Thế giới trong cơn bão tội phạm mới

Thứ Năm, 06/02/2025, 07:43

Trong kỷ nguyên số, thế giới tội phạm cũng đang biến đổi nhanh chóng theo sự phát triển của công nghệ, tạo ra những thách thức chưa từng có đối với an ninh toàn cầu. Bên cạnh các hình thức tội phạm mới là những mối đe dọa truyền thống trỗi dậy với sự tiếp tay từ công nghệ. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ từ hoạt động phạm pháp mà còn khiến việc đối phó với chúng trở nên khó khăn hơn.

Mối đe dọa từ công nghệ

Với những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, internet, dữ liệu lớn và mới nhất là công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo), thế giới trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21 đã có những bước phát triển nhảy vọt. Công nghệ mới giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn nhưng đồng thời cũng cung cấp những “vũ khí” mới cho những kẻ phạm tội. Trong khi các hình thức tội phạm mới sử dụng những công nghệ điển hình của thời đại như ransomware (phần mềm mã độc), deepfake (lừa đảo bằng thông tin giả mạo), và tấn công hạ tầng số trỗi dậy thì những tội phạm "cổ điển" như buôn người, ma túy, hay rửa tiền cũng biến đổi nhờ lợi dụng sức mạnh công nghệ. Chúng ta đang chứng kiến sự giao thoa nguy hiểm giữa tội phạm truyền thống và công nghệ cao.

Thế giới trong  cơn bão tội phạm mới -0
Ông chủ của Facebook cũng bị bọn tội phạm giả mạo ảnh để thực hiện cuộc gọi deepfake.

Tấn công mạng và ransomware đang trở thành một trong những hình thức tội phạm phát triển mạnh mẽ nhất. Theo báo cáo của công ty an ninh mạng Palo Alto Networks, số vụ tấn công ransomware toàn cầu tăng 47% trong năm 2024, gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD. Các tổ chức tài chính, hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng quan trọng và thậm chí chính phủ các nước đều trở thành mục tiêu. Ông Mikko Hyppnen, chuyên gia an ninh mạng của dịch vụ an ninh With Secure, nhận định: "Những kẻ tấn công không còn chỉ nhắm vào dữ liệu, mà còn kiểm soát các hệ thống quan trọng để tống tiền. Đây không còn chỉ là vấn đề tài chính mà là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia."

Việc sử dụng AI để lừa đảo người dùng cũng ngày cảng phổ biến. Các cuộc gọi deepfake áp dụng những thành quả AI tiên tiến nhất để giả mạo giọng nói hoặc hình ảnh của các lãnh đạo hàng đầu đã gây thiệt hại hàng triệu USD cho các doanh nghiệp trong thời gian qua. Một báo cáo của Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) cho thấy, số vụ lừa đảo sử dụng deepfake tăng 300% trong hai năm qua. Vụ việc điển hình xảy ra vào tháng 6/2024, khi một giám đốc tài chính của một công ty lớn tại Hồng Kông bị lừa chuyển hơn 25 triệu USD sau khi tham dự một cuộc họp trực tuyến với các "đồng nghiệp" giả được tạo bởi AI. Chuyên gia công nghệ Bruce Schneier, cố vấn của Europol thừa nhận: "AI đang giúp tội phạm trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Các phương pháp xác minh danh tính truyền thống không còn đủ hiệu quả để chống lại deepfake".

Tội phạm truyền thống cũng đang tận dụng sức mạnh công nghệ để mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Các tổ chức buôn ma túy đang tận dụng nền tảng darknet (mạng ẩn danh) và tiền điện tử để mua bán ma túy mà không bị phát hiện. Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), buôn bán ma túy qua darknet đã đạt tới giá trị giao dịch 1 tỷ USD trong năm qua. Dark web (Những trang mạng “tối” không thể truy cập bằng các công cụ thông thường) cũng là nơi giao dịch vũ khí bất hợp pháp, giúp các nhóm khủng bố và tội phạm có được vũ khí tiên tiến mà không bị theo dõi.

Thế giới trong  cơn bão tội phạm mới -0
Tội phạm mạng đang có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.

Nhiều tổ chức lừa đảo sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân vào các đường dây buôn người xuyên quốc gia. Theo Liên Hợp Quốc, số nạn nhân bị buôn bán qua các nền tảng trực tuyến tăng 40% trong ba năm qua. Năm 2024, Europol đã phát hiện một tổ chức buôn người sử dụng nền tảng mạng xã hội Telegram để tuyển dụng lao động từ Đông Nam Á, với những lời hứa hẹn công việc lương cao nhưng thực chất ép buộc họ làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở Campuchia. Điều đáng chú ý là những kẻ điều hành mạng lưới này lại đến từ Trung Quốc và sống ở Mỹ.

Những băng đảng tội phạm cũng dễ dàng mở rộng hoạt động và tầm ảnh hưởng nhờ công nghệ kết nối thuận lợi. Tội phạm xuyên quốc gia (Transnational Crime) với những hoạt động bao trùm từ buôn người, buôn lậu ma túy, rửa tiền ở quy mô quốc tế đủ khả năng gây bất ổn kinh tế và chính trị ở nhiều khu vực. Điển hình là mạng lưới của tổ chức Sinaloa từ Mexico có tầm ảnh hưởng toàn bộ khu vực Mỹ Latinh. Các chuyên gia của Interpol cũng cảnh báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục nổi lên những loại tội phạm mới như tội phạm không gian (có khả năng tấn công các hệ thống vệ tinh, định vị toàn cầu), tội phạm sinh học, tội phạm môi trường và cả tội phạm sử dụng vũ khí tự động để gây nguy hiểm đến cuộc sống của chúng ta.

Thế giới trong  cơn bão tội phạm mới -0
Phòng chống tội phạm công nghệ cần có những khuôn khổ pháp lý mới.

Biện pháp ứng phó

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính năm 2025, thiệt hại từ tội phạm công nghệ sẽ lên tới 10.5 nghìn tỷ USD/năm, gấp đôi GDP của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Trong khi giới tội phạm tận dụng nhanh chóng những thành quả công nghệ thì dường như các lực lượng chấp pháp chưa đạt được hiệu quả. Những công nghệ mới thường đắt đỏ và phức tạp là một trở ngại. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra một số giải pháp để tăng cường khả năng chống lại các hình thức tội phạm mới.

Đầu tiên là cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Theo Interpol, các quốc gia cần thiết lập các thỏa thuận hợp tác mới để chia sẻ thông tin nhanh chóng và đồng bộ hóa luật pháp về tội phạm mạng. Liên minh Châu Âu (EU) gần đây đã khởi động chương trình "Cyber Shield", một hệ thống chia sẻ dữ liệu về các mối đe dọa an ninh mạng giữa các nước thành viên.

Nếu tội phạm sử dụng AI để phạm tội thì chính AI có thể giúp phát hiện các công tấn công mạng trước khi chúng gây thiệt hại nghiêm trọng. Google đã phát triển các thuật toán dự đoán các cuộc tấn công dựa trên mô hình hành vi của hacker hiện được nhiều tổ chức phòng chống tội phạm sử dụng hiệu quả. Đồng thời, các quốc gia cần thống nhất luật pháp về tội phạm mạng và xử lý nghiêm khắc hơn đối với các tổ chức hoặc cá nhân hỗ trợ tội phạm để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, trong khi giới tội phạm ngày càng liên kết mạnh mẽ với nhau thì đây lại trở thành điểm yếu của các lực lượng thực thi pháp luật toàn cầu.

Thế giới trong  cơn bão tội phạm mới -0
Chia sẻ thông tin là cực kỳ quan trọng trong phòng chống tội phạm.

Rào cản hợp tác quốc tế - Vòng luẩn quẩn của niềm tin

Thống kê của Liên Hợp Quốc công bố năm 2023 cho thấy có đến 70% các quốc gia châu Phi không có luật chống tội phạm mạng. Trong khi Mỹ chi 20 tỷ USD/năm cho an ninh mạng thì nhiều nước trên thế giới chỉ dành dưới 1 triệu USD. Chênh lệch nguồn lực khủng khiếp này tạo nên “điểm thủng” của mạng lưới phòng chống và bị giới tội phạm lợi dụng. Nhưng nghiêm trọng hơn cả vấn đề nguồn lực là sự thiếu niềm tin giữa các bên.

Nhiều quốc gia e ngại việc chia sẻ thông tin tình báo về các cuộc tấn công mạng hoặc tội phạm tài chính vì sợ lộ bí mật khiến điều tra các vụ tấn công xuyên biên giới trở nên chậm trễ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố chính trị cũng trở thành một cản trở trực tiếp. Vụ tấn công bằng ransomware vào hệ thống bệnh viện ở Đức năm 2023 gây tắc nghẽn hệ thống y tế nghiêm trọng. Cơ quan an ninh Đức đã phát hiện dấu vết của một nhóm tội phạm Nga, nhưng do căng thẳng chính trị, hai nước đã không thể hợp tác điều tra hiệu quả.

Cho đến tháng 1/2025, mới có 66 quốc gia tham gia Công ước Budapest về tội phạm mạng. Khi mỗi quốc gia có quy định pháp lý khác nhau về tội phạm mạng, điều này khiến việc dẫn độ hoặc hợp tác điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn. Một số quốc gia thậm chí trở thành "thiên đường" cho tội phạm mạng vì luật pháp lỏng lẻo. Chuyên gia an ninh mạng Kevin Mandia thừa nhận :"Không có sự đồng nhất trong luật pháp quốc tế về tội phạm mạng, tội phạm có thể dễ dàng di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để tránh bị truy tố”. Giáo sư Susan Brenner đến từ Đại học Dayton thì thẳng thắn: "Không có sự thống nhất về định nghĩa tội phạm mạng, hợp tác chỉ là ảo tưởng”.

những tổ chức tội phạm ngày nguy hiểm .jpg -0
Những tổ chức tội phạm ngày càng nguy hiểm.

Tội phạm công nghệ và phiên bản "nâng cấp" của tội phạm truyền thống đang thách thức tất cả chúng ta. Để chiến thắng, thế giới cần xóa bỏ nghi kỵ, xây dựng luật chơi chung, hợp tác đa phương chặt chẽ. Tổng Thư ký LHQ, ông António Guterres từng nói: "Không ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn". Trong thời đại số hiện nay, câu nói này càng mang tính thời sự hơn bao giờ hết bởi cuộc chiến này không của riêng ai.

Tử Uyên
.
.