Thổi giá, đánh tráo thiết bị giáo dục để trục lợi ngân sách

Thứ Tư, 21/09/2022, 19:22

Ngày 12-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh (thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh) và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng gồm: Lê Viết Cường - Giám đốc Trung tâm Tài chính công Hà Tĩnh; Đinh Quốc Tấn - Tổ trưởng Tổ đấu thầu; Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc kinh doanh Công ty Hồng Hà; Phạm Viết Anh Vũ - Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh, Công ty Hồng Hà; Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Phương Anh; Nguyễn Hồng Hải - Phó giám đốc Công ty Phương Anh và Nguyễn Xuân Thiện - Công ty P&T.

Những người này được xác định là đã cấu kết hoặc can thiệp để làm sai lệch hồ sơ các gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản, gói thầu mua sắm nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học trong giai đoạn 2017 - 2020, với tổng số tiền hơn 250,5 tỷ đồng.

Nâng giá, đánh tráo thiết bị

Là một trong những nhà thầu “quen mặt” trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tháng 12-2018, trong quá trình thực hiện gói thầu mua 83 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI và 83 máy tính xách tay Acer, Công ty CP Công nghệ thông tin Lam Hồng này đã tráo đổi phụ lục để lập hồ sơ mua sắm 112 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI.

Thổi giá, đánh tráo thiết bị giáo dục để trục lợi ngân sách -0
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

Cũng doanh nghiệp này, gói thầu mua sắm 132 máy chiếu đa năng do Sở GD&ĐT tổ chức mua sắm thiếu phần mềm smart E-learning so với tài sản được thẩm định giá. Giá thiết bị đăng ký mua sắm, thẩm định giá, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hợp đồng mua sắm 1.702 máy chiếu và 3.404 phụ kiện kèm theo, 969 âm ly đa năng, 660 đài cassette nhãn hiệu Hpec cao bất thường. Đơn cử, giá nhập khẩu một máy chiếu đa năng trên thị trường dao động từ 6,8 - 8 triệu đồng; trong khi giá hợp đồng mua sắm mà đơn vị này kí kết với Sở GD&ĐT tăng vọt từ 30,4 - 34,89 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Thương mại Hồng Hà, cũng thực hiện 5 gói thầu với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trong giai đoạn này, với tổng giá trị hợp đồng hơn 77,7 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, trong hai năm 2018 - 2019, doanh nghiệp này cũng đã liên tục tráo đổi thiết bị đối với 634 bộ giải pháp giảng dạy với máy chiếu tích hợp tương tác HPEC để mua máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác NEC; tráo đổi 470 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác thông minh HPEC thành máy chiếu đa năng tích hợp tương tác NEC.

Trước đó, vào năm 2017, Sở GD&ĐT đăng ký mua sắm 60 máy chiếu đa năng HPEC nhưng thực tế Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh lập hồ sơ để mua sắm 60 máy chiếu đa năng NEC. Giá thiết bị và hợp đồng mua sắm 1.164 máy chiếu hãng NEC và 2.328 phụ kiện kèm theo cao bất thường so với giá nhập khẩu (giá nhập khẩu một máy chiếu đa năng từ 8 triệu đến 9,2 triệu đồng, trong khi hợp đồng mua sắm được định giá một chiếc máy chiếu từ 30,45 triệu đến 35 triệu đồng).

Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Phương Anh với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc liên danh, trúng 3 gói thầu cung cấp thiết bị đồ chơi ngoài trời với tổng giá trị gần 66 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này cũng đã thi công không đúng với hồ sơ trúng thầu.

Cụ thể, tất cả 350 bộ cầu thang của bộ cầu trượt liên hoàn do đơn vị này thi công, lắp đặt không đúng thiết kế (thiết kế vật liệu nhựa PE nhưng thực tế thi công bằng thép). Toàn bộ nhà banh, cầu trượt 2 gói thầu trong các năm 2017 và 2018 thi công không đảm bảo quy cách. Công tác thi công, lắp đặt thuộc đối tượng chịu thuế GTGT vãng lai nhưng không kê khai nộp theo quy định; một số thiết bị xuống cấp, hư hỏng cần bảo dưỡng, thay thế để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Thổi giá, đánh tráo thiết bị giáo dục để trục lợi ngân sách -0
Nhóm đối tượng liên quan đến các gói thầu giáo dục tại Hà Tĩnh vừa bị bắt giữ.

Chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan Công an

Ngoài việc các nhà thầu vi phạm trong việc đấu thầu, cung cấp thiết bị, Sở GD&ĐT cũng được cho là đã mua nhiều thiết bị lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu thực tế dẫn đến không phát huy được hiệu quả. Có thể kể đến như lô thiết bị đài cassette phục vụ dạy ngoại ngữ, sau thời gian ngắn đã lạc hậu không còn sử dụng. Hay như phần mềm Trí Việt E-Leanning, do chưa khảo sát kỹ trình độ CNTT của giáo viên dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sử dụng. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chỉ đăng ký mua sắm thiết bị máy chiếu của 2 hãng sản xuất ít có giao dịch thương mại trên thị trường và không đồng bộ với thiết bị do các cơ sở giáo dục tự mua sắm.

Quá trình thực hiện, công tác thẩm định giá tài sản còn hạn chế, thẩm định giá một số tài sản cao bất thường so với giá nhập khẩu. Một số gói thầu có hiện tượng các thành viên liên danh bán hàng hóa cho nhau qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị lên cao. Đơn cử, giá hợp đồng máy chiếu tương tác đa năng hãng Hpec cao hơn 3,89 đến 4,71 lần giá nhập khẩu và cao hơn 2,17 đến 2,48 lần giá bán ra của nhà phân phối; Máy chiếu đa năng hãng NEC cao hơn 3,47 đến 4,38 lần giá nhập khẩu và cao hơn 1,74 đến 2,19 lần giá bán ra của nhà phân phối.

Thổi giá, đánh tráo thiết bị giáo dục để trục lợi ngân sách -0
Toàn bộ 350 bộ cầu thang trượt do Công ty Phương Anh lắp đặt đều không đúng thiết kế.

Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra hàng loạt bất thường trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, công tác thẩm định giá tài sản còn thiếu sót, giá gói thầu có giá cao bất thường so với giá nhập khẩu và giá bán của nhà phân phối, gây thất thoát ngân sách Nhà nước; đưa vào hồ sơ mời thầu một số nội dung không phù hợp, không nhất quán làm hạn chế một số nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu tham gia đấu thầu. Có hiện tượng các thành viên liên danh thực hiện không đúng khối lượng đã phân chia theo thỏa thuận được nêu trong hồ sơ trúng thầu. Thực chất là lách luật để tạo năng lực tham gia đấu thầu nhưng khi thực hiện chỉ một thành viên thực hiện khối lượng công việc.

Thay đổi model hàng hóa so với thỏa thuận khung và hợp đồng mua nhưng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định; thiếu cơ chế tiếp nhận thông tin giữa chủ đầu tư, đơn vị cung cấp thiết bị, đơn vị sử dụng tài sản trong việc bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm dẫn đến một số thiết bị đồ chơi ngoài trời ở một số trường mầm non hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn khi sử dụng; phần mềm hỗ trợ giảng dạy chưa được cài đặt, cấp quyền cho giáo viên sử dụng nhưng không được phát hiện, khắc phục. Một số gói thầu có hiện tượng các thành viên liên danh trúng thầu ký hợp đồng mua bán hàng hóa cho nhau qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị, hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng.

Trước những sai phạm nghiêm trọng nói trên, ngoài việc thu hồi lại tiền từ các đơn vị có dấu hiệu sai phạm, tại Kết luận thanh tra số 320/KL-UBND ngày 13-9-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho Sở GD&ĐT, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh và các tổ chức có liên quan, nghiêm túc kiểm điểm có hình thức xử lý phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân xẩy ra sai phạm. Đồng thời, giao Thanh tra tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ tài liệu, vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về thẩm định giá sang Công an tỉnh xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Thổi giá, đánh tráo thiết bị giáo dục để trục lợi ngân sách -0

Ngày 30-8-2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 5998/VPCP-KGVX gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc ngày 16-8-2021, Bộ Công an có văn bản báo cáo về một số vi phạm nổi lên trong đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các đơn vị nói trên, rà soát và chấn chỉnh; đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các gói thầu thuộc diện quản lý của địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định.

Thiên Thành
.
.