đổ khi Công ty Chợ Toàn Cầu bất ngờ dừng chi trả lợi nhuận như đã cam kết. Bà Nguyễn Thị H, một nhà đầu tư chia sẻ: “Ban đầu, họ trả lợi nhuận đúng hẹn trong 3 tháng đầu. Đến tháng thứ 4, công ty không trả nữa mà xin “khất” bằng lời nói, không có bất kỳ văn bản hay giấy tờ nào xác nhận. Từ đó đến nay, dù đã quá thời hạn để Công ty Chợ Toàn Cầu thanh lý hợp đồng, hoàn trả số tiền gốc và lợi nhuận như cam kết, nhưng tôi vẫn chưa nhận lại được bất cứ khoản tiền nào”.
Cụ thể, vợ chồng bà H dành dụm được 3 tỉ đồng khi về hưu. Qua lời giới thiệu và rủ rê từ một số người quen, bà H quyết định đầu tư vào bất động sản của Công ty Chợ Toàn Cầu với lời hứa hẹn mức lợi nhuận cao. Đầu tháng 8/2022, bà H ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Chợ Toàn Cầu và nộp toàn bộ số tiền vào công ty. “Hợp đồng ký với Công ty Chợ Toàn Cầu ghi rõ: tỉ lệ lợi nhuận hàng năm là 30%, tương đương 2,5% mỗi tháng. Ngoài ra, công ty còn áp dụng một số chính sách ưu đãi như giảm 10% khi mua hàng tại OCOPSHOP - cửa hàng bán sản phẩm của Công ty Chợ Toàn Cầu, cùng các chính sách giảm giá 5% khi mua bất động sản chuyển đổi hình thức quầy và 10% khi mua ki-ốt”, bà H chia sẻ.

Theo Cơ quan điều tra, hai công ty của Lê Thị Hiền chỉ có hơn 20 nhân sự, bao gồm cả nhân viên hành chính. Tại các tỉnh, thành phố, Hiền bố trí thêm các “chân rết” là những môi giới làm việc tại các văn phòng đại diện. Mặc dù quy mô nhân sự nhỏ như vậy, nhưng đường dây của Hiền đã lừa đảo hơn 1.600 nhà đầu tư trên khắp cả nước, chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng. Thực tế, cả hai công ty của Lê Thị Hiền không hề có vốn điều lệ thực, việc khai khống vốn chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh, khiến các nhà đầu tư tin rằng đây là những doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp trong việc xúc tiến các dự án bất động sản.
Thông qua hai công ty này, Hiền triển khai các hình thức hợp tác đầu tư, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong và ngoài hệ sinh thái do bà ta điều hành. Sau khi “vẽ” ra các dự án, công ty của Hiền gửi công văn đệ trình lên các cơ quan Nhà nước để xin cấp phép. Tuy nhiên, những dự án này chưa hề được chấp thuận chủ trương đầu tư. Lợi dụng các công văn gửi đi, Hiền và đồng bọn dùng chúng làm công cụ “loè” các nhà đầu tư, tạo cảm giác rằng các dự án đã đảm bảo về mặt pháp lý.

Cái bẫy lợi nhuận khủng
Một trong những chiêu trò lừa đảo bất động sản phổ biến nhất là hứa hẹn về lợi nhuận cao ngất ngưởng. Các đối tượng lừa đảo thường vẽ nên viễn cảnh trong mơ với các con số lợi nhuận hấp dẫn từ 30%-50%/năm, khiến nhiều nhà đầu tư bị mê hoặc. Các dự án được quảng bá thường là khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhà ở thương mại hoặc những lô đất “vàng” tại các khu vực tiềm năng.
Ngoài ra, chúng thường sử dụng các chiêu thức như tổ chức hội thảo hoành tráng, cung cấp tài liệu đầu tư hoàn hảo và thường xuyên báo cáo tiến độ giả mạo để tạo lòng tin. Không chỉ vậy, chúng còn hứa hẹn “đảm bảo lợi nhuận” hoặc sử dụng hình ảnh của các nhân vật có uy tín để tăng mức độ thuyết phục.
Đỉnh cao của phương thức lừa đảo góp vốn đầu tư bất động sản phải kể đến nữ chủ tịch Công ty bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy. Thuý bị cơ quan điều tra cáo buộc đã thuê cán bộ nhà nước về hưu làm hình ảnh, tổ chức nhiều sự kiện để lừa 26.000 người góp vốn hơn 9.000 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 7/2019, Thúy thành lập Công ty bất động sản Nhật Nam có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, nhưng thực tế không có vốn góp. Công ty này sau đó được “tăng khống vốn điều lệ” lên 200 tỉ đồng. Thúy đã lợi dụng doanh nghiệp để thu hút vốn từ các nhà đầu tư. Nữ chủ tịch Công ty bất động sản Nhật Nam đã dùng thủ đoạn đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về việc công ty đầu tư các dự án bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn có hiệu quả, cam kết phân chia lợi nhuận theo ngày với mức 7-8%/tháng, lợi nhuận thu về sau 2 năm là 168 - 192% giá trị hợp đồng.
Thúy đã thành lập ban cố vấn và thuê những cá nhân từng công tác trong ngành Công an, Quân đội, Văn phòng Chính phủ... làm thành viên. Những cán bộ về hưu này có nhiệm vụ sử dụng hình ảnh, uy tín của bản thân trong lĩnh vực công tác trước đây để xuất hiện tại các sự kiện, hội nghị rồi quảng cáo về việc đang làm việc cho Công ty bất động sản Nhật Nam.
Trong các sự kiện do công ty tổ chức, thành viên ban cố vấn phải chia sẻ bản thân cũng đang đầu tư tiền vào Công ty Nhật Nam và được phân chia lợi nhuận đầy đủ. Đồng thời họ phải giới thiệu doanh nghiệp đầu tư nhiều bất động sản khắp cả nước, kinh doanh nhà hàng, khách sạn có hiệu quả...

Một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo góp vốn này là anh Lê Văn Hoàng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa), một nạn nhân của hình thức này, chia sẻ: “Do bạn bè giới thiệu, ban đầu, tôi bỏ 500 triệu vào một dự án khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Họ hứa hẹn sau 6 tháng sẽ nhận lại số tiền gần gấp đôi. Họ còn tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, mời các chuyên gia nói chuyện khiến tôi hoàn toàn tin tưởng. Nhưng khi đến hạn, dự án bỗng dưng bị “treo” và tôi không lấy lại được một xu. Đến lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa”.
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trong hợp tác đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải kiểm tra pháp lý về khu đất đó như: yêu cầu xác minh giấy tờ pháp lý và quy hoạch của bất động sản tại cơ quan chức năng có thẩm quyền, không chỉ dựa vào thông tin từ bên bán. Nên kiểm tra trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương. Việc kiểm tra giấy tờ không chỉ dừng ở việc đối chiếu thông tin, mà còn cần đánh giá tính xác thực của các con dấu, chữ ký và nguồn gốc pháp lý của bất động sản.
Ngoài ra cũng cần phải tìm hiểu kỹ chủ đầu tư như xem xét lịch sử hoạt động của công ty, đánh giá các dự án đã hoàn thành trước đó và độ uy tín trong ngành. Nên ưu tiên các công ty có thương hiệu rõ ràng và danh tiếng lâu năm. Các nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào những lời quảng cáo hoặc đánh giá trên mạng, mà cần tìm hiểu thông qua các nguồn tin chính thống hoặc tham vấn ý kiến từ chuyên gia.
Trên thực tế, khi lợi nhuận quá cao thường đi kèm với rủi ro lớn. Nếu nghe các cam kết lợi nhuận vượt xa mức thông thường, bất kỳ lời hứa nào về lợi nhuận cao đều cần được kiểm chứng qua các hợp đồng rõ ràng và các cam kết pháp lý minh bạch.
Thị trường bất động sản là một trong những kênh đầu tư tiềm năng, nhưng người đầu tư cần tỉnh táo và cẩn trọng, tránh những cám dỗ vì lợi nhuận quá hấp dẫn.