Thấy gì trong những buổi đào tạo bán hàng đa cấp?

Thứ Tư, 02/10/2024, 15:00

Những buổi đào tạo trong các hệ thống bán hàng đa cấp tại Việt Nam không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm bán hàng mà còn ẩn chứa những chiêu trò thao túng tâm lý. Những phương pháp đào tạo độc hại và phi giáo dục này đã gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Nó không chỉ bóp méo giá trị của lao động chân chính mà còn làm mất lòng tự trọng của người tham gia.

Phương pháp đào đạo phi giáo dục

Mới đây, mạng xã hội lan truyền chóng mặt một clip CEO (giám đốc điều hành) dùng dây chun búng nhiều lần vào tay các nhân viên khi tham gia chương trình đào tạo. Theo đó, đoạn clip quay lại cảnh sếp nữ vừa búng dây chun vừa hét to: “Không xứng đáng làm người đứng đầu”; “Tại sao đội nhóm không trung thực?”; “Không nỗ lực”; “Tại sao đội nhóm đến giờ vẫn chưa bùng nổ?”... Người phụ nữ bị búng chun đau đớn, gục xuống và khóc nấc lên.

Thấy gì trong những buổi đào tạo bán hàng đa cấp? -0
Hình ảnh lãnh đạo bắn chun đỏ tay nhân viên khiến nhiều người bức xúc.

Sau màn “dạy dỗ” này, tất cả cúi sụp xuống, sau đó nữ CEO ôm nhân viên và khóc. Đáng chú ý, hình phạt này cũng khiến cả hội trường cùng khóc nấc.

Sau khi clip được đăng tải, trên mạng xã hội đã có nhiều bình luận bức xúc về hành động của vị sếp trên và khóa học đặc biệt này giống như đa cấp.

Tối ngày 23/9, một tài khoản đã lên tiếng nhận mình là người sếp trong clip lan truyền trên mạng xã hội. Người phụ nữ này cho biết, đây là buổi đào tạo do bộ phận kinh doanh của công ty thực hiện. Bộ phận kinh doanh phối hợp với bên tổ chức sự kiện, thực hiện các trò chơi tư duy và bắn dây chun là một trong số đó.

“Trong chương trình có một trò chơi bắn chun nhằm minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh, và trò chơi này đã thực sự chạm đến cảm xúc của mọi người tham gia” - người nhận là sếp trong clip lên tiếng. Cũng theo người này, những ai không tham dự chương trình không hiểu được bối cảnh và mục đích trò chơi.

Được biết, đây là trò chơi của một công ty mỹ phẩm. Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty mỹ phẩm này trước đó từng nhiều lần bị lực lượng chức năng xử phạt, đình chỉ thu hồi sản phẩm do chứa chất cấm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo hay phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cách đây không lâu, vào cuối tháng 8/2024, một công ty mỹ phẩm khác cũng thực hiện thử thách giẫm lên cành hoa hồng có gai gây xôn xao. Theo đó, những người tham gia sẽ “vượt ngàn chông gai” bằng cách thay nhau cõng đồng nghiệp bước qua con đường trải toàn cành hoa hồng. Một số người hoàn thành thử thách đã vô cùng xúc động, không ít người bật khóc.

Tuy nhiên, thử thách mới lạ này lại nhận không ít những luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ cho rằng thử thách này giúp thêm động lực, thôi thúc tinh thần của các thành viên, thì không ít người bày tỏ quan ngại, cho rằng ảnh hưởng đến sức khỏe khi gai của hoa hồng có thể đâm vào chân. Một cư dân mạng bày tỏ quan điểm “vượt qua chông gai là những lần chiến thắng thử thách, biến cố trong công việc, cuộc sống, chứ không phải bước chân trên hoa hồng”.

Thấy gì trong những buổi đào tạo bán hàng đa cấp? -0
Thử thách “vượt qua chông gai” của một công ty mỹ phẩm gây sốt mạng xã hội.

Lý giải về thử thách khó hiểu này, người trực tiếp thực hiện buổi đào tạo này lên tiếng: “Chúng tôi muốn mọi người có thể vơi bớt những nỗi sợ trong cuộc sống thông qua thử thách này. Khi nhìn vào con đường đầy gai góc, không ít cá nhân cho rằng đây là đày ải, hành xác, khó để vượt qua. Tuy nhiên, khi vượt qua rồi cảm giác không đáng sợ như mình nghĩ”.

Tương tự, một đoạn clip khác đã từng được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội ghi lại cảnh một boss (thủ lĩnh) và các thành viên trong đội do cô phụ trách bị “dạy dỗ”' bằng bạo lực trước cả tập thể. Có vẻ như vì lỗi của các nhân viên mà vị nữ thủ lĩnh này phải chịu đòn.

Cụ thể, trong clip “sếp lớn” là người phụ nữ mặc bộ đồ sẫm màu ra lệnh cho từng người trong đội mắc lỗi, đang bị “bêu” trên sân khấu, phải cầm gậy quật mạnh vào mông, lưng boss của mình. Nếu ai thương boss đánh nhẹ sẽ bị bắt phải làm lại, chỉ khi họ dùng sức quật mạnh, khiến người bị đánh hét lên, cong gập người vì đau đớn, mới được cho qua.

Người phụ nữ được coi là “sếp lớn” hét to: “Các bạn biết sai của mình chưa? Boss của bạn đến rất sớm, phải nhận những bài kiểm tra của các bạn, thậm chí chỉ cho các bạn vì tôi biết có những bạn đến đây mới làm bài tập. Tôi nói với anh chị, tôi không ngồi ở đây nhưng mọi thứ tôi biết hết”. 

Sau khi cảm thấy “thủ lĩnh” đã bị trừng phạt đủ, “sếp lớn” cầm gậy đánh một số nhân viên khác, lớn giọng giáo huấn: “Đau đúng không? Các bạn mới bị một cái mà đã cảm giác đau rồi đúng không? Các bạn biết boss của các bạn phải chịu 9 cái thì như nào không? Đừng có vì ý thức vô trách nhiệm của mình để làm ảnh hưởng tới người hàng ngày lo lắng, hỗ trợ ngày đêm, bỏ cả gia đình vì các bạn”.

Toàn bộ màn dạy dỗ và trừng phạt này diễn ra trên sân khấu, trước sự chứng kiến của hàng trăm người khác. Từ đầu đến cuối, cả cô gái bị đánh lẫn những nhân viên bị ép đánh thủ lĩnh của mình đều ngoan ngoãn chịu trận, răm rắp tuân theo vị “sếp lớn” kia, không chút phản kháng. Những người ngồi phía dưới điềm nhiên theo dõi và cầm điện thoại quay lại.

Một công ty đa cấp khác từng gây phẫn nộ khi bắt nhiều nữ nhân viên thực hiện thử thách bị trói hai tay sau lưng và cúi đầu ăn cơm hộp trên sàn. Những hình ảnh phản cảm này cũng được quay trong một công ty bán mỹ phẩm ở Hà Nội.

Cụ thể, trong clip các cô gái cúi đầu ăn cơm theo kiểu người cụt tay chân. Có vẻ như với cách này không ai ăn hết được hộp cơm. Trong lúc các cô gái đang thực hiện cách ăn quái đản thì sếp của họ lên tiếng: “Khi các bạn đang nỗ lực thì những người ngoài kia nỗ lực hơn các bạn rất nhiều. Thử thách ngày hôm nay tôi dành cho các bạn, các bạn phải vượt qua. Nếu các bạn không vượt qua thì quá tầm thường. Nếu hôm nay, các bạn chỉ cần khóc thôi thì không sao cả... Nếu hôm nay, người khác phán xét bạn rằng tại sao ăn cơm như thế này, chúng ta sẽ không quan tâm về điều ấy, vì chúng ta đến đây là vì mục tiêu cuộc đời. Chúng ta đến đây là vì xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Chiến thuật thao túng tâm lý

Một trong những chiến lược thao túng phổ biến nhất là việc tạo dựng giấc mơ làm giàu nhanh chóng. Các buổi đào tạo thường sử dụng những câu chuyện thành công “kỳ diệu” về những người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ sau vài tháng đã mua nhà, xe hơi hay đi du lịch nước ngoài. Những tấm gương này được tôn vinh một cách hoành tráng, được xem như minh chứng cho tiềm năng tài chính vô hạn mà hệ thống đem lại.

Thấy gì trong những buổi đào tạo bán hàng đa cấp? -0
Hình ảnh trong buổi đào tạo bán hàng của một công ty đa cấp.

Ngoài ra, nghệ thuật “tẩy não” cũng là một phương pháp thao túng tâm lý hiệu quả được sử dụng trong các buổi đào tạo bán hàng đa cấp. Các thành viên được yêu cầu tham gia vào những buổi hội thảo kéo dài, trong không gian đóng kín, với âm nhạc mạnh mẽ và hô khẩu hiệu liên tục. Điều này tạo ra một trạng thái hưng phấn giả tạo, khiến người tham gia cảm thấy phấn khích và mất đi khả năng tư duy logic.

Sự kích thích liên tục từ âm thanh, ánh sáng và sự tán dương từ người khác làm người tham gia mất đi khả năng suy nghĩ độc lập và dễ bị thuyết phục. Họ bị lôi cuốn vào đám đông và dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn về cơ hội làm giàu, mà không đủ tỉnh táo để xem xét các rủi ro tiềm ẩn.

Theo chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Phạm Thị Thúy thì không khí sôi nổi của chương trình khiến người trong cuộc phấn khích, chấp nhận các thử thách và dễ xúc động. Tuy nhiên, sau này xem lại, họ có thể nghĩ không ngờ lúc đó mình có thể chịu đau và chịu nhục được như vậy. Cụ thể trong clip bắn dây chun, đi kèm với động tác bắn chun là rất nhiều câu nói nặng nề. Đó là sự sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm trước đám đông, có thể gây ra tổn thương lớn về tâm lý cho ai đó sau này. Đặc biệt, clip lại được công khai trên mạng xã hội, thu hút nhiều bình luận chỉ trích, tổn thương sẽ bị nhân lên nhiều lần.

Thực tế, các hệ thống đa cấp thường áp dụng chiến thuật thao túng cảm xúc để tạo ra áp lực thành công. Họ sử dụng những lời nói, câu chuyện hoặc hình ảnh để gợi lên cảm xúc hối tiếc, lo lắng về tương lai và thúc đẩy người tham gia hành động ngay lập tức. Chẳng hạn, họ có thể nói rằng “Cơ hội này không chờ đợi ai”, “Nếu bạn không nắm bắt, người khác sẽ lấy mất cơ hội”, hoặc “Bạn không làm điều này cho mình, mà cho gia đình”.

Sự thao túng cảm xúc này nhằm mục đích làm cho người tham gia cảm thấy sợ hãi rằng họ đang bỏ lỡ một cơ hội “ngàn năm có một”, khiến họ dễ dàng đưa ra quyết định thiếu cân nhắc. Đồng thời, nó tạo ra áp lực về việc phải đạt được thành công để tránh bị coi là thất bại trong mắt người khác, đặc biệt là gia đình và bạn bè.

Một phần quan trọng trong việc thao túng tâm lý là xây dựng niềm tin tuyệt đối vào hệ thống và những người đứng đầu. Trong các buổi đào tạo, người đứng đầu hệ thống đa cấp thường được mô tả như những cá nhân có kiến thức và khả năng vượt trội, thành công nhờ vào việc tuân theo các quy tắc của hệ thống. Các thành viên mới thường được yêu cầu “làm theo mà không đặt câu hỏi”, với lý do rằng những người thành công đã chứng minh hiệu quả của mô hình.

Một kỹ thuật thao túng tâm lý tinh vi khác là việc sử dụng cảm giác tội lỗi và trách nhiệm để ép buộc người tham gia tiếp tục đầu tư. Họ bị nhắc nhở rằng việc không đạt được thành công không chỉ là thất bại cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè và những người đã tin tưởng họ. Những người đứng đầu hệ thống sẽ thường xuyên nói rằng “Bạn đang làm điều này không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình bạn” hoặc “Nếu bạn từ bỏ, bạn đang phụ lòng những người đã giúp đỡ bạn”.

Thấy gì trong những buổi đào tạo bán hàng đa cấp? -0
“Thủ lĩnh” áo xanh đã bị “dạy dỗ” bằng bạo lực.

Cảm giác tội lỗi này khiến người tham gia không dám từ bỏ hoặc thậm chí tiếp tục đầu tư thêm để tránh cảm giác đang phụ lòng những người xung quanh. Đây là một hình thức kiểm soát tinh thần, khiến họ dễ dàng bị thao túng và rơi sâu vào hệ thống mà không có lối thoát.

Trong hệ thống đa cấp, những người thành công thường được tôn vinh với những phần thưởng lớn, được đứng trên sân khấu, nhận bằng khen và sự ngưỡng mộ từ những người khác. Trái lại, những người không đạt được chỉ tiêu hoặc không thành công sẽ bị chỉ trích công khai, bị gán cho những nhãn mác như “lười biếng”, “không có quyết tâm” hoặc “thiếu nỗ lực”.

Chiến thuật này không chỉ tạo ra sự đối lập rõ ràng giữa thành công và thất bại, mà còn khiến người tham gia cảm thấy áp lực phải đạt được thành công để không bị coi thường. Nỗi sợ bị làm nhục trước tập thể thúc đẩy họ tiếp tục làm việc và đầu tư vào hệ thống, dù họ có thể nhận thức được những bất ổn trong mô hình này.

Các phương pháp thao túng tâm lý trong đào tạo bán hàng đa cấp là những chiến lược tinh vi và hiệu quả, khiến người tham gia bị cuốn vào mô hình một cách mù quáng. Những chiêu thức này không chỉ đánh vào tham vọng làm giàu mà còn khai thác triệt để cảm xúc và tâm lý của người tham gia, biến họ thành những “con rối” của hệ thống. Để tránh bị lừa đảo và mắc kẹt trong vòng xoáy của đa cấp, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi tham gia và luôn đặt ra những câu hỏi thực tế về rủi ro tiềm ẩn.

Phong Anh
.
.