Vạch mặt lừa đảo trên không gian mạng

Thách thức trong kỷ nguyên số (bài cuối)

Thứ Sáu, 10/01/2025, 07:16

Khi thế giới đều có thể giao tiếp với nhau trên không gian số thì khoảng cách địa lý xa hay gần không hề cản trở. Từ Chuyên án do lực lượng Công an Lai Châu chủ trì bóc gỡ, triệt phá đặt ra nhiều thách thức trong quản lý tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng.

Dày công phá án, nhiều con số bất ngờ

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, hoạt động xuyên biên giới, tháng 9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Uyên đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu xác lập chuyên án với sự tham gia của Công an huyện Tân Uyên, Phòng Cảnh sát hình sự và các phòng chức năng Công an tỉnh Lai Châu để tập trung tối đa lực lượng, biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh bắt giữ đối tượng. 

Bài cuối: Thách thức trong kỷ nguyên số -0
Họp báo công bố thông tin Chuyên án và trao phần thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phá án.

Hành trình phá án liên tỉnh, xuyên quốc gia được Thượng tá Vũ Tiến Văn - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Đây là chuyên án đặc biệt và có nhiều cảm xúc nhất. Quá trình truy vết đối tượng gặp vô vàn khó khăn do mọi hoạt động đều được thực hiện trên không gian mạng internet. Đối tượng phạm tội thường cắt đứt chuỗi liên lạc, xóa dấu vết dòng tiền thông qua các hợp động xuất, nhập khẩu hàng hóa nông sản qua biên giới hoặc thông qua các tổ chức đổi tiền ngoại tệ ở nước ngoài. Chúng che giấu thông tin truy cập thông qua các phần mềm chuyên dụng ở nước ngoài và xóa toàn bộ dữ liệu sau mỗi lần lừa đảo thành công. Chẳng hạn như, sau khi chiếm đoạt được số tiền trên 200 triệu đồng của anh N.V.P (bị hại tại huyện Tân Uyên), nhóm đối tượng đã chuyển tiền đến 86 tài khoản tại 17 ngân hàng khác nhau để xóa dấu vết dòng tiền, rửa tiền. Nên việc truy tìm số tài khoản ngân hàng có lúc mất phương hướng, tốn rất nhiều thời gian.

Để nắm thông tin, quy luật hoạt động và thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra phá án, trinh sát đã phải di chuyển khắp 16 tỉnh, thành phố trong cả nước để thu thập từng thông tin, tài liệu dù là nhỏ nhất để ghép nối, dựng lên nhóm đối tượng nghi vấn. Sau khi tiến hành truy vết trên 80 tài khoản tại 38 ngân hàng khác nhau; trên 20 tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook; hơn 3.000 cuộc gọi lừa đảo do nhóm đối tượng thực hiện và hàng nghìn địa chỉ truy cập mạng internet, ban chuyên án sơ bộ xác định được ổ nhóm tội phạm hoạt động tại khu vực thành phố BaVet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, chỉ đạo nhóm người Việt Nam gây án.

Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất thành lập đoàn công tác 11 đồng chí do Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn với sự tham gia của cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an sang Vương quốc Campuchia xác minh, truy bắt các đối tượng. Đây là lần đầu tiên Công an tỉnh Lai Châu cử đoàn công tác đi truy bắt tội phạm tại nước ngoài. 

Bài cuối: Thách thức trong kỷ nguyên số -0
Công an huyện Tân Uyên công bố lệnh bắt đối với các đối tượng Trần Minh Hiếu, Huỳnh Minh Vũ và Huỳnh Văn Sơn.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, sự nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng và vận dụng đường lối đối ngoại linh hoạt của Đảng và Nhà nước ta, Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Ban chuyên án có tài liệu chứng cứ phạm tội rõ ràng, vị trí chính xác của các đối tượng trong chuyên án, đoàn đã cung cấp cho phía bạn nên Cục Cảnh sát hình sự phía bạn đã nhận lời giúp đỡ Công an tỉnh Lai Châu thực hiện nhiệm vụ.  

Mặc dù gặp phải sự cản trở quyết liệt của bảo vệ, quản lý biệt khu nhưng lực lượng phá án đã mưu trí, dũng cảm, linh hoạt vận dụng các biện pháp nghiệp vụ đột kích vào phòng làm việc trực tiếp của ổ nhóm tội phạm, nơi đang có hàng trăm đối tượng nghi hoạt động phạm tội. Tổ chuyên án đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khống chế, bắt giữ an toàn và di lý thành công 12 người Việt Nam là đối tượng trong chuyên án ra khỏi biệt khu. Đặc biệt, đã bắt giữ được đối tượng Nguyễn Hồng Quân (SN 1993) là đối tượng giữ vai trò quan trọng tiếp nhận chỉ đạo từ cấp trên để hướng dẫn các đối tượng người Việt Nam thực hiện theo những kịch bản lừa đảo.

Như vậy, đến thời điểm này đã có tổng số 18 đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ (trong đó đã khởi tố 13 bị can). Hiện đang tiến hành xác minh giao dịch nghi vấn qua các tài khoản liên quan với số tiền trên 100 tỷ đồng; bước đầu làm rõ, xác định các đối tượng đã chiếm đoạt được số tiền 3,95 tỷ đồng của 52/200 bị hại ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài các đối tượng đã bị bắt, trong tòa nhà vẫn còn nhiều đối tượng hoạt động phạm tội khác.

Những vấn đề đặt ra sau Chuyên án

Chia nhỏ 200 triệu 100 nghìn đồng vào 86 số tài khoản tại 17 ngân hàng khác nhau sau khi lừa đảo được bị hại N.V.P (huyện Tân Uyên) của đối tượng lừa đảo cho thấy việc quản lý tài khoản ngân hàng cần phải thắt chặt hơn bao giờ hết. Những năm trước đây, việc mở tài khoản ngân hàng chưa bao giờ dễ dàng đến vậy, đồng nghĩa với việc mua tài khoản ngân hàng không chính chủ là việc không hề khó. Đây chính là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo trên không gian mạng một cách thuận lợi. Trước chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả sự trao đổi, mua bán đều có thể giao dịch qua tài khoản thẻ ngân hàng nên đây cũng là cơ hội để lộ lọt thông tin cá nhân qua các thông số chuyển khoản. Điều này nếu không sớm có giải pháp thì việc kiểm soát tài khoản ngân hàng như đánh vào hư không. 

Việc các đối tượng lừa đảo khi hành nghề đều có trong tay danh sách, số điện thoại, chức vụ của những người có thể “moi được tiền” để tiếp cận làm quen. Danh sách này nhờ đâu mà có? Vấn đề này rất cần được các cơ quan liên quan vào cuộc kiểm soát, thắt chặt hơn nữa.

Nhìn vào danh sách 12 đối tượng vừa được dẫn độ về từ Campuchia có thể thấy rõ về độ tuổi người phạm tội. Theo đó, đối tượng ít tuổi nhất sinh năm 2006 (18 tuổi) và đa số đều còn trẻ, điều này cho thấy bức tranh trẻ hóa tội phạm. Với những chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, trong khi nhiều người trẻ hiện nay lười lao động, thích giàu lên nhanh chóng, thích cảm giác mới mẻ, ước muốn viển vông. Mặt khác, tuổi trẻ với suy nghĩ bồng bột, chưa chín chắn, chưa nhiều kinh nghiệm nên khi bước chân vào làm ăn dễ bị thua lỗ và rơi vào bẫy nợ nần. Lúc này, những cơn “khát tiền” càng đến nhanh theo những lời rủ rê, mời chào trên không gian mạng. Trong khi công nghệ thông tin cập nhật rất nhanh với nhiều lời mời chào hấp dẫn, các đối tượng này rất dễ sập bẫy. 

Tạo niềm tin bằng cách bán hàng “ngon, bổ, rẻ”, đối tượng trong chuyên án đã “phạm tội thành công” khi trót lọt nhiều vụ việc khiến những người bị hại trở nên thật đáng thương. Tuy đáng thương nhưng cũng đầy đáng trách. Trách vì lòng tham, vì sự nhẹ dạ, dễ tin người mà họ quên một điều, trên đời này không có gì vừa ngon mà còn vừa rẻ vì xét cho đến cùng, mọi thứ đều có “giá” xứng đáng. Vì vậy, nhiều nạn nhân sau khi mất tài sản mới nói “giá như” thì đã muộn. Bài học “ngon, bổ, rẻ” trên môi trường mạng rất đau và chưa bao giờ hết giá trị.

Không gian mạng trong thế giới số mang lại nhiều lợi ích, nhưng chính nó lại đang phát triển thành những “biến thể” khác nhau. Thượng tá Vũ Tiến Văn cho rằng: Với tội phạm truyền thống, lực lượng chức năng có thể liên kết các xã, huyện, tỉnh, vùng, miền trong công tác phòng, chống. Còn bây giờ, tội phạm trên không gian mạng chỉ xác định được điểm đầu, nhưng không có điểm cuối và cũng không tìm ra được nguồn vaccine phòng bệnh nếu các quốc gia không nỗ lực dẹp bỏ loại tội phạm này. Do đó, sau chuyên án của Công an tỉnh Lai Châu, tôi nghĩ rằng, cần phải có sự hợp tác quốc tế để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, liên kết, tương trợ tư pháp để phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên không gian mạng.

Theo số liệu báo chí đã đưa, tội phạm trên không gian mạng gây thiệt hại khổng lồ lên tới 8.000 tỷ USD trong năm 2023 trên toàn thế giới; dự báo năm 2025, thiệt hại lên đến 10.500 tỷ USD. Xuất phát từ vấn đề tội phạm trên không gian mạng đang rất “nóng” hiện nay, lần đầu tiên trong lịch sử, một công ước toàn cầu về tội phạm mang tên Thủ đô của Việt Nam đã được đồng thuận, ban bố. Theo đó, ngày 24/12 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Công ước Hà Nội” gồm 9 chương, 71 điều. Đây là văn kiện pháp lý quan trọng để các quốc gia trên thế giới cùng nhau đối phó với tội phạm trên không gian mạng sau gần 4 năm đàm phán (2021-2024). Đây cũng là công ước toàn cầu đầu tiên về tội phạm sau 20 năm kể từ Công ước Liên hợp quốc về tội phạm xuyên quốc gia, mở ra kỷ nguyên mới trong cuộc chiến chống tội phạm số. 

Bài cuối: Thách thức trong kỷ nguyên số -0
Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an nước bạn Campuchia đấu tranh phá án.

Trước đó một ngày, ngày 23/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Công điện được ban hành dựa trên điều kiện thực tế tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo bằng hình thức này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho 14 cơ quan bộ, ban, ngành và tương đương, UBND các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc quyết liệt, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ để đạt được hiệu quả trong phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. 

Thay cho lời kết, xin trích dẫn câu khẳng định của Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu: “Sẽ không có điểm trú ngụ nào an toàn cho tội phạm lừa đảo nói chung và tội phạm trên không gian mạng nói riêng, bởi giờ đây đã có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ của các quốc gia, mở ra hành lang pháp lý mang tính toàn cầu. Và, đặc biệt là có sự quyết tâm, quyết liệt, kiên trì và ngày càng tinh nhuệ của lực lượng công an trên toàn thế giới thì sớm hay muộn, kẻ lừa đảo đều phải lộ diện”.

Thu Trang
.
.