Tiền ảo với vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia
Người ta đã nói rất nhiều về những ảnh hưởng của tiền ảo đối với môi trường an ninh hiện nay. Với tiền ảo, việc chuyển tiền xuyên biên giới trở nên khó giám sát và danh tính thực của những người tham gia hầu như không thể biết được. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho các hoạt động tài chính của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, mạng lưới khủng bố, quân du kích nổi dậy và các lực lượng ly khai.
Bitcoin đã trở thành đồng tiền chủ yếu của các thị trường bất hợp pháp phát triển mạnh ở những góc tối tăm nhất trong thế giới ngầm kỹ thuật số. Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có những ảnh hưởng thế nào đến an ninh và sức mạnh quốc gia trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế ngày càng phức tạp như hôm nay.
Tiền ảo (tiền kỹ thuật số) là gì?
Việc tạo ra Bitcoin (BTC), loại tiền kỹ thuật số đầu tiên là một bước đột biến lớn nhất trong lịch sử phát triển của tiền tệ. Loại tiền điện tử này được sinh ra sau cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh các chính sách tiền tệ được áp dụng tỏ ra không hợp lý, khi mà các hệ thống tài chính phương Tây ngày càng tỏ ra độc đoán, vòng xoáy nợ ngày càng sâu, độ tin cậy của đồng đô la Mỹ với tư cách là một loại tiền dự trữ bị nghi ngờ và sự bành trướng thị trường của các ngân hàng lớn trở nên không thể kiểm soát nổi.
Các tiền đề cho phép Bitcoin ra đời đó là: sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống thanh toán điện tử, sự phổ cập các tiến bộ kỹ thuật số và các đề xuất lý thuyết nhằm hình thành loại tiền ảo có thể được sử dụng nhằm thực hiện các giao dịch ẩn danh. Phát minh ra Bitcoin là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều tin rằng đó chỉ là một nickname được sử dụng bởi một cá nhân hoặc nhóm người muốn ẩn danh bởi những lý do chưa xác định .
Điểm độc đáo của Bitcoin là nó sở hữu một cấu trúc quản lý phi trạng thái và phi tập trung. Trên thực tế, điều này có nghĩa là môi trường BTC – bao gồm một mạng lưới tài chính tích hợp – không bị kiểm soát bởi bất cứ bộ máy quản lý phân cấp hoặc các trung tâm đầu não nào. Thay vào đó, hành vi của hệ sinh thái hữu cơ này sẽ đáp ứng với thẩm quyền của thuật toán lập trình.
Do đó, không giống như các loại tiền pháp định (do các chính phủ hoặc các tổ chức do chính phủ ủy nhiệm phát hành) không ai chịu trách nhiệm về Bitcoin. Như những người ủng hộ tiền ảo đã tuyên bố, thay vào việc tin tưởng lẫn nhau và tin vào đồng tiền do các ngân hàng trung ương phát hành như trước đây, giá trị và uy tín của tiền ảo được bảo đảm bằng một độ chính xác toán học phi cá nhân giống như chuyển động tự động của một chiếc đồng hồ tinh xảo.
Các đặc tính kỹ thuật của Bitcoin cũng rất đáng chú ý. Quyền truy cập vào các giao diện (ví điện tử) được bảo vệ bằng các khóa mật mã và bộ máy công nghệ của nó là hệ thống kế toán tự động được gọi là “chuỗi khối” (blockchain), được xác định như là một trong những động lực chính của “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.
Chuỗi khối là một bản ghi hệ thống kỹ thuật số tập thể, độc lập, được cập nhật định kỳ theo cách làm sao cho nó không thể thay đổi được. Hơn nữa, do không có đầu mối quản lý tập trung, mọi giao tiếp trong cộng đồng Bitcoin được thực hiện theo giao thức ngang hàng. Ngoài ra, mặc dù không cung cấp tính năng ẩn danh hoàn toàn, nhưng BTC tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ẩn danh.
Một đặc điểm khác là quá trình “đúc tiền Bitcoin mới” không liên quan đến việc in tiền hợp pháp hoặc các khoản dự trữ tiền ở Ngân hàng trung ương như trước đây. Việc “đào Bitcoin” bao gồm một chuỗi các phép toán cần thực hiện để giải các câu đố ngày càng phức tạp, bước cần thiết để xác thực tập thể các giao dịch (“bằng chứng công việc”). Sau khi phương trình được giải bởi những máy tính kết nối với mạng Bitcoin, người chiến thắng sẽ được thưởng bằng những đồng Bitcoin mới.
Khai thác tiền điện tử vì vậy đòi hỏi những phần cứng hiện đại với khả năng tính toán mạnh mẽ và nguồn điện dồi dào. Hậu quả là ngành công nghiệp số đang phát triển mạnh này đòi hỏi nhiều công nghệ và năng lượng. Như một số nhà quan sát đã lưu ý, độ khó nhân tạo của quy trình “đào Bitcoin” đã bắt chước nỗ lực vất vả cần thiết để chiết xuất các kim loại quý như vàng và bạc, cả hai đều đóng vai trò là thứ tiền tệ phổ biến trong nhiều thế kỷ do sự hiếm có trong tự nhiên, giá trị nội tại, vẻ đẹp thẩm mỹ và uy tín danh tiếng của chúng. Đó là lý do giải thích vì sao người ta đã nói rằng BTC là hiện thân của một loại “kim loại kỹ thuật số”.
Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới công nghệ và học thuật về giá trị thực của “tiền điện tử”. Một số nhà phân tích cho rằng không giống như tiền pháp định, Bitcoin không có giá trị nội tại.Theo những người này, Bitcoin hoạt động giống như một hoạt động đầu cơ ảo mà giá trị của nó được xác định bởi hành vi của các xung lực thị trường và những kỳ vọng đi kèm để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Ngược lại, những người khác lại tin rằng Bitcoin được định giá bởi những chi phí cần thiết để đảm bảo sự vận hành và mức tiêu thụ năng lượng cao, chi phí đầu tư cho phần cứng như máy chủ, cơ sở hạ tầng Internet, mạng chuyên dụng, máy tính, chip, card đồ họa, mạng điện, công sức, thời gian và tiền bạc đã bỏ ra v.v.
Điểm cuối cùng, trong “vũ trụ Bitcoin” này cư dân của nó rất đa dạng. Những người dùng đầu tiên là những người đam mê công nghệ, các nhà hoạt động theo chủ nghĩa tự do, những người bất đồng chính kiến, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những người khởi nghiệp, những kẻ đầu cơ, học giả, chuyên gia về tiền điện tử và những tin tặc. Tuy nhiên, giờ đây việc lưu thông BTC không còn là một “hiện tượng bên lề” chỉ giới hạn trong một vài ngóc ngách ít người biết.
Thị trường tiền kỹ thuật số hiện nay đã mở rộng đáng kể và đã thu hút sự chú ý và tham gia tích cực của các công ty nặng ký, các nền tảng kỹ thuật số tiêu dùng, ngân hàng đầu tư, công ty tài chính truyền thống, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, nhà đầu tư bình thường và thậm chí cả những công chúng tò mò thích khám phá. Để dễ so sánh, chúng ta cần biết rằng vốn hóa thị trường của Bitcoin hiện nay đã cao hơn GDP của các quốc gia trung bình như Chile, Bồ Đào Nha và New Zealand.
Ảnh hưởng của tiền kỹ thuật số với an ninh quốc gia
Sự tồn tại của những loại tiền điện tử phi nhà nước như Bitcoin đặt ra câu hỏi về về chủ quyền quốc gia: sự độc quyền của các quốc gia với tư cách là nhà phát hành đồng tiền hợp pháp duy nhất trong phạm vi lãnh thổ của họ. Hơn thế nữa chính sách tiền tệ luôn là một công cụ mạnh mà các quốc gia luôn sử dụng để chỉ đạo hoạt động của nền kinh tế, tác động đến trao đổi kinh tế quốc tế và quản lý chi tiêu của chính phủ.
Vì thế sự xuất hiện và lưu hành các loại tiền điện tử phi chính thức và phi tập trung cạnh tranh với các loại tiền tệ thông thường do các ngân hàng trung ương phát hành có thể gây nguy hiểm cho chính sách an ninh tiền tệ của quốc gia. Hơn thế nữa, không giống như các loại tiền tệ mạnh, cho đến nay BTC không hề được hỗ trợ bởi bất kỳ cường quốc lớn hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, có những cơ hội tiềm năng để các quốc gia tận dụng Bitcoin như một công cụ quan trọng nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia mà họ đã được xác định. Bitcoin đại diện chất xúc tác cho sự phát triển của các khả năng tình báo tài chính (FININT) tốt hơn. Cụ thể, việc hiểu rõ hơn về môi trường hoạt động của BTC sẽ cải thiện khả năng của các cơ quan tình báo và cơ quan thực thi pháp luật trong việc theo dõi các giao dịch bằng tiền điện tử và khám phá danh tính thực của những người dùng.
Việc nâng cấp này sẽ làm tăng sức mạnh cưỡng chế của các quốc gia trong việc phá vỡ các kênh tài chính thay thế do đối phương sử dụng, bao gồm cả các chủ thể phi nhà nước và các quốc gia thù địch được coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Một quá trình hành động như vậy, trong thực tế đã được các quan chức cấp cao của CIA ủng hộ.
Mặt khác, các quốc gia cũng có thể thu được lợi nhuận trong thế giới tiền điện tử như BTC bằng cách khuyến khích khai thác Bitcoin và các dạng tiền kỹ thuật số như một hoạt động sản xuất trên quy mô lớn. Hoạt động này có thể mang lại của cải, nâng cao tính năng động của nền kinh tế và hỗ trợ phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công hay không đòi hỏi một chính sách công nghiệp có hệ thống và một quy mô kinh tế tương xứng, cũng như lợi thế so sánh liên quan đến sự dồi dào của nguồn cung cấp điện giá cả phải chăng và khả năng tiếp cận và sở hữu các thiết bị tinh vi.
Giống như bất kỳ phát minh nào khác, trong tương lai, tiền kỹ thuật số sẽ đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu, được sử dụng như một đòn bẩy để tạo ra ảnh hưởng /hoặc thao túng trong hoạt động quản lý nhà nước. Và như vậy, nó hứa hẹn mang lại những lợi ích chiến lược, ngoại giao, kinh tế và công nghệ đáng lưu tâm.
Tuy nhiên, giống như một con dao hai lưỡi, Bitcoin cũng có thể gây bất lợi cho sức mạnh quốc gia trong một số trường hợp nhất định. Nghịch lý của BTC là ở chỗ nó vừa có thể là một kho vũ khí hoàn hảo cho những người thông minh và sáng suốt nhưng cũng rất dễ trở thành một con đường nguy hiểm dẫn đến sự sụp đổ cho những kẻ bất cẩn.