Thảm họa ngộ độc siro ho đến từ Ấn Độ

Chủ Nhật, 30/10/2022, 09:51

Bình thường Bộ Y tế Indonesia chỉ ghi nhận hai, ba ca trụy thận mỗi tháng. Vậy mà chỉ trong vòng 11 tháng trở lại đây, tại Indonesia có tổng cộng 241 người nhập viện vì trụy thận, trong đó có 133 ca tử vong. Điều đáng buồn hơn nữa là đa số nạn nhân là trẻ em. Cứ 7 em trong số 11 trẻ tử vong mang trong người các chất độc như ethylene glycol, diethylene glycol và ethylene glycol butyl ether vượt quá mức cho phép.

Điều gì đã gây ra thảm cảnh ngộ độc này? Câu trả lời nằm trong lọ thuốc siro ho mà các em đã uống.

Thảm họa mang tầm quốc tế

Indonesia không phải là quốc gia duy nhất xảy ra hiện tượng trẻ em nhập viện hàng loạt sau khi uống siro ho. Một số đất nước ở Tây và Trung Phi cũng đang loay hoay tìm cách đối phó với vấn đề này, trong đó nghiêm trọng nhất là Gambia. Đã có 79 trẻ em ở Gambia tử vong vì trụy thận.

cac.jpg -0
Các bà mẹ Indonesia luôn phải dè chừng khi đến tiệm thuốc.

Cô Mariama Kuyateh, một người mẹ Gambia có đứa con trai vừa mới mất, thuật lại sự việc: “Thằng Musa nhà tôi bị cảm, vừa ho vừa sốt. Tôi ra tiệm thuốc mua được một lọ siro cảm cúm. Con tôi uống thìa thuốc được nửa tiếng thì bắt đầu đau bụng dữ dội và nôn mửa. Vợ chồng tôi đưa con đi trạm xá và được các bác sỹ cho thuốc. Thằng bé chỉ tạm yên một lúc rồi đột nhiên lên cơn co giật. Chúng tôi gọi xe cấp cứu để đưa con lên bệnh viện tỉnh nhưng thằng bé tắt thở trước khi đến nơi”.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunandi Sadikin tuyên bố trước báo chí: “Chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định rằng đa phần các trường hợp bệnh nhi tử vong do trụy thận trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ thuốc ho paracetamol dạng siro. Nhằm phòng tránh những trường hợp tương tự xảy ra, Bộ Y tế tuyên bố cấm tạm thời các bác sỹ và nhà thuốc kê đơn siro ho cho đến khi các cuộc điều tra được hoàn thành”.

Bộ Y tế Indonesia cùng lúc cũng công bố danh sách 102 loại thuốc dạng lỏng khác nhau sẽ được lấy mẫu để kiểm tra. Bản danh sách cũng đề tên năm thứ thuốc viên khác trong diện “đáng nghi ngờ”. Trong khi đó việc điều trị những bệnh nhi trụy thận sẽ được tập trung tại một số bệnh viện lớn. Quyết định trên được đưa ra nhằm đơn giản hóa việc phân phối thuốc giải độc được chính phủ Indonesia nhập khẩu từ Singapore.

Ethylene glycol, diethylene glycol và ethylene glycol butyl là ba hợp chất hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp như các chất dung môi hòa tan. Cả ba đều có tác dụng gây ngộ độc ở người, khiến nạn nhân bị ói mửa, đau bụng, hoa mắt, tăng nhịp tim, co giật, và nghiêm trọng nhất là tử vong. Bởi vì các chất này không màu, không mùi và dễ bay hơi nên bất kỳ ai làm việc với chúng đều được trang bị đồ bảo hộ và phải thật cẩn thận không để hóa chất lan ra bất kỳ thứ gì khác.

co.jpg -0
Cô Mariama Kuyateh cầm ảnh đứa con trai bị tử vong sau khi uống siro ho.

Tiến sỹ Piprim Basarah Yanuarso, chủ tịch Hội Bác sỹ nhi Indonesia, phát biểu trên kênh truyền hình iNews: “Số lượng trẻ em từ một đến năm tuổi phải nhập viện vì trụy thận có dấu hiệu tăng từ tháng một năm nay, nhưng phải qua mùa cúm thì xu hướng này mới thật sự rõ ràng. Bộ Y tế đã mở cuộc điều tra vào đầu tháng 8 vừa qua và phát hiện ra rằng tuy các sản phẩm thuốc ho bị nhiễm độc ở Indonesia và Gambia khác nhau, chúng đều được công ty dược Maiden của Ấn Độ sản xuất, trong một khâu hay toàn bộ quy trình.”

Tổng Thư ký Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đưa ra tuyên bố tương tự và cho biết thêm rằng một đoàn chuyên gia của WHO hiện đang hợp tác điều tra với phía Ấn Độ. Bốn sản phẩm siro ho được WHO “đặt vào tầm ngắm” có Promethazine, Kofexmalin, Makoff và Magrip N Cold, trong đó hai thương hiệu đầu thuộc sở hữu của Maiden. WHO đã phát ra thông báo khẩn khuyến cáo các nước thành viên rút sản phẩm thuốc của Maiden khỏi lưu hành.

Thật giả lẫn lộn

Ấn Độ từng tuyên bố tham vọng trở thành “nhà thuốc toàn cầu”. Hiện nay Ấn Độ là quốc gia sản xuất dược phẩm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Vậy nhưng theo Interpol, Ấn Độ cũng là quốc gia sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng lớn nhất thế giới. Ông Todd Ratcliffe, cựu đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), cho biết: “Không ít tập đoàn dược phẩm Ấn Độ “sáng làm thuốc thật, tối làm thuốc giả” rồi sử dụng cả trăm thương hiệu khác nhau để che giấu trách nhiệm của mình. Người chịu thiệt nhiều nhất là tầng lớp lao động Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển”.

Ông Ratcliffe kể về cuộc điều tra cuối cùng của mình: “Vào năm 2020, giữa lúc đại dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm, FBI thu giữ được một lô hàng lậu gồm thuốc kháng virus remdesivir và thuốc trị sốt rét chloroquine. Các mẫu thuốc này đều không đạt tiêu chuẩn nhưng nếu đem ra thị trường chợ đen thì có thể bán được gấp hai, ba lần giá thành sản xuất. Chúng tôi lần ngược từ lô hàng đến một công ty xuất khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến một mạng lưới rửa tiền ở Hong Kong, và cuối cùng là một công ty dược phẩm tại New Dehli, Ấn Độ”.

Bản thân các nhà chức trách Ấn Độ cũng không thể phủ nhận thực tế này. Theo các cuộc điều tra do Cục Quản lý chất lượng thuốc Trung ương Ấn Độ mở ra trong vòng 10 năm qua, có khoảng 12.000 mẫu thuốc do Ấn Độ sản xuất không đạt chất lượng. Chúng chứa chất độc, virus và vi khuẩn, hay thậm chí là những hạt kính. Điều đáng ngạc nhiên là trong cùng khoảng thời gian đó, chính quyền và tòa án nước này chỉ xử phạt 73 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm.

nguoi.jpg -0
Người dân Gambia xếp hàng trước phòng khám nhi.

Ông Dinesh S. Thakur từng làm lãnh đạo của một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất Ấn Độ. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông Dinesh bất ngờ bỏ việc để trở thành nhà hoạt động chống thuốc giả. Ông giải thích về quyết định của mình: “Bây giờ cứ khi nào ở Ấn Độ xuất hiện bệnh dịch là những thứ thuốc giả như tocilizumab (thuốc trị viêm khớp) và remdesivir lại tràn ngập thị trường. Tôi hiểu  rõ sự nguy hiểm của những thứ thuốc giả này đối với sức khỏe người bệnh nên không thể “ngoảnh mặt đi” được nữa”.

Cùng với người đồng nghiệp là luật sư Prashant Reddy T., ông Dinesh đã điều tra và khởi kiện ra tòa hơn 20 công ty dược phẩm khác nhau vì các tội như sản xuất thuốc giả, sử dụng nguyên liệu dưới chuẩn, điều kiện nhà xưởng không đạt yêu cầu vệ sinh, v.v… Trong khi vụ án tiếp tục “mắc kẹt” tại Tòa án tối cao Ấn Độ, hai người đã xuất bản một cuốn sách tập hợp kết quả điều tra của họ mang tên “The Truth Pill”.

Theo “The Truth Pill” thì ở Ấn Độ đã từng năm lần xảy ra thảm kịch chết người do siro ho: 15 trẻ tử vong ở Madras (nay là thành phố Chennai) năm 1972; 14 trẻ ở Mumbai năm 1986; 11 trẻ ở Bihar năm 1988; 33 trẻ ở Jammu năm 1998; và lần gần đây nhất xảy ra tại Jammu với 11 trẻ thiệt mạng. Đấy là chưa kể các trường hợp chịu tổn thương vĩnh cửu do nhiễm độc dẫn xuất của ethylen (như ethylene glycol) có khả năng khiến trẻ em bị suy thận mãn tính, phải chạy thận cả đời.

Ông Dinesh viết trong sách: “Cả năm thảm kịch đều liên quan đến siro ho có chứa độc tố diethylene glycol. Tại bất kỳ quốc gia nào khác, chỉ một sự việc như vậy cũng đã khiến hàng loạt nhà máy thuốc phải đóng cửa để rà soát toàn bộ dây chuyền sản xuất. Nhưng ở Ấn Độ không ai làm thế cả… Sau khi có trẻ bị chết ở Jammu, tôi đã gửi đơn kiến nghị lên các ban ngành yêu cầu mở cuộc điều tra tổng thể vào các công ty y dược. Tôi không nhận được bất kỳ câu trả lời nào”.

Riêng về vấn đề siro ho nhiễm độc ở Indonesia, nhà hoạt động xã hội cũng có những lời chỉ trích với cách hành xử của những người có trách nhiệm tại Ấn Độ: “Bộ Y tế Ấn Độ tìm cách trấn an người dân bằng cách nói rằng những loại thuốc bị điều tra được Maiden sản xuất để xuất khẩu chứ không được tiêu thụ nội địa” – Ông Dinesh viết – “Thứ nhất, mạng sống của trẻ em các nước khác cũng quý giá như mạng sống trẻ em Ấn Độ vậy. Thứ hai, Maiden sản xuất biết bao nhiêu thương hiệu thuốc khác nhau trong cùng một nhà máy, công chúng làm sao chắc chắn được loại thuốc nào không bị nhiễm độc chứ? Cách giải thích của Bộ Y tế rõ ràng là một biểu hiện lẩn tránh trách nhiệm nghiêm trọng”.

sau.jpg -0
Sau những cái chết thương tâm, nhiều gia đình Indonesia đưa con đi khám xem có bị nhiễm độc hay không.

Luật sư Prashant Reddy giải thích vì sao các công ty dược Ấn Độ lại có thể lẩn tránh trách nhiệm dễ dàng như thế: “Bộ Luật quản lý dược phẩm năm 1988 có những quy định khá rõ ràng về việc quản lý chất lượng thuốc. Vấn đề là, trên thực tế chẳng có tập đoàn dược Ấn Độ nào nghiêm túc làm việc quản lý chất lượng… Nếu như ở Mỹ các nhà sản xuất phải liên tục quan sát và ghi lại thông tin về dây chuyền sản xuất, các công ty được Ấn Độ không bị bắt làm vậy. Mà kể cả trong trường hợp họ có làm ăn nghiêm túc, phía nhà sản xuất vẫn có thể giữ bí mật thông tin khi người dân và báo chí tự mình điều tra”.

Liệu có giải pháp nào để “thay máu” ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ? Theo ông Reddy thì: “Liều thuốc tốt nhất đối với ngành dược Ấn Độ là minh bạch thông tin. Thông tin về các quá trình phê chuẩn thuốc mới, thanh tra nhà sản xuất, xử phạt vi phạm, v.v… nên được công bố rộng rãi để người dân và báo chí giám sát… Mặt khác cần thống nhất các quy định về thuốc khác nhau ở mỗi bang lại thành một bộ luật chung, rồi giao thêm nhiều quyền về điều tra và khởi tố cho Cục Quản lý chất lượng thuốc trung ương”.

Trong khi chờ đợi thay đổi đến, người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc cha mẹ trẻ nên dè chừng. Dược phẩm Ấn Độ đang có mặt trên khắp thế giới, và ngoài các thương hiệu do họ sản xuất, các nhà máy Ấn Độ còn sản xuất thuốc cho các tập đoàn nước ngoài. Người tiêu dùng hãy xem xét thật kỹ nguồn gốc của thuốc, không tự ý mua thuốc uống, và tránh xa những loại siro ho mà mình không rõ mức độ an toàn.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.