Thị trường “chợ đen” thuốc đặc trị COVID-19

Thứ Năm, 02/12/2021, 22:45

Đi qua giai đoạn khốc liệt nhất của dịch bệnh cùng “bảo bối” 2 liều vacicen ngừa COVID-19, có thuốc đặc trị hiệu quả cao khiến nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh tỏ ra chủ quan, lơ là. Thành phố xuất hiện trở lại nhiều ổ dịch cộng đồng, một số địa bàn “chuyển màu” cấp độ dịch. Cùng với đó, thị trường “chợ đen” rao bán thuốc đặc trị COVID-19, nhiều nhất là loại Molnupravir và Favipiravir hoạt động sôi nổi, đánh trúng tâm lý sợ hãi, lo xa của người bệnh...

Khi F0 đi tìm thuốc đặc trị

Trước tình hình gia tăng F0, nhân viên của trạm y tế xã và trạm y tế lưu động trên một số địa bàn có ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh đang căng mình làm nhiệm vụ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các bệnh viện cấp thành phố điều động lực lượng xuống hỗ trợ các trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y chi viện cho thành phố rút dần.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mô hình trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong việc theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ở thời điểm dịch căng thẳng nhất.

Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế thành phố sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của thành phố, theo cơ cấu mỗi trạm 1 bác sĩ, 1 đến 2 điều dưỡng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế.

Thị trường “chợ đen” thuốc đặc trị COVID-19 -0
Nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh tới nhà phát thuốc điều trị COVID-19 cho người dân.

Thuốc kháng virus Molnupiravir là loại thuốc sử dụng cho F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, không phải F0 nào cũng dễ dàng tiếp cận loại thuốc này vì nhiều lý do khác nhau. Vậy nên một số gia đình khi có người nhà là F0 đã nhanh chóng đặt hàng thuốc kháng virus từ kênh bán hàng bên ngoài. Bà Lê Thị Thanh H., ngụ Q.8, TP Hồ Chí Minh vừa mua được 1 hộp thuốc Molnupiravir với giá 9,8 triệu trên Facebook người quen cho chồng và con trai dùng sau khi phát hiện nhiễm COVID-19. Hộp thuốc được shipper giao tới tận nhà cho bà H. kèm theo mảnh giấy ghi liều dùng trong vòng 5 ngày. Uống đúng theo liệu trình, vừa hết thuốc thì chồng và con trai bà H. xét nghiệm âm tính nên cả gia đình quá đỗi vui mừng, tin tưởng tuyệt đối vào tác dụng của thuốc đặc trị. Sau đó, bà H. gặp ai cũng giới thiệu về loại thuốc này. Bà sẵn sàng đứng ra mua hộ với mục đích nhân đạo, không tư lợi.

Bà T. khoe, trong vòng 2 tuần, bà mua giúp được 10 hộp Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Nghe lời bà T., nhiều người dù chưa bị nhiễm COVID-19 cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua thuốc dự trữ, phòng khi dính F0 sẽ có mà dùng ngay.

Tiếp cận thuốc kháng virus ở một nhánh khác, ông Trần Trọng Đ., ngụ Q.12, TP Hồ Chí Minh đang rất vui vẻ, yên tâm vì vừa hết F0. Ông Đ. khẳng định, khi vừa phát hiện nhiễm COVID-19 ông đã dùng ngay loại thuốc này nên kết quả rất tốt, chỉ 8 ngày sau là ông về âm tính. Ông Đ. đã bỏ ra 30 triệu đồng mua 3 hộp gửi về quê Sóc Trăng cho người nhà phòng thân.

“Biết mình bị nhiễm COVID-19, tôi hoang mang và sợ hãi lắm. Mặc dù mình đã tiêm đủ 2 liều vaccine nhưng đâu dám chắc sẽ không chuyển nặng. Bạn bè khuyên phải dùng ngay thuốc kháng virus từ giai đoạn đầu thì cơ hội an toàn sẽ cao. Lúc đầu tôi cũng phân phân và có chút bất an. Tôi tìm hiểu trên mạng thấy loại thuốc Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và rất nhiều người đã dùng nên quyết định mua”, ông Đ. chia sẻ. Trước đó, khi phát hiện bị F0, ông Đ. gọi điện báo tổ trưởng, tổ trưởng báo y tế phường. Vì lo ngại quá trình y tế xuống kiểm tra mất nhiều thời gian, sợ bệnh chuyển nặng vì phải chờ quy trình cấp thuốc nên ông Đ. quyết định “đi trước một bước” bằng cách dùng ngay và luôn Molnupiravir.

Thị trường “chợ đen” thuốc đặc trị COVID-19 -0
Hướng dẫn liều dùng đi kèm hộp thuốc kháng virus Molnupiravir mua trên mạng.

Tâm lý của ông Đ. cũng chính là tình trạng khá phổ biến hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, đây cũng là lý do thị trường “chợ đen” thuốc kháng virus hoạt động sôi nổi. Từ bán công khai trên các trang mạng xã hội cho tới bán “lụi” qua hình thức mua hàng online, đều rất dễ dàng và nhanh chóng.

Trong vai F0 cần mua thuốc kháng virus, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được đầu mối bán thuốc qua số điện thoại quảng cáo đăng trên Facebook. Người bán khẳng định hai loại thuốc nhập khẩu chính gốc từ Ấn Độ và Bangladesh là Molnupravir và Favipiravir đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Liều cho một người dùng là 4,9 triệu, 2 người là 9,5 triệu trong vòng 5 ngày với thuốc Molnupravir. Còn thuốc Favipiravir thì giá thành rẻ hơn một chút nhưng đảm bảo F0 dùng loại nào cũng đều sạch virus chỉ trong một liệu trình.

Chúng tôi thắc mắc là thuốc kháng virus không phải ai cũng sử dụng được mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ và có sự giám sát chặt chẽ từ nhân viên y tế. Người bán trấn an ngay, rằng thuốc đã dùng đại trà, mang lại hiệu quả cao, chưa ai bị biến chứng nên cứ yên tâm, chỉ không dùng cho phụ nữ mang thai, còn lại dùng được hết. Chủ shop sốt sắng hỏi địa chỉ nhà riêng để gửi thuốc tới nhanh nhất cho người bệnh.

Chúng tôi tiếp tục gọi tới một shop chuyên bán thực phẩm chức năng có kèm combo điều trị COVID-19 gồm: Molnupravir, Xuyên Tâm Liên, thuốc xông Nam dược với giá chỉ từ 400.000 đồng tới 4,5 triệu đồng. Khách hàng có thể mua trọn bộ combo hoặc mua một món tùy ý. Mua riêng Molnupravir là 4 triệu, Xuyên Tâm Liên 500.000 đồng và 400.000 đồng cho gói xông Nam dược. Chủ shop không ngừng quảng bá và khoe đã bán được hàng ngàn đơn hàng, giúp cứu sống hàng trăm bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về địa chỉ nhà thuốc vì muốn kiểm tra nhãn mác bao bì cũng như giấy phép nhập khẩu thuốc như shop đã giới thiệu, chủ shop nhanh nhảu trả lời, do chấp hành quy định phòng, chống dịch nên không được phép mở cửa cũng như tụ tập đông người, shop chỉ giao hàng online mà thôi.

Thị trường “chợ đen” thuốc đặc trị COVID-19 -0
Quảng cáo bán thuốc đặc trị COVID-19 trên mạng xã hội.

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng bán thuốc “chợ đen”

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, gói thuốc C, tức thuốc kháng virus Molnupiravir được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế. Ngay từ đầu, khi phát gói thuốc C, nhân viên y tế phải giải thích rõ ràng và người sử dụng phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng thuốc. Sau đó, cơ sở y tế quản lý rất chặt danh sách người uống, theo dõi mỗi ngày khi uống thuốc có vấn đề gì hay không.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh lưu ý, các đơn vị y tế địa phương cần hết sức thận trọng khi phát túi thuốc này ra, tránh phát không đúng đối tượng sẽ tạo điều kiện để tuồn thuốc ra thị trường. Hiện, thuốc bán trên thị trường đều là hàng bị “chôm chỉa”, hoặc người được cấp nhưng không dùng mang đi bán, hoặc hàng xách tay từ nước ngoài vào.

Tuy nhiên, hàng xách tay đã bị cấm vì không được kiểm soát, do đó tất cả các loại thuốc kháng virus bán trên thị trường “chợ đen” hiện nay đều là bất hợp pháp. Thuốc chưa được cấp phép, chưa được quản lý nên thuốc giả rất dễ trà trộn, người bệnh vừa mất tiền oan vì mua thuốc giá cao, lại nguy cơ rước thêm họa nếu uống phải thuốc giả.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, ngành y tế sẽ có chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng này. Nếu ai có xét nghiệm dương tính hãy liên hệ với y tế địa phương và tổ y tế lưu động để được nhận túi thuốc. Nếu đơn vị nào chậm trễ thì người dân phản ánh cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 để có nhắc nhở và kiểm tra tại hệ thống.

Trước tình hình mua bán lậu các loại thuốc điều trị COVID-19, Công an TP Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý địa bàn, trinh sát, xác minh bắt giữ một số trường hợp đăng tin quảng cáo, rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19.

Thị trường “chợ đen” thuốc đặc trị COVID-19 -0
Hai nhân viên y tế quận Tân Bình tuồn thuốc kháng virus bán ra thị trường bị khởi tố, bắt tạm giam.

Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Công an thành phố đã phát hiện 6 vụ có liên quan, gồm: 2 vụ việc trục lợi liên quan tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19; 1 vụ mua, bán thuốc kháng virus Molnupiravir trái phép; 2 vụ việc sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo cấp giấy đi đường, tiêm vaccine, bán thuốc kháng virus và 1 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị COVID-19.

Đầu tháng 10-2021, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Thừa, 40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn và ông Huỳnh Phương Thảo, 36 tuổi, ngụ quận Tân Bình về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Thừa là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm Y tế quận Bình Tân, có nhiệm vụ tiếp nhận thuốc kháng virus Molnupiravir từ Sở Y tế thành phố để phân phối xuống trung tâm y tế 10 phường của quận. Ngày 13-9, ông Thừa nhận 1.079 hộp thuốc trên và bán cho ông Thảo (nhân viên của Trung tâm Y tế quận Tân Phú) 50 hộp với giá 2 triệu đồng/hộp.

Nhận được thuốc từ ông Thừa, ông Thảo đăng lên Facebook bán với giá từ 2,5-4 triệu đồng/hộp. Người mua thuốc từ ông Thảo tiếp tục bán cho người dân với giá từ 5,5-6 triệu đồng/hộp. Ông Thừa và ông Thảo đều biết đây là thuốc thử nghiệm, phát miễn phí cho những người bị nhiễm COVID-19 đang điều trị ở nhà nhưng vẫn móc nối tuồn ra thị trường để bán.

Ngọc Thiện
.
.