Thâm nhập đường dây mua bán thông tin cá nhân
Rất ít người có thể ngờ được rằng, các thông tin thuộc phạm vi bí mật cá nhân như: định vị thuê bao di động; lịch sử cuộc gọi, sao kê tài khoản ngân hàng... lại có thể trở thành món hàng để các đối tượng mua bán trao đổi một cách trắng trợn. Số tiền mà các đối tượng thu được từ hành vi phạm pháp này cũng không hề nhỏ.
Cần gì có nấy
Cách đây chưa lâu, nhóm phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới đã từng phản ánh về hiện tượng những thông tin cá nhân như: căn cước công dân, tài khoản ngân hàng kèm mật khẩu, số điện thoại nhận OTP... được mua bán tràn lan trên mạng Internet. Từ các thông tin trên, các đối tượng có ý đồ xấu có thể sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tuy nhiên thời gian gần đây vấn nạn mua bán thông tin cá nhân dường như đã được nâng lên một "tầm cao" mới. Khi mà các thông tin đặc biệt nhạy cảm như: vị trí cụ thể của một thuê bao di động, lịch sử cuộc gọi, sao kê tài khoản ngân hàng... đã bị các đối tượng xâm nhập trái phép để rồi tuồn ra nhằm phục vụ cho những hành vi thu lợi bất chính.
Qua một số mối quan hệ xã hội, chúng tôi gặp được Phan D. - nguyên giám đốc một công ty TNHH. Công ty này có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tư vấn pháp luật song thực chất hoạt động chủ yếu là theo dõi giám sát theo yêu cầu của khách hàng, hay nói đúng hơn là dịch vụ thám tử tư.
Theo D. bật mí, để có thể theo dõi một đối tượng thì thường thường có ba cách. Đầu tiên là cài một phần mềm theo dõi bí mật ở điện thoại di động của người cần theo dõi từ đó ta có thể lấy được các thông tin về lịch sử di chuyển, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn... Tuy nhiên cách này có nhược điểm là có thể bị đối phương phát hiện và xóa đi phần mềm theo dõi.
Cách thứ hai người theo dõi có thể cài một thiết bị định vị vào phương tiện của người cần theo dõi như xe máy, ô tô... Từ đó sẽ biết được lộ trình di chuyển, vị trí nơi phương tiện dừng đỗ. Cách này cũng có nhược điểm là nếu như đối tượng được theo dõi sử dụng một phương tiện khác (như thuê taxi hay xe ôm) thì cũng dễ dàng bị mất dấu.
Phương pháp được cho là hiệu quả nhất là định vị số thuê bao di động của đối tượng. Điện thoại di động thường là vật bất ly thân, người ta luôn luôn mang theo mình nên việc biết được vị trí của thuê bao di động đồng nghĩa với việc biết được vị trí của người cần theo dõi. Và để biết được điều này thì chỉ có các nhân viên của các nhà mạng mới có thể lấy được.
Ngoài ra các thông tin khác như tên tuổi, nghề nghiệp, tài khoản ngân hàng sao kê tài khoản... đều thuộc phạm vi bí mật cá nhân, song theo D, có thể dễ dàng kiếm được. Vấn đề là có chịu chi hay không. Thấy tôi có vẻ chưa tin lắm, D. mở điện thoại cho tôi xem một trường hợp khách hàng anh ta đã từng làm. Sau khi nhờ một "dịch vụ" check vị trí thuê bao di động, kết quả trả về chi tiết đến từng số nhà, ngõ ngách!
Với vai trò là một khách hàng cần theo dõi đứa con gái mới lớn, tôi đã liên hệ với dịch vụ thám tử tư T.A. Anh này cho biết công ty có các gói theo dõi một ngày một tuần và cả một vài tháng. Những ưu điểm nhược điểm của từng phương pháp theo dõi sát cũng được vị thám tử tư này liệt kê một cách cụ thể rõ ràng cùng với số tiền cần phải chi. Ví dụ nếu như cử người theo dõi giám sát 12/24h thì số tiền sẽ là 2 triệu đồng/ngày hoặc 7 triệu đồng/tuần.
Nếu muốn gắn thiết bị định vị vào phương tiện của người cần theo dõi, khách hàng sẽ phải mua bộ định vị có giá từ 5-10 triệu đồng/bộ. Sau đó nhân viên công ty thám tử sẽ chọn một thời điểm thích hợp để bí mật gắn vào phương tiện. Khách hàng cũng sẽ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng vào máy tính hoặc smartphone, từ đó sẽ nắm được vị trí của phương tiện từng giờ từng phút.
Phương pháp cuối cùng là theo dõi thuê bao di động. Phương pháp này được thám tử quảng cáo là chính xác tuyệt đối, con mồi không thể chạy đi đâu được. "Thông tin định vị được lấy trực tiếp từ nhà mạng nên khách hàng có thể yên tâm về độ chính xác. Chi phí cho mỗi lần lấy thông tin là từ 5 đến 10 triệu đồng. Nói chung anh muốn lấy thông tin gì cũng được, miễn là có tiền, chơi đẹp" - T.A khẳng định.
Những “liên minh ma quỷ”
Quả thực sau khi nghe những thông tin mà thám tử cung cấp, chúng tôi vẫn bán tín bán nghi. Bởi vì để lấy được các thông tin cá nhân như vị trí của số thuê bao điện thoại hoặc list các cuộc gọi đến gọi đi; sao kê tài khoản ngân hàng... thì bắt buộc phải có sự tiếp tay của nhân viên nhà mạng hoặc nhân viên ngân hàng(?) Và việc tiết lộ thông tin của khách hàng như vậy rõ ràng là đã vi phạm pháp luật!
Và cho đến khi Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội công bố bản kết luận điều tra vụ án "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông" xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thì có lẽ nhiều người phải giật mình choáng váng. Hóa ra những thông tin bí mật đời tư kia đã được một nhóm đối tượng là nhân viên các nhà mạng xâm nhập vào hệ thống tổng đài rồi lấy ra bán cho khách hàng. Khách hàng của họ chủ yếu là các công ty thám tử tư sử dụng để giám sát người dân theo nhu cầu của khách hàng. Hành vi của các đối tượng được thực hiện trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo tài liệu từ cơ quan điều tra, "liên minh ma quỷ" này có hai nhóm chính. Đầu tiên là nhóm nhân viên các nhà mạng Vi..., Mo..., Vie... - là đầu mối trích xuất dữ liệu từ các thuê bao điện thoại. Nhóm còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động thám tử cần các thông tin về thuê bao điện thoại để thực hiện việc theo dõi, giám sát theo yêu cầu của khách hàng.
Cầm đầu nhóm data là đối tượng Bùi Việt Anh (sinh năm 1987, thường trú tại Trương Định, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội). Với vị trí là Phó trưởng Trung tâm An ninh mạng, Ban khai thác mạng tổng công ty hạ tầng V... Việt Anh đã sử dụng tài khoản do tổng công ty V... cung cấp để đăng nhập vào hệ thống dữ liệu của nhà mạng. Sau đó anh ta nhập số điện thoại cần lấy thông tin rồi lọc ra các thông tin chủ thuê bao thông tin: định vị, danh sách cuộc gọi... để bán cho khách hàng với giá từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/thông tin.
Trong chưa đầy hai năm hoạt động Việt Anh đã thực hiện mua bán dữ liệu của 450 số điện thoại, hưởng lợi số tiền gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, Việt Anh còn bán hàng ngàn dữ liệu cho đối tượng Trần Mạnh Quân (sinh năm 1991 trú tại Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) và hưởng lợi số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.
Đối tượng Nguyễn Tiến Thành (sinh năm 1987 thường trú tại Hoằng Quý, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vốn là lao động tự do, từng có một tiền án về tội đánh bạc. Thông qua một số mối quan hệ Thành nhận công việc phân phối các Sim điện thoại của nhà mạng V... và Vie... Do có thể đăng nhập vào hệ thống của nhà mạng nên Thành đã nhiều lần truy cập trái phép vào các mạng điện thoại trên để thực hiện hành vi lấy trộm và bán hơn 400 lần thông tin cho khách hàng. Tổng số tiền mà Thành đã nhận là hơn 150 triệu đồng.
Cũng tham gia vào đường dây mua bán thông tin cá nhân có đối tượng Ma Duy Thanh (sinh năm 1987, thường trú tại Trung Môn, Yên Sơn, Tuyên Quang). Thanh làm việc tại Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang và có thể đăng nhập vào hệ thống thông tin Bảo hiểm xã hội để lấy thông tin cá nhân. Nhận được đơn đặt hàng từ đối tượng Nguyễn Tuấn Minh, Thanh đã sử dụng tài khoản được Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang cấp để đăng nhập vào hệ thống lấy dữ liệu rồi chụp lại ảnh gửi cho Minh. Với phương thức thủ đoạn nêu trên, Thanh đã bán thông tin cho Minh và một số đối tượng khác, hưởng lợi số tiền gần 150 triệu đồng.
Khách hàng của các bị can Bùi Việt Anh, Nguyễn Tiến Thành, Ma Duy Thanh không ai khác là các công ty thám tử. Tài liệu điều tra của cơ quan cho thấy Phạm Ngọc Tỉnh (sinh năm 1982, thường trú tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) - là Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn 247 Việt Nam. Trong nhiều năm Tỉnh đã thường xuyên mua bán thông tin dữ liệu với Bùi Việt Anh để phục vụ cho việc giám sát theo dõi theo yêu cầu của khách hàng.
Cơ quan điều tra làm rõ Phạm Ngọc Tỉnh đã thu mua thông tin dữ liệu của 400 số điện thoại từ Việt Anh với số tiền hơn 600 triệu đồng. Sau đó Tỉnh đã bán thông tin cho hai đối tượng Nguyễn Thế Hùng và Vũ Văn Thành (là đàn em của Tỉnh) hưởng lợi số tiền hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh sử dụng thông tin định vị danh sách cuộc gọi của hơn 100 số điện thoại và hoạt động thám tử, hưởng lợi số tiền hơn 30 triệu đồng.
Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1984, thường trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một nhân viên làm thuê cho Phạm Ngọc Tỉnh. Thấy công việc này không quá phức tạp mà lại có thu nhập rất tốt nên đầu năm 2019, Hùng đã tách ra và thành lập Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T.T Hà Nội. Công ty không hề có hoạt động kinh doanh gì, Hùng đã sử dụng tư cách pháp nhân công ty, đăng quảng cáo và ký hợp đồng với khách hàng cung cấp dịch vụ thám tử.
Để có thông tin thực hiện dịch vụ, Hùng thỏa thuận mua bán thông tin dữ liệu điện thoại với Phạm Ngọc Tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện điều tra giám sát theo nhu cầu của khách hàng thì Hùng cũng mua các dữ liệu rồi bán thông tin cho các đối tượng khác nhằm hưởng chênh lệch.
Đơn cử Hùng mua thông tin định vị số điện thoại từ Tỉnh với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/ thông tin rồi bán lại với giá từ 2 đến 3,5 triệu đồng/ thông tin. Ngoài ra Hùng còn mua lịch sử cuộc gọi của gần 20 số điện thoại với giá từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng một danh sách rồi bán với giá từ 3,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/ danh sách.
Nguyễn Bắc Tích (sinh năm 1989, thường trú tại Xuân Đỉnh, Phúc Thọ, Hà Nội) cũng thành lập Công ty TNHH cung cấp thông tin Toàn Tâm và cũng liên hệ với Nguyễn Thế Hùng với cùng những hoạt động tương tự, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Trung tuần tháng 3-2023, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toàn xét xử nhóm bị cáo trên. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên Bùi Việt Anh 30 tháng tù về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Cùng tội danh này, tòa tuyên Phạm Ngọc Tỉnh, Nguyễn Bắc Tích và Ma Duy Thanh cùng 15 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Thế Hùng lĩnh 12 tháng tù, Nguyễn Tiến Thành 18 tháng tù.
Riêng bị cáo Trần Mạnh Quân lĩnh tổng mức án 6 năm tù về các tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".