"Thần y lừa" thời đại dịch

Thứ Ba, 17/08/2021, 22:34

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện một số đối tượng mạo danh là lương y, là trợ lý bác sỹ... để mồi chài người bệnh mua thuốc, rồi dẫn dụ họ vào những màn kịch lừa đảo siêu hạng. Bên cạnh đó, lợi dụng tâm lý sợ hãi trước đại dịch COVID-19, cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo qua việc bán thiết bị y tế...

Tưởng gặp "thần y", hóa ra siêu lừa

Mới đây Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cặp đôi Phan Đức Huy (SN 2000) và Phạm Minh Hiếu (SN 1998, cùng trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù ít tuổi, song đối tượng Huy đã tạo một vở kịch liên hoàn để chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của một cụ bà đang có vấn đề về sức khỏe.

4.jpeg -0

Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 trôi nổi.

Tháng 7-2021, Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Long Biên nhận được đơn trình báo từ cụ bà N.T.T.T (SN 1951, trú tại quận Long Biên) về việc bị một nhóm đối tượng lừa bán thuốc, lừa mua bảo hiểm số tiền khá lớn. Tiến hành điều tra, Cơ quan công an đã tổ chức mật phục và tóm gọn đối tượng khi nhóm này vẫn đang tiếp tục moi tiền từ cụ bà.

Qua điều tra ban đầu, Cơ quan công an xác định Phan Đức Huy vốn có một thời gian làm tại một cửa hiệu bán thuốc đông y trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong thời gian này, đối tượng quen với bà T. do bà từng mua thuốc tại đây. Có chút hiểu biết về ngành y, Huy tự vẽ ra mình là bác sỹ đông y. Đối tượng cũng nghĩ ra cái tên giả là "bác sỹ Đăng" và nhiều lần tư vấn, bán thuốc đông y cho bà T. với tổng số tiền khoảng 10 triệu đồng.

Sau các lần bán thuốc cho bà T., nhận định bà T. thuộc dạng có kinh tế, lại tỏ ra rất tin người nên Huy đã nghĩ ra màn kịch lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại. Đầu tiên Huy bịa ra thông tin bà T. may mắn được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ gói bảo hiểm lên tới 500 triệu đồng từ việc mua liệu trình thuốc đông y điều trị xương khớp. Sau đó đối tượng liên tục thúc giục, yêu cầu bị hại chuyển tiền để lo lót, sớm nhận được khoản tiền bảo hiểm nói trên.

Để bà T. thêm phần tin tưởng, Huy đã tự chế ra văn bản “Thông báo về việc hỗ trợ bảo hiểm nhân sự của bà N.T.T.T" có dấu logo của Bộ Y tế và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rồi gửi qua mạng xã hội zalo cho bà T. Trúng bẫy của đối tượng giăng ra, bà T. đã nhiều lần chuyển cho Huy tổng số tiền gần 430 triệu đồng để hy vọng sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm.

"Mẻ" đầu thắng lợi, Huy tiếp tục bịa ra thông tin về gói bảo hiểm y tế trị giá 1 tỷ đồng cùng một căn chung cư ở khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) có giá trị 2 tỷ đồng. Để sớm nhận được gói bảo hiểm và căn hộ thì bà T. phải chuyển thêm tiền cho Huy để "lo" giấy tờ.

1.jpeg -0

Hai đối tượng lừa đảo Phan Đức Huy và Phạm Minh Hiếu.

Để tránh việc bà T. nghi ngờ, Huy đã rủ thêm đối tượng Phạm Minh Hiếu cùng tham gia. Hiếu sẽ đóng vai trò là chuyên viên tư vấn, đồng thời nhận tiền từ bà T. để "lo lót". Theo sự sắp xếp của Huy, Hiếu đã 4 lần đến gặp bà T. nhận thêm gần 600 triệu đồng nữa. Huy đã chia cho Hiếu 28 triệu đồng tiền công.

Lừa được hơn 1 tỷ rồi mà chưa thỏa lòng tham, Huy chỉ đạo Hiếu gọi điện cho bà T. chuẩn bị thêm 150 triệu đồng đóng tiền đợt cuối để nhận căn hộ chung cư. Lúc này không còn tiền, bà T. hỏi vay người thân, họ hàng mà vẫn không đủ. Đến khi ấy, bà T. mới kể câu chuyện với người nhà, và nhận ra mình bị lừa. Người thân đã đưa bà T. đến cơ quan công an trình báo.

Một ngày cuối tháng 7-2021 Hiếu gọi điện thoại giục bà T. giao tiền. Khi nhận được sự đồng ý của "con mồi", Hiếu và Huy bàn tính để tránh bị phát hiện, sẽ thuê sử dụng dịch vụ Grab đến nhận. Quá trình nhân viên Grab đang nhận tiền thì Công an xuất hiện. Căn cứ vào thông tin của tài xế Grab, Cơ quan công an đã tổ chức bắt giữ Huy, Hiếu khi cặp đôi đang chờ nhận tiền ở khu vực cầu Đông Trù (phường Thượng Thanh, quận Long Biên).

Tại Cơ quan Công an, Huy khai đã vẽ ra màn kịch lừa đảo chiếm đoạt của bà T. tổng số tiền lên tới 1 tỷ 70 triệu đồng. Huy cất giấu 640 triệu đồng tại phòng ngủ của gia đình ở tổ 16, phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) và nhờ mẹ đẻ cất giữ hộ 250 triệu đồng. Số còn lại Huy sử dụng để chi tiêu cá nhân và chia cho đồng bọn.     Cơ quan Công an đã thu hồi được gần 900 triệu đồng là tang vật vụ án, trả lại cho người bị hại. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Cũng với màn kịch giả danh lương y, đối tượng Nguyễn Văn Lãm (SN 1998, thường trú tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã thực hiện trót lọt vụ lừa đảo một phụ nữ đứng tuổi số tiền gần 300 triệu đồng. Bị hại là bà Phạm Thị S. (SN 1967, thường trú tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Theo trình báo của bà S., qua mạng xã hội facebook cuối năm 2020 bà quen với một đối tượng tự xưng là thầy  thuốc Hoàng Văn Sơn. "Thầy Sơn" chuyên cung cấp các loại thuốc để trị các chứng mất ngủ, rụng tóc và thần dược giúp giảm cân.

Quá ấn tượng trước màn quảng cáo của "thần y", bà S. đã mua thuốc của anh ta nhiều lần với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Đến đầu tháng 6-2021, Lãm nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà S. nên gọi điện nói với bà S. nếu nộp một khoản phí 32 triệu đồng thì sẽ được nhận lại tiền hỗ trợ từ nhà tài trợ một số tiền lớn. Ít nhất cũng bằng toàn bộ số tiền bà S. đã bỏ ra mua thuốc trước đây.

Do tin tưởng Lãm nên bà S. đã đưa cho Lãm số tiền 32 triệu đồng. Bằng thủ đoạn tương tự, Lãm tiếp tục yêu cầu bà S. đưa tiền cho Lãm nhiều lần trên địa bàn huyện Thanh Oai với tổng số tiền lên tới gần 300 triệu đồng.

Lần chót, Lãm hẹn bà S. ở Bưu điện huyện Thanh Oai, để tiếp tục nhận tiền. Tuy nhiên, thấy có dấu hiệu bị lừa nên bà S. đã trình báo lên cơ quan công an. Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, xác minh vụ việc. Sau khi làm rõ, ngày 10-8-2021, Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với thầy thuốc rởm, đồng thời mở rộng điều tra vụ án.

Cẩn trọng khi mua thiết bị y tế online

Theo một điều tra viên phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Chính vì thế, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị y tế, các thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua Internet nhiều hơn. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.

3.jpeg -0
Đối tượng Nguyễn Văn Lãm tại cơ quan Công an. 

Chị Hoàng T. T. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) là một trong những bị hại mới nhất. Qua mạng xã hội, chị kết nối với một bác sỹ và được anh ta chào bán bộ kit test nhanh virus corona với giá gần 500 ngàn đồng/bộ. Vị bác sỹ khẳng định đây là hàng chuẩn của Hàn Quốc, độ chính xác cao. Do lo sợ khi thấy dịch bệnh lây lan nhanh nên chị đã mua cả chục bộ cho gia đình, họ hàng cùng sử dụng. Sau khi test thấy que thử báo "một vạch", thế là chị yên tâm. Tuy nhiên, khi chị liên hệ để mua thêm cho bạn bè thì bất ngờ thấy tài khoản người bán đã bị xoá. "Lúc đó tôi mới biết, đây là loại hàng hoá trôi nổi, chưa có kiểm định gì của ngành y tế. Xem lại bao bì, thì là chữ Trung Quốc chứ không phải chữ Hàn Quốc", chị T. nói mà giọng vẫn ấm ức.

Chị T. là một trong số những trường hợp đã mất tiền oan khi mua bộ kit xét nghiệm nhanh, bởi theo các chuyên gia y tế, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học. Theo các chuyên gia, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà nếu bản thân có virus thì còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thời gian qua một số cơ sở kinh doanh "test thử nhanh" đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Đơn cử, ngày 3-6-2021 Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) do bà Đào Hồng Thắm là Giám đốc.

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA". Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp, đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo

Mới đây Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo người dân.

Theo khuyến cáo của NCSC, trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, mọi người nên nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Đầu tiên đối tượng giả mạo thông tin của tổ chức y tế như: Giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế (điển hình như Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ bị đánh cắp.

Với mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh, đối tượng lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm COVID-19 khiến nhiều người tìm cách để phòng ngừa và chữa trị. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.

Hình thức lừa đảo liên quan đến chuỗi cung ứng khi đối tượng tạo lập các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Đặc biệt, NCSC khuyến cáo người dân không nên mua bất kỳ bộ kit test nhanh COVID-19 nào qua mạng vì các sản phẩm này chưa chắc đã có hiệu quả, chưa chắc đã được các cơ quan Việt Nam kiểm định chất lượng và cấp phép lưu hành. Thậm chí, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc với nạn nhân và không giao hàng như đã thỏa thuận.

M. Tiến - M. Trí
.
.