“Thiên đường” không giống như trên mạng

Thứ Tư, 12/06/2024, 07:27

Nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng xấu, thông qua mạng xã hội tuyển dụng ra nước ngoài “việc nhẹ, lương cao”, hàng chục lao động Việt đã bị đưa đến nước bạn Lào. Tại đây, phần lớn đều bị khống chế, đánh đập, đào tạo thành những hacker để quay lại lừa đảo chính người Việt, hoặc bị cưỡng ép làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục nơi xứ người.

Thiếu nữ 20 tuổi bị lừa xuất ngoại và ép bán dâm

Nguyễn Thị Ngọc Ng. (20 tuổi, trú tại xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là thiếu nữ có hoàn cảnh éo le khi bị bố mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ, không còn người thân thích nên em lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Vào khoảng đầu tháng 12/2023, Ngọc Ng. nghe theo lời rủ rê của một người bạn, đồng ý qua Lào để làm các công việc phổ thông với “thu nhập cao”. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến xứ người, Ngọc Ng. bị các đối tượng đưa thẳng đến đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (Lào) và cưỡng ép bán dâm. Đau xót hơn, khi toàn bộ số tiền bán dâm có được đều bị các đối tượng tịch thu để khấu trừ vào cái gọi là khoản chi phí đã môi giới đưa từ Việt Nam sang Lào.

“Thiên đường” không giống như trên mạng -0
Lực lượng chức năng hai nước Việt Nam - Lào trao nhận 36 nạn nhân người Việt được giải cứu tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.

Đầu tháng 6/2024, phát hiện nạn nhân mang thai hơn 6 tháng, những kẻ đang giam lỏng, khống chế em đã đuổi ra đường. Thông qua mạng xã hội, Ngọc Ng. liên hệ với một người Việt Nam đang sinh sống tại Lào nhận đưa về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn (Lào) - cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) với chi phí 35 triệu đồng. Khi đến khu vực giáp biên, các đối tượng đưa nạn nhân vào giấu trong một ngôi nhà hoang, yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển đủ tiền qua một tài khoản mà chúng cung cấp thì mới thả người. Do không có tiền, không có người thân nên thiếu nữ này đã tìm cách liên hệ với lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị nhờ giải cứu.

Đến 10h sáng ngày 8/6, sau khi xác định được vị trí giam giữ nạn nhân là một ngôi nhà hoang nằm sâu trong rừng thuộc bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Phòng Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp Công an huyện Sê Pôn nhanh chóng triển khai lực lượng tổ chức truy bắt các đối tượng giam giữ người trái phép để giải cứu nạn nhân. Sau 6 giờ đồng hồ hiệp đồng tác chiến, các đơn vị nghiệp vụ của hai nước Việt Nam - Lào đã giải cứu thành công nạn nhân, đưa về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo an toàn.

“Thiên đường” không giống như trên mạng -0
Các đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người xuyên quốc gia vừa bị bắt giữ.

Trước đó, vào ngày 6/6/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng, tổ chức giải cứu thành công 36 người Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc và Lào làm việc thông qua chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” nhưng đã nhanh chóng trở thành nạn nhân trong các đường dây mua bán người xuyên quốc gia ngay khi vừa đặt chân qua bên kia biên giới. Sự việc được phát hiện thông qua triển khai đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới cửa khẩu Cầu Treo và các địa bàn trọng điểm, do Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh chủ trì.

Nhiều người dân trên địa bàn đã gửi đơn cầu cứu về việc con em của họ bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc bằng con đường bất hợp pháp, nhưng đã bị khống chế ở xứ người, bị đào tạo thành những hacker để quay lại tấn công, lừa đảo những người Việt Nam trên không gian mạng. Một số nạn nhân khác bị đánh đập, bị bắt làm con tin để đòi tiền chuộc từ gia đình với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Bị biến thành công cụ để lừa chính người Việt

Vào cuộc điều tra, Công an Hà Tĩnh phát hiện Lê Xuân Thành (sinh năm 1989, ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chính là kẻ cầm đầu, “đầu mối” đứng ra móc nối cùng nhiều đối tượng khác, thông qua mạng xã hội, sử dụng danh nghĩa tuyển dụng lao động sang làm việc tại Thái Lan với mức lương từ 18-30 triệu đồng để tổ chức đưa người Hà Tĩnh sang Lào làm việc. Tuy nhiên, những lời đường mật trên mạng xã hội chỉ là cái bẫy được giăng sẵn, bởi khi lao động vừa đặt chân đến xứ người, lập tức bị đẩy vào các đường dây hoạt động phạm tội lừa đảo quốc tế trên không gian mạng do người Trung Quốc cầm đầu ở khu vực đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, thuộc tỉnh Bò Kẹo (Lào).

Tại đây, nạn nhân bị chúng khống chế, cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc trực tuyến. Mỗi ngày phải làm việc quần quật gần 20 giờ đồng hồ nhưng không được trả lương, thậm chí còn bị các đối tượng đánh đập, quản thúc, không cho ra ngoài. Khi nạn nhân phản ứng liền bị giam giữ, bị bắt ép gọi điện về cho người nhà ở Việt Nam để đòi tiền chuộc.

Sau một thời gian hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Cục Phòng, chống mua bán người, Bộ Công an Lào và Công an tỉnh Bò Kẹo, kế hoạch giải cứu các nạn nhân, triệt xóa đường dây mua bán người xuyên quốc gia đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh thực hiện. Theo đó, vào ngày 22/5/2024, các mũi công tác đã đồng loạt tấn công các địa điểm nghi vấn, bắt giữ các đối tượng cầm đầu đường dây và giải cứu, đưa 36 người Việt Nam từ trong đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng về nước an toàn. Ngoài Lê Xuân Thành, 3 đối tượng khác gồm Lê Anh Tuấn (sinh năm 1990, trú xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh), Dương Anh Điện (sinh năm 1986, trú phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và Lê Thanh Trầm (sinh năm 1978, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cũng đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.

“Thiên đường” không giống như trên mạng -0
Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia.

Tại Cơ quan CSĐT, các đối tượng khai nhận, từ cuối năm 2023, Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn sang Lào làm việc cho một tổ chức tội phạm người Trung Quốc tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng với nhiệm vụ thông qua mạng xã hội lừa đảo người Việt Nam đầu tư vào các app lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Để dụ dỗ các nạn nhân là người Việt Nam, Thành và Tuấn đã thông qua mạng xã hội tuyển dụng người sang Thái Lan lao động “việc nhẹ, lương cao”.

Trong thời gian từ đầu năm đến tháng 4/2024, hai đối tượng này đã lừa và đưa 22 người Hà Tĩnh qua cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đến đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng do các đối tượng Trung Quốc quản lý. Tại đây, các nạn nhân bị ép sử dụng máy tính, điện thoại để lập tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam. Các nạn nhân bị thu hết hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, bị giam lỏng, đánh đập, không trả lương nên đã liên lạc về gia đình để cầu cứu.

Cũng với phương thức, thủ đoạn dụ dỗ đưa sang Lào làm việc, sau đó bị khống chế, ngược đãi, ép buộc gọi điện về cho gia đình để đòi tiền chuộc, trong tháng 6/2023 lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp, giải cứu thành công 12 trường hợp là công dân trên địa bàn khi đang bị giam lỏng ở nước bạn Lào. Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, tình hình tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm liên quan đến các đường dây xuyên quốc gia ngày càng hoạt động tinh vi, với các thủ đoạn hết sức manh động. Nắm bắt tâm lý nhiều người trẻ cần tìm kiếm việc làm, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram..., các đối tượng đăng tải quảng cáo tuyển người làm việc tại Lào, công việc nhàn nhã nhưng thu nhập cao nên nhiều người đã cả tin, sập bẫy.

Sau khi tham gia đường dây, nạn nhân được đưa ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Thời gian đầu các nạn nhân vẫn liên lạc về gia đình bình thường, được các đối tượng bố trí nơi ăn nghỉ, việc làm và trả lương nhằm tạo niềm tin. Sau đó, nạn nhân bị khống chế, ép buộc làm việc không lương, trở thành công cụ lừa đảo chính người Việt Nam trên các trang mạng xã hội hoặc bị đánh đập, ép buộc liên hệ về gia đình yêu cầu nộp tiền để chuộc người với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Thiên đường” không giống như trên mạng -0
Gia đình nạn nhân xúc động khi người thân được giải cứu.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo người dân luôn cảnh giác khi tương tác trên các trang mạng xã hội, nhất là với lời chào tuyển nhân viên, người lao động làm việc tại Lào, Campuchia. Thận trọng khi có ý định sang Lào làm việc tại 4 đặc khu kinh tế do người nước ngoài quản lý, hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho Cơ quan công an gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thiện Thành
.
.