“Thủ thuật” lợi dụng chính sách, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Nhà Thủ Đức

Thứ Năm, 24/11/2022, 12:15

Lợi dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo thuộc cấp thành lập “liên minh” các công ty ma, nhằm tạm nhập tái xuất linh kiện điện tử thông qua những hợp đồng khống, sau đó làm thủ tục để được hoàn thuế. Cùng một phương thức, hành vi phạm tội của nhóm bị can diễn ra trong thời gian dài, rộng khắp ở nhiều địa phương.

Lập công ty “ma” ở nước ngoài, ký hợp đồng xuất-nhập khống

Công ty Nhà Thủ Đức (Thuduc House) là công ty chuyên đầu tư địa ốc và các lĩnh vực tài chính, xăng dầu... Tính đến tháng 8/2020, công ty có vốn điều lệ hơn 1.126 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 67 tỉ đồng.

“Thủ thuật” lợi dụng chính sách, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Nhà Thủ Đức -0
Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Công ty Nhà Thủ Đức).

Năm 2016 khi Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử nên tính thuế suất bằng 0%, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo Nguyễn Thiên Phú trực tiếp liên hệ với Nguyễn Văn Lành (là các bị can đã bị khởi tố) móc nối với các đối tượng tại Công ty Nhà Thủ Đức để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 Công ty nước ngoài gồm: Avi; Fze; Lam; Wzh; Meas Channy; Abutech; Akchalax… tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và UAE... Hàng hóa nhóm này dùng để mua bán xuất - nhập giữa các công ty là Chip, Ram, SD Card, Mini PC...  đều là hàng giả, hàng nhái, đã qua sử dụng nhưng được nâng khống giá trị rất cao.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhân viên chuẩn bị sẵn một số linh kiện điện tử (ram, chip, DVD Rom, tranh gỗ...) là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp, sử dụng các công ty nêu trên lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Và ngược lại, xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế GTGT thông qua Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong, Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt Nam. Riêng linh kiện điện tử xuất khẩu qua Campuchia sẽ được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi xe khách.

Trong thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Công ty Nhà Thủ Đức đã nhận gần 159 triệu USD (tương đương 3.676 tỉ đồng) từ 8 công ty nước ngoài do Dũng và đồng phạm điều hành.     Cơ quan điều tra xác định, toàn bộ việc mua bán hàng trong nước, xuất khẩu đều do Lành sắp xếp, Công ty Nhà Thủ Đức chỉ ký thủ tục. Ngoài ra, Công ty Nhà Thủ Đức cũng không liên hệ với bất cứ đối tác nào phía nước ngoài để giao dịch, thỏa thuận thực hiện hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, mà chỉ lập hồ sơ xuất khẩu: hợp đồng ngoại, invoice, packing list, tờ khai xuất khẩu...

“Thủ thuật” lợi dụng chính sách, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Nhà Thủ Đức -0
Bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Lợi dụng chính sách, chiếm đoạt trên 365 tỉ đồng tiền thuế

Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo các đối tượng Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú... thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty "ma". Trong đó có các Công ty: Vùng đất Máy tính, Vạn Tùng Nguyên, Nguyên Tùng, Việt Hưng Khánh, Phúc Thiên Tân, Alex Vina, BTC Việt Nam, Goodluck, Hiếu Bảo và Royal Power…  

Theo đó, để hợp thức đầu vào, Công ty Nhà Thủ Đức đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với Công ty TNHH Thương mại Bình Thạnh 2 hợp đồng và Công ty Thuduc House Wood Trading  (con ty con của Công ty Nhà Thủ Đức) 332 hợp đồng tổng giá trị trên 4.023 tỉ đồng. Trong đó, tiền hàng 3.657 tỉ đồng, tiền thuế GTGT 10% là 365 tỉ đồng. 

Để chiếm đoạt được tiền thuế của Nhà nước, Trịnh Tiến Dũng thông qua Nguyễn Văn Lành để thỏa thuận với nhóm đối tượng tại Công ty Nhà Thủ Đức. Khi đại diện Công ty Nhà Thủ Đức ký xong hợp đồng với các công ty nước ngoài, công ty nước ngoài chuyển tiền cho Công ty Nhà Thủ Đức, công ty này bỏ ra 10% giá trị lô hàng trước, ký hợp đồng và chuyển tiền cho các công ty của Nguyễn Văn Lành làm giám đốc.

Khi tiền hàng và 10% tiền thuế GTGT được chuyển về tài khoản của các công ty "ma", Dũng chỉ đạo các đối tượng là nhân viên, người quen, lao động tự do rút tiền, chuyển tiền, nộp tiền... Sau đó, làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT. Để các công ty "ma" được hoạt động, nhóm đối tượng đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ Chi cục Thuế quận 1, quận 3 và quận 5 để các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

“Thủ thuật” lợi dụng chính sách, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Nhà Thủ Đức -0
“Thủ thuật” lợi dụng chính sách, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Nhà Thủ Đức -0
Trụ sở Công ty Thuduc House.

Cán bộ thuế tiếp tay

Từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, Công ty Nhà Thủ Đức lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị hoàn thuế GTGT 365 tỉ đồng. Tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hoàn thuế này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 17 Quyết định hoàn thuế GTGT cho Công ty Nhà Thủ Đức.

Trong khi Công ty Nhà Thủ Đức không phải là đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vì không có hàng xuất khẩu (giao dịch xuất khẩu là giả tạo), không đáp ứng các điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu của Công ty Nhà Thủ Đức ký với phía nước ngoài là xác lập giao dịch xuất khẩu cách giả tạo. Tuy nhiên, Công ty Nhà Thủ Đức đã sử dụng chứng cứ, tài liệu không hợp pháp như hợp đồng xuất khẩu xác lập xuất khẩu cách giả tạo để xác định sai số tiền thuế được hoàn.

Quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Công ty Nhà Thủ Đức, một số cán bộ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuế, quy trình, quy định trong việc xét duyệt, thẩm định về việc hoàn thuế GTGT. Từ đó dẫn đến việc không phân tích, đánh giá, đối chiếu số liệu, chứng từ, điều kiện, thủ tục đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra liên quan đến số thuế đề nghị hoàn trong các bộ hồ sơ hoàn thuế; không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ; không tổ chức thực hiện thanh, kiểm tra kịp thời để phát hiện sai phạm, ngăn chặn dẫn đến việc hoàn thuế không đúng đối tượng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 365 tỉ đồng.

Riêng bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, bị cáo buộc biết rõ hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House có rủi ro và đã giao cho cấp dưới kiểm tra. Tuy nhiên, bà Hạnh không chờ kết quả kiểm tra mà vẫn duyệt ký các quyết định hoàn thuế của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, Công ty Nhà Thủ Đức có số hoàn thuế tăng đột biến, doanh nghiệp bên mua và bán có quan hệ liên kết. Bởi thế, theo quy định toàn bộ hồ sơ hoàn thuế phải thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Tuy nhiên Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn thực hiện "hoàn thuế trước khi kiểm tra".

Tại các văn bản đề xuất thẩm định hồ sơ đề nghị hoàn thuế, chính lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá mức độ rủi ro và kiến nghị kiểm tra. Tuy nhiên nhóm bị can là cán bộ Cục Thuế vẫn tiếp tục ký hồ sơ đề xuất cho Công ty Nhà Thủ Đức được hoàn thuế. Đến giai đoạn thanh tra sau hoàn thuế, khi được phòng chuyên môn báo cáo về dấu hiệu rủi ro, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã "chậm trễ trong tổ chức thực hiện". Từ đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thuế GTGT cho Công ty Nhà Thủ Đức.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cũng cáo buộc Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng) đã móc nối, đưa hối lộ khoảng 11 tỷ đồng cho cán bộ Chi cục Thuế quận 1, quận 3 và quận 5 để các công ty "ma" hoạt động và bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Các cán bộ thuế nhận tiền của Ngát và hứa hẹn, khi phát hiện việc kê khai thuế của các công ty này có dấu hiệu gian lận thuế, có nguy cơ bị đưa vào diện thanh tra, kiểm tra hoặc trong trường hợp chuẩn bị thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo kế hoạch cấp trên, sẽ thông báo cho Ngát biết để Ngát làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty đi nơi khác.

Do Trịnh Tiến Dũng bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế Interpol, ra quyết định tách vụ án hình sự buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra khỏi vụ án, tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được bị can Trịnh Tiến Dũng sẽ phục hồi điều tra. Sai phạm tại 1 số cục thuế tại nhiều địa phương, sẽ được mở rộng, điều tra làm rõ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra ở Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan khác. Theo đó, có 60 bị can bị đề nghị truy tố về 9 tội danh: Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Trong số 60 bị can, có 17 người là lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh như: bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Thuduc House); Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Phó tổng giám đốc Thuduc House)…

Kim Sa
.
.